II. NGHỆ THUẬT THỂ HIỆN TRIẾT LÍ CỦA NAM CAO
2. Triết lí của người dẫn chuyện (tác giả)
Ngoài cách thể hiện triết lí bằng ngôn ngữ của nhân vật trong tác phẩm, Nam Cao còn trực tiếp thể hiện những quan điểm của bản thân trong nhiều sáng tác của ông. Với những câu triết lí này, Nam Cao đã dẫn dắt chúng ta cùng ông đi vào diễn biến câu chuyện và nội tâm nhân vật, từ đó đưa ra những triết lí tương ứng với từng hoàn cảnh, từng cuộc đời. Trăn trở day dứt về sự tuột dốc nhân cách con người trong xã hội cũ, ở đoạn kết trong Tư cách mõ, Nam Cao đưa ra một câu triết lí gợi cho người đọc bao điều suy nghĩ “Hỡi ơi! Thì ra lòng khinh trọng của chúng ta có ảnh hưởng đến nhân cách người khác nhiều lắm! Nhiều người không biết gì là tự trọng chỉ vì không được ai trọng cả; làm nhục người là một cách rất điệu để khiến người sinh đê tiện”. Theo dõi diễn biến cuộc đời nhân vật một cách nhẩn nha, cuối cùng Nam Cao đã đưa ra một triết lí về vai trò quan trọng của thái độ mỗi người đối với sự hình thành nhân cách người khác. Ông không trực tiếp tham gia vào câu chuyện và rất đỗi bình thản, đôi khi lạnh lùng khi lướt qua từng mảnh đời nhưng lúc nào cũng vậy, luôn luôn ẩn đằng sau sự lạnh lùng đó là một trái tim giàu lòng nhân ái và tình yêu thương đối với mỗi kiếp người. Trong nhiều tác phẩm, Nam Cao thường xuất hiện với vai trò là một ông giáo, một nhà văn. Cả hai nhân vật đó đều có sự trải nghiệm, sự chiêm nghiệm về cuộc đời một cách sâu sắc và đưa ra những triết lí nhân sinh có ý nghĩa. Ông giáo tỏ ra rất am hiểu sựđời khi ông giải thích về thái độ của vợ ông đối với Lão Hạc “khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn
đau ích kỷ che lấp mất”. Ông có thái độ cảm thông đối với vợ cũng như đối với tất cả mọi người trong nhà. Chỉ khi có đủ ý thức, già dặn, chín chắn trong suy nghĩ thì mới có sự thông cảm đó.
Nhân vật ông giáo trong Lão Hạc như là một hiện thân của Nam Cao. Là bạn thân của Lão Hạc, ông giáo rất am hiểu về cuộc đời cũng như tính cách của Lão Hạc. Nhưng khi ông giáo hiểu lầm Lão Hạc, Nam Cao đã cho chúng ta thấy rằng nhân vật ông giáo –hiện thân của Nam Cao cũng có lúc mắc phải sai lầm khi nhìn nhận đánh giá nhân cách của một con người. Cho nên, dù cho Nam Cao xuất hiện trong tác phẩm ở góc độ nào, ông không bao giờ nói những điểm mạnh, những ưu điểm của ông mà ông hiện lên với một “cái mặt không chơi được”, là một nhà văn, một ông giáo nghèo bị “áo cơm ghì sát đất” …Với tư cách là người dẫn chuyện, trong Những chuyện không muốn viết, Nam Cao đã đưa ra một quan niệm về nghệ thuật: “cái nghề văn, kị nhất cái lối thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào”. Hay trong Cái mặt không chơi được, thông qua phát ngôn của nhân vật tôi, Nam Cao cho rằng “sự yêu cũng như sự ghét cũng như ý nghĩ của người ta không thể dùng quyền mà ép buộc”. Đây là những quan niệm, những tư tưởng của Nam Cao được thể hiện trực tiếp trong tác phẩm. Những triết lý đó được phát ngôn qua ngôn ngữ của người dẫn chuyện hoặc ngôn ngữ của tác giả xen vào để bình luận để đánh giá. Những câu triết lí mà ông đưa ra luôn là những ngôn ngữ bình dân và rất dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Hơn nữa, những triết lí đó không quá xa vời mà nó rất gần gũi, rất đời thường, có thểđem nó vào ứng dụng trong từng khía cạnh của đời sống. Nhiều khi, những triết lí đó mang một sắc thái hóm hỉnh, thấp thoáng một nụ cười :
“Đi ăn trộm là một cái khổ thì coi trộm cũng là một cái khổ ngang thế. Có của mà vẫn khổ. Có của mà mất ăn mất ngủ thì cũng bằng vứt đi” (Hai người ăn tết lạ)
“Cái dạ dày nhà nghèo thường rỗi việc nên giữđược bền” (Nửa đêm)
“Cái may cũng như cái rủi, nó đến nhà ta như một thằng kẻ trộm” (Mua danh)
Khi xuất hiện trong tác phẩm với vai trò của một người dẫn chuyện, cái mà ông muốn nói đến thường là về chính cuộc đời thực của ông. Trong Mua nhà, câu triết lí của nhân vật tôi “Ở cảnh chúng ta lúc này, hạnh phúc chỉ là một cái chăn quá hẹp, người này co thì người kia bị hở” cũng là sự băn khoăn, trăn trở của Nam Cao về vấn đề hạnh phúc của con người, là sựđấu tranh của bản thân ông giữa lí trí và tình thương. Còn ở
Cái mặt không chơi được, nhân vật tôi cũng chính là hiện thân của Nam Cao. Đây là sự thú nhận thành thật của Nam Cao. Những đồng nghiệp, bạn bè của ông từng có nhận xét vẻ mặt ông rất lạnh lùng và khó gần, ông lại rất ngại khi tiếp xúc với người lạ… Như vậy, nhân vật trong tác phẩm nhiều khi là hiện thân của Nam Cao mà ông đã dựa vào đó để phát ngôn những tư tưởng, quan điểm của mình. Nhờ vậy, độc giả càng có nhiều thuận lợi để tìm hiểu rõ thêm về con người của Nam Cao, làm nền tảng cho việc cảm nhận những triết lí, những bài học mà Nam Cao muốn đề cập đến trong tác phẩm.
Những triết lí bằng chính ngôn ngữ của tác giảđưa ra không mang sự áp đặt, sự bắt buộc phải tiếp nhận. Qua những dẫn chứng sinh động về những trường hợp cụ thể trong câu chuyện, Nam Cao mới rút ra một khái quát có ý nghĩa triết lí được sự đồng tình của nhiều người. Sau khi lướt qua cuộc đời và sự biến đổi tính cách của anh cu Lộ, Nam Cao mới đưa ra triết lí làm bài học về cách sống cho nhiều người; hay khi chứng kiến mối tình của Chí Phèo và thị Nở, ông mới nhận định “tình yêu làm cho con người có duyên”, ông cũng chứng tỏ nhận xét của mình là đúng qua câu triết lí “khi hai người con gái lớn ở với nhau cùng một nhà, họ sẽ thành tinh” khi bà Đính và cô em với một trò đùa quái ác đã vô tình giết đi một mạng người.
Rõ ràng những triết lí của Nam Cao đặt ra không phải là một phút ngẫu nhiên xuất thần mang sự chủ quan của nhà văn mà phải thừa nhận nó đã trải qua một quá trình trải nghiệm sâu sắc nên nó mang tính khách quan. Rõ ràng, trong các tác phẩm của Nam Cao, hầu như nhân vật nào cũng thích triết lý và đều có triết lý. Nhà văn triết lý, ông giáo triết lý, người dân triết lý, thậm chí kẻ cướp cũng triết lý. Điều này chứng tỏ họ phải lăn lộn rất nhiều trong cuộc sống, trải nghiệm qua nhiều lần mới có thể rút ra được những triết lý đó. Nhân vật nhà văn và ông giáo trong tác phẩm là những người có học thức, có cái nhìn sâu sắc, từng trải, họ là những người hay triết lý nhất. Kẻ cướp- tên cáo già Bá Kiến qua nhiều năm làm “cụ Bá”, hắn đã rút ra được những quy tắc để có thể sống và tồn tại. Như vậy, các nhân vật của Nam Cao do va chạm nhiều với cuộc sống nên đã rút ra được nhiều qui luật của cuộc đời. Hầu hết trong các tác phẩm của Nam Cao, hoặc do phát ngôn của nhân vật, hoặc là lời của tác giả, đều toát lên những ý nghĩa triết lý. Điều này chứng tỏ Nam Cao là một nhà văn thường hay suy ngẫm về sựđời.