V. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNGMUA BÁN HÀNG HÓA
2. Hòa giải giữa các bên
Theo từ điển luật học Anh - Mỹ của Black - "Hòa giải là một quá trình giải quyết tranh chấp mang tính chất riêng tư, trong đó hòa giải viên là người thứ ba trung gian giúp các bên tranh chấp đạt được một sự thỏa thuận".
Một số mục tiêu cơ bản cần đạt được qua hòa giải:
Thứ nhất: Bằng hòa giải để giải quyết tranh chấp một cách thân thiện nhằm tiếp tục giữ gìn và phát triển các quan hệ kinh doanh trong thời gian dài và vì lợi ích chung của cả hai bên.
Thứ hai: Bằng hòa giải có thể tập chung sự chú ý và quan tâm của các bên vào các vấn đề chính, cơ bản của nội dung tranh chấp, hạn chế tối đa sự hao phí thời gian và tiền của vào các vấn đề mang tính chất hình thức tố tụng; tăng cường sự tham gia trực
tiếp và khả năng quan sát của các nhà kinh doanh đối với quá trình giải quyết cũng như đối với kết quả giải quyết tranh chấp.
Một điều quan trọng mà các nhà kinh doanh rất quan tâm là khả năng của họ kiểm soát được việc sử dụng các tài liệu, chứng cứ có liên quan để giải quyết tranh chấp nhưng vẫn trong phạm vi bảo vệ bí mật kinh doanh- một yếu tố nhạy cảm đối với họ. Điều này sẽ không thực hiện được khi tiến hành tố tụng tại Tòa án theo nguyên tắc công khai, tranh tụng và theo các quy tắc về thu thập chứng cứ trong tố tụng tư pháp.
Một số nguyên tắc hòa giải tranh chấp trong kinh doanh, thương mại:
- Hòa giải phải được dựa trên tự do ý chí của các bên tranh chấp về phương pháp, quy trình, lựa chọn hòa giải viên, tự do trong thỏa thuận, đề xuất giải pháp hay thỏa thuận chấp nhận ý kiến giải quyết do hòa giải viên đưa ra cũng như khi quyết định chấm dứt hòa giải để chuyển sang sử dụng các phương pháp giải quyết tranh chấp khác;
- Hòa giải chủ yếu theo nguyên tắc "khách quan, công bằng, hợp lý";
- Hòa giải sẽ lập tức chấm dứt nếu hai bên không đạt được thỏa thuận hoặc nếu một trong hai bên không muốn tiếp tục hòa giải.
* Hiệu lực của kết quả hòa giải: Tính chất tự nguyện của hòa giải dẫn đến những hạn chế về hiệu lực của thỏa thuận hòa giải và hiệu lực của thỏa thuận giải quyết bằng hòa giải. Thỏa thuận hòa giải không có tính chất bắt buộc như thỏa thuận Trọng tài, do đó, trên thực tế không có Tòa án nước nào lại ra lệnh đình chỉ vụ kiện vì lý do một bên không thực hiện thỏa thuận hòa giải.
Thỏa thuận giải quyết bằng hòa giải không bắt buộc thi hành như phán quyết của Tòa án hay của Trọng tài. Hiệu lực cao nhất của thỏa thuận giải quyết bằng hòa giải chỉ giống như một điều khoản hợp đồng ràng buộc các bên.
Để phát huy các ưu điểm hòa giải và tăng cường các cơ hội lựa chọn sử dụng hòa giải đồng thời nâng cao hiệu lực của hòa giải thì có thể sử dụng kết hợp hòa giải với các phương pháp giải quyết tranh chấp khác như: Kết hợp thương lượng và hòa giải với Trọng tài hay hòa giải kết hợp với tố tụng tư pháp.