Sự phát triển dịch vụ ngân hàng thương mại điện tử tại Việt Nam
Hiện nay, các ngân hàng đã khai thác được hệ thống mạng hiện đại như hệ thống mạng TCBS, hàm lượng công nghệ thông tin ứng dụng trong hoạt động của ngân hàng khá cao. Ứng dụng đầu tiên của công nghệ thông tin là phone-banking cung cấp các dịch vụ ngân hàng qua điện thoaị. Chỉ trong một thời gian ngắn các ngân hàng đã lần lượt cho ra đời các hình thức thanh toán hiện đại như Internet-banking, Mobile- banking,…. Các dịch vụ này cho phép khách hàng thực hiện giao dịch ngay tại nhà mà không cần phải trực tiếp đến ngân hàng.
Tuy vậy, dịch vụ ngân hàng điện tử ở Việt Nam vẫn còn đang ở mức sơ khai, ứng dụng vẫn còn đơn giản. Nhưng dù muốn hay không cũng phải đổi mới công nghệ ngân hàng để theo kịp đà phát triển trên thế giới, nếu chúng ta không đổi mới, không cạnh tranh được thì khi mở của thị trường ngân hàng sẽ mất dần khách vì các dịch vụ của ngân hàng nước ngoài đạt trình độ rất cao. Do vậy ngân hàng điện tử ra đời là một tất yếu đối với các ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập.
• Thanh toán điện tử là một xu hướng tất yếu đối với các ngân hàng Việt Nam
Mức độ phát triển nhanh chóng của mạng và công nghệ thông tin đã mang lại sự thay đổi chưa từng thấy trong lĩnh vực công nghệ ngân hàng đem lại cho giới công nghệ ngân hàng những cơ hội to lớn và các ngân hàng ngày nay không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc đẩy nhanh các giải pháp ứng dụng thương mại điện tử. (Nguồn:
International Data Corp (IDC)).
Có một thực tế là, nếu không thay đổi để trở thành một hệ thống ngân hàng hiện đại thì họ sẽ có thể bị xoá sổ hoặc thất bại trong việc chiếm lĩnh thị trường trong một vài năm tới. Các ngân hàng truyến thống đang đứng trước một tương lai bị cạnh tranh khốc liệt bởi các tổ chức phi tài chính như hệ thống các siêu thị, các cửa hàng, thậm chí các nhà sản xuất cũng đang bắt đầu đưa ra các sản phẩm tài chính như thẻ mua hàng tiêu dùng, mua hàng trả chậm, bán bảo hiểm. Các công ty này đang có lợi thế về mạng lưới phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng, giá cả tín dụng cạnh tranh do bù vào lợi nhuận bán hàng mà có. Đồng thời các thủ tục cấp tín dụng của họ cũng đơn giản và linh hoạt hơn nhiều so với hệ thông ngân hàng truyền thống.
Hơn nữa, Việt Nam đang từng bước hội nhập kinh tế quốc tế. Trong lĩnh vực ngân hàng sẽ không còn có một hàng rào nào bảo vệ cho các ngân hàng trong nước. Các ngân hàng sẽ phải phát huy nội lực và phát triển công nghệ để đủ sức cạnh tranh vì không lâu nữa, các chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ không còn bị ràng buộc, hạn chế gì nữa khi hoạt động tại Việt Nam. Với kỹ thuật công nghệ tin học hiện đại thì họ chỉ đơn giản là mở L/C cho bất kỳ khách hàng nào của họ ở bất kỳ đâu thông qua các website, Internet mà không cần mở chi nhánh ở đó làm gì. Vì vậy nếu các ngân hàng trong nước không thay đổi họ sẽ mất thị trường và giao dịch ngân hàng điên tử là xu hướng tất yếu đối với các ngân hàng Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
• Phát triển các sản phẩm dịch vụ ngân hàng điện tử tại Việt Nam
Trãi qua thời gian, trình độ của công nghệ thông tin nước ta đã có những bước tiến đáng khích lệ, nó kéo theo sự phát triển vượt bậc của hàng loạt các ngành ứng dụng công nghệ thông tin. Trong đó, ngành ngân hàng có ứng dụng công nghệ thông tin nhiều nhất để phát triển dịch vụ ngân hàng. Dịch vụ thanh toán qua ngân hàng đã tiến xa so với dịch vụ thanh toán thời bao cấp, không chỉ còn là kỹ thuật thủ công với những chứng từ giấy nữa mà là dịch vụ ngân hàng điện tử. Các ngân hàng Việt Nam đã tập trung vào việc phát triển ứng dụng ngân hàng điện tử để đa dạng hoá và nâng cao chất lượng dịch vụ ngân hàng đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh, hội nhập và phát triển theo hướng công nghiệp hoá hiện đại hoá.
• Chữ ký điện tử
Ứng dụng chứng từ điện tử, chữ ký điện tử trong hoạt động ngân hàng là một tất yếu trong quá trình tin học hoá nhằm từng bước mở rộng các dịch vụ ngân hàng hiện đại. Đối với ngân hàng, ưu tiên hàng đầu là xây dựng hệ thống thanh toán điện tử hiện đại phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Đồng thời, chuẩn bị những dịch vụ cần thiết phục vụ cho phát triển thương mại điện tử ở Việt Nam trong tương lai. Ứng dụng chứng từ điện tử trong nghiệp vụ kế toán và thanh toán còn tạo điều kiện cho các ngân hàng Việt Nam tham gia vào quá trình trao đổi, hợp tác kinh tế với thế giới và các nước ASEAN.