IV. Kinh nghiệm chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc
3. Quá trình chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp nhà nước ở Trung Quốc
Phương châm cải cách DNNN của Trung Quốc là từ từ, thực hiện từng bước, thí điểm trước sau đó mới áp dụng rộng rãi, nắm cái lớn, buông cái nhỏ, chỉ duy trì sở hữu nhà nước trong những ngành, những doanh nghiệp chủ chốt. Và cố gắng nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN bằng cách tạo ra sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường và khuyến khích sự phát triển khu vực ngoài quốc doanh để tạo công ăn việc làm và phát triển nhanh nền kinh tế, thay thế dần các DNNN trong nhiều ngành.
Với phương châm đó, từ năm 1978 đến năm 1992, Nhà nước tập trung vào việc phân định rõ vai trò Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu và quyền tự chủ sản xuất kinh doanh của DNNN thông qua việc giao quyền tự chủ kinh doanh và công ty hoá DNNN.
Năm 1994, Chính phủ đã lựa chọn 1000 doanh nghiệp trong những ngành chủ chốt để thành lập nhóm doanh nghiệp lớn, duy trì sở hữu nhà nước; 14000 DNNN cỡ lớn và vừa còn lại được cơ cấu lại thông qua đa dạng hóa sở hữu, sáp nhập và giải thể; khoảng 90000 DNNN cỡ nhỏ chuyển sang khu vực ngoài quốc doanh thông qua việc giao, bán doanh nghiệp. Song song với việc giao quyền tự chủ trong quản lý sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách giảm dần đi đến chấm dứt việc bao cấp tài chính và ngân sách cho doanh nghiệp. Đồng thời với việc cơ cấu lại DNNN, tổ chức của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương cũng tái cơ cấu lại để giảm sự can thiệp trực tiếp của chính phủ vào nền kinh tế và củng cố khả năng quản lý kinh tế vĩ mô.
Công cuộc cải cách DNNN ở Trung Quốc đã mang lại những kết quả nhất định, song nó đang gặp phải một thách thức lớn vì DNNN của Trung Quốc chịu gánh nặng xã hội rất lớn. Vì các doanh nghiệp này liên quan đến khoảng 40% việc làm và 3/4 số hộ gia đình ở thành thị, 57% quỹ hưu trí cũng như số lượng đáng kể các cơ sở y tế và trường học. Vì vậy tiến trình cải cách DNNN ở Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào cải cách phúc lợi xã hội.