0
Tải bản đầy đủ (.doc) (85 trang)

PHÉP BIỆN CHỨNG

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 41 -53 )

PHÉP BIỆN CHỨNG

Ở giai đoạn nhận thức giác tính, với khả năng tổng hợp tiên nghiệm của giác tính thuần túy, chủ thể nhận thức đã thống nhất những tính đa dạng của trực quan cảm tính nhằm thiết lập nên các phạm trù giác tính với tính cách là các hình thức để con người có

thể nhận thức đối tượng, và điều kiện để con người có thể kinh nghiệm. Nhưng các phạm trù giác tính chỉ có thẩm quyền giới hạn trong thế giới hiện tượng, mà không có khả năng xâm nhập vào thế giới vật tự nó. Song bản tính tự nhiên của tư duy con người là luôn khao khát vươn tới nhận thức cái tối cao tuyệt đối. Trong “lôgíc của ảo giác” - cách mà Kant dùng để gọi phép biện chứng – con người có thể mạo hiểm chấp nhận tình trạng chơi vơi như người thủy thủ trên biển cả vô định, song vẫn tin rằng có một bến bờ, dù rất xa, đang chờ đón. Để đạt mục tiêu, cần dấn bước tiếp tục. Nhận thức của con người, theo Kant, cần vượt qua giới hạn của giác tính, chuyển lên cấp độ cao hơn – cấp độ lý tính, với các công cụ nhận thức trừu tượng hơn, khái quát hơn – các ý niệm. Năng lực nhận thức lý tính là đối tượng của phép biện chứng tiên nghiệm. Nhiệm vụ của phép biện chứng tiên nghiệm, theo Kant, còn thể hiện ở chỗ cần phải vạch ra vẻ bề ngoài của các phán đoán

siêu nghiệm và đồng thời tránh cho chúng ta khỏi sự đánh lừa của nó. Lẽ cố nhiên, nó không thể làm cho vẻ bề ngoài này mất đi hoàn toàn, như vẻ bề ngoài lôgíc, khi chúng ta bắt đầu công việc theo các quy tắc lôgíc. “Chúng ta đề cập đến ở đây ảo giác tự nhiên và khó tránh khỏi, cái ảo giác dựa trên các luận điểm chủ quan lại gán cho chúng tính khách quan” (Kant, t.3, tr. 339). Chấp nhận thực tế này cũng có nghĩa là xuất phát từ những gì cố hữu ở lý trí con người, chứ không phải là những xếp đặt nhân tạo theo cách mà nhà ngụy biện sử dụng. Lý trí con người, được xem xét một cách chủ quan như năng lực nhận thức của con người, hàm chứa các quy tắc và nguyên lý ứng dụng cơ bản, chúng làm ra vẻ như là các luận điểm hoàn toàn khách quan. Điều này cũng dẫn đến chỗ tính tất yếu chủ quan của sự liên kết các khái niệm cho giác tính lại được thừa nhận như tính tất yếu khách quan của sự xác định những vật tự nó. Theo Kant, phép biện chứng, tựa như lôgíc của vẻ bề ngoài, không thể được xét đoán như khoa học triết học nghiêm túc, mà có thể liệt vào lôgíc trong hình thức phê phán vẻ bề ngoài biện chứng, nghĩa là trong hình thức phê phán “giác tính và lý tính trong sự vận dụng siêu vật lý của lý tính” (Sđd, t.3, tr. 163). Làm sống lại phép biện chứng, sau đó gán cho nó hình thức tiên nghiệm, Kant nhằm đến hai mục tiêu. Thứ nhất, bản thân phép biện chứng hình thành trong lịch sử phát triển của siêu hình học truyền thống, do đó nó cần phải được thẩm định lại. Thái độ đối với phép biện chứng cũng là thái độ đối với siêu hình học cũ. Thông qua phép biện chứng đã xuất hiện câu hỏi “có thể có siêu hình học” (như một lĩnh vực tri thức) không?”. Thứ hai, phép biện chứng, với những tính quy định của nó, không thể chỉ xuất phát từ những luận giải mang tính suy đoán vế đối tượng, mà phải tạo điều kiện hình thành nên các luận điểm xuất phát, đóng vai trò hướng dẫn tư duy đến đối tượng. Đặt ra phép biện chứng tiên nghiệm cũng là biểu hiện đặc thù của bước ngoặt Copernics trong triết học, vì nó làm sáng tỏ vấn đề “siêu hình học có thể có như thế nào?”. Đó là một vấn đề lớn, đòi hỏi xác định chức năng của siêu hình học (triết học) mới, vượt qua lối mòn của những cuộc tranh luận vô bổ, thuần túy sách vở, như đã từng diễn ra vào thời Trung cổ. Trong quá trình phân tích tiếp theo Kant đã vượt ra khỏi giới hạn của cách tiếp cận cũ, và bắt đầu đặt nền móng cho tư tưởng cơ bản của phép biện chứng như phương pháp tư duy mới tích cực.

Như vậy Kant gắn kết việc xem xét vấn đề thứ ba của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm – khả năng của các phán đoán tổng hợp tiên nghiệm trong siêu hình học, tức triết học – với khả năng của lý tính, khả năng cho ra những nguyên lý nhờ sự hỗ trợ của các ý niệm. Trong nhận thức lý tính thực hiện chức năng điều chỉnh, hướng giác tính đến mục đích nhất định, vạch ra nhiệm vụ cho nó. Lý tính sàng lọc và hệ thống hóa tri thức. Đây là điểm nút mà từ đó lý luận đi vào thực tiễn: ý niệm (chân lý lý luận) điều chỉnh không chỉ nhận thức, mà cả hành vi của con người nữa. Vậy lý tính là gì? Bản chất của quá trình

nhận thức lý tính diễn ra như thế nào? Liệu con người có thể nhận thức được thế giới của những vật tự nó không?

Lý tính (Vernunft) theo nghĩa rộng là trí tuệ của con người nói chung, là chính lý trí (tên gọi tác phẩm của Kant theo nghĩa rộng đó), theo nghĩa hẹp là giai đoạn cao – giai đoạn kết thúc của quá trình nhận thức. Kant viết:"Mọi tri thức của chúng ta được bắt đầu từ cảm tính, chuyển qua giác tính và kết thúc trong lý tính” (Kant, t.3, tr. 340). Theo Kant, nhận thức của con người trải qua ba giai đoạn, hay ba cấp độ là cảm tính – giác tính – lý tính. Cảm tính và giác tính liên quan trực tiếp đến thế giới các hiện tượng, nhưng dừng lại trước thế giới vật tự nó. Phân biệt lý tính với hai cấp độ trước, Kant viết:"Nếu giác tính có khả năng thiết lập sự thống nhất các hiện tượng thông qua các nguyên tắc, thì lý tính có khả năng thiết lập sự thống nhất các nguyên tắc của giác tính bằng các nguyên lý. Bởi vậy lý tính không bao giờ hướng trực tiếp đến kinh nghiệm hoặc một đối tượng nào đó, mà chỉ luôn hướng đến giác tính” (Kant, t.3, tr. 342).

Nếu giác tính phản ánh tính năng động sáng tạo của chủ thể nhận thức với tính cách là chủ thể trung tâm vũ trụ, thì lý tính hoàn toàn khác. “Bản thân lý tính, - Kant viết, - không tạo ra những khái niệm mới; điều lớn nhất mà nó làm được là giải phóng các khái niệm giác tính khỏi những hạn chế khó tránh bởi phạm vi của thế giới khả nghiệm và đồng thời tìm cách mở rộng thế giới đó ra ngoài giới hạn kinh nghiệm, mặc dù vẫn liên quan đến nó. Điều đó được thực hiện bằng việc lý tính đòi hỏi chỉnh thể tuyệt đối các điều kiện” (Kant, t.3, tr. 391 – 392). Nhưng khi lý tính con người cố vượt ra khỏi lĩnh vực thế giới hiện tượng để thâm nhập vào thế giới vật tự nó, thì những nỗi thất vọng tất yếu sẽ chờ đợi nó trên con đường nhận thức. Kant gọi đó là cuộc phiêu lưu của lý tính, thậm chí đã phải thốt lên rằng thà không dấn bước còn hơn đi lạc đường, bởi lẽ thế giới bản chất tự tại còn quá nhiều điều bí hiểm, nhiều cạm bẫy. Vấn đề là ở chỗ, Kant nhấn mạnh, chúng ta cần vạch ra trong khả năng cho phép một họa đồ chung của đại dương lớn đang chờ đón mình. Kết quả là các ý niệm lý thuyết tự thiết kế một hệ thống, đặt trên cơ sở của ba mối quan hệ có thể của tư duy với hiện thực: quan hệ với chủ thể (ý niệm về linh hồn, hạt nhân của tâm lý học); quan hệ với khách thể (ý niệm về thế giới), quan hệ với cả chủ thể lẫn khách thể, với sự vật nói chung (ý niệm về Thượng đế như nguyên nhân tất yếu của mọi hiện tượng).

Để thuyết phục người đọc về quan điểm của mình Kant buộc phải đi đường vòng, thông qua hàng loạt khái niệm như biểu tượng, cảm giác để định nghĩa ý niệm. Ông viết:"Biểu tượng nói chung là một khái niệm rộng, trong đó bao hàm biểu tượng có ý thức. Cảm giác thông giác có quan hệ đặc biệt với chủ thể giống như sự biến thể trạng thái của chủ thể. Nhận thức là sự thông giác khách quan. Nhận thức có thể là trực quan,

có thể là khái niệm. Trực quan có mối liên hệ trực tiếp đến khách thể và luôn có dạng cá biệt, còn khái niệm có quan hệ gián tiếp thông qua dấu hiệu chung của nhiều sự vật. Khái niệm có hai dạng – khái niệm kinh nghiệm và khái niệm thuần túy. Khái niệm thuần túy bởi vì nó có nguồn gốc ban đầu trong giác tính (chứ không phải trong hình ảnh thuần túy của cảm tính). Khái niệm được gọi là notio (khái niệm giác tính); khái niệm được hình thành từ notiones và vượt ra khỏi giới hạn của thế giới khả nghiệm gọi là ý niệm, hay là khái niệm của lý tính” (Kant, t.3, tr. 354). Sau này, trong “Bài giảng lôgíc học”, viết năm 1800, Kant trở lại vấn đề ý niệm với định nghĩa khá ngắn gọn và rõ ràng:"Ý niệm là khái niệm của lý tính mà đối tượng phản ánh của nó hầu như không thể gặp trong kinh nghiệm…Các khái niệm của lý tính, hay các ý niệm, không liên quan đến các đối tượng

thực tế, bởi các đối tượng thực tế này có trong thế giới khả nghiệm” (Kant, Tiểu luận và thư từ, M., 1966, tr. 395 – 396).

“Ý niệm” từng được Platon sử dụng trong học thuyết về tồn tại, tức bản thể luận theo nghĩa hẹp, qua đó thể hiện nguyên tắc thế giới quan của mình. Giữa nhà triết học cổ đại này và Kant có những điểm khác biệt trong cách hiểu và vận dụng thuật ngữ. “Ở Platon, - Kant viết, - các ý niệm là những hình mẫu của chính các sự vật, chứ không phải là chiếc chìa khóa để hiểu thế giới khả nghiệm, giống như các phạm trù. Theo Platon, các ý niệm bắt nguồn từ lý tính tối cao đã đánh mất trạng thái nguyên sơ của mình và cần phải khôi phục lại bằng con đường hồi tưởng những ý niệm cũ đã trở nên mờ đục” (Kant, t.3, tr. 350). Như vậy, ý niệm ở Platon là những thực thể siêu cảm tính, xuất phát từ lý tính tối cao của Thượng đế, làm cơ sở cho mọi tồn tại. Ở Kant, ngược lại, ý niệm chính là các phạm trù của lý tính con người, vừa là công cụ của nhận thức lý tính, vừa là lý tưởng mà lý tính vươn tới trong nhận thức và cuộc sống.

Với tính cách khái niệm của cái vô điều kiện tuyệt đối, các ý niệm không có cơ sở vật thể ở kinh nghiệm. Kant nhấn mạnh rằng cần hiểu ý niệm như “khái niệm tất yếu của lý tính mà đối với nó không một khách thể nào được đem đến trong các cảm giác”(Kant, t.3, tr. 358), và theo nghĩa này các khái niệm của lý tính thuần túy là những ý niệm tiên nghiệm. Tuy nhiên có chỗ Kant lại gán cho ý niệm ý nghĩa siêu nghiệm (transzendent, chứ không phải là transzendental), và có lẽ nghĩa sau này mới nói rõ cách tiếp cận của Kant, bởi lẽ trên thực tế các ý niệm đã “vượt qua giới hạn của kinh nghiệm”, không có cơ sở vật thể, trở thành cái vô điều kiện tuyệt đối (Kant, t.3, tr. 358 – 359). Qua đó cũng thấy rằng Kant chưa thật sự nhất quán (hay đó là sự linh hoạt cố ý ?) trong cách sử dụng các thuật ngữ.

Nếu ở giai đoạn nhận thức giác tính Kant khái quát hóa tính đa dạng của thế giới với sự hỗ trợ của bốn nhóm phạm trù, thì trong giai đoạn nhận thức lý tính Kant nêu ra ba dạng ý niệm, cũng có thể hiểu như ba dạng phạm trù đặc thù, xét từ ba mối quan hệ có thể có của biểu tượng với chủ thể, với khách thể, với sự vật nói chung, và ba dạng phán đoán – phán đoán nhất quyết, phán đoán giả định, phán đoán phân chia.

Mọi khái niệm thuần túy nói chung có quan hệ với sự thống nhất tổng hợp của biểu tượng. Nhưng khái niệm của lý tính thuần túy có quan hệ với sự thống nhất tổng hợp vô điều kiện “của mọi điều kiện”. “Cho nên, - Kant viết, - ý niệm tiên nghiệm có thể chia thành ba dạng: dạng thứ nhất phủ hợp với sự thống nhất tuyệt đối (vô điều kiện) của chủ thể tư duy, dạng thứ hai phù hợp với sự thống nhất tuyệt đối của loạt các điều kiện của hiện tượng, dạng thứ ba phù hợp với sự thống nhất tuyệt đối những điều kiện của đối tượng nói chung. Chủ thể tư duy là đối tượng của tâm lý học; tổng thể mọi hiện tượng của vũ trụ là đối tượng của vũ trụ luận; còn sự vật hàm chứa trong mình điều kiện tối cao của mọi khả năng của những gì có thể tư duy (bản chất của mọi bản chất) là đối tượng của thần học. Tóm lại, lý tính thuần túy đưa đến cho tâm lý học duy lý (psychologia rationalis) ý niệm về linh hồn, cho vũ trụ luận duy lý (cosmologia rationalis) ý niệm về vũ trụ, cho thần học tiên nghiệm (theologia transcendentalis) ý niệm về Thượng đế”

(Kant, t.3, tr. 363).

Linh hồn, vũ trụ, Thượng đế là các đối tượng của siêu hình học truyền thống. Chúng được đặt ra từ rất sớm, nhưng theo Kant, chưa hệ thống nào giải quyết một cách triệt để. Kant sử dụng phương pháp tiên nghiệm kết hợp với hoài nghi luận, mà ông gọi là vũ khí hiệu quả nhất chống chủ nghĩa giáo điều, để giải quyết vấn đề này. Linh hồn, như đã nói trên, là đối tượng nghiên cứu của tâm lý học. Nó là thể thống nhất vô điều kiện của

tất cả các đối tượng tâm lý của chủ thể tư duy. Khi nào con người cảm nhận được cơ sở tận cùng của mọi hiện tượng cảm tính bên trong, thì sẽ có được ý niệm linh hồn. Trong siêu hình học cũ, linh hồn được giả định như một thực thể bất diệt, với bản tính và ý chí tự do không lệ thuôc vào thân xác. Vũ trụ là thể thống nhất vô điều kiện của các hiện tượng, các trật tự trong tự nhiên, quy định lẫn nhau theo luật nhân quả. Khi lý tính con người vươn tới nền tảng tận cùng của vạn vật thuộc thế giới bên ngoài, con người sẽ có được ý niệm về vũ trụ. Thượng đế là nguyên nhân vô điều kiện tuyệt đối của mọi hiện tượng xảy ra trong vũ trụ, là bản chất của mọi bản chất. Khi con người khát khao tìm kiếm khởi nguyên tận cùng của mọi vật thể - cả vật chất lẫn tinh thần - trong vũ trụ, con người sẽ tiếp cận được ý niệm Thượng đế.

Tương ứng với ba ý niệm cơ bản, trong siêu hình học cũ từng tồn tại ba dạng suy luận biện chứng. Kant chỉ ra ba dạng đó:"Dạng suy luận thứ nhất liên quan đến chủ thể tiên nghiệm không có nội dung – tôi gọi là Paralogismus (tạm dịch là ngộ biện, hay võng luận). Dạng suy luận thứ hai liên quan đến khái niệm tiên nghiệm tổng thể các điều kiện của chuỗi…tôi gọi là Antinomia (nghịch lý, mâu thuẫn) của lý tính thuần túy. Dạng suy luận thứ ba xuất phát từ tổng thể các điều kiện để tư duy về đối tượng nói chung…gọi là

Idea (ý niệm) của lý tính tính thần túy” (Kant, t. 3, tr. 368).

Ngộ biện được hiểu như sự vi phạm không chủ ý các quy luật, quy tắc lôgíc, làm mất đi tính thuyết phục của lập luận và dẫn đến các kết luận sai. Ngộ biện khác với ngụy biện – là sự vi phạm các quy luật, quy tắc lôgíc một cách có chủ ý. Kant đã làm một bảng thống kê và cho rằng trong tâm lý học duy lý, mà Descartes là điển hình, người ta đã đưa ra những lập luận có tính chất ngộ biện, chẳng hạn “linh hồn là một thực thể”, “linh hồn có bản tính đơn giản”, "trong mọi khoảng thời gian tồn tại của mình, linh hồn có tính đồng nhất về số lượng, hay có tính thống nhất”, “trong không gian linh hồn nằm trong mối quan hệ với các đối tượng khả nghiệm”… Kant cho thấy, do suy luận sai về hình thức lôgíc nên các nhà tâm lý học duy lý đã chuyển một cách vô căn cứ các đặc tính quy định thuần túy lôgíc của chủ thể vào chủ thể tự nó, vào linh hồn với tính cách là vật tự nó. Ngộ biện của tâm lý học duy lý sinh ra phản đề giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 41 -53 )

Tài liệu bạn tìm kiếm đã sẵn sàng tải về

Tải bản đầy đủ ngay
×