- Nguyên nhân của những sai lầm:
2.2.1. Đa dạng hóa các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất
Nhận thức được nguyên nhân sâu xa sự trì trệ của nền kinh tế nước ta, trong đó có những vấn đề quan hệ sản xuất, nên ngay từ những năm cuối thập niên 70, đầu thập niên 80, Đảng ta đã có những chủ trương nhằm thay đổi từng bước nội dung quan hệ sản xuất. Nhưng những giải pháp ban đầu mới chỉ tác động vào quan hệ tổ chức, quản lý, quan hệ phân phối mà chưa có tác động vào quan hệ sở hữu.
Đại hội Đảng lần thứ VI đã khẳng định những thành tựu đã đạt được trong những năm trước, đồng thời chỉ rõ: Mười năm qua chúng ta đã phạm nhiều sai lầm trong việc xác định mục tiêu và bước đi về xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, cải tạo xã hội chủ nghĩa và quản lý kinh tế. Quá nóng vội cải tạo, muốn xóa bỏ ngay các thành phần kinh tế phi xã hội chủ nghĩa, muốn tổ chức ngay các hợp tác xã quy mô lớn, không tính đến khả năng trang bị kỹ thuật, trình độ quản lý và năng lực cán bộ, thường nhấn mạnh việc thay đổi quan hệ sở hữu về tư liệu sản xuất mà không coi trọng việc giải quyết các vấn đề tổ chức quản lý và chế độ phân phối. Cách làm thường theo kiểu chiến dịch, gò ép, chạy theo số lượng, coi nhẹ chất lượng và hiệu quả. Trong nhận thức cũng như hành động, chưa thật sự thừa nhận cơ cấu kinh tế nhiều thành phần ở nước ta còn tồn tại trong một thời gian tương đối dài, chưa nắm vững
và vận dụng đúng quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất.
Từ việc nhận định đó, ở Đại hội VI Đảng ta chủ trương:
- Xây dựng quan hệ sản xuất là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong suốt thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và bao gồm cả ba mặt: xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, chế độ quản lý và chế độ phân phối.
- Nền kinh tế nước ta có cơ cấu kinh tế nhiều thành phần và tồn tại trong một thời gian tương đối dài là đặc trưng của thời kỳ quá độ.
- Mỗi thành phần kinh tế đều dựa trên một loại hình sở hữu nhất định. Do đó, trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, phải thực hiện đa sở hữu.
- Sửa đổi, bổ sung những chính sách về ruộng đất để quản lý, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất.
Thực hiện chủ trương đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ hai, lần thứ ba, lần thứ sáu (khóa VI) đã cụ thể hóa những điểm sau đây:
- Một là, chính sách kinh tế nhiều thành phần có ý nghĩa chiến lược lâu dài, có tính quy luật từ sản xuất nhỏ đi lên chủ nghĩa xã hội và thể hiện tinh thần dân chủ về kinh tế, đảm bảo cho mọi người được tự do làm ăn theo pháp luật.
- Hai là, các hình thức sở hữu về tư liệu sản xuất có bản chất riêng nhưng trong hoạt động sản xuất kinh doanh không ngăn cách nhau mà có nhiều loại hình hỗn hợp đan kết với nhau.
Trong nền kinh tế quốc dân thống nhất do Nhà nước hướng dẫn, kiểm soát và điều tiết với kinh tế quốc doanh nắm những vị trí then chốt, các đơn vị kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế vừa hợp tác với nhau, vừa bổ sung cho nhau, vừa cạnh tranh với nhau trên cơ sở bình đẳng trước pháp luật. Cần xóa bỏ những định kiến, phân biệt đối xử không đúng và các hình thức độc quyền kìm hãm xu thế ấy…
- Ba là, kinh tế quốc doanh phải được củng cố và phát triển nắm vững vị trí then chốt trong nền kinh tế, phát huy ưu thế về kỹ thuật, công nghệ, không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, chủ động liên kết và
dẫn dắt các thành phần kinh tế khác để thực hiện tốt vai trò chủ đạo, bảo đảm cho sự phát triển ổn định và có hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Một số cơ sở kinh tế quốc doanh có thể dùng hình thức vốn cổ phần, chuyển thành xí nghiệp tư bản nhà nước để có thêm điều kiện mở rộng sản xuất kinh doanh và nâng cao hiệu quả kinh tế…, các xí nghiệp mà thua lỗ kéo dài thì Nhà nước đấu thầu tài sản của xí nghiệp đó cho các tổ chức kinh tế quốc doanh khác, hoặc cho tập thể, cá nhân thuê hoặc mua…
- Bốn là, kinh tế hợp tác có nhiều hình thức từ thấp đến cao. Hộ gia đình xã viên trở thành những đơn vị kinh tế tự chủ…
- Năm là, trong điều kiện của nước ta, các hình thức tư nhân (cá thể, tiểu chủ, tư bản tư nhân) vẫn cần thiết lâu dài cho nền kinh tế và nằm trong cơ cấu của nền kinh tế hàng hóa đi lên chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết cũng nêu rõ kinh tế tư nhân được kinh doanh không hạn chế về quy mô, địa bàn hoạt động trong những ngành nghề sản xuất, xây dựng, vận tải, dịch vụ mà pháp luật không cấm. Tư bản thương nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cho phép.
Từ tư duy kinh tế mới đó, sau Đại hội VI, chúng ta đã rà soát lại những bất hợp lý về quan hệ sở hữu trong mọi lĩnh vực kinh tế, tiến hành sửa đổi với tinh thần cách mạng sâu sắc. Những chuyển biến thực sự về mặt quan hệ sở hữu lúc này được thể hiện tập trung ở mấy điểm như sau:
Thứ nhất, trong nông nghiệp, kiên quyết khắc phục hiện tượng gò ép nông dân vào hợp tác xã và tập đoàn sản xuất, đưa hợp tác xã lên quy mô lớn; tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất khi chưa có đủ điều kiện; áp dụng máy móc những hình thức tổ chức và quản lý giống nhau vào những vùng có điều kiện giống nhau; thiếu chính sách khuyến khích kinh tế gia đình; chưa có chính sách sử dụng đúng đắn kinh tế tư nhân; duy trì quá lâu cơ chế tập trung quan liêu bao cấp và chế độ phân phối bình quân.
Ngày 5 tháng 4 năm 1988, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã họp để đánh giá tình hình và ra Nghị quyết về “đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp”
(gọi tắt là Nghị quyết 10). Trong Nghị quyết này, Bộ Chính trị đã đưa ra những quan điểm mới: Hợp tác xã là đơn vị kinh tế tự chủ, tự quản; hộ gia đình xã viên là đơn vị nhận khoán với hợp tác xã (thực chất là hộ xã viên nhận quyền sử dụng đất đai để sản xuất có hiệu quả hơn).
Sau gần 1 năm thực hiện Nghị quyết 10, sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân đã có những chuyển biến rõ rệt. Hộ gia đình xã viên đã trở thành đơn vị kinh tế tự chủ - một đơn vị kinh tế cơ bản ở nông thôn. Ngoài việc nhận khoán, sử dụng ruộng đất lâu dài của Nhà nước, các hộ gia đình tự mua sắm nông cụ và trâu bò để canh tác. Quyền sở hữu các tư liệu sản xuất của các hộ được xác lập để sử dụng vào việc thực hiện các hợp đồng khác với hợp tác xã. Nếu hợp tác xã không được củng cố thì hộ xã viên trở thành hộ nông dân kinh doanh độc lập.
Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị đã tiến một bước dài trong tư duy lý luận: tôn trọng nền kinh tế nhiều thành phần trong nông nghiệp, đánh giá đúng vai trò, vị trí của kinh tế hộ gia đình, các loại hình sở hữu khác trong nông nghiệp. Thực chất của khoán 10 là thực hiện đa dạng hóa sở hữu trong nông nghiệp, thực hiện tổ chức kinh doanh mới với nhiều hình thức sở hữu đan xen vào nhau: sở hữu nhà nước, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân gắn kết với nhau trong sản xuất nông nghiệp.
Thực hiện Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị, ở nông thôn đã diễn ra quá trình phân rã mô hình hợp tác xã tập thể kiểu cũ và ra đời hộ tự chủ trong hợp tác xã và hộ tư nhân với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần. Việc làm này đã khắc phục được tình trạng khủng hoảng trong nông nghiệp nên đã được sự đồng tình của các ngành, các cấp, đáp ứng trúng tâm lý, nguyện vọng của đông đảo nông dân, tạo điều kiện cho nông dân có quyền chủ động tối đa trong sản xuất kinh doanh, vì vậy đã khơi dậy một khí thế mới, cổ vũ hàng triệu hộ nông dân bỏ vốn, bỏ sức ra để phát triển lực lượng sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra sự phát triển đột biến về sản xuất lương thực: Năm 1987 cả nước mới chỉ đạt 17,5 triệu tấn lương thực quy thóc, thì năm 1988 đạt 19,58 triệu tấn và đến năm 1989 đạt 20,5 triệu tấn. Đã có 6 tỉnh đạt sản lượng
trên 1 triệu tấn. Từ một quốc gia thiếu đói lương thực triền miên, đến cuối thập kỷ 80 nước ta đã vươn lên hàng các nước xuất khẩu gạo trên thế giới. Liên tục từ năm 1989 đến 1992, bình quân mỗi năm nước ta xuất khẩu trên 1,4 triệu tấn gạo, trong đó năm 1992 xuất 1,95 triệu tấn gạo, 100.000 tấn ngô, sắn.
Trong quá trình đổi mới sở hữu nông nghiệp, do kết hợp được vốn đầu tư của Nhà nước với việc huy động vốn nhàn rỗi trong các hộ dân, gắn sản xuất của kinh tế quốc doanh - tập thể - hộ nông dân với thị trường tiêu thụ ở trong nước và thị trường quốc tế…, tiềm năng nông nghiệp trên một số vùng đã bước đầu được phát huy một cách hiệu quả: Vùng lúa ở tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười, vùng nuôi tôm ở tây nam Hậu Giang, Minh Hải, vùng dâu tằm tơ ở Lâm Đồng, vùng chè ở miền núi phía Bắc, vùng mía đường ở Lam Sơn - Thanh Hóa, vùng nguyên liệu giấy trên các vùng đất trống, đồi núi trọc…, các trang trại vừa và nhỏ ở Yên Bái, Tuyên Quang, Hà Giang, Bình Dương, Bắc Giang, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Vĩnh Phúc, Hưng Yên…đang phát triển. Các vùng kinh tế đang định hình và có xu thế phát triển theo chiều rộng, thâm canh theo chiều sâu.
Việc khẳng định dứt khoát phải phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, trao quyền tự chủ cho hộ nông dân, đã tạo ra một phong trào nông dân tận dụng đất đai, phát triển vườn nhà, vườn đồi, vườn rừng, nuôi các loại thủy sản và các loại chim thú cho giá trị kinh tế cao. Xu thế xây dựng, phát triển kinh tế nông trại với nhiều hình thức, quy mô, cấp độ khác nhau đang xuất hiện rầm rộ, rộng khắp trên cả nước.
Từ thực tiễn sản xuất đã nảy sinh những nhân tố mới: ở nhiều nơi, các hộ nông dân bắt đầu tự nguyện góp vốn, góp sức xây dựng các đơn vị kinh tế hợp tác mới theo đúng nghĩa của tự nguyện, tự chủ, hình thức rất đa dạng và phong phú như hợp tác cung ứng dịch vụ kỹ thuật, cung ứng vật tư sản xuất, hợp tác mở mang thủ công nghiệp, ngành nghề, hợp tác cung ứng vốn, hợp tác chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm…
Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII họp vào tháng 6 năm 1996 đặc biệt coi trọng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông
nghiệp và nông thôn. Chính sách kinh tế nhiều thành phần vẫn được thực hiện nhất quán và lâu dài. Đại hội VIII đã xác định chủ trương chính sách lớn đối với các thành phần kinh tế. Tiếp tục đổi mới và phát triển có hiệu quả kinh tế nhà nước để làm tốt vai trò chủ đạo trong nền kinh tế. Phát triển kinh tế hợp tác (mà nòng cốt là hợp tác xã) với nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, từ tổ nhóm hợp tác xã đến các hợp tác xã; tuân thủ nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi, quản lý dân chủ.
Kinh tế tư bản nhà nước có vai trò quan trọng, bao gồm các hình thức hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản tư nhân trong nước và hợp tác liên doanh giữa kinh tế nhà nước với tư bản nước ngoài.
Giúp đỡ kinh tế cá thể, tiểu chủ giải quyết khó khăn, hướng dẫn từng bước đi vào hợp tác một cách tự nguyện, hoặc làm vệ tinh cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc các hợp tác xã. Khuyến khích tư bản tư nhân đầu tư vào sản xuất, yên tâm làm ăn lâu dài. Thực hiện nhất quán, lâu dài chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần. Quan điểm đó tiếp tục được khẳng định và phát triển ở các kỳ Đại hội Đảng IX và Đại hội Đảng X.
Trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và dịch vụ, quá trình đa dạng hóa sở hữu cũng diễn ra hết sức phức tạp và phong phú.
Từ những năm 80 đã bắt đầu có sự kết hợp giữa quyền sở hữu và quyền sử dụng cũng như sự thống nhất giữa nội dung kinh tế và nội dung pháp lý trong quan hệ sở hữu bằng các Quyết định 25/CP và 26/CP của Hội đồng Bộ trưởng, nhưng mãi đến cuối những năm 80 mới có những chuyển biến quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi về chất trong việc thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu. Sự chuyển đổi này thể hiện ở chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, trong đó có cổ phần một bộ phận doanh nghiệp nhà nước trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp, xây dựng; những năm gần đây đã tiến hành cổ phần hóa một số đơn vị kinh tế của nhà nước trong các ngành dịch vụ như giáo dục đại học, ngân hàng thương mại, bưu chính viễn thông, vận tải,v.v.. Thực chất của việc làm này là thực hiện đa dạng hóa sở hữu, chuyển từ sở hữu thuần túy của Nhà nước
sang sở hữu đa chủ thể trong các đơn vị kinh tế để đáp ứng yêu cầu phát triển của lực lượng sản xuất. Thực tiễn đã chứng minh chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự tôn trọng quy luật phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất. Ứng với mỗi giai đoạn phát triển của lực lượng sản xuất, chúng ta đã phần nào kịp thời xây dựng những quan hệ sản xuất phù hợp, nhờ vậy mà nhiều tiềm năng được giải phóng, sức sản xuất phát triển.