2. Những hạn chế trong hoạt động công đoàn thể hiện trong một số lĩnh vực cơ bản
2.3. Hạn chế của công đoàn trong lĩnh vực tiền lương
Tiền lương là vấn đề có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Đây là nguồn sống chính của họ và gia đình họ. Căn cứ vào nhu cầu tiêu dùng tối thiểu của người lao động, chỉ số sinh hoạt, cung cầu lao động, Chính phủ quy định mức lương tối thiểu và điều chỉnh theo từng thời kỳ sau khi lấy ý kiến của TLĐLĐVN và Bộ, ngành có liên quan. Hiện nay, mức lương tối thiểu của công nhân viên chức Nhà nước là 450.000đ/tháng. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ ngày 01/01/2007 lương cho người lao động được nâng lên gồm ba mức 710.000 đồng, 790.000 đồng, 870.000 đồng [28]
Ngoài lương cơ bản, theo quy định của pháp luật lao động, người lao động còn có thể được hưởng các chế độ phụ cấp như:
Phụ cấp thâm niên vượt khung; phụ cấp chức vụ lãnh đạo; phụ cấp kiêm nhiệm chức vụ lãnh đạo; phụ cấp khu vực; phụ cấp đặc biệt; phụ cấp thu hút; phụ cấp lưu động; phụ cấp đặc thù theo nghề hoặc công việc.
Trên thực tế, việc chi trả tiền lương cho người lao động còn nhiều bất cập. Thu nhập từ tiền lương hàng tháng của cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan Nhà nước ổn định tăng thêm 28,6% do Nhà nước điều chỉnh mức lương tối thiểu, tuy nhiên vẫn chưa đáp ứng được đời sống của họ trong khi mức lạm phát tăng cao. Tiền lương ở doanh nghiệp ngoài quốc doanh nhìn chung thấp, từ 700.000đ đến 1.200.000đ/người/tháng. Có nhiều nơi chỉ đạt 300.000đ/người/tháng.
doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không xây dựng thang lương, bảng lương theo quy định. Nhiều doanh nghiệp ở các công trình xây dựng cơ bản, thanh toán tiền lương cho người lao động chậm, có nơi chậm 3-4 tháng. Đáng chú ý thời gian gần đây xuất hiện tình trạng, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chủ yếu là doanh nghiệp Hàn Quốc) nợ lương công nhân 2-3 tháng sau đó chủ doanh nghiệp bỏ trốn hoặc tẩu tán tài sản gây lên tình trạng bất ổn định tại doanh nghiệp[6, tr30]. Một số doanh nghiệp xây dựng định mức lao động quá cao so với khả năng của người lao động tại doanh nghiệp. Do đó, người lao động rất khó hoàn thành theo thời gian quy định. Để hoàn thành được thì người lao động phải làm việc với cường độ cao, thời gian lao động kéo dài.
Trong khi đó, công đoàn cơ sở chưa có nhiều biện pháp bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Nội dung hoạt động của công đoàn trong lĩnh vực tiền lương thì nhiều, song việc thực hiện còn nhiều thiếu sót, hoặc không thực hiện. Pháp luật quy định, người sử dụng lao động phải thảo luận với Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi khấu trừ tiền lương của người lao động việc khấu trừ không quá 30% tiền lương hàng tháng. Nhưng thực tế, việc khấu trừ tiền lương của người lao động do chủ sử dụng lao động quyết định. Cán bộ công đoàn không được tham gia trong việc xây dựng mức lương tối thiểu tại doanh nghiệp cũng như xây dựng quy chế phân phối tiền lương và thu nhập trong doanh nghiệp. Cán bộ công đoàn ở nhiều đơn vị không có khả năng kiểm tra, giám sát số lượng, đơn giá tiền lương của các phòng, ban, đội sản xuất, không thực hiện đề xuất tăng lương, nâng lương với người sử dụng lao động. Nhiều trường hợp hội đồng xét nâng lương của doanh nghiệp hàng năm không có mặt của đại diện Ban chấp hành công đoàn.
Sở dĩ hoạt động của công đoàn trong lĩnh vực tiền lương còn nhiều yếu kém bởi cán bộ công đoàn cơ sở cũng là người “làm công ăn lương” nên họ không dám đứng lên bảo vệ lợi ích của người lao động vì sợ ảnh hưởng đến bản thân mình. Mặt khác, hoạt động công đoàn trong các doanh nghiệp chưa thực sự mạnh, không có phương pháp thuyết phục người sử dụng lao động để đòi tăng lương cho công nhân. Khi có vi phạm của người sử dụng lao động trong lĩnh
vực tiền lương, cán bộ công đoàn cũng không báo cáo lên công đoàn, cấp trên. Do kiến thức pháp luật còn hạn chế, kỹ năng hoạt động còn yếu kém nên công đoàn không thực sự đóng vai trò “người bảo vệ” giới thợ trong lĩnh vực tiền lương.