Giải pháp phát triển thị trường liên ngân hàng ở Việt Nam
Một là: Đa dạng và chuẩn hoá các công cụ trên thị trường. Bên cạnh những công cụ sẵn có, cần được chuẩn hoá theo những khuôn khổ pháp lý thống nhất, cần sớm đưa vào thị trường các công cụ giao dịch khác như các công cụ chứng khoán phái sinh, các loại thương phiếu, các bảo lãnh của ngân hàng (bank acceptances), kỳ phiếu ngân hàng, v.v… Những công cụ này không chỉ góp phần đa dạng hoá dịch vụ ngân hàng - tài chính mà còn tạo điều kiện cho các chủ thể tham gia có cơ hội lựa chọn nhằm đáp ứng cao nhất nhu cầu về nguồn và sử dụng nguồn khi tham gia thị trường.
Hai là: Khuyến khích các tổ chức tín dụng Việt Nam tham gia vào hoạt động thị trường tiền tệ trong khu vực và trên thế giới, trước hết là thị trường Hongkong và Singapore.
Ba là: Nâng cao trình độ công nghệ của ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng trong nước. Chất lượng hoạt động của các ngân hàng thương mại là điều kiện nhằm đem lại sự ổn định cho thị trường. Các ngân hàng cần có hệ thống thông tin với khả năng thu thập và xử lý và cung cấp thông tin hiệu quả cho hoạt động quản lý nguồn vốn, chất lượng sử dụng vốn và dự báo chính xác diễn biến của thị trường.
Bốn là: Nâng cao năng lực tổ chức, điều hành thị trường liên ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước . Đổi mới cơ chế hoạt động của Ngân hàng Nhà nước trên thị trường tiền tệ sao cho Ngân hàng Nhà nước trở thành là ngân hàng bán buôn lớn nhất trên thị trường tiền tệ.
Năm là: Hoàn thiện cơ chế xác định lãi suất của thị trường. Lãi suất – giá bao giờ cũng là yếu tố quan trọng nhất đối với bất kỳ thị trường nào. Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành và tổ chức thực hiện cơ chế xác định giá theo hướng khớp lệnh hoặc đấu giá, trước hết tại các trung tâm tài chính lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Lãi suất được xác định ở những trung tâm này sẽ làm cơ sở tham chiếu cho các địa phương còn lại trong cả nước. Đồng thời, các tổ chức tín dụng sẽ căn cứ vào lãi suất nói trên để xác định lãi suất của thị trường bán lẻ – huy động hoặc cho vay vốn đối với nền kinh tế. Nói cách khác, các tổ chức tín dụng có thể chủ động thoả thuận lãi suất với các đối tượng khách hàng mà không phải mò mẫm hay bám dựa vào lãi suất “chỉ đạo” của Ngân hàng Nhà nước hay lãi suất của thị trường tiền tệ nước ngoài SIBOR hay LIBOR, v.v… Mặt khác, việc hình thành lãi suất như trên sẽ tạo điều kiện gắn kết thị trường tiền tệ trong nước với thị trường các nước trong khu vực và quốc tế, góp phần cho các tổ chức tín dụng chủ động tham gia hoạt động trên thị trường và với các ngân hàng nước ngoài.