Đánh giá năng lực cạnh tranh tỉnhTây Ninh

Một phần của tài liệu Chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh Tây Ninh (Trang 48 - 50)

4.1.1 Điểm mạnh

Lợi thế về điều kiện tự nhiên của tỉnh là một điểm mạnh lớn nhất của tỉnh Tây Ninh. Là một tỉnh thuộc vùng ĐNB - một vùng có vị trí địa lý rất thuận lợi, tiềm lực kinh tế lớn hơn các vùng khác, nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc tế và khu vực, có nhiều khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước để đạt nhịp độ tăng trưởng cao nhất cả nước, cùng với những thành quả phát triển đã đạt được tạo ra lợi thế so sánh ở mức hàng đầu của cả nước. Tỉnh Tây Ninh tiếp giáp với các tỉnh thành đã và đang phát triển rất nhanh: Bình Dương, Long An và đặc biệt là TPHCM, chỉ cách trung tâm TPHCM 50km tính từ cửa ngõ Tây Ninh là huyện Trảng Bàng; cách sân bay Tân Sơn Nhất và các cảng quốc tế, nội địa 40-80km. Ngoài ra Tây Ninh còn có 240km đường biên giới với Campuchia, là cửa ngõ quan trọng trong kết nối các nền kinh tế xuyên á.

Khí hậu ôn hòa và ổn định, hầu như không chịu ảnh hưởng của thiên tai. Tài nguyên đất, nước rất phù hợp phát triển các vùng nguyên liệu cây công nghiệp ngắn, dài ngày như cao su, mía, mì. Đây là một lợi thế so sánh về tài nguyên thiên nhiên so với các tỉnh trong khu vực.

Cơ cấu dân số tỉnh Tây Ninh thuộc loại “cơ cấu vàng” với tỷ lệ người trong tuổi LĐ chiếm 68% tổng dân số (2010), cơ cấu dân số trẻ, nhóm tuổi từ 0-14 chiếm 23.8%, đảm bảo lực lượng trong độ tuổi LĐ còn duy trì tỷ lệ cao trong giai đoạn tới.

4.1.2 Điểm yếu

Hiện tại tỉnh có nhiều điểm yếu cần khắc phục nếu muốn đạt được mục tiêu trong giai đoạn tới, tập trung vào 3 điểm yếu cốt lõi sau:

Thứ nhất là chất lượng nguồn LĐ. Mặc dù nguồn LĐ ở Tây Ninh khá dồi dào nhưng chất lượng nguồn LĐ vẫn còn rất thấp và không đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho phát triển nhanh, mạnh theo mục tiêu của tỉnh. Do đó, dù theo thống kê, Tây Ninh đang còn thừa LĐ nhưng hầu hết các DN đều gặp khó khăn khi tuyển dụng LĐ địa phương, nhất là những LĐ có tay nghề, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc. Việc thu hút các LĐ ngoại tỉnh, đặc biệt

là các LĐ trình độ cao cũng gặp khó khăn do chính sách về nhà ở, cũng như các dịch vụ xã hội chưa phát triển. Mạng lưới đạo tạo nghề chưa được quan tâm tương xứng, chất lượng đào tạo nghề cũng là một vấn đề còn bỏ ngõ do thiếu cập nhật các trang thiết bị, máy móc tiên tiến và số lượng, trình độ đội ngũ giảng dạy còn hạn chế.

Đây là một trong những rào cản quan trọng trong việc thu hút các dự án quy mô lớn, thâm dụng công nghệ cho tỉnh, bởi với chất lượng và trình độ như hiện nay thì việc làm chủ các phương tiện kỹ thuật, tiếp thu các công nghệ tiên tiến là hết sức khó khăn.

Thứ hai là cơ sở hạ tầng giao thông. Hạ tầng giao thông tỉnh Tây được đầu tư chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Hai tuyến quốc lộ chính 22 và 22B có quy mô khá nhỏ so với tầm quan trọng của nó và nhu cầu vận chuyển trong giai đoạn tới. Các tuyến đường huyện lộ, tỉnh lộ nối đến các KCN vẫn chưa được nâng cấp, làm hạn chế việc giao thương ra vào KCN cũng như khả năng thu hút đầu tư. Trục đường Hồ Chí Minh đi ngang qua Tây Ninh đang xây dựng dở dang, nhưng tiến độ đã dùng lại do thiếu vốn. Việc xây dựng và nâng cấp các cảng sông, nạo vét sông Vàm cỏ…cũng còn nằm trong quy hoạch. Đây là một trong những nhân tố cốt lõi nhưng còn hạn chế của tỉnh.

Thứ ba là trình độ phát triển cụm ngành. Tây Ninh có lợi thế về thổ nhưỡng để phát triển vùng nguyên liệu cây công nghiệp tập trung rộng lớn, phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến. Nhưng hiện tại tỉnh Tây Ninh chưa có một cụm ngành nào hình thành đúng nghĩa. Các ngành này hiện tại phát triển rất rời rạc, sản phẩm chủ yếu là sơ chế, đem lại giá trị gia tăng không cao. Việc phát triển thành cụm ngành sẽ tận dụng một cách hiệu quả hơn những lợi thế từ điều kiện tự nhiên của tỉnh, làm tăng năng suất, mang lại giá trị gia tăng cao hơn và góp phần chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế của tỉnh.

4.1.3 Cơ hội

Tỉnh Tây Ninh vẫn còn nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế nhanh và mạnh hơn nữa do vẫn chưa khai thác hết những lợi thế sẵn có. Ngành công nghiệp chế biến chưa phát triển đúng mức, mang lại giá trị gia tăng thấp; vị trí địa lý thuận lợi để phát triển khu công nghiệp nhưng vẫn chưa được quan tâm đúng mức để thu hút đầu tư; nguồn lao động trẻ còn dồi dào nhưng chất lượng còn thấp; giao thương với Campuchia chưa đáng kể; liên kết vùng còn yếu kém…

Những khó khăn của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam hiện nay đã tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên cả nước và tỉnh Tây Ninh cũng không ngoại lệ. Tình trạng doanh nghiệp giải thể, phá sản hay thu hẹp quy mô sản xuất đã và đang lan rộng. Theo đó, tốc độ thu hút đầu tư cũng giảm đáng kể, đặc biệt là các nhà đầu tư FDI. Do đó, việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa trong giai đoạn 2011- 2020 là một thách thức rất lớn của tỉnh.

Bên cạnh đó, với chính sách thu hút đầu tư, phát triển ồ ạt các khu công nghiệp ở các tỉnh lân cận, Tây Ninh cũng đối mặt với một thách thức lớn là việc cạnh tranh gay gắt với các tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi hơn trong việc thu hút các dự án lớn, thâm dụng công nghệ và tạo ra giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Do đó, tỉnh cần có những chính sách phù hợp, tận dụng triệt để những lợi thế sẵn có và khắc phục những hạn chế, rào cản về NLCT để đạt được mục tiêu tăng trưởng trong giai đoạn tới.

Một phần của tài liệu Chính sách nâng cao năng lực cạnh tranh của Tỉnh Tây Ninh (Trang 48 - 50)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(68 trang)