- Nguyên nhân của những sai lầm:
3.4. XÂY DỰNG CHẾ ĐỘ PHÂN PHỐI BẢO ĐẢM HÀI HOÀ CÁC LỢI ÍCH: LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG, LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP, LỢ
ÍCH: LỢI ÍCH CỦA NGƯỜI LAO ĐỘNG, LỢI ÍCH CỦA DOANH NGHIỆP, LỢI ÍCH CỦA NHÀ NƯỚC ĐỂ BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN SỞ HỮU CÔNG CỘNG
Phân phối là một mắt khâu quan trọng trong quá trình tái sản xuất, nó có thể tác động làm cho sản xuất phát triển hoặc kìm hãm sự phát triển. Chế độ phân phối phải dựa trên quan điểm bảo đảm hài hòa quan hệ lợi ích của người lao động, của doanh nghiệp và Nhà nước, bảo đảm mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng. Đây được coi là cơ sở bền vững cho sự phát triển của sở hữu công cộng. Để thực hiện được mục tiêu trên, trong những năm tới cần hoàn thiện từng bước cơ chế chính sách phân phối đảm bảo công bằng xã hội theo các hướng chủ yếu sau:
Một là, tiền lương phải đảm bảo tái sản xuất sức lao động trong các đơn vị kinh tế dựa trên chế độ công hữu về tư liệu sản xuất.
Hai là, trích lập và sử dụng hợp lý quỹ tiền thưởng và phúc lợi doanh nghiệp. Nhà nước thực hiện quản lý chặt chẽ việc trích lập từ lợi nhuận vào quỹ phúc lợi cũng như quỹ tiền thưởng theo hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ba là, đảm bảo công bằng trong việc phân phối lợi nhuận cho cá nhân và cho nhà nước theo vốn đóng góp vào sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Kể từ khi áp dụng hình thức phân phối theo vốn của cá nhân đưa vào sản xuất kinh doanh ở doanh nghiệp nhà nước, nhiều mặt tích cực đã được khẳng định. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn không ít những bất cập nảy sinh. Vì vậy, trong những năm tới cần tập trung thực hiện một số giải pháp sau:
Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích và tạo điều kiện cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước được mua cổ phần khi doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần. Tuy nhiên việc xác định người lao động như thế nào được coi là nghèo và được đưa vào diện cấp cổ phần, cũng như số lượng cổ phần nên cấp là bao nhiêu, cần phải được xem xét để bảo đảm công bằng, tránh tình trạng người có mức thu nhập không coi là nghèo nhưng thực sự rất khó khăn ở gia đình thì không được hưởng ưu đãi. Trong điều kiện thực tế hiện nay, để bảo đảm chính xác khi thực hiện chính sách ưu đãi đối với người nghèo, một mặt, thực hiện thông tư số 03/1999 TT-LĐTBXH sửa đổi tiêu chuẩn nghèo mua cổ phần ở doanh nghiệp quy định phải có thu nhập bình quân bằng và thấp dưới 1/3 lương bình quân trong năm do Bộ Lao động Thương binh xã hội công bố. Mặt khác, cần căn cứ vào mức thu nhập thức tế của mỗi thành viên và điều kiện hoàn cảnh gia đình người lao động.
Trong điều kiện nước ta hiện nay, để đảm bảo công bằng khi thực hiện chính sách tạo điều kiện cho người lao động trong các công ty cổ phần có vốn cổ phần, ngoài các yêu cầu trên cần thực hiện các biện pháp:
- Cho phép ban lãnh đạo công ty được mua cổ phần ưu đãi theo tiêu chuẩn như mọi người lao động khác, tương xứng với công lao của họ, không nên giới hạn bằng hình thức bình quân cổ phiếu ưu đãi của các cổ đông, để khuyến khích tính tích cực trong quá trình cổ phần hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của công ty.
- Nâng tỷ lệ giá trị cổ phần được mua chịu của người lao động ở những doanh nghiệp có vốn nhà nước quá thấp để thu hẹp chênh lệch về thu nhập từ lợi tức cổ phần của người lao động giữa các doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước thấp, nguồn vốn tự bổ sung lớn, nhà nước có thể cho phép các doanh nghiệp đó trích 50% vốn tự bổ sung để bán cổ phần ưu đãi cho người lao động.
- Việc bán cổ phần ưu đãi cho người lao động trong các doanh nghiệp nhà nước khi chuyển sang công ty cổ phần chỉ được thực hiện lần đầu khi doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa. Những cổ phần bán ưu đãi trả dần không phải trả lãi theo kỳ hạn sẽ không được phép bán lại nhằm tránh việc lợi dụng những ưu đãi của chính sách cổ phần hóa để hưởng chênh lệch giá chứ không có ý định trở thành cổ đông lâu dài của doanh nghiệp.
+ Cần phân biệt cổ phiếu ghi tên (đối với cổ phần nhà nước và cổ phần của các cổ đông sáng lập) được ứng cử, bầu sử vào Hội đồng quản trị và chuyển nhượng có điều kiện, còn cổ phiếu không gi tên được chuyển nhượng tự do trong thị trường vốn nhưng không có quyền ứng cử, bầu cử vào Hội đồng quản trị nhằm hạn chế việc đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, thao túng việc quản lý doanh nghiệp.
+ Giải pháp về phân chia cổ tức:
Thứ nhất, phân chia cổ tức cần theo hướng vừa khuyến khích được người lao động góp vốn, vừa dành nhiều lợi nhuận để đầu tư vào phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế thị trường, lợi tức cổ phần cho các cổ đông chủ yếu phụ thuộc vào hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, các doanh nghiệp nhà nước tiến hành cổ phần hóa trong khi thị trường chứng khoán mới hình thành nên cổ phần phát hành đều theo mệnh giá. Các doanh nghiệp đang cổ phần hóa phần lớn lại dành nhiều lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức và chỉ dành số ít cho quỹ đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp. Vì thế nhà nước cần có các chính sách thuế ưu đãi khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường tích lũy mở rộng sản xuất tạo thêm việc làm. Việc chia lợi tức quá cao so với lãi suất tiết kiệm và và lãi suất vay ngân hàng như đã diễn ra đúng là có lợi trước mắt cho các cổ đông, nhưng xét dưới góc độ phát triển lâu dài kinh tế đất nước nói chung và doanh nghiệp nói riêng thì việc dành một phần lợi nhuận thích đáng của doanh nghiệp cho đầu tư phát triển có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hiện nay.
Thứ hai, phân chia cổ tức đảm bảo tính mềm dẻo , phù hợp với đặc điểm, điều kiện sản xuất kinh doanh của từng doanh nghiệp. Không nên ghi vào điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa mức phân phối lợi nhuận sau thuế để chia cổ tức một cách cụ thể cứng nhắc như một số doanh nghiệp tiến hành. Việc chia cổ tức do Hội đồng quản trị và Đại hội cổ đông xem xét giải quyết hàng năm căn cứ vào hiệu quả kinh doanh và yêu cầu về các mặt: phát triển kinh doanh, bảo vệ lợi ích cho cổ đông, chăm lo phúc lợi cho cán bộ công nhân viên doanh nghiệp.
Thứ ba, thực hiện phân chia công bằng lợi tức cổ phần cho các cổ đông. Các cổ đông dù là nhà nước hay người lao động đều có sự bình đẳng hưởng lợi tức theo vốn góp. Hiện nay, việc chia lãi theo vốn góp cổ phần trong các công ty cổ phần được thực hiện theo Nghị định 59/CP về quy chế quản lý tài chính và hạch toán kinh doanh đối với doanh nghiệp nhà nước ngày 3 - 10 - 1996 của Chính phủ và được sửa đổi theo Nghị định 27/CP ngày 20 - 4 1999. Tuy nhiên trong nghị định này còn có những điều chưa hợp lý. Theo điều 32 của nghị định này, lợi nhuận thực hiện của doanh nghiệp sau khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp được phân phối như sau:
1) Bù khoản lỗ của các năm trước đối với các khoản lỗ không được trừ vào lợi nhuận trước thuế;
2) Nộp tiền vốn sử dụng ngân sách nhà nước.
3) Trừ các khoản tiền phạt vi phạm pháp luật thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp
4) Lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản 1, 2, 3 của điều này được phân phối theo quy định dưới đây:
a) Trích 10% vào quỹ dự phòng tài chính; khi số dư quỹ bằng 25% vốn điều lệ thì không trích nữa;
b) Trích 50% vào quỹ đầu tư phát triển;
c) Trích 5% vào quỹ dự phòng mất việc làm; khi số dư quỹ này bằng 6 tháng lương thực hiện thì không trích nữa.
d) Đối với một số ngành đặc thù mà pháp luật cho phép trích lập các quỹ đặc biệt từ lợi nhuận sau thuế thì doanh nghiệp được trích lập theo các quy định đó;
đ) Chia lãi cổ phần trong trường hợp phát hành cổ phiếu;
e) Số lợi nhuận còn lại sau khi trừ các khoản a, b, c, d, đ được trích lập hai quỹ khen thưởng và phúc lợi…sau khi trích hai quỹ khen thưởng và phúc lợi như trên được bổ sung toàn bộ vào quỹ đầu tư phát triển.
Với trình tự phân phối như trên sẽ diễn ra trường hợp ở các doanh nghiệp có cổ phần của nhà nước và các tổ chức cá nhân khác thì việc chia lãi cho cổ phần nhà nước bao giờ cũng nhiều hơn đối với các cổ phần của các tổ chức cá nhân khác. Bởi vì khi doanh nghiệp có lãi, với lượng vốn cổ phần nhà nước nhất định, nhà nước vừa được khoản thu tiền sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại vừa được chia lãi cổ phần theo tỷ lệ vốn góp như các cổ đông khác. Theo chúng tôi, để đảm bảo sự công bằng khi phân chia lãi cho các cổ đông thì chế độ phân phối lợi nhuận trong các công ty cổ phần cần bỏ mục “Nộp tiền sử dụng vốn ngân sách nhà nước”. Cần đổi mới sang phương thức “thu lợi tức cổ phần” với tư cách nhà nước là một cổ đông khi áp dụng rộng rãi chế độ cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước.
KẾT LUẬN
Sở hữu là mặt bên trong cơ bản nhất của quan hệ sản xuất và là một phạm trù của kinh tế chính trị, có vị trí đặc biệt quan trọng trong học thuyết kinh tế của chủ nghĩa Mác - Lênin. Việc nhận thức và xử lý vấn đề sở hữu trong thực tiễn của các đảng cầm quyền có liên quan trực tiếp đến sự thành bại của mô hình kinh tế trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng nói trên, từ lâu và nhất là trong giai đoạn đổi mới hiện nay ở nước ta, việc nghiên cứu vấn đề sở hữu và vận dụng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đã thu hút được sự chú ý đông đảo các nhà nghiên cứu và bước đầu đã thu được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, một mặt do sở hữu là một vấn đề phức tạp, trên phương diện lý luận, nhiều lĩnh vực vẫn chưa được làm sáng rõ; mặt khác, thực tiễn quá trình biến đổi sở hữu nước ta thời gian qua đã và đang đặt ra những vấn đề mới đòi hỏi phải làm rõ về mặt cơ sở lý luận: quá trình chuyển biến từ sở hữu tư nhân sang sở hữu công cộng đã và đang diễn ra thường xuyên và phổ biến dưới nhiều hình thức khác nhau. Trước tình hình đó, tôi chọn: “Vận dụng lý luận Mác - Lênin về sở hữu tư liệu sản xuất ở nước ta” làm đề tài luận văn thạc sỹ chuyên ngành kinh tế chính trị.
Trong quá trình thực hiện đề tài, luận văn đã cố gắng làm rõ một số nội dung cơ bản sau đây:
Một là, hệ thống hóa những luận điểm cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về vị trí, vai trò của sở hữu tư liệu sản xuất, sự biến đổi quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất trong nền kinh tế thị trường và làm rõ cơ sở lý luận về sự biến đổi quan hệ sở hữu tư nhân sang sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội.
Hai là, phân tích thực trạng vận dụng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin về sở hữu tư liệu sản xuất ở nước ta giai đoạn trước và sau đổi mới. Qua đó rút ra những thành công, sai lầm và hạn chế và nguyên nhân của những thành công, sai lầm và hạn chế đó.
Ba là, trên cơ sở phân tích thực trạng quá trình biến đổi sở hữu ở nước ta – luận văn đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nhằm hoàn thiện quan hệ sở hữu tư liệu sản xuất trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.
Sở hữu là một phạm trù rất trừu tượng, phức tạp và rộng lớn, cho đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng nó đòi hỏi phải có vốn kiến thức sâu rộng và kinh nghiệm thực tế phong phú mới có thể giải quyết được một cách đầy đủ và đúng đắn. Tác giả đã cố gắng làm việc hết mình, song không tránh khỏi những hạn chế và thiếu sót. Kính mong các nhà khoa học trong hội đồng đóng góp ý kiến để luận văn được hoàn thiện hơn.