tập thể
Sau khi được giải phóng, nhân dân miền Bắc bắt tay ngay vào khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh, tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất. Trong 3 năm 1955 -1957, nông thôn miền Bắc đã diễn ra những chuyển động kinh tế - xã hội to lớn do sự triển khai đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, trong đó có sự đổi mới quan hệ sở hữu trong nông nghiệp. Cuộc cải cách ruộng đất tuy có phạm sai lầm nhưng cách mạng về quan hệ sở hữu ruộng đất đã tước quyền chiếm hữu ruộng đất của địa chủ, chuyển quyền sở hữu ruộng đất từ đại chủ sang người nông dân. Thắng lợi của cải cách ruộng đất là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước ta, thực hiện mơ ước nghìn đời của người nông dân là “người cày có ruộng”, giải phóng người nông dân thoát khỏi sự kìm hãm của quan hệ sở hữu phong kiến, đưa người nông dân lao động từ thân phận lệ thuộc vào địa chủ lên vị trí người nông nhân tự do - làm chủ sức lao động và tư liệu sản xuất của mình.
Nông dân có ruộng và chính sách đúng đắn của Nhà nước trong thời kỳ khôi phục kinh tế đã tạo điều kiện tối đa cho các hộ gia đình, các chủ sở hữu thực thi các hoạt động của mình, do đó đáp ứng đúng nguyện vọng, quyền lợi
của nông dân và trở thành các giải pháp mở đường cho lực lượng sản xuất trong nông nghiệp phát triển.
Bước vào thời kỳ cải tạo, với quan niệm sản xuất nhỏ đang “hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản” nên từ cuối 1958 trở đi kinh tế hộ đã không được khuyến khích phát triển.
Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 14 (khoá II) tháng 11 năm 1958 nêu rõ: “Đẩy mạnh cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm trước mắt là đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của nông dân, thợ thủ công”.
Trong giai đoạn này, cải tạo xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp được coi là khâu trọng tâm vì nông nghiệp chiếm bộ phận rất quan trọng, nông dân lao động là một lực lượng sản xuất rất to lớn. Để biến người nông dân cá thể thành người nông dân tập thể, Đảng ta chủ trương đưa nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp, kết hợp cải tạo quan hệ sản xuất với cải tiến kỹ thuật và giáo dục tư tưởng.
Vận dụng kế hoạch hợp tác hóa của Lênin, Đảng ta đề ra 3 nguyên tắc xây dựng hợp tác xã là: tự nguyện, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Xuất phát từ điều kiện của nền kinh tế lạc hậu, nông nghiệp chủ yếu là lúa nước, công nghiệp nhỏ bé chưa đáp ứng được nhu cầu trang bị máy móc hiện đại cho nông nghiệp, Đảng ta chủ trương: hợp tác hóa đi trước cơ giới hóa, đi đôi với thủy lợi hóa và cải tiến kỹ thuật. Khi triển khai phong trào hợp tác hoá nông nghiệp, Đảng ta chủ trương thận trọng, tiến hành từng bước, từ thấp đến cao; từ tổ đổi công lên hợp tác xã sản xuất bậc thấp, từ và hợp tác xã sản xuất bậc bậc thấp đến bậc cao; từ hợp tác xã nông nghiệp quy mô nhỏ đến hợp tác xã nông nghiệp quy mô lớn. Nhưng trên thực tế đã triển khai ồ ạt theo kiểu chiến dịch để biến tư hữu của những người sản xuất nhỏ thành sở hữu tập thể trong nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải và thương nghiệp. Các tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể quần chúng hăng hái, nỗ lực vận động, giáo dục, thuyết phục quần chúng. Còn quần chúng phần lớn tin theo Đảng, tự nguyện
gia nhập hợp tác xã, nhưng cũng có những bộ phận gia nhập hợp tác xã một cách miễn cưỡng vì sợ ảnh hưởng chính trị. Kết quả là:
Do tiến hành hợp tác hoá ồ ạt như vậy, nên từ đầu năm 1958 đến cuối năm 1960, cả miền Bắc đã căn bản hoàn thành hợp tác hóa bậc thấp với 41.400 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp được xây dựng, với 4,2 triệu hộ tham gia, chiếm 85,8% tổng số hộ và 76% diện tích đất canh tác. Có 3.643 hợp tác xã bậc cao, chiếm 10% số hợp tác xã. Có 10% số hợp tác xã có quy mô trên 100 hộ, một số nơi đã xây dựng hợp tác xã toàn xã. Ở các vùng biển, cuối năm 1960: 78% lao động nghề cá, 75% thuyền ngư lưới cụ cũng được đi vào làm ăn tập thể. Cùng thời điểm này, đã có 212 hợp tác xã mua bán với 1,8 triệu xã viên, 4.690 hợp tác xã tín dụng thu hút hơn 2 triệu xã viên tham gia [45, tr.9].
Nghị quyết của ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ V (khoá III, tháng 7 năm 1961) đã nhận định:
Chúng ta đã căn bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp bậc thấp, tạo ra sự biến đổi lớn lao trên miền Bắc, chế độ người bóc lột người bị xoá bỏ, lao động tập thể thay cho lối làm ăn cá thể, sản xuất nông nghiệp đi vào kế hoạch. Các hợp tác xã bước đầu phát triển tính ưu việt của nó. Đời sống nhân dân, nhất là bần nông, trung nông lớp dưới đã được cải thiện một bước. Những biến đổi lớn lao đó làm cho nền kinh tế quốc dân miền Bắc trở thành thuần nhất gồm hai hình thức sở hữu chủ yếu là sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể [45, tr.9-10]. Tuy vậy, trên thực tế, mô hình kinh tế hợp tác xã đã sớm bộc lộ những yếu kém của nó trong quá trình tổ chức sản xuất và quản lý. Để khắc phục những vấp váp, yếu kém của phong trào hợp tác hoá, chúng ta đã tiến hành cải tiến quản lý vòng 1, vòng 2, vòng 3 trong hợp tác xã và vận động phong trào “3 xây, 3 chống” trong nông trường quốc doanh. Trong quá trình cải tiến quản lý, hình thức tổ chức quản lý lao động và phân phối ở hợp tác xã đã có những thay đổi nhất định: Từ chỗ thanh toán theo ngày công, đến xếp bậc công việc, xác định tiêu chuẩn tính công, xác định chi phí sản xuất cho các
ngành nghề, sau đó bắt đầu hình thành chế độ ba khoán (khoán chi phí sản xuất, khoán công điểm, khoán sản lượng). Với sự ra đời chế độ ba khoán, hợp tác xã trở thành đơn vị quản lý thống nhất, trong đó đội sản xuất là đơn vị nhận khoán. Quy mô các hợp tác xã ngày càng mở rộng, số hợp tác xã quy mô liên thôn, quy mô xã ngày càng nhiều.
Lúc này, mức độ tập thể hoá tư liệu sản xuất được coi là tiêu chí hàng đầu để đánh giá tính chất xã hội chủ nghĩa của các đơn vị sản xuất. Hợp tác xã bậc thấp, mức độ tập thể hóa chưa cao, chỉ tập thể hóa các tư liệu sản xuất về mặt hiện vật, việc phân phối còn căn cứ vào hoa lợi ruộng đất và giá trị tài sản mà xã viên đóng góp được coi là nửa xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xã bậc cao, tập thể hóa triệt để tư liệu sản xuất (cả hiện vật và giá trị), phân phối chỉ căn cứ vào ngày công lao động của xã viên nên được coi là hoàn toàn xã hội chủ nghĩa.
Hội nghị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII (khoá III) bàn về kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm (1961 - 1965) đã thông qua Nghị quyết: giành thêm 5% đất cho chăn nuôi, đưa mức đầu tư cho nông nghiệp lên 21% (so với tổng vốn đầu tư), tập trung chủ yếu vào cơ giới hóa, thuỷ lợi hóa nhằm tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật cho nông nghiệp, bước đầu cơ giới hóa cho nông nghiệp.
Song, sự đầu tư nói trên đã không đem lại kết quả như mong muốn, hợp tác xã vẫn tiếp tục trì trệ và yếu kém trên tất cả các mặt. Thực trạng mở rộng quy mô và đưa các hợp tác xã lên bậc cao để tăng quan hệ sở hữu tập thể lúc bấy giờ nổi lên một số hiện tượng đáng chú ý: Thời kỳ 1961 - 1965, diện tích canh tác tăng lên được 20 vạn ha nhưng năng suất lại giảm chỉ còn 17 - 18 tạ/ha (năm 1959 là 22,43 tạ/ha), điều đó cho thấy quy mô càng lớn thì hiệu quả càng sút kém, chăn nuôi tập thể bị thua lỗ, tài sản cố định sử dụng một cách lãng phí. Không những thế chi phí sản xuất tăng từ 85đ/ha (1961) lên 140đ/ha (1965), chi phí lao động tăng gấp rưỡi. Mức bình quân lương thực cho xã viên giảm từ 24 kg/tháng (1961) xuống chỉ còn 14 kg/tháng (1965), giá trị ngày công chỉ còn 0,5đ/công [13, tr.16-17].
Năm 1972, giá trị tài sản cố định của hợp tác xã thất thoát tới 35,4%, quỹ tích lũy khấu hao tính khống 40,7%, có hợp tác xã giá trị ngày công chỉ còn vài lạng thóc. Mức lương bình quân đầu người giảm từ 14kg/người/tháng năm 1965 xuống còn 10,4 kg năm 1980.
Kết quả là xã viên hợp tác xã chán nản, ruộng đất bỏ hoang hóa, số lượng người xin ra khỏi hợp tác xã ngày càng tăng (cuối năm 1973, toàn miền Bắc có 1.098 hợp tác xã tan vỡ hoàn toàn, 27.036 hộ xã viên xin ra khỏi hợp tác xã).
Do sản xuất sút kém, đời sống nông dân gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Nhà nước phải không ngừng tăng trợ cấp “chở gạo ngược về cung cấp cho nông dân”. Tình trạng này đã làm cho khối lượng nhập khẩu tăng liên tục qua các năm. (Năm 1966, nhập 388,1 ngàn tấn, đến năm 1975 đã tăng lên1.055 ngàn tấn). Tuy nhiên do điều kiện đất nước đang có chiến tranh, toàn dân phải dốc sức phục vụ mọi chu cầu cho chiến đấu để giành chiến thắng, do vậy thời kỳ này các khuyết tật của các hợp tác xã chưa bộc lộ gay gắt.
Từ 1976 đến 1980 là thời kỳ tiếp tục củng cố hợp tác xã ở miền Bắc và thực hiện mô hình hợp tác xã ở miền Nam với mong muốn thúc đẩy nhanh quá trình cải tạo xã hội chủ nghĩa trên phạm vi cả nước cùng đi lên chủ nghĩa xã hội.
Ở miền Bắc, thực hiện chủ trương của Đảng về tổ chức lại sản xuất trên địa bàn huyện, đưa nông nghiệp lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, trong những năm 1976 - 1980, các hợp tác xã nông nghiệp miền Bắc tiếp tục mở rộng quy mô, tổ chức lại theo hướng tập trung, chuyên môn hóa, cơ giới hóa.
Năm 1979, toàn miền Bắc có 4.154 hợp tác xã quy mô toàn xã. Một số nơi đã hợp nhất 2 - 3 hợp tác xã thành một hợp tác xã với quy mô trên 1000 ha. Năm 1980, quy mô của nhiều đội sản xuất tương đương với quy mô của hợp tác xã năm 1958. Trong các hợp tác xã đều hình thành các đội chuyên, thu hút phần lớn lực lượng lao động trẻ khỏe, làm việc theo chế độ khoán việc, vừa chịu sự điều hành của ban quản trị hợp tác xã, vừa chịu sự điều động của huyện. Các đội cơ bản phần lớn là lao động nữ hoặc già yếu, làm
việc theo chế độ khoán rất chặt, thu nhập rất thấp. Giai đoạn này, tập thể hóa nông nghiệp được đẩy đến trình độ cao nhất và ngày càng bộc lộ rõ những nhược điểm của nó. Tình trạng mất mát, hư hao tài sản cố định và tiền vốn trong hợp tác xã trở nên phổ biến. Hàng năm, ở đồng bằng và trung du miền Bắc có khoảng 2,4 đến 8,7 vạn ha ruộng đất bị bỏ hoang. Bộ máy quản lý hợp tác xã cồng kềnh, phình ra quá lớn, ngày càng xa rời thực tiễn sản xuất. Hợp tác xã nông nghiệp có quy mô càng lớn, càng chuyên môn hóa thì sản xuất lại càng kém hiệu quả. Mặc dù nhà nước tăng đầu tư cho nông nghiệp nhưng sản xuất nông nghiệp lại giảm. Mô hình hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lâm vào tình trạng khủng hoảng nặng nề. Sản xuất không đủ tiêu dùng, thu nhập và đời sống của xã viên hợp tác xã bấp bênh và giảm sút, trên 70% số hợp tác xã nông nghiệp thuộc loại trung bình và yếu kém, nhiều hợp tác xã nằm trong tình trạng tan rã, nông dân bỏ ruộng đồng, không thiết tha gắn bó với hợp tác xã. Trước tình hình đó, ở một số địa phương, có hợp tác xã đã phải khoán “chui” đến hộ gia đình dưới các hình thức khác nhau.
Do có sự khủng hoảng của mô hình tập thể hóa nông nghiệp trong giai đoạn này nên tháng 1 - 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị 100 về khoán sản phẩm cuối cùng đến nhóm và người lao động.
Ở miền Nam, sau ngày giải phóng, quan hệ sở hữu ruộng đất đã biến đổi sâu sắc, đại bộ phận ruộng đất đã về tay nông dân; quan hệ sản xuất phong kiến đã không còn là trở lực lớn trên con đường phát triển kinh tế ở miền Nam.
Công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở miền Nam được tiến hành, cơ bản theo mô hình tập thể hóa như đã thực hiện ở miền Bắc thời kỳ trước. Trong những năm 1975 - 1976, ở miền Nam có các cuộc vận động lớn nông dân tham gia vào các hình thức kinh tế tập thể như tổ nông dân đoàn kết sản xuất, tổ vần công, tổ đổi công, tổ hợp máy nông nghiệp, tập đoàn sản xuất.
Sau khi có sự chuẩn bị, đến cuối năm 1977, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 15 (08 - 1977) và các Chỉ thị số 28, 29 (12 - 1977) quyết định xây dựng các hợp tác xã thí điểm, quy định các chính sách tập thể hóa. Tiếp theo
đó đến năm 1978, Bộ Chính trị lại ra Chỉ thị số 43 (04 - 1978) về đẩy mạnh cải tạo nông nghiệp miền Nam và coi đó là công tác trung tâm thường xuyên.
Thực hiện các chủ trương đó, vào cuối những năm 70, đầu những năm 80, công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp ở các tỉnh Nam Trung bộ đã cơ bản hoàn thành việc đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể dưới hai hình thức chủ yếu là tập đoàn sản xuất và hợp tác xã (với gần 1.200 hợp tác xã và 775 tập đoàn sản xuất, chiếm 91,6% số hộ nông dân).
Còn ở các tỉnh Nam Bộ, đến cuối năm 1979, công cuộc hợp tác hóa bắt đầu bước sang thời kỳ mới, chủ yếu là hình thành các tập đoàn sản xuất. Nhưng vì làm ồ ạt và chưa có sự chuẩn bị tốt, nhất là việc điều chỉnh ruộng đất chưa được giải quyết hợp lý và do có thiên tai nên có trên 4000 tập đoàn sản xuất gặp khó khăn và dần dần bị tan rã. Để uốn nắn những lệch lạc đó, Ban Bí thư đã ra Chỉ thị số 93 (06 - 1980) nhấn mạnh tinh thần tiếp tục cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp Nam Bộ. Đến cuối năm 1985, các tỉnh Nam Bộ đã xây dựng được 363 hợp tác xã và 36.220 tập đoàn sản xuất, thu hút 74% số hộ nông dân vào làm ăn tập thể.
Đối với tiểu thương, Đảng ta chủ trương “Tổ chức lại thương nghiệp nhỏ, chuyển phần lớn tiểu thương sang sản xuất. Đối với số còn được phép kinh doanh, phải tăng cường quản lý bằng những chính sách và biện pháp thích hợp” [3, tr.53-54]. Năm 1975, Nhà nước tiến hành đổi tiền, đồng thời kiểm kê vật tư, hàng hóa trong các cửa hàng của hơn 55 nghìn hộ tiểu thương, trưng thu hàng tồn kho của gần 32 nghìn hộ giao cho thương nghiệp quốc doanh quản lý. Đến cuối năm 1978, có khoảng 9 vạn người buôn bán nhỏ được chuyển sang sản xuất và 15.000 người được sử dụng trong ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa, sắp xếp và tổ chức lại kinh doanh theo ngành hàng ở các chợ trọng điểm của thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh.
Nhìn lại chặng đường 30 năm thực hiện công cuộc hợp tác hóa nông nghiệp, chuyển từ sở hữu cá thể của người nông dân thành sở hữu tập thể ở nước ta, có thể rút ra những đánh giá tổng quát như sau: