V. GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP HỢP ĐỒNGMUA BÁN HÀNG HÓA
3. Giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài
Theo từ điển luật học Black "Trọng tài là quá trình giải quyết tranh chấp do các bên tự nguyện lựa chọn, trong đó bên thứ ba trung lập (trọng tài viên) sau khi nghe các bên trình bày sẽ ra một quyết định có tính bắt buộc đối với các bên tranh chấp".
Như vậy có thể hiểu Trọng tài là phương pháp giải quyết tranh chấp bằng cách giao vấn đề tranh chấp cho người thứ ba là các trọng tài viên để họ xét xử và ra quyết định cuối cùng trong trường hợp các bên không dàn xếp được với nhau mà lại không muốn đưa vụ tranh chấp ra xét xử tại tòa án.
Văn bản pháp luật hiện hành điều chỉnh giải quyết tranh chấp theo thủ tục Trọng tài ở Việt Nam là Pháp lệnh Trọng tài thương mại được Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 25/2/2003 và Nghị định số 25/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003.
Theo Pháp lệnh Trọng tài thương mại 2003 thì "Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng do Pháp lệnh này quy định" (Điều 2 Khoản 1).
Cũng theo Pháp lệnh này " Hoạt động thương mại là việc thực hiện một hay nhiều hành vi thương mại của các cá nhân, tổ chức kinh doanh bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; phân phối; đại diện, đại lý thương mại; ký gửi; thuê, cho thuê, thuê mua; xây dựng; tư vấn; kỹ thuật; lixăng; đầu tư; tài chính, ngân hàng; bảo hiểm; thăm dò khai thác; vận chuyển hàng hóa, hành khách bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt, đường bộ và các hành vi thương mại khác theo quy định của pháp luật" (Điều 2 Khoản 3).
Đặc điểm của phương pháp giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài:
- Phải có sự thỏa thuận của các bên về việc đưa tranh chấp ra xét xử bằng Trọng tài. Thỏa thuận đó có thể là một điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hay một thỏa thuận Trọng tài riêng biệt được lập sau khi tranh chấp phát sinh. Toàn bộ quy trình Trọng tài được coi như sự thể hiện ý chí của các bên dựa trên quyền tự chủ của họ. Một khi thỏa thuận Trọng tài có hiệu lực thì không một bên nào có quyền rút lui ý kiến, nếu một bên nào khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thỏa thuận Trọng tài vô hiệu. Điều khoản trọng tài được coi là độc lập với các điều khoản khác trong hợp đồng chính nên ngay cả khi hợp đồng chính đã hết hiệu lực thì cũng không làm điều khoản trọng tài vô hiệu một cách tương ứng (Điều11);
- Trọng tài viên hoặc Hội đồng trọng tài sẽ ra một quyết định (phán quyết) sau khi cân nhắc mọi chứng cứ và lập luận của các bên.
Các bên tranh chấp thỏa thuận giao cho Trọng tài quyền và nghĩa vụ phải ra phán quyết có giá trị bắt buộc đối với các bên. Để ra được phán quyết, quyết định Trọng tài phải tuân theo trình tự, thủ tục tố tụng nhất định do các bên lựa chọn bao gồm những quy định cơ bản sau đây:
- Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài; - Thỏa thuận Trọng tài;
- Khởi kiện;
- Thành lập Hội đồng Trọng tài; - Chuẩn bị giải quyết tranh chấp; - Phiên họp giải quyết tranh chấp; - Quyết định Trọng tài;
- Hủy quyết định Trọng tài; - Thi hành quyết định Trọng tài.
Nếu quy trình tố tụng không được tuân thủ, một hoặc các bên không có được cơ hội công bằng để trình bày trường hợp của mình trước Hội đồng Trọng tài thì quyết định của Trọng tài có thể sẽ không được công nhận và cho thi hành. Dưới góc độ này Trọng tài gần với Tòa án nhưng so với phương pháp giải quyết tranh chấp bằng Tòa án thì tố tụng Trọng tài có một số ưu điểm là: Đỡ tốn kém thời gian, bảo toàn được bí mật kinh doanh (Trọng tài xét xử kín), tính phù hợp về chuyên môn nghiệp vụ kinh doanh của các quyết định Trọng tài (do các Trọng tài viên thường là các chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật, các thương nhân có uy tín, kinh nghiệm...), tính khách quan, trung lập của Trọng tài;
- Các quyết định và phán quyết của Trọng tài có thể được Tòa án công nhận và cho thi hành thông qua một thủ tục tư pháp.
Mặc dù các phán quyết của Trọng tài là kết quả của sự thỏa thuận có tính chất riêng tư giữa các bên tranh chấp và do một Hội đồng Trọng tài hoặc một Trọng tài viên duy nhất ban hành (mà bản thân hợp đồng đó chấm dứt nhiệm vụ và không còn tồn tại sau khi ra phán quyết) nhưng giá trị bắt buộc của phán quyết của Trọng tài đối với các bên vẫn được pháp luật nước ta công nhận.
Như vậy, quy tắc tố tụng Trọng tài theo pháp luật Việt Nam được xây dựng trên cơ sở những đặc điểm của việc giải quyết tranh chấp kinh tế ở Việt Nam có tham khảo
pháp luật Trọng tài của các nước có nền kinh tế thị trường, pháp luật quốc tế về Trọng tài, đặc biệt là Luật Mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế được Ủy ban Liên hợp quốc về luật thương mại quốc tế (UNCITRAL) thông qua ngày 21/6/1985 và đã được áp dụng rộng rãi tại các nước có nền kinh tế thị trường.
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thực sự đi vào cuộc sống, điển hình như Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam nằm bên cạnh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đã được các chủ thể kinh doanh thường xuyên lựa chọn làm cơ quan xét xử các tranh chấp phát sinh từ hoạt động ký kết và thực hiện hợp đồng.