Thứ nhất, trong quá trình tiến hành hợp tác hóa nông nghiệp, chuyển từ sở hữu cá thể sang sở hữu tập thể, Đảng ta đã có những chủ trương nóng vội, trong chỉ đạo đã vi phạm nguyên tắc tự nguyện, nhiều nơi gò ép nông dân vào hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, chủ quan đưa hợp tác xã lên quy mô lớn, tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất của người nông dân trong khi chưa có đủ điều kiện, áp dụng máy móc những hình thức tổ chức sản xuất và quản lý giống nhau vào các vùng và các hợp tác xã, tập đoàn sản xuất có điều kiện hoàn cảnh khác nhau.
Thứ hai, do chủ quan nóng vội, muốn mau chóng đi lên chủ nghĩa xã hội, muốn rút ngắn thời kỳ quá độ, cho rằng, tập thể hóa càng nhiều thì chủ nghĩa xã hội càng lớn nên trong quá trình chỉ đạo thưc hiện đã triển khai chủ trương tập thể hóa ồ ạt, mang tính phong trào, chỉ chạy theo số lượng, mở rộng quy mô mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng và hiệu quả khi chuyển đổi sở hữu tư liệu sản xuất. Do vậy, sự biến đổi hình thức sở hữu trong nông nghiệp giai đoạn này chỉ đơn thuần là đẩy mạnh sở hữu tập thể mà chủ yếu là nâng quy mô hợp tác xã từ bậc thấp đến bậc cao mà không quan tâm đúng mức đến việc thực hiện lợi ích kinh tế của xã viên từ tài sản thuộc sở hữu tập thể.
Những sai lầm đó trong quá trình vận dụng lý luận về sở hữu tư liệu sản xuất đã dẫn tới hậu quả: Không phát huy được tính ưu việt của hiệp tác lao động trên cơ sở tập trung tư liệu sản xuất, và do đó làm tha hóa hình thức sở hữu tập thể. Tài sản của Nhà nước và tài sản của tâp thể trở nên vô chủ,
lãng phí, xã viên hợp tác xã không có động lực lao động, thờ ơ với công việc của hợp tác xã, cho nên hiệu quả sử dụng các tài sản công cộng rất thấp.