VAI TRÒ LỊCH SỬ CỦA KANT

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 82 - 85)

Tư tưởng triết học của Kant gây nên những đánh giá khác nhau, song điều quan trọng hơn là Kant, thông qua những tác phẩm mang tính đột phá của mình, đã tạo được tiếng vang lớn trong biên niên sử triết học phương Tây, và cả triết học nhân loại nữa. Lịch sử triết học từng chứng kiến nhiều bước ngoặt có ý nghĩa, tương ứng với những thời điểm đầy thách thức; “bước ngoặt Copernics” do Kant thực hiện thuộc về một trong số đó.

Triết học Kant “tạo nên cơ sở và xuất phát điểm của triết học Đức cận, hiện đại”

(Hegel: Khoa học lôgíc. Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1970, t.1, tr. 116, tiếng Nga). Các nhà triết học duy tâm cổ điển Đức như Fichte, Schelling, Hegel đã đón nhận những luận điểm cơ bản của triết học Kant, từ đó thực hiện sự phê phán, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện phù hợp với ý đồ sáng tạo, với hệ thống riêng có của mình. Ngay cả nhà duy vật nhân bản Feuerbach cũng chịu một phần ảnh hưởng của Kant trong thuyết nhân bản và đạo đức, nếu không nói là ít sắc sảo và tinh tế hơn so với Kant.

Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác thừa nhận những đóng góp tích cực của triết Kant vào sự phá triển chung của lịch sử triết học, trong đó có những đột phá ở lĩnh vực tự nhiên, vũ trụ, những ý tưởng mang đậm tính nhân văn ở đạo đức học và triết học xã hội. Bên cạnh đó C. Mác và Ph. Ăngghen cũng vạch ra những biểu hiện của chủ nghĩa hình thức và chủ nghĩa không tưởng, xét từ bình diện bản thể luận, nhận thức luận lẫn bình diện nhân sinh quan.

Đối với triết học phương Tây hiện đại, Kant đặt nền móng cho nhiều trào lưu triết học khác nhau như ý chí luận của Schopenhauer, hiện tượng luận của Husserl, chủ nghĩa hiện sinh của Nietzsche, Heidegger và Jaspers, triết học ngôn ngữ của Wittgenstein, chủ nghĩa cấu trúc của Levi Strauss, triết học sự sống của Dilthey, Bergson, chủ nghĩa Kant mới, chủ nghĩa Freud.

Tiếp thu một phần chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của Kant, Schopenhauer hướng nó sang ý chí luận, với mệnh đề tiêu biểu “thế giới như ý chí và biểu tượng”. Nếu Kant chỉ ra ba nấc thang của nhận thức – cảm tính, giác tính, lý tính, thì Schopenhauer lại phân chia năng lực nhận thức thành bốn căn bậc – năng lực biểu tượng trực giác, năng lực biểu tượng tư duy, năng lực biểu tượng cảm tính tưởng tượng, và năng lực biểu tượng độc lập. Ông cho rằng những năng lực trên tồn tại một cách tiên nghiệm trong ý thức con người, không phụ thuộc vào khách thể. Vứt bỏ ý nghĩa tích cực của quan niệm về “vật tự nó”, Schopenhauer dần dần vào ý chí luận cực đoan.

Đại biểu lớn của hiện tượng luận hiện đại, Husserl, đi sâu khai thác vấn đề chủ nghĩa tiên nghiệm trong triết học lý luận của Kant. Bản nguyên thế giới được hiểu như sự triển khai của chủ thể tiên nghiệm. Thế giới là do chủ thể tiên nghiệm thiết lập, trong mỗi con người ai cũng có trạng thái tự nhiên, hay tự ngã."Ngoài bản thân tôi, - Husserl viết, - thế giới đang tồn tại trở thành quá trình của chủ thể; quá trình đó được sinh ra trong bản thân tôi, cũng giống như không gian và thời gian của thế giới kinh nghiệm – đó là những gì tôi cảm thấy và suy nghĩ” (Dẫn Motrosilova : Husserl và Kant, vấn đề triết học tiên nghiệm. Trong “Triết học Kant và thời đại; Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1974, tr 343). Vậy là ở đây, chủ nghĩa duy tâm chủ quan tiên nghiệm của Kant được vận dụng và khai thác theo hướng hiện tượng luận.

Nếu Schopenhauer và Husserl khai thác Kant từ chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm, thì M. Heidegger (1889 – 1976) thì thiên về tính trực quan và chủ nghĩa hoài nghi. Trong “Kant và vấn đề siêu hình học”(1929) Heideger cố gắng giải thích rõ nội dung các khái

niệm triết học cơ bản như thời gian, thời tính, tính hữu hạn…qua đó chỉ ra rằng triết học của ông có nguồn gốc từ Kant. Theo Heideger, mọi tư duy đều đóng vai trò hỗ trợ cho trực quan. Do chỗ nhận thức theo nghĩa hẹp là trực quan, nên tính hữu hạn của nhận thức nhân loại trước hết cần phải được tìm trong tính hữu hạn trực quan của nó. Ở đây quan điểm của Heideger gần với cách đặt vấn đề của Kant về giới hạn của nhận thức thông qua khái niệm vật tự nó và hiện tượng. Tuy vậy, bất khả tri luận của Kant vào thời kỳ cổ điển của triết học phương Tây lại mang ý nghĩa phê phán sâu sắc đối với chủ nghĩa giáo điều trong tri thức. Heidegger đã hiện đại hóa tư tưởng của Kant trong điều kiện thế kỷ XX, khi nhân loại đang đứng trước những thách thức to lớn, mà lý tính không thể giải quyết được bằng các nguyên lý chật hẹp của mình.

Jaspers (1883 – 1969) khai thác triết học Kant từ một khía cạnh khác, từ hiện tượng luận và phạm trù tự do. Ông đã xây dựng thuyết hiện sinh của mình trên quan điểm về sự thống nhất giữa tồn tại (trực quan) và tư duy (khái niệm) của Kant. Hiện sinh (nguyên gốc latinh “existentia”) lẽ cố nhiên được hiểu trước hết là tồn tại, hiện hữu, “đang hiện hữu”, nhưng các nhà hiện sinh, trong đó có Jaspers, và cả Heidegger nữa, đã “nhân hóa” khái niệm này, nhằm làm sáng tỏ những tính quy định đặc thù của tồn tại người – hiện sinh. Tính quy định cơ bản của hiện sinh là tính không thể khách quan hóa của nó: chúng ta chỉ có thể nhận thức được cái gọi là khách thể (object), mà không thể nhận thức được hiện sinh. Hiện sinh là vật tự nó, và do đó cũng chính là tự do. Con người không thể tìm thấy tự do trong thế giới hiện tượng. Nó cũng không thể tiếp xúc với tự do ở bất kỳ cấp độ nào trong sự tồn tại của chính mình. Mọi thành tựu khoa học mà loài người sử dụng, mọi giá trị thể hiện trong các lĩnh vực tôn giáo, luật pháp, đạo đức, nghệ thuật để đảm bảo cho tự do, cũng có thể trở thành phương tiện chống lại tự do của con người. Tư tưởng này của Jaspers từng được Kant phân tích trong đạo đức học và triết lý nhân sinh – xã hội của mình. Điểm khác nhau cơ bản giữa hai nhà triết học ấy chịu sự quy định của những điều kiện lịch sử cụ thể. Vào thời đại mà Jaspers sốing mâu thuẫn giữa khao khát tự do và lạm dụng tự do trở nên nghiêm trọng, nhưng những giải pháp nhằm khắc phục nó cũng được đặt ra một cách nghiêm túc, với sự nỗ lực chung của nhân loại tiến bộ. Nó không chỉ là tiếng gào thét của lý tính, mà là những dự án mang tính hiện thực, dựa trên những cơ sở hiện thực.

Wittgenstein (1889 – 1951), nhà triết học Áo, đại diện tiêu biểu của triết học ngôn ngữ, đã vận dụng một số tư tưởng của Kant vào việc phân tích ngôn ngữ. Trong học thuyết về đồ thức, Wittgenstein cố chứng minh sự tương hợp giữa mệnh đề ngôn ngữ với đồ thức của thế giới hiện thực. Ngôn ngữ và thế giới hiện thực có kết cấu lôgíc giống nhau. Không dừng lại ở đó, Wittgenstein cho rằng trong ngôn ngữ, khi vận dụng những từ cũ để tạo ra câu, người ta không cần giải thích thêm cũng có thể hiểu được câu ấy. Nếu dùng từ mới để tạo ra câu thì cần có sự giải thích thêm, để làm rõ ý nghĩa của nó. Đồ thức cũng vậy, từ việc nắm bắt ý nghĩa của từng bộ phận, có thể hiểu được toàn bộ ý nghĩa của đồ thức. Sự phân bố lại các bộ phận dẫn đến hình thành đồ thức mới. Như vậy, cấu trúc lôgíc của mệnh đề là một thực tế, nó đang tồn tại và tự thể hiện. Với suy luận như vậy, Wittgenstein đi đến kết luận: nếu cần đến ngôn ngữ để diễn đạt hiện thực, thì nên diễn đạt rõ ràng; còn nếu không thể dùng ngôn ngữ để diễn đạt hiện thực ấy, thì tốt nhất là im lặng, nhưng cần khẳng định hiện thực ấy tồn tại.

Vậy là, giống như Kant thực hiện bước ngoặt Copernics trong triết học bằng cách vạch ra khả năng và giới hạn của nhận thức, chứng minh năng lực tiên thiên của chủ thể, Wittgenstein có tham vọng làm cuộc cách mạng trong lĩnh vực ngôn ngữ học bằng cách

vận dụng chủ nghĩa ngôn ngữ tiên nghiệm (linguistic transcendentalism) vào kết cấu lôgíc của mệnh đề ngôn ngữ, theo đó, thế giới và ngôn ngữ có kết cấu giống nhau trên cơ sở tiên nghiệm. Loại kết cấu này không thể mô tả, không phải là đối tượng của kinh nghiệm, mà bản thân nó tự thể hiện ra, nói theo ngôn ngữ của Kant là “vật tự nó.” Nếu Kant tiến hành khảo sát có tính phê phán đối với lý tính, thì Wittgenstein tiến hành khảo sát có tính phê phán đối với ngôn ngữ. Kant phân biệt sự khác nhau giữa cái có thể kinh nghiệm (hiện tượng) và cái không thể kinh nghiệm (vật tự nó), còn Wittgenstein thì vạch ra sự khác nhau giữa mệnh đề có ý nghĩa (có thể diễn đạt) với mệnh đề không có ý nghĩa (không thể diễn đạt).

Triết học Kant ảnh hưởng không chỉ đến từng ấy trường phái, từng ấy học thuyết. Hàng loạt vấn đề mà ông nêu ra tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều thế hệ triết gia, các nhà khoa học, và cả các nhà hoạt động xã hội. Nhiều nhà nghiên cứu lý luận phương Tây xem Kant như người mở ra chương mới trong sự phát triển truyền thống cổ điển không chỉ trong triết học, mà cả trong hoạt động sáng tạo văn hóa nữa. Người mở đầu thường tạo nên dấu ấn sâu đậm cho sự triển khai và mở rộng tiếp theo con đường đã khám phá, nhưng lẽ cố nhiên cũng cần được điều chỉnh, bổ sung, phê phán, sửa chữa – đó là tính tất yếu trong khoa học. Trong cuộc hành trình tìm kiếm và khám phá chân lý, vươn tới các giá trị chân – thiện – mỹ, Fichte, Schelling, Hegel, Feuerbach vừa là những người kế thừa, vừa là những người phản biện, những người thẩm định lại và phát triển các vấn đề mà Kant đặt ra, đồng thời, do yêu cầu của thời đại, lại tiếp tục đặt ra và giải quyết những vấn đề mới.

(Theo Đinh Ngọc Thạch, Tập bài giảng triết học cổ điển Đức, Đại học khoa học xã hội nhân văn thành phố Hồ Chí Minh)

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 82 - 85)