Những mâu thuẫn nảy sinh trong lý tính khi giải quyết các vấn đề về linh hồn, vũ trụ và Thượng đế là tất yếu. Nhận thức xét về bản chất luôn mâu thuẫn, và bi kịch của lịch sử nhận thức là ở chỗ không xác định rõ ràng tính tất yếu này. Chỉ có xem xét lý trí con người một cách có phê phán, chúng ta mới rút ra được bài học quan trọng, đó là, “xem xét sự vật trong hai nghĩa, chính là hiện tượng hoặc là vật tự nó; nếu như sự diễn dịch các khái niệm giác tính của phê phán đó đúng là, từ đó nguyên tắc của quan hệ nhân quả chỉ áp dụng đối với các vật trong ý nghĩa thứ nhất, chính là trong chừng mực chúng là đối tượng của kinh nghiệm, đồng thời chính chúng trong nghĩa thứ hai lại không tuân thủ nguyên tắc của quan hệ nhân quả: như vậy chính ý chí đó ở trong hiện tượng (trong những hành động nhìn thấy được) là phải tuân theo quy luật tự nhiên và trong chừng mực đó là không tự do,
tuy vậy mặt khác, khi ý chí đó thu6ọc về vật tự nó, nó không tuân thủ nguyên tắc của quan hệ nhân quả, như vậy được xem là tự do - điều này cũng không có gì là mâu thuẫn” (Kant, Kritik der reinen Vernunft…Leipzig, 1979, 30). Nhưng nếu như cách lập luận như trên thể hiện tính lưỡng phân của nhận thức, thì siêu hình học cũ khó có thể tồn tại với tính cách mà nó vốn thể hiện trong truyền thống, do sự máy móc của mình. Siêu hình học mới một mặt nhận ra những mâu thuẫn không thể vượt qua của lý tính trong quá trình lý giải những vấn đề “thuần túy” lý luận, mặt khác đòi hỏi xác định cách thức phát huy sức mạnh của nó như nhân tố kích thích và định hướng hoạt động của con người trong một thế giới mà sự kiểm chứng chân lý cần phải trở thành sự kiểm chứng có hiệu quả, nghĩa là ngay cả phương tiện kiểm chứng chân lý cũng cần được kiểm chứng lại! Siêu hình học tồn tại không với tư cách là khoa học lý thuyết “thuần túy” nữa, mà với tư cách là sự phê phán lý trí, xác lập những ranh giới cho lý tính lý luận, và tất yếu chuyển từ nó sang lý tính thực tiễn. Kant nhấn mạnh ưu thế của lý tính thực tiễn trước lý tính lý thuyết (thuần túy). Đối với ông tri thức có giá trị chỉ khi nào nó giúp cho con người trở thành Con người trên mảnh đất vững chãi của hoạt động vươn đến sự hoàn thiện đạo đức cao nhất. Có được nhân cách tốt, con người ý thức được việc mình làm, đồng thời cũng ý thức được ý nghĩa sâu xa của sự dâng hiến cho nhân loại, mà mình là một thành viên không tách rời.
Phạm trù thực tiễn trong triết học Kant hàm chứa khá nhiều nghĩa, đồng nhất với khái niệm hoạt động nói chung. Kant hiểu thực tiễn theo nghĩa rộng và nghĩa hẹp. Theo nghĩa rộng, khái niệm thực tiễn bao hàm đạo đức học, lý luận về nhà nước và pháp quyền, triết học về lịch sử và tôn giáo, nhân chủng học. Theo nghĩa hẹp, khái niệm thực tiễn không tách rời khỏi khái niệm lý tính; lý tính thực tiễn ở Kant là lý tính lập pháp, nghĩa là tạo nên những nguyên lý và những nguyên tắc của hành vi đạo đức. Như vậy khái niệm thực tiễn và lý tính thực tiễn hiện diện trong mọi lĩnh vực hoạt động xã hội của con người, trong đó trọng tâm là lĩnh vực đạo đức, mà hạt nhân của nó là hoạt động tự do của con người. Điều đó đã được Kant khẳng định:"Tôi hiểu khái niệm của lý tính thực tiễn như biểu tượng về khách thể với tính cách là tương tác khả năng thông qua tự do” (Kant, t.4, p.1, tr. 379).
Triết học thực tiễn nhằm giải đáp các câu hỏi “tôi cần phải làm gì ?”, “tôi có thể hy vọng vào cái gì ?”, “con người là gì?”. Đạo đức học trả lời câu hỏi thứ nhất, tôn giáo trả lời câu hỏi thứ hai, nhân chủng học trả lời câu hỏi thứ ba.
Đạo đức học làm nên nội dung cốt lõi của triết học thực tiễn. Cội nguồn đạo đức học của Kant chính là quan điểm đạo đức – chính trị của các nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII, mà điển hình là quan điểm của J.J. Rousseau. C. Mác cho rằng triết học Kant là “lý luận Đức của cách mạng Pháp” (C. Mác và Ph. Ăngghen, toàn tập, t. 1, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 131). Ở quan điễm đạo đức – chính trị của Rousseau, xã hội mới được xây dựng trên cơ sở công bằng và lý tính, trong đó quyền lập pháp thuộc về nhân dân; giáo dục là động lực to lớn, thúc đẩy tiến trình của phát triển xã hội.
Tư tưởng trên của Rousseau sớm ảnh hưởng đến Kant. Vào năm 1764 Kant thừa nhận rằng chính Rousseau bằng tinh thần nhân văn cao cả trong thái độ đối với quần chúng nhân dân đã khiến cho mình tỉnh ngộ và mong muốn sống có ích cho đời.
Tiếp nối truyền thống nhân văn, khai sáng của Rousseau và các nhà tư tưởng khác, Kant xem việc xóa bỏ thói hư tật xấu của mỗi con người là trách nhiệm công dân chung. Cũng như Rousseau, Kant kêu gọi thủ tiêu áp bức và bất công, khẳng định giá trị cao quý, giá trị tự thân của con người, đưa con người lên vị trí xứng đáng cần có trong quan hệ với thế giới xung quanh. Tuy nhiên giữa Rousseau và Kant có đôi điều khác biệt. Thứ nhất, Rousseau theo quan điểm thần luận tự nhiên và đến gần tư tưởng vô thần, còn Kant thì tìm kiếm sự dung hòa giữa hữu thần và vô thần, phủ nhận Thượng đế như một thực thể, nhưng thừa nhận Thượng đế như một lý tưởng siêu việt, cần thiết trong hoạt động đạo đức của con người. Thứ hai, vào thời kỳ đầu tiên của hoạt động chính luận Rousseau có xu hướng xem xét con người trong sự tồn tại độc lập với tự nhiên và xã hội, còn Kant thì đặt con người trong mối quan hệ và tác động với thế giới xung quanh. Đối với Kant, con người không tách khỏi tự nhiên và đời sống cộng đồng.
Theo Kant, mặc dù đạo đức hình thành bên ngoài triết học, cái được hiểu như lý luận “thuần túy”, song tư duy triết học cần hướng đến phục vụ lĩnh vực này. Trong môi trường sinh hoạt đạo đức, lý tính đảm đương chức năng cấu tố và định hướng hành động. Cái căn bản là hành vi, là công việc, sau đó mới đến tri thức về hành vi. Tri thức về hành vi thực ra không phải là cái khuôn tuyệt đối duy nhất thẩm định bản chất con người, mà chỉ là một điều kiện tất yếu mang ý nghĩa hướng ngoại, nhưng lại giúp con người trở thành thực - thể - biết - mình.Ưu thế của lý tính thực tiễn trước lý tính lý luận chính là ở tính hoạt động hữu ích của nó. Trong triết học trước Kant lý tính lý luận chiếm ưu thế trước lý tính thực tiễn, nghĩa là nhờ thông qua tri thức mà ta xác định được có tự do hay không, và có như thế nào, rối sau đó mới bàn tiếp về hiện thực đạo đức. Ngược lại, theo Kant, tính hiện thực đạo đức biểu lộ ra qua lý tính thực tiễn đang hoạt động, và do đó thừa nhận hoạt động tự do tự chủ có định hướng là điều kiện để thừa nhận đạo đức. Nhưng chính mối quan hệ này chứng minh rằng, đối với Kant lý tính thực tiễn là cái quyết định đối với lý tính lý luận. Lý tính thực tiễn không chỉ đủ khả năng đảm bảo điều mà lý tính lý luận không làm được, mà còn cho thấy rằng lý tính lý luận trong các ý tưởng về sự vô điều kiện, về cái tự vượt ra khỏi bản thân, hóa ra chịu sự quy định của lý tính thực tiễn.
Điều thú vị là cả hai phong trào khai sáng vĩ đại trong lịch sử – phái Biện thuyết ở thế kỷ V TCN và Khai sáng châu Âu thế kỷ XVIII – đều diễn ra theo sau những cuộc cách mạng lý luận, đưa đến sự phát triển khoa học ở thời cổ đại lẫn thời cận đại. Lẽ cố nhiên để phân tích một cách có phê phán những tình cảm đạo đức, cũng như phê phán bức tranh cũ về thế giới, thì những đòi hỏi về năng lực trừu tượng hóa là hết sức cần thiết. Tương tự như vậy để có được những khuôn vàng thước ngọc về đạo đức cần phê phán những thiết chế đạo đức cũ xưa. Sự khác nhau giữa phái Biện thuyết Hy Lạp với phong trào Khai sáng thế kỷ XVIII, giữa Protagore, Socrate với Rousseau và Kant là ở chỗ, chúng được thể hiện trên nền của những khái niệm khoa học khác nhau. Đối với Kant luận chứng cho khoa học và luận chứng cho đạo đức liên hệ hữu cơ với nhau trong một hệ thống triết học. Cả hai phần của triết học đều được xây dựng trên một ý tưởng chung, thống nhất. Việc nhấn mạnh ưu thế của triết học thực tiễn chẳng qua là nhấn mạnh tính tính hiệu quả của triết học.
Thực chất của đạo đức học do Kant xây dựng là tư tưởng nhân văn về con người. Kant phê phán chủ nghĩa tự nhiên đạo đức, là học thuyết chủ trương xem xét đạo đức từ góc độ vũ trụ luận, sinh học và tâm lý học về bản tính con người, từ quan niệm vị kỷ về lợi ích. Trong triết học đạo đức lòng tin của Kant vào con người thể hiện ở tuyên bố rằng, con người với tính cách là chủ thể đạo đức có toàn quyền tạo ra luật cho mình, và rằng các quy luật xã hội khác với các quy luật tự nhiên bởi đặc tính hình thành và phạm vi tác động của chúng. Sự tôn trọng phẩm giá con người là nguyên tắc tối cao của đạo đức học.
Quan điểm phổ biến thời Kant là quy luật đạo đức do Thượng đế ban cho con người. Kant nghĩ khác. Theo ông, đạo đức không lệ thuộc vào tôn giáo, vì thế không nên xác lập các quy luật đạo đức từ tín điều tôn giáo. Đạo đức không cần đến sự can thiệp của tôn giáo; nó làm chủ bản thân mình nhờ lý trí thực tiễn (Kant, t. 4, p.1, tr. 8). Không phải đạo đức lệ thuộc vào tôn giáo, mà ngược lại, niềm tin tôn giáo lệ thuộc vào đạo đức. Chính trong sinh hoạt đạo đức con người đặt ra niềm tin vào cái Tuyệt đối, cái hoàn thiện nhất, mang ý nghĩa mời gọi và kích thích khát vọng hướng thiện của họ. Như vậy đạo đức không lệ thuộc vào tôn giáo, nhưng giữa đạo đức và tôn giáo diễn ra mối liên hệ thường xuyên. Kant không phủ nhận niềm tin tôn giáo, mà chỉ chống thần quyền, mong muốn hạn chế các đặc quyền tôn giáo, từng trở nên phổ biến dưới thời Trung cổ.
Nguyên tắc cơ bản trong đạo đức học của Kant là mệnh lệnh (Imperativ).
Mệnh lệnh nhìn chung có hai dạng là mệnh lệnh giả định và mệnh lệnh tuyệt đối.
Nếu hành động được thực hiện bằng một mệnh lệnh nhằm đến một mục đích, một quyền lợi có tính nhân quả nào đấy, thì gọi là mệnh lệnh giả định (phi tất định). Theo Kant, mệnh lệnh là một yêu cầu đối với người khác hãy thực hiện một hành vi nhất định nào đó, hay đặt ra những mục đích nhất định cho hành vi. Mệnh lệnh giả định được thể hiện bằng công thức “nếu … thì”, chẳng hạn nếu anh muốn điều này hay điều nọ, thì anh phải làm như vậy hay khác đi. Mệnh lệnh này đặt điều kiện là có một ý muốn đã tồn tại thực tế và trên cơ sở đó đòi hỏi một ý muốn tiếp theo, mà ý muốn này là cần thiết để thỏa mãn ý muốn ban đầu (Kant, Grundlegung zur Metaphysik der Sitten, NXB Philipp Reclam jun, Leipzig, 1983, 228).
Nhưng quy luật đạo đức lại không thể phụ thuộc vào bất cứ ý muốn kinh nghiệm sẵn có nào, và hành vi luân lý không được phép trở thành phương tiện phục vụ cho các mục đích khác. Đòi hỏi đạo đức được đưa ra và thực hiện chỉ bởi ý chí của bản thân nó mà thôi. Đòi hỏi (mang tính đạo đức) không kêu gọi cái mà đằng nào thì con người cũng đã ước muốn, mà hướng đến một ý muốn có giá trị hợp lý trong bản thân nó. Một hành vi đạo đức chân chính chỉ có thể là hành vi mà trong đó một đòi hỏi như vậy được thực hiện. Quy luật đạo đức trong trường hợp này đã trở thành một đòi hỏi tự thân, một mệnh lệnh tuyệt đối, khi hành động diễn ra một cách vô tư, không vụ lợi (nói như Kant là không đếm xỉa đến cái hậu của nó), vô điều kiện đối với ý chí, còn ý chí thì phù hợp với lý tính. Nói khác đi, mệnh lệnh đó có giá trị vô điều kiện và tuyệt đối, trong khi các mệnh lệnh giả định chỉ là tương đối.
Trong sự phân loại này, mệnh lệnh tuyệt đối được Kant đề cao hơn so với mệnh lệnh giả định, bởi lẽ mệnh lệnh tuyệt đối đòi hỏi con người hành động sao cho lý trí và ý chí thống nhất với nhau, hành vi xử thế mang tính khách quan, không lệ thuộc vào mục đích cá nhân. Nói khác đi, Kant đã đề cập đến quy luật đạo đức công dân, là luật thống nhất cho tất cả mọi thành viên và tầng lớp xã hội. Mệnh lệnh tuyệt đối mang ý nghĩa đó. Mệnh lệnh tuyệt đối được thể hiện bằng diễn đạt “Hãy…”, mà không kèm theo bất cứ điều kiện nào, chẳng hạn “Hãy hành động sao cho những gì bạn thể hiện trở thành nguyên tắc xử thế chung của những người khác”, “Hãy hành động theo điều kiện và ý muốn sao cho ai cũng làm được như thế”, “Hãy hành động như thể nguyên tắc tối cao của hành động của anh qua ý chí của anh cần phải trở thành quy luật tự nhiên phổ biến” (Kant, sdđd, tr. 237).
Với tính cách là một nguyên tắc cơ bản chi phối hành động đạo đức của con người, mệnh lệnh tuyệt đối có các đặc điểm làm cho nó khác với mệnh lệnh giả định. Trước hết mệnh lệnh tuyệt đối là nguyên lý phổ quát cho mọi hành động của con người. Nó đòi hỏi mỗi người phải hành động như thế nào đó để những hành vi của mình trở thành nguyên tắc mang tính pháp chế, đồng thời phải có nghĩa vụ ngăn chặn những hành động trái với nguyên tắc phổ biến ấy. Thứ hai, mệnh lệnh tuyệt đối đòi hỏi xã hội công dân phải nhìn nhận con người như là mục đích, chứ không phải là phương tiện, mọi hành động đều phải thực hiện vì mục đích của con người. Thứ ba, mệnh lệnh tuyệt đối đòi hỏi mỗi công dân phải sống phù hợp với lẽ tự nhiên, tôn trọng mình và người khác, chống mọi thói hư tật xấu, sự giả dối và tính ích kỷ (Kant, t. 4, p. 1, tr. 270). Thứ tư, mệnh lệnh tuyệt đối phải là sự thể hiện sự tự quyết của lý tính thực tiễn, nghĩa là sự tự quyết thuần túy của ý chí lý tính. Bởi vậy nó chỉ liên can đến hình thức của ý muốn và đòi hỏi rằng hình thức này phải là một quy luật có giá trị phổ biến. Tính hình thức của mệnh lệnh tuyệt đối cho thấy nó không lệ thuộc vào các dữ liệu và nội dung kinh nghiệm, nó đã trở thành nguyên tắc vượt qua kinh nghiệm đơn nhất. Kant khẳng định dứt khoát rằng tính quy định kinh nghiệm không thích hợp với mệnh lệnh tuyệt đối. Đòi hỏi của quy luật đạo đức không nhằm vào vật chất của ý muốn. Cả hạnh phúc cũng không dễ trở thành nguyên tắc của đạo đức, bởi lẽ khát vọng đạt đến việc cảm nhận hạnh phúc đã tồn tại trong kinh nghiệm; nó không phải là đòi hỏi của lý tính. Thứ đạo đức nhìn nhận hạnh phúc là ý nghĩa tối cao của tồn tại con người sẽ dẫn đến các mệnh lệnh giả định to tát, với những chỉ dẫn mập mờ là bằng cách nào người ta có thể thỏa mãn ý muốn tự nhiên một cách tốt nhất. Các quy luật đạo đức (của Kant) lại đòi hỏi một ý muốn khác với ý muốn tự nhiên; nó tồn tại cho điều cao siêu hơn