giải quyết vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa
Luận điểm cơ bản của Mác - Ăngghen về giải quyết vấn đề sở hữu tư liệu sản xuất trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa là: xóa bỏ chế độ tư hữu, xác lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, cho nên thủ tiêu chế độ tư hữu là một cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội, do đó: “Những người cộng sản hoàn toàn đúng khi đề ra việc thủ tiêu chế độ tư hữu thành yêu cầu chủ yếu của mình” và “Những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành thành một luận điểm duy nhất này là: xóa bỏ chế độ tư hữu” [28, tr.447, 616].
Trong “Bản thảo kinh tế - triết học” năm 1844, C.Mác đã đề cập đến những quan niệm khác nhau của một số trào lưu tư tưởng cộng sản chủ nghĩa trước đây về vấn đề xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân. Trên quan điểm khách quan khoa học, ông đã xem xét sự diệt vong của chế độ tư hữu do tính tất yếu lịch sử của nó và vì thế, ông đã phê phán gay gắt “chủ nghĩa cộng sản thô lỗ” khi họ chủ trương xóa bỏ tư hữu bằng chủ nghĩa bình quân. Theo C.Mác: với chủ nghĩa bình quân, “chủ nghĩa cộng sản thô lỗ” chỉ là “hình thức biểu hiện của sự ty tiện” của chế độ tư hữu. “Người ta thấy rõ điều đó chính là sự phủ định một cách trừu tượng toàn bộ thế giới văn hóa và văn minh”. Bằng cách đó, “con người không những không vượt lên trên trình độ của chế độ tư hữu mà còn chưa đạt tới chế độ đó” [26, tr.126 - 127].
Khuyết tật lớn nhất của chế độ tư hữu đối với con người, theo cách lập luận của C.Mác, là nó đã làm tha hóa con người. “Chế độ tư hữu đã làm cho chúng ta ngu xuẩn và phiến diện đến nỗi một đối tượng nào đó chỉ là của chúng ta khi nào chúng ta chiếm hữu nó, nghĩa là khi nó tồn tại đối với chúng ta như là tư bản hoặc khi chúng ta trực tiếp chiếm hữu nó, ăn nó, uống
nó, mặc vào ta hay cư trú ở trong đó v.v.. nói tóm lại khi chúng ta tiêu dùng nó”. Do vậy, “xóa bỏ một cách tích cực chế độ tư hữu…là sự xóa bỏ một cách tích cực sự tha hóa”. Đó là sứ mệnh lịch sử của chủ nghĩa cộng sản mới - chủ nghĩa cộng sản với tính cách là “chủ nghĩa tự nhiên hoàn bị”, “chủ nghĩa nhân đạo hoàn bị” [26, tr.128-129, tr.134-135].
Không chỉ dừng lại ở việc đưa ra mục đích, nhiệm vụ của chủ nghĩa cộng sản là xóa bỏ chế độ tư hữu, C.Mác còn vạch ra con đường, cách thức để hiện thực hóa lý tưởng ấy. C.Mác viết: “Muốn xóa bỏ tư tưởng về chế độ tư hữu, thì tư tưởng về chủ nghĩa cộng sản là hoàn toàn đủ rồi. Còn muốn xóa bỏ chế độ tư hữu trong hiện thực thực tế thì đòi hỏi phải có hành động cộng sản chủ nghĩa, hiện thực” [26, tr.159].
Chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa, cũng như tất cả các chế độ sở hữu trước đó, chỉ là “những quan hệ lịch sử, mang tính nhất thời của quá trình phát triển của sản xuất, chứ không phải là những quy luật vĩnh cửu của tự nhiên và của lý trí ” [29, tr.619]. Việc xóa bỏ, thủ tiêu chế độ tư bản chủ nghĩa là một tất yếu khách quan, một kết quả đương nhiên trong quá trình phát triển của lịch sử loài người. Trong tác phẩm “Tư bản” C.Mác khẳng định:
Sự độc quyền của tư bản trở thành những xiềng xích ràng buộc cái phương thức sản xuất đã thịnh vượng lên cùng với độc quyền đó và dưới độc quyền đó. Sự tập trung tư liệu sản xuất và xã hội hóa lao động đạt tới cái điểm mà chúng không còn thích hợp với cái vỏ tư bản của chúng nữa [29, tr.317-318].
Khi đó, chính giai cấp tư sản chứ không phải là ai khác, với chế độ sở hữu của mình, ngoài ý muốn chủ quan của giai cấp đó, đã không những “rèn những vũ khí sẽ giết mình”, mà còn “tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy” -đó là những công nhân hiện đại, giai cấp vô sản.
Sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản là thực hiện cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa, thiết lập chế độ công hữu cộng sản chủ nghĩa. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ, giai cấp vô sản sẽ thực hiện sứ
mệnh lịch sử của mình như thế nào, đặc biệt là trong vấn đề giải quyết vấn đề sở hữu - một trong những nội dung cơ bản của cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa.
C.Mác nhấn mạnh rằng, giải quyết vấn đề sở hữu phải nhằm mục đích tạo điều kiện để giai cấp vô sản giành lấy toàn bộ lực lượng sản xuất, xóa bỏ sự tách rời người lao động khỏi những điều kiện lao động, thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển mạnh mẽ hơn nữa, bảo đảm cung cấp đầy đủ các sản phẩm thỏa mãn nhu cầu về vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.
C.Mác cũng chỉ ra rằng, quá trình xóa bỏ chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa không phải là quá trình phủ định sạch trơn sở hữu, mà là quá trình xóa bỏ sự đối lập gay gắt giữa hai cực Tư bản và Lao động. Đối với tư bản, đó là quá trình chuyển biến tính chất xã hội của sở hữu, xóa bỏ tính chất tư sản của sở hữu, xóa bỏ quyền dùng chiếm hữu để nô dịch người khác. Đối với lao động, đó là quá trình xóa bỏ tính chất bi thảm của phương thức chiếm hữu tư bản chủ nghĩa, “cái phương thức khiến cho người công nhân chỉ sống để làm tăng thêm tư bản, và chỉ sống trong chừng mực mà những lợi ích của giai cấp thống trị đòi hỏi” [29, tr.617].
C.Mác khẳng định, giải quyết vấn đề sở hữu trong quá trình xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa bao hàm hai mặt: xóa bỏ chế độ sở hữu tư bản chủ nghĩa và xây dựng chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa là một quá trình lâu dài, phải dựa trên những điều kiện hiện thực và là kết quả của hoạt động hiện thực.
Bước đầu tiên là, giai cấp vô sản phải làm “nổ tung tất cả cái thượng tầng kiến trúc bao gồm những tầng lớp cấu thành xã hội quan phương”, giành lấy dân chủ, giành lấy chính quyền, trở thành giai cấp nắm quyền tối cao. Sau đó, với công cụ chính quyền nhà nước trong tay, giai cấp vô sản sẽ “từng bước một” thực hiện quá trình thay đổi tính chất của sở hữu, chuyển sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa sang công hữu xã hội chủ nghĩa.
Nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành sự chuyển biến sở hữu “từng bước một”, C.Mác và Ph.Ăngghen đã đề cập đến những điều kiện vật chất khách quan đảm bảo cho sự chuyển biến này. C.Mác viết:
Không một hình thái xã hội nào diệt vong trước khi tất cả những lực lượng sản xuất mà hình thái xã hội đó tạo địa bàn cho phát triển, vẫn chưa phát triển, và những quan hệ sản xuất mới cao hơn cũng không bao giờ xuất hiện trước những điều kiện vật chất của những quan hệ đó chưa chín muồi trong lòng bản thân xã hội cũ [31, tr.15-16].
Điều kiện vật chất đó chính là sự phát triển của công nghiệp, hay nói khác đi, đó là sự phát triển của lực lượng sản xuất xã hội. Đúng như Ph.Ăngghen đã chỉ ra: “Thủ tiêu chế độ tư hữu là cách nói vắn tắt nhất và tổng quát nhất về việc cải tạo toàn bộ chế độ xã hội. Việc cải tạo này là kết quả tất yếu của sự phát triển của công nghiệp” [29, tr.467].