- Hành động cảm thán không có cấu trúc biểu thị nội dung mệnh đề
2.1.2. Phương thức sử dụng từ ngữ cảm thán chuyên biệt
Nhóm này bao gồm những từ ngữ chỉ hoạt động với chức năng cảm thán, phổ biến nhất là thán từ, ngoài ra còn có các quán ngữ cảm thán.
2.1.2.1. Thán từ
Thán từ trong tiếng Việt khá đa dạng, đặc biệt là sự đa dạng về mặt ngữ âm của cùng một từ (ở những địa phương khác nhau ta thấy cách phát âm khác nhau của cùng một thán từ, ví dụ: úi dà / úi dào; trời / giời …). Theo kết quả nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thiện Giáp (2008) thì trong tiếng Việt, nhiều nhà Việt ngữ học cho rằng thán từ là từ loại bao gồm không những các từ thể hiện cảm xúc, mà còn cả các từ “làm tín hiệu của những lời gọi đáp”
(Nguyễn Kim Thản), thí dụ: a, a ha, ái chà, chao ôi, vâng, dạ, này,…Cao Xuân Hạo chia thán từ thành hai loại là thán từ biểu hiện cảm xúc và thán từ gọi đáp. Theo Nguyễn Kim Thản, “Thán từ là một loại ngữ thái từ dùng làm tín hiệu của các tình cảm, các sự kích động khác nhau, nhưng không định danh cho các tình cảm và kích động ấy, và làm tín hiệu của các lời gọi đáp”. (Dẫn theo [17, tr.266]).
Về phương thức biểu đạt này, tác giả Nguyễn Thị Lương [30, tr.203 – 205] đã liệt kê ra một số nhóm từ cảm thán và định cho mỗi nhóm một giá trị biểu đạt cảm xúc riêng. Cụ thể như sau:
Những từ hoặc tổ hợp từ biểu thị nỗi vui mừng, sung sướng, ngạc nhiên, thán phục: a, a ha, ôi, ơ, ờ, …
Những từ hoặc tổ hợp từ biểu thị sự chán nản, buồn bã, thiếu tin tưởng,: ôi, ôi dào, dào ôi, ôi chao, chao ôi,…,
Những từ biểu thị ý lo lắng, sợ hãi, ghê tởm:, eo, eo ôi, eo lèo ôi,…
Những từ bộc lộ sự đau đớn, khổ sở, lo lắng, buồn bực, giận dữ: trời, ôi, ối, ái,… Những từ biểu thị sự thông cảm, thương xót, bực mình: chao ôi, hừ,…
Tuy nhiên, qua thực tế khảo sát ngữ liệu chúng tôi thấy nghĩa của những thán từ này là nghĩa chức năng, được nhận ra nhờ ngữ cảnh và ngữ điệu của người nói, việc giải nghĩa chúng gắn liền với ngữ cảnh mà nó xuất hiện. Cho nên, việc phân chia những nhóm từ cảm thán với ý nghĩa cố định như trên có lẽ là áp đặt và hạn chế đi tính đa nghĩa của từ ngữ nói chung.
Vì vậy, khi xem xét đến phương thức thể hiện này của hành động cảm thán, chúng tôi không sắp xếp theo nhóm nghĩa mà trình bày những từ/nhóm từ có khả năng thay thế cho nhau trong cùng ngữ cảnh theo trình tự từ đơn giản đến phức tạp về cấu tạo ngữ âm/chữ viết.
Khi phân tích khả năng biểu đạt của những từ ngữ cảm thán này chúng tôi dựa vào ý nghĩa cố định đã được giải thích trong từ điển, đồng thời căn cứ vào ngữ cảnh từ/ngữ đó xuất hiện mà chúng tôi đã thu thập được.
Trong phần này, luận văn hệ thống lại những thán từ tiêu biểu có tần số xuất hiện cao trong thực tế sử dụng tiếng Việt.
A / À
A là tiếng thốt ra biểu lộ sự vui mừng, ngạc nhiên hoặc sực nhớ chợt hiểu ra, nhận ra điều gì. Nét nghĩa cơ bản thường thấy của “a” là ngạc nhiên do bất chợt phát hiện ra một điều gì bất