ĐẶC ĐIỂM TRIẾT HỌC KANT

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 79 - 82)

Đánh giá triết học Kant, nhà nghiên cứu người Mỹ W. Durant viết: “Chưa có một hệ tư tưởng nào thống trị cả một thời đại như triết học của Immanuel Kant đã từng thống trị trong tư tưởng thế kỷ XIX. Sau gần 60 năm hoạt động trong lặng lẽ biệt lập, người dân Tô cách lan dị thường cổ quái của thành Koenisberg đã đánh thức cả thế giới ra khỏi cơn mê ngũ giáo điều, vào năm 1781, với tác phẩm thời danh “Phê phán lý tính thuần túy” và từ năm ấy đến sau đó, “triết học phê phán" đã thống trị cả châu Âu duy lý" (W. Durant: Câu chuyện triết học. Nxb. Đà Nẳng, 1994, tr. 254).

1. Tính sáng tạo – nét đặc trưng cơ bản trong triết học Kant

Khi mới còn là một thanh niên 20 tuổi, Kant đã xác định rằng, điều đáng quý nhất không phải là đi theo lối mòn đã có, mà phải biết đi theo con đường loài người cần đi. Con đường đó được khai phá bằng sức mạnh của tính sáng tạo. Trong thời đại mình, Kant là người sớm nhận ra hạn chế của siêu hình học cũ, thực hiện bước ngoặt Copernics, xem xét một cách có phê phán khả năng tri thức của con người. Mở đột phá khẩu vào phương pháp tư duy đang thống trị, Kant đã đặt nền móng cho phong cách tư duy mới trong văn hóa và triết học Tây Âu.

Kant đã nêu lên quan điểm cho rằng nhận thức của con người là quá trình thống nhất giữa ba cấp độ: cảm tính, giác tính và lý tính, trong đó giác tính đóng vai trò sáng tạo nên các phạm trù có giá trị phổ biến và tất yếu, làm nên bản thiết kế của tư duy lý luận (thuần túy), chỗ dựa của kinh nghiệm cảm tính.

Đặt vấn đề về các nghịch lý (antinomia) của lý tính, Kant không chỉ khẳng định tính phức tạp của quá trình nhận thức, mà còn ngụ ý rằng trong sinh hoạt tư duy lý luận bên cạnh chính đề luôn tồn tại phản đề, và do đó không thể có thứ chân lý duy nhất đúng, không cần đến bất kỳ sự phản biện nào. Nêu ra khái niệm “vật tự nó,” Kant nói đến khát vọng của con người, chống chủ nghĩa giáo điều, chủ nghĩa kinh viện và chủ nghĩa không tưởng. Khát vọng vươn đến vật tự nó, theo Kant, chịu sự quy định của tính hữu hạn của quá trình nhận thức, hay giới hạn của khoa học ở mỗi thời đại. Bất khả tri luận của Kant, vì thế, đã mang ý nghĩa phê phán sâu sắc. Kant lưu ý rằng, tư duy lý luận, dù đạt đến nấc thang cao nhất của nó, vẫn không tránh khỏi “nghịch lý”, vì thế cần hướng đến thực tiễn, là nơi kiểm tra tính chân lý của tri thức. Tiếc thay, ông đã lý giải chưa xác đáng và trọn vẹn phạm trù này.

Trong triết học phê phán của mình, Kant đặt ra nguyên tắc thống nhất giữa chủ thể và khách thể, tư duy và tồn tại, làm cơ sở cho những bước đột phá tiếp theo ở hệ thống của Fichte, Schelling, đặc biệt là Hegel. Việc vận dụng các nguyên lý triết học vào đời sống chính trị – xã hội, vào sự phân tích vấn đề con người, sinh hoạt đạo đức, đã đưa Kant lên vị trí danh dự trong lịch sử triết học phương Tây.

Tính sáng tạo trong triết học Kant thực sự đem đến luồng sinh khí mới cho tư duy triết học ở buổi giao thời, khi truyền thống duy lý cần được tiếp thêm nguồn năng lượng để hoàn thiện và phát triển.

2. Chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm – cơ sở thế giới quan xuyên suốt hệ thống triết học Kant.

Triết học Kant là chủ nghĩa duy tâm chủ quan, nhấn mạnh khả năng “tự thiết kế”của tư duy con người. Khả năng đó, đến lượt mình, đóng vai trò định hướng cho hoạt động kinh nghiệm. Chẳng phải ngẫu nhiên mà Kant xác định nội dung kinh nghiệm của tri thức và hình thức tiên nghiệm của nó. Khoa học ngày nay, với sự phát triển phong phú và đầy

bất ngờ, đã chứng minh tính hữu ích trong phương pháp tiếp cận của Kant. Lẽ cố nhiên, để có được bản thiết kế ấy nhà khoa học cần xuất phát từ chất liệu sống động của thực tiễn, xem nó như cơ sở trực tiếp của sáng tạo. Kant chưa giải quyết dứt khoát vấn đề này, nên chủ nghĩa duy tâm tiên nghiệm của ông hàm chứa trong mình yếu tố bất khả tri và không tưởng, sự dung hòa giữa lý trí và niềm tin. Việc nêu ra khái niệm “vật tự nó” để tìm hiểu khả năng và giới hạn nhận thức của con người bị Hegel phê phán, bởi lẽ thông qua khái niệm đó, Kant đã đặt hố sâu ngăn cách giữa hiện tượng và bản chất, thiết lập hàng rào ngăn cách siêu hình giữa khả năng và tiềm năng, giữa hữu hạn và vô hạn trong nhận thức, với tính cách là một quá trình; đó là, theo Hegel, biểu hiện của việc tập bơi trước khi nhảy xuống nước.

3. Tính nhân văn của triết học Kant

Kế thừa truyền thống nhân văn trong triết học Phục hưng và triết học thế kỷ XVII – XVIII, đặc biệt là tư tưởng Khai sáng Pháp, Kant đã đưa con người vào vị trí trung tâm của triết học. Kant xem con người như “đứa trẻ của hai thế giới”, vừa là sản phẩm, vừa là mục đích tối cao của tự nhiên. Kant viết: “Chúng ta có đầy đủ cơ sở để xem xét con người không chỉ là mục đích của tự nhiên như những sinh vật khác. Ở đây, trên trái đất này, con người là mục đích cuối cùng của tự nhiên” (I. Kant : Sđd, t.5, tr. 462). Kant nói nhiều đến “chủ quyền của con người”, đến vị thế của con người trong thế giới, cái vị thế mà từ các nhà triết học Hy Lạp cổ đại đến các nhà nhân văn Phục hưng, Bacon, Descartes, Locke và các nhà khai sáng Pháp thế kỷ XVIII đều xem là không thể thay đổi được trong quan hệ với toàn bộ thế giới còn lại. Tin vào con người, Kant đồng thời đòi hỏi xã hội hóa cá nhân, đưa cá nhân vào môi trường văn hóa thông qua quá trình giáo dục, giải phóng con người khỏi mặc cảm nô lệ, biết kết hợp khả năng sáng tạo tự do và tuân thủ các quy tắc xử thế (mệnh lệnh tuyệt đối), kết hợp niềm tin và lý tưởng, tính đột phá và sự hài hòa trong cuộc sống.

Là người sáng lập thực sự triết học cổ điển Đức, Kant sớm nhìn thấy nguy cơ đe dọa sự tồn tại của loài người. Ông cảm nhận những khả năng sau: 1) việc con người tự coi mình là chúa tể trong vũ trụ sẽ đẫn đến đối xử tàn bạo các loài khác, xem chúng chỉ đơn giản là phương tiện tồn tại của mình, làm mất cân bằng sinh thái và ô nhiễm môi trường; 2) việc con người đề cao quá đáng vai trò của lý tính sẽ dẫn đến chủ nghĩa duy khoa học, mà hậu quả của nó là hạ thấp đạo đức, tình cảm, làm tha hóa bản chất con người, phát sinh lối sống không lành mạnh, lệch chuẩn; 3) sự bất đồng trong ngôn ngữ, dị biệt về tôn giáo, không thống nhất về quan điểm chính trị và quyền lợi kinh tế sẽ dẫn đến nguy cơ chiến tranh trong phạm vi toàn cầu. Những dự báo của Kant đã trở thành hiện thực.

Quan điểm về sự thống nhất chân – thiện – mỹ trong triết học Kant cũng là biểu hiện của chủ nghĩa nhân văn. Chân – thiện – mỹ được Kant xem như một chỉnh thể thống nhất, đóng vai trò điều tiết hành vi giá trị người. Chân lý là mục đích của lý tính thuần túy; cái thiện là mục đích của lý tính thực tiễn, là điều kiện để con người có thể trở thành người; giá trị thẩm mỹ ẩn mình trong cái đẹp, cái cả, sự hoàn thiện hoàn mỹ của vạn vật trong vũ trụ, là “trầm tích” của lịch sử văn hóa, sản phẩm tinh thần của đời sống xã hội. Cái đẹp đem lại cho con người niềm hy vọng vào cuộc sống tươi đẹp và có ý nghĩa. Tìm hiểu quan điểm chân – thiện – mỹ của Kant, Nguyễn Văn Huyên cho rằng, chân – thiện – mỹ là “tương ứng với nhau, phù hợp nhau, thống nhất với nhau như một chỉnh thể, tạo thành “hạt nhân vận động và yếu tố chỉ đạo” cho cuộc sống con người nói riêng, cho lịch sử nhân loại nói chung" (Nguyễn Văn Huyên: Sđd, tr. 174).

Là người mở ra con đường mới cho triết học phưong Tây cổ điển, Kant không thể giải quyết thành công mọi vấn đề của thời đại mình. Những mâu thuẫn của triết học Kant phản ánh những mâu thuẫn giữa khát vọng và giới hạn của nhận thức, giữa nỗ lực tái thiết lại môi trường văn hóa tinh thần và sinh hoạt tri thức với thực trạng phi nhân của đời sống chính trị – xã hội đương đại.

Là nhà tư tưởng và nhà khoa học đầy tâm huyết, Kant không muốn đi theo lối mòn của chủ nghĩa duy cảm và chủ nghĩa duy lý, mà cố gắng dung hòa hai khuynh hướng ấy trên cở sở tiếp thu mặt tích cực của cả hai. Song Kant đã giải quyết nhiệm vụ này bằng cách nhấn mạnh năng lực tiên thiên của con người, đề cao chủ quan tính, và cuối cùng rơi vào tình thế nước đôi trong tư duy lý luận. Đó là mâu thuẫn thứ nhất.

Thứ hai, theo V. I. Lênin, triết học Kant “là sự dung hòa giữa chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa duy tâm, thiết lập sự thỏa hiệp giữa hai chủ nghĩa đó, kết hợp hai khuynh hướng triết học khác nhau và đối lập nhau trong một hệ thống duy nhất. Khi Kant thừa nhận rằng có một cái gì đó ở ngoài chúng ta, một vật tự nó nào đó, phù hợp với những biểu tượng của chúng ta thì Kant là người duy vật. Khi ông ta tuyên bố rằng cái “vật tự nó”ấy là không thể nhận thức được, là siêu nghiệm, là ở thế giới bên kia thì ông ta là người duy tâm. Khi Kant thừa nhận rằng kinh nghiệm, cảm giác là nguồn gốc duy nhất của những hiểu biết của chúng ta thì ông ta hướng triết học của ông ta đến thuyết cảm giác và thông qua thuyết cảm giác, trong những điều kiện nào đó, hướng đến chủ nghĩa duy vật” (V. I. Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1980, t. 18, tr. 238 – 239, tiếng Việt). Chính vì vậy Kant đã bị phê phán từ phía “tả “lẫn phía “hữu”.

Thứ ba, những hạn chế trong thế giới quan tất yếu tác động đến phương pháp triết học của Kant, đến sự lúng túng trong việc giải quyết hàng loạt vấn đề về con người và xã hội. Theo L. A. Xuxlốpva, “hệ thống triết học của Kant còn hàm chứa trong mình cả phép biện chứng và yếu tố siêu hình, sự khẳng định sức mạnh của lý tính và chủ nghĩa bất khả tri, sự phê phán tôn giáo và bảo vệ thần học, tư tưởng đề cao giá trị con người, khẳng định bản chất hoạt động của con người, và sự cam chịu của nó trước những bất công xã hội” (L/A. Xuxlốpva : Triết học Kant, Nxb Khoa học, Mátxcơva, 1988, tr. 123, tiếng Nga).

Tính mâu thuẫn trong triết học Kant phản ánh sự bế tắc và bất lực của khoa học và triết học đương đại trong viêc tìm kiếm và khám phá chân lý, cũng như tâm trạng hoài nghi, thái độ thụ động và sự xung đột nội tâm của Kant nói riêng, tầng lớp trí thức cấp tiến tại Đức nói chung. Mâu thuẫn này có thể tìm thấy trong triết học sau Kant, như Fichte, Schelling, Hegel, và cả Feuerbach. V. Ph. Asmus viết: “Kant là nhà duy tâm trong đạo đức học và triết học lịch sử không phải vì lý luận nhận thức của ông là duy tâm. Ngược lại, lý luận nhận thức của ông là duy tâm bởi vì quan điểm đạo đức và triết học lịch sử của ông mang tính duy tâm. Hiện thực lịch sử nước Đức đương thời loại trừ khả năng không chỉ giải quyết thực tế những mâu thuẫn hiện thực của đời sống xã hội, mà còn loại trừ cả khả năng phản ánh một cách thích hợp những mâu thuẫn này trong lý luận” (V. Ph. Asmus: Immanuel Kant, Nxb Tư tưởng, Mátxcơva, 1973, tr. 221, tiếng Nga).

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 79 - 82)