Hạn chế của công đoàn trong việc đóng và trả bảo hiểm xã hội cho người lao động

Một phần của tài liệu Luận văn: Đổi mới hoạt động của công đoàn Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế pdf (Trang 27 - 28)

2. Những hạn chế trong hoạt động công đoàn thể hiện trong một số lĩnh vực cơ bản

2.4.Hạn chế của công đoàn trong việc đóng và trả bảo hiểm xã hội cho người lao động

người lao động

Mục đích của chính sách bảo hiểm xã hội là từng bước mở rộng và nâng cao việc đảm bảo vật chất, góp phần ổn định đời sống cho người lao động và gia đình họ trong các trường hợp người lao động bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị mất việc làm, chết, gặp rủi ro hoặc khó khăn khác. Cùng với Bộ lao động thương binh và xã hội, TLĐLĐVN thực hiện chức năng tham gia quản lý, xây dựng chính sách, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, kiểm tra, giám sát quỹ đó.

Hoạt động của công đoàn cơ sở trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội hết sức phong phú và đa dạng. Cán bộ công đoàn phải tổ chức, tuyên truyền, giải thích cho người lao động hiểu được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội, nắm vững tâm tư, nguyện vọng của người lao động, phản ánh những bất cập trong chính sách bảo hiểm xã hội ở cơ sở để tham gia và kiến nghị với công đoàn cấp trên và các cơ quan liên quan xem xét, bổ sung chế độ chính sách bảo hiểm xã hội. Công đoàn còn giúp người lao động ký hợp đồng lao động và đưa nội dung bảo hiểm xã hội vào trong hợp đồng lao động. Ban chấp hành công đoàn thực hiện quyền giám sát người sử dụng lao động trong việc thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội, nhắc nhở người sử dụng lao động đóng 15% quỹ lương, người lao động đóng 5% tiền lương vào quỹ bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp, đề xuất kịp thời để giải quyết chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động cho người lao động. Đồng thời, công đoàn có thể thay mặt người lao động yêu cầu cơ quan bảo hiểm xã hội giải quyết khiếu nại, tố cáo của người lao động về thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội. Khi có tranh chấp về bảo hiểm xã hội Ban chấp hành công đoàn được cử đại diện của mình vào hội đồng hoà giải cơ sở để giải quyết tranh chấp

Trên thực tế, tình trạng doanh nghiệp nợ đóng, đóng thiếu hoặc không đóng bảo hiểm xã hội xảy ra ở hầu hết các ngành, địa phương. Điển hình năm 2006, Hà Giang nợ 6 tỷ; Hà Tĩnh 6 tỷ; Sóc Trăng 1,6 tỷ; Bắc Giang 1,7 tỷ. Trong đó có nhiều doanh nghiệp chỉ đóng bảo hiểm tượng trưng ở Thành phố Hồ Chí Minh công ty KWANG NAM 100% vốn Hàn Quốc đã phát hiện suốt 10 năm chỉ đóng bảo hiểm xã hội cho 400/1350 công nhân, nợ tới 5 tỷ; công ty Giầy Hiệp Hưng nợ 9 tỷ{6, tr20}. Nhiều doanh nghiệp không đóng bảo hiểm hoặc đóng bảo hiểm với mức lương tối thiểu để thu lợi vì nếu bị phát hiện cũng chỉ phạt tối đa 20.000.000 đồng so với số tiền bảo hiểm doanh nghiệp phải đóng lên tới tiền tỷ là quá ít.

Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên là do người sử dụng lao động trốn tránh nghĩa vụ để đầu tư vào sản xuất, nhằm thu lợi nhiều nhất.Trong số các nguyên nhân đó cũng có một phần không nhỏ trách nhiệm thuộc về công đoàn cơ sở. Công đoàn đã không đôn đốc, nhắc nhở, kiểm tra giám sát việc đóng bảo hiểm của người sử dụng lao động. Khi biết chủ doanh nghiệp cố tình không đóng bảo hiểm, công đoàn cũng không báo cáo lên công đoàn cấp trên. Nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp về bảo hiểm xã hội, cán bộ công đoàn không biết hoặc có biết nhưng không hướng dẫn cho người lao động các bước giải quyết, cơ quan có thẩm quyền giải quyết để người lao động được hưởng đúng chế độ. Bên cạnh đó, kiến thức về pháp luật bảo hiểm xã hội của cán bộ công đoàn còn hạn chế nên khi người lao động có vướng mắc về bảo hiểm cán bộ công đoàn còn lúng túng, không biết xử lý ra sao, không dám kiến nghị đề xuất với người sử dụng lao động. Vì vậy, nhiều trường hợp người lao động bị mất việc làm, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bị chết, bản thân họ cũng như gia đình họ không được hưởng các chính sách bảo hiểm dẫn đến tình trạng kiện cáo kéo dài hàng năm trời.

Một phần của tài liệu Luận văn: Đổi mới hoạt động của công đoàn Việt Nam trong xu thế hội nhập quốc tế pdf (Trang 27 - 28)