PHÉP PHÂN TÍCH

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 32 - 41)

Giác tính là giai đoạn thứ hai của nhận thức. Về quan hệ giữa cảm tính và giác tính Kant viết:"Bản chất của nhận thức như thế này: trực quan chỉ có thể là cảm tính, nghĩa là bao hàm phương pháp chỉ ra tác động của sự vật lên chúng ta. Còn khả năng tư duy sự vật thuộc về giác tính” (Kant, Sđd, t. 3, tr. 154). Vậy giác tính là khả năng tư duy sự vật, hay khả năng phán đoán, khả năng đem đến tri thức chân lý (Kant, nt, tr. 195). Sự hoạt động của giác tính có tính chất thuần túy hình thức. Xét về quan hệ hình thức thì

cảm tính hoàn toàn lệ thuộc vào giác tính, xét về quan hệ nội dung thì giác tính lệ thuộc vào cảm tính.Kant viết:"Giác tính là khả năng tư duy về đối tượng của trực quan cảm tính(Kant, nt, tr. 155). Nhưng tư duy là nhận thức thông qua khái niệm, còn khái niệm là cơ sở để thiết lập các phán đoán. “Phán đoán là tri thức gián tiếp về đối tượng…Trong mỗi phán đoán có một khái niệm giữ vai trò chi phối mọi biểu tượng khác…Ví dụ trong phán đoán “mọi vật thể đều có thể phân chia” khái niệm “phân chia” có quan hệ với mọi khái niệm khác nhau” (Kant, nt, tr. 167). Suy rộng ra, “giác tính nói chung có thể được hiểu như khả năng thiết lập các phán đoán …khả năng tư duy. Tư duy là nhận thức thông qua khái niệm. Khái niệm là các vị trí của phán đoán khả năng” (Kant, nt, tr. 167).

Tuy vậy, không nên cho cái này hơn cái kia, cũng không nên nhầm lẫn chức năng của chúng. Giác tính không quan sát được gì, còn cảm tính không tư duy được gì. Chỉ có liên kết chúng lại với nhau mới có thể xuất hiện tri thức.

Chính do những chức năng khác nhau quy định mà cảm tính thuộc về lĩnh vực cảm giác học tiên nghiệm, còn giác tính – Phép phân tích tiên nghiệm – bộ phận cấu thành của Lôgíc học tiên nghiệm. “Sự thống nhất, tổng hợp chúng (cảm tính và giác tính) trong chủ thể nhận thức không cho phép chúng ta nhầm lẫn vị trí của chúng. Có đầy đủ cơ sở để phân biệt và chia tách cái thứ nhất ra khỏi cái thứ hai. Cho nên chúng ta mới có Cảm giác học, tức là khoa học về các quy tắc cảm tính nói chung, và lôgíc học, tức khoa học về các quy tắc giác tính nói chung” (Kant, nt, tr. 155).

Trong Cảm giác học tiên nghiệm, chủ yếu là tìm hiểu các dạng tiên nghiệm của trực quan cảm tính, Kant đã chứng minh rằng ngoài những trực quan kinh nghiệm còn tồn tại trực quan tiên nghiệm nữa, đó là không gian và thời gian, các hình thức thuần túy của trực quan cảm tính, mở ra khả năng của tri thức tiên nghiệm trong toán học. Tri thức cần trở nên tất yếu và phổ biến nhờ tư duy giác tinh. Để tạo chỗ đứng vững chắc cho học thuyết giác tính, Kant xác lập Lôgíc học tiên nghiệm, đối lập với Lôgíc học thông thường, hình thức.

Lôgíc học tiên nghiệm là gì? Nó khác với Lôgíc hình thức ở điểm nào? Điểm khác nhau đầu tiên giữa Lôgíc tiên nghiệm và Lôgíc hình thức (Kant gọi là Lôgíc đại cương) đề cập đến nguồn gốc tri thức. Vấn đề là ở chỗ, Lôgíc thông thường tìm hiểu các quan hệ hình thức giác tính không phụ thuộc vào việc chúng quan hệ với tri thức kinh nghiệm hay tri thức lý tính thuần túy. Hơn nữa Lôgíc thông thường hoàn toàn không nghiên cứu nguồn gốc của nhận thức và không phân biệt xem các khái niệm vốn a priori

trong ta, hay chỉ có tính chất kinh nghiệm đơn thuần. Lôgíc tiên nghiệm, ngược lại, cần phải loại trừ tất cả tri thức mang nội dung kinh nghiệm ra khỏi đối tượng nghiên cứu. Lôgíc tiên nghiệm, theo Kant, “cần phải tìm hiểu sự xuất hiện của nhận thức của chúng ta về sự vật như thể chúng ta xem xét những khái niệm thuần túy trong trí tuệ con người từ dạng bào thai đơn sơ ban đầu của chúng, mà trong đó chúng được định hình” (Kant, nt, tr. 165). Xét về tính xác thực của tri thức thì Lôgíc truyền thống né tránh hết thảy mọi nội dung của nhận thức, mà chỉ xem xét hình thức lôgíc trong mối quan hệ lẫn nhau của tri thức, hay hình thức tư duy nói chung (Kant, nt, tr. 157). Các quy luật của thứ lôgíc này đảm bảo tính xác thực của tư duy chỉ từ góc độ hình thức lôgíc. Các suy luận vi phạm sự thống nhất logíc của tư duy đều bị xem là phi lý. Song theo Kant không phải suy luận lôgíc đúng đắn nào cũng đều đưa đến chân lý, nghĩa là không mâu thuẫn với bản thân cũng như với đối tượng. Rõ ràng, Kant nhấn mạnh, Lôgíc đại cương (hình thức) chỉ đưa ra tiêu chuẩn phủ định của chân lý – cái gì mâu thuẫn với yêu cầu của các quy luật của nó đều không phải là chân lý. Ngược lại, Lôgíc tiên nghiệm tìm hiểu mối quan hệ của tư duy

đối với sự vật, những hình thức và nguyên tắc của tư duy mà thông qua việc sử dụng chúng trong kinh nghiệm sẽ cho ra tri thức xác thực, tiêu chuẩn của chân lý phù hợp với hình thức tiên nghiệm của giác tính.

Đánh giá gì từ cách hiểu này của Kant về Logíc hình thức? Sự lý giải quá tiêu cực đối với Lôgíc cổ điển mà Kant nêu lên thực chất đã sa vào chủ nghĩa tiên nghiệm, tách rời hình thức lôgíc của tư duy với các hình thức của tồn tại, dẫn đến phủ nhận giá trị phương pháp luận của Lôgíc hình thức trong nhận thức khoa học. Tiêu chuẩn của chân lý, theo Kant, là sự phù hợp của tri thức với các quy luật của giác tính và lý tính, song như vậy vẫn chưa đủ, bởi vì xét đến cùng các quy luật của tư duy, dù có tính độc lập tương đối của mình, vẫn không thể dừng lại ở tính “thuần túy” của nó. Kant chắn hẳn đã biết đến điều này, khi ông tuyên bố về ưu thế của phần “thực tiễn” trước phần lý luận trong học thuyết của mình. Quá nhấn mạnh đến phương thức tổ chức tri thức, Kant xem nhẹ, hoặc tách rời một cách siêu hình phương thức tồn tại khỏi nội dung tồn tại.

Mặc dù có mâu thuẫn trong lập luận về tính chân lý của tri thức, gắn với sự phê phán Lôgíc truyền thống, Kant đã đem đến cho khoa học này ý nghĩa mới. Trước Kant môi trường Lôgíc hình thức chưa được xác định nghiêm túc, và điều đó đã cản trở sự tiến bộ cả trong lĩnh vực Lôgíc hình thức lẫn sự hình thành Lôgíc học mới. Hạn chế đối tượng của Lôgíc hình thức và môi trường áp dụng nó trong việc chứng minh và khám phá chân lý, Kant đã đặt nền móng cho sự tiến bộ của chính Lôgíc hình thức và thúc đẩy khả năng xác lập một khoa học lôgíc thực sự hiện đại.

Về phương pháp, theo Kant, Lôgíc thông thường chú trọng phương pháp phân tích mà thông qua đó các quan niệm khác nhau cùng dẫn đến một khái niệm. Ngược lại, Lôgíc tiên nghiệm loại trừ phương pháp đó, nhấn mạnh phương pháp “tổng hợp thuần túy các quan niệm thành khái niệm” (Kant, t.3, tr. 174). Quá trình đưa phép tổng hợp thuần túy các quan niệm về khái niệm được thực hiện, theo Kant, trong ba điều kiện: thứ nhất, có cái đa thể trong trực quan thuần túy, tức là những gì được đem đến cho ta, dành cho sự nhận thức (tiên nghiệm) toàn bộ đối tượng; thứ hai, tổng hợp cái đa thể thông qua khả năng tưởng tượng; thứ ba, phép tổng hợp thuần túy này thực hiện sự thống nhất các khái niệm, tạo nên sự thống nhất tổng hợp (nt, tr. 174).

Chúng ta có được tri thức xác thực nhờ ba điều kiện trên.

Về đối tượng nghiên cứu, sự khác nhau giữa Lôgíc tiên nghiệm và Lôgíc truyền thống khá đáng kể. Đối tượng của Lôgíc tiên nghiệm là các hình thức tiên nghiệm của phép tổng hợp tri thức. Vậy sự tổng hợp thuần túy của giác tính là gì?

Theo Kant, Lôgíc tiên nghiệm đã có sẵn trong mình một cách tiên nghiệm tính đa dạng cảm tính, được đem đến bằng Cảm giác học tiên nghiệm. Tính đa dạng đó như một dữ liệu cho các khái niệm của giác tính thuần túy. Nếu không có dữ liệu đó các khái niệm sẽ hoàn toàn trống rỗng, không thể có nội dung. Nhưng làm sao để từ sự đa dạng của trực quan cảm tính, hay nói cách khác, từ dữ liệu cảm tính, tri thức được đúc kết và quy về một mối thống nhất? Để điều đó diễn ra, cần có một hành động của giác tính, gọi là sự tổng hợp (Synthese) nhờ khả năng của trí tưởng tượng. Nhưng bản chất của nhận thức, theo giải thích của Kant, có tính chất tiên nghiệm, chứ không dừng lại ở nội dung kinh nghiệm. Do đó giác tính không giới hạn mình ở hành động tổng hợp tự phát, mà cần đến tổng hợp thuần túy. Sự tổng hợp được gọi là thuần túy, nếu tính đa dạng của biểu tượng được đem lại bằng hình thức tiên nghiệm, chứ không bằng hình thức kinh nghiệm.

Tương ứng với hình thức lôgíc, nơi diễn ra quá trình tổng hợp, Lôgíc tiên nghiệm lại phân chia thành học thuyết về những chức năng của nhận thức giác tính, tức Phép

phân tích tiên nghiệm, và học thuyết về những chức năng của nhận thức lý tính, tức Phép biện chứng tiên nghiệm. Trong khi đó thì Lôgíc truyền thống không phân biệt rõ ràng giác tính (Verstand) và lý tính (Vernunft), bởi lẽ nó chỉ nghiên cứu tri thức đã có sẵn

(phán đoán phân tích) và rút ra những kết luận từ đó.

Thực ra thì mặc dù phê phán lôgíc học truyền thống của Aristote, song căn cứ vào cách thức trình bày phép đo chuẩn xác của các hình thức tiên nghiệm của giác tính qua các con số có thể thấy rằng, Kant chưa thoát khỏi hẳn cái bóng của khoa học lôgíc này. Kant viết:"Như vậy là đã xuất hiện các khái niệm giác tính thuần túy mà liên quan đến nó tôi có thể khẳng đinh rằng chính chúng và chỉ trong số lượng này có thể tạo nên toàn bộ nhận thức của chúng ta về sự vật từ giác tính thuần túy” (Kant, t. 4, tr. 144). Việc khám phá ra các phân ngành khoa học lôgíc khác nhau, tương tự như các học thuyết Euclide mới trong hình học, đưa đến sự phá sản huyền thoại về tính duy nhất và tính phổ quát của lôgíc truyền thống, mà trên cơ sở của nó Kant từng dựa vào để xây dựng học thuyết về các hình thức tiên nghiệm của giác tính.

Như vậy Phép phân tích tiên nghiệm, bộ phận cấu thành của Lôgíc học tiên nghiệm, tìm hiểu chức năng của nhận thức giác tính, giai đoạn thứ hai của nhận thức. Năng lực trực quan cảm tính (cảm năng) và năng lực tư duy giác tính (trí năng) thống nhất với nhau, nhưng đó là sự thống nhất hai cấp độ của nhận thức. Cảm năng đem đến biểu tượng về đối tượng, còn trí năng thông qua biểu tượng mà thiết lập các phán đoán tiên nghiệm. Sự hoạt động của giác tính thể hiện ở chỗ, thông qua các khái niệm giác tính tiến hành phán đoán. Có bao nhiêu khái niệm sẽ có bấy nhiêu hình thức hoạt động của giác tính. Nhưng khái niệm, theo cách hiểu của Kant, có tính chất tiên nghiệm, vì nó là sản phẩm của trí tuệ, thể hiện năng lực “tự thiết kế” của tư duy, không dựa trên kinh nghiệm trực tiếp (ngoài ra cần lưu ý rằng năng lực này có thể đi trước kinh nghiệm, hay nói cô đọng hơn, tính vượt trước của tư duy lý luận). Cách hiểu này được Kant giải thích trong tiết 9 – “Về chức năng lôgíc của giác tính trong các phán đoán”. Kant viết:"Nếu gạt bỏ nội dung của các phán đoán nói chung sang một bên, và chỉ chú ý đến hình thức giác tính của chúng, ta sẽ nhận thấy rằng chức năng tư duy trong các phán đoán có thể được chia thành bốn nhóm, trong mỗi nhóm có ba dạng phán đoán” (Kant, nt, tr. 168).

Bốn nhóm ấy là:1)xét về phương diện số lượng có phán đoán chung, phán đoán riêng, phán đoán đặc thù; 2) xét về phương diện chất lượng có phán đoán khẳng định, phán đoán phủ định, phán đoán không xác định; 3) xét về phương diện quan hệ có phán đoán nhất quyết, phán đoán giả định, phán đoán phân chia; 4) xét về phương diện hình thái,

hay phương thức (modalité, gốc tiếng Latinh modus) có phán đoán không tường minh, phán đoán luận chứng, phán đoán tất định.

Bảng phán đoán trên là cơ sở để Kant thiết lập bảng các phạm trù. Kant viết:"Có bao nhiêu hình thức phán đoán thì có bấy nhiêu khái niệm giác tính thuần túy”(Kant, nt, tr. 174).

Phép phân tích tiên nghiệm, rút ra từ Logíc tiên nghiệm, giải đáp câu hỏi “khoa học tự nhiên thuần túy có khả năng như thế nào?”. Kant hiểu khoa học tự nhiên thuần túy (lý luận, lý thuyết) là các phán đoán về mối liên hệ phổ biến và tất yếu giữa các hiện tượng tự nhiên, hay theo diễn đạt của Kant – phán đoán tổng hợp a priori. Lời giải đáp là: các phán đoán của khoa học tự nhiên lý thuyết về mối liên hệ phổ biến và tất yếu được tổng hợp bằng giác tính thông qua các phạm trù triết học.

Phạm trù là gì? Là các khái niệm thuần túy của giác tính. Do đâu chúng xuất hiện? Do quá trình tổng hợp thuần túy các dữ liệu từ trực quan cảm tính đem lại. Nhờ khả

năng tổng hợp của giác tính thuần túy mà sự đa dạng cảm tính được quy về một mối thống nhất cho những biểu tượng trực quan – sự thống nhất đó chính là những khái niệm của giác tính thuần túy, hay các phạm trù. Đánh giá quan điểm này của Kant, Hegel viết:"Ở Kant, các phạm trù là một cái gì đó thuộc về tự ý thức, hay cái tôi chủ thể” (G. W. F. Hegel. Khoa học lôgíc. T.3, Nxb Tư tưởng, Matxcơva, 1972, 120). Các phạm trù của Kant đôi khi được các nhà phân tích ví như những cái khuôn đúc nên những phán đoán, những cái khuôn của người làm bánh là vì thế. Chức năng của các phạm trù là gì? Là làm cho giác tính mang tính hệ thống và tính quy luật. Chức năng này cũng chỉ ra sự khác nhau giữa bản chất của trực quan cảm tính và tư duy giác tính. Kant viết:"Chúng ta có hai loại khái niệm hoàn toàn khác nhau, mặc dù giữa chúng có điểm tương đồng là đều có tính chất tiên nghiệm trong mối quan hệ với các đối tượng – đó là các khái niệm không gian và thời gian với tính cách là các hình thức trực quan, và các phạm trù với tính cách là các khái niệm của giác tính” (Kant, nt, tr. 182). Nhiệm vụ của học thuyết về phạm trù là gì? Là tạo nên sự thống nhất các chức năng của ý thức trong khái niệm trực quan và các phán đoán, khắc phục sự chia tách giữa Cảm giác học tiên nghiệm và Phép phân tích tiên nghiệm, giữa nhận thức cảm tính và nhận thức giác tính.

Trong tiết 10, với tên gọi “Về khái niệm của giác tính thuần túy, hay các phạm trù”, Kant đưa ra một bảng gồm 12 phạm trù, chia thành 4 nhóm như sau: 1)nhóm phạm trù số lượng có nhất thể, đa thể, toàn thể; 2) nhóm phạm trù chất lượng có hiện thực, phủ định, hạn định; 3) nhóm phạm trù quan hệ có bản thể và tồn tại độc lập, nguyên nhân và kết quả, tương tác ; nhóm phạm trù hình thái có khả năng – bất khả năng, tồn tại – không tồn tại, tất nhiên – ngẫu nhiên.

Các khái niệm, hay các phạm trù tương tự đã được Aristote nêu lên trong học thuyết về các phạm trù (xem Aristote, Phạm trù, từ chương 5 đến chương 8). Nhưng bảng phạm trù của Aristote, theo Kant, chưa đầy đủ và chưa đạt đến tính nguyên lý. Kant cũng lưu ý rằng các phạm trù như đã kể trên là những khái niệm cơ bản của giác tính thuần túy, từ đó mà triển khai các khái niệm phái sinh. “Điều quan trọng, - Kant nhấn mạnh, - không phải là tính đầy đủ của hệ thống, mà là đầy đủ các nguyên lý của hệ thống” (Kant, nt, tr. 176). Đối với nhóm phạm trù nhân quả, chẳng hạn, có thể thêm vào các vị từ như lực, tác động, chịu đựng; đối với nhóm phạm trù quan hệ – hiện diện, đối lập; đối với nhóm phạm trù hình thái - xuất hiện, biến mất, thay đổi v.v.. Kant không có ý định biến các phạm trù thành những cái bất biến và cứng nhắc trong giới hạn đã vạch ra. Tính mở

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 32 - 41)