- Hành động cảm thán không có cấu trúc biểu thị nội dung mệnh đề
2.1. Phương thức sử dụng các phương tiện trực tiếp biểu thị ý nghĩa cảm thán
Theo J.Searle các hành động tại lời thường có những dấu hiệu chỉ dẫn được gọi là các phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời (IFIDs ). Đóng vai trò IFIDs là:
- Các kiểu kết cấu
Kết cấu ở đây bao gồm kiểu câu – như cách hiểu từ trước đến nay của ngữ pháp truyền thống (chẳng hạn khi quan niệm về kết cấu của câu trần thuật, hỏi, cầu khiến, cảm thán) và cả những kết cấu cụ thể ứng với từng hành động ở lời.
Ví dụ: Thuộc kết cấu cầu khiến, tiếng Việt không chỉ là các mô hình quen thuộc: Hãy…, đừng…, chớ…mà còn là các kết cấu: Làm ơn chuyển lá thư này cho cô ấy!, Phiền bác ngày mai lại tới!, Đi nào!, Tiến hành thôi!…
Kết cấu biểu thị hành động cảm thán như: Đẹp quá! (lắm, cực kì, tuyệt vời, hết ý…) ,
đẹp ơi là đẹp,…Hoặc từ ngữ cảm thán kết hợp với biểu thức của hành động trình bày, hành động hỏi như: Giời ơi là giời, có chồng con nhà nào thế này không?
- Những từ ngữ chuyên dùng trong các biểu thức ngôn hành
Những từ ngữ này dùng để tổ chức các kết cấu và là các dấu hiệu mà nhờ chúng, chúng ta biết được hành động nào đang được thực hiện.
Trong biểu thức ngôn hành của hành động hỏi, ta có thể thấy: có (đã)…không (chưa)?,
có phải…hay không ? ai, cái gì, bao giờ, mấy…; à, ư, nhỉ,như,…chăng; hay là những từ ngữ:
hãy, đừng, chớ, hãy…đi; đừng…nữa, xin, làm ơn; hộ, cảm ơn; nào, thôi (đi nào, đi thôi…)
trong biểu thức ngôn hành cầu khiến. Đó là các từ ngữ như: nên, không nên trong các biểu thức ngôn hành khuyên, là các quán ngữ như: đi đằng đầu, chết không nhắm mắt,…thì trời tru đất diệt, thì trời đánh thánh vật…trong các phát ngôn cam kết; hay những “lời chửi” cha (mẹ)… , tiên sư (nhân)…, đồ (mặt)…, đồ (con)…, chết đi cho rồi…hoặc một số từ ngữ chuyên dùng các biểu thức ngôn hành cảm thán là ôi, ô, ô hay, ối giời, a, à…thay, vô cùng, hết ý,…
- Ngữ điệu: Theo tác giả Đỗ Hữu Châu thì cần nghiên cứu ngữ điệu của các biểu thức ngôn hành hơn là ngữ điệu của câu, vì “cùng một tổ chức từ vựng, ngữ pháp cụ thể nếu được phát âm với những ngữ điệu khác nhau sẽ cho các biểu thức ngữ vi khác nhauứng với những hành vi ở lời khác nhau” [10 , 94]
- Quan hệ giữa các thành tố trong cấu trúc vị từ-tham thể tạo nên nội dung mệnh đề được nêu trong biểu thức ngôn hành với những nhân tố của ngữ cảnh. Các đặc tính ngữ nghĩa như tự
nguyện hay cưỡng bức, tích cực hay tiêu cực, có lợi hay có hại… của hành động đối với người tạo ra hành động và với người nhận hành động cũng có giá trị như là IFIDs.
Có thể so sánh hai biểu thức ngôn hành sau:
(24a) Cô hãy chuyển cho giám đốc thông báo này.
(24b) Cô làm ơn hãy chuyển cho giám đốc thông báo này.
Ở câu (24a) thì việc chuyển thông báo là việc của cô (Sp2) sẽ làm trong tương lai nhưng ở biểu thức (24a) nó là thuộc trách nhiệm của Sp2 cho nên biểu thức này là biểu thức ngôn hành sai khiến. Ở biểu thức (24b) việc chuyển thông báo vốn thuộc trách nhiệm của người nói (Sp1) vì lí do nào đó Sp1 muốn Sp2 thực hiện thay mình, do đó biểu thức này là biểu thức ứng với hành động nhờ vả.
- Một phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời đặc biệt, đánh dấu cho một số biểu thức ngôn hành tường minh là các động từ ngôn hành.
Với các phương tiện chỉ dẫn hiệu lực ở lời cơ bản trên đây, thông thường khi xem xét các hành động ở lời người ta xét đến đầu tiên là các động từ ngôn hành, sau đó là kết cấu và các từ ngữ chuyên dùng của hành động đó.
Chúng tôi cũng dựa trên cơ sở này để xác định các phương tiện đánh dấu hành động cảm thán. Các hành động cảm thán cụ thể chủ yếu là các hành động: than, than phiền, than
thở, than khóc, rên la, reo, trầm trồ, mừng vui… Gọi tên các hành động đó, tiếng Việt cũng có các động từ: than, than phiền, than khóc, rên la, reo… Nhưng đó không phải là các động từ ngôn hành mà những từ này chỉ có chức năng miêu tả mà thôi. Để bộc lộ hành động than phiền vì buồn chán, người cảm thán không nói “Tôi than phiền rằng tôi đang buồn chán.” mà phải bằng từ một biểu thức khác, chẳng hạn: “Trời ơi, chán quá!” hay “Chán thật!”. Vì vậy, tiếng Việt không có biểu thức cảm thán ngôn hành tường minh mà chỉ có biểu thức cảm thán ngôn hành nguyên cấp.
Ở đây luận văn đi sâu vào ba phương tiện chủ yếu là: những từ ngữ cảm thán, các kiểu kết cấu của hành động cảm thán và ngữ điệu thể hiện ý nghĩa cảm thán.