CẢM GIÁC HỌC TIÊN NGHIỆM

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 27 - 32)

Nhận thức cảm tính là giai đoạn đầu tiên của quá trình nhận thức, được Kant trình bày trong phần đầu tiên của Học thuyết tiên nghiệm về các nguyên lý - “Cảm giác học tiên nghiệm” – khoa học về các nguyên tắc tiên nghiệm của cảm tính (Sđd, t. 3, tr. 128).

Để hiểu thực chất quan niệm của Kant về nhận thức cảm tính cần làm sáng tỏ các khái niệm cơ bản, được Kant sử dụng trong khi luận giải vấn đề này, như “trực quan”, (trực quan kinh nghiệm và trực quan thuần túy), “cảm tính”, “cảm giác”, “hiện tượng” (vật chất của hiện tượng và hình thức của hiện tượng), và cuối cùng là hai khái niệm đóng vai trò “nguồn gốc của nhận thức, từ đó có thể khai thác một cách tiên nghiệm những tri thức tổng hợp khác nhau” (Sđd, t. 3, tr. 128) – “không gian” và “thời gian”.

Yếu tố đầu tiên được phân tích là trực quan với tính cách là phương thức của nhận thức. Chúng ta chỉ có thể đạt được đối tượng thông qua trực quan, nếu không có trực quan sẽ không có tri thức về đối tượng. Bản chất của trực quan là cảm tính. Nhưng cảm tính và trực quan không đồng nhất với nhau. Cảm tính được hình thành nhờ các cảm giác hậu nghiệm (a posteriori) và các trực quan tiên nghiệm (a priori). Cảm tính là khả năng thâu nhận biểu tượng và phương thức để đối tượng có thể tác động lên con người. Nhờ cảm tính mà các đối tượng được đem đến cho ta, và cũng nhờ đó mà có trực quan. Nói cách khác, cảm tính là khả năng tiếp nhận trực quan thông qua sự tác động của đối tượng lên các giác quan con người. Con người tiếp nhận sự tác động của đối tượng bên ngoài lên cảm tính gọi là cảm giác, còn đối tượng không có tính xác định của trực quan kinh nghiệm thì gọi là hiện tượng. Trong hiện tượng Kant phân biệt hai dạng thuộc tính khác nhau – vật chất và hình thức. Kant viết:"Cái gì trong hiện tượng mà phù hợp với các cảm giác, tôi gọi là vật chất, còn cái gì mà nhờ nó tính đa dạng trong hiện tượng có thể được sắp xếp lại một cách xác định, thì tôi gọi là hình thức của hiện tượng” (Sđd, tr.128).

Vật chất của hiện tượng là cái khách quan và có tính hậu nghiệm, còn hình thức của hiện tượng có thể là hậu nghiệm, có thể là tiên nghiệm. Nó là hậu nghiệm khi ta xét đến những cảm giác đã từng trải qua trong quá khứ, là tiên nghiệm khi xét đến những cảm giác có thể có trong hiện tại hoặc tương lai.

Phân tích năng lực cảm giác, Kant lưu ý rằng cảm giác không phải là sự ghi dấu một cách cứng đờ, máy móc những gì diễn ra trong thế giới hiện tượng, mà còn phụ thuộc vào hàng loạt điều kiện của chủ thể nhận thức và các yếu tố tác động lên nó. Kant nêu ra những cách thức gia tăng ấn tượng cảm giác, chẳng hạn sự tương phản (trên nền của sự tương phản tác nhân kích thích hoạt động mạnh hơn), cái mới (cái lạ lùng, không bình thường trong thời điểm hiện tại là cái hấp dẫn, có sức thu hút đối với chủ thể tri giác), sự thay đổi các trạng thái (mỗi sự thay đổi tạo nên xung lực và sự cảm hứng riêng).

Nhưng bằng cách nào chất liệu ngẫu nhiên, cảm tính ấy trở thành tri thức phổ biến và tất yếu? Để trả lời câu hỏi này, Kant dẫn ra hai hình thức tiên nghiệm của trực quan cảm tính – không gian và thời gian.

Theo Kant, có hai dạng trực quan – trực quan kinh nghiệm và trực quan thuần túy.

Trực quan thuần túy là trực quan mà trong đó “không có cái gì phụ thuộc vào các cảm giác”; đó là các “hình thức thuần túy của cảm tính”, có trong linh hồn (ý thức) một cách a priori, tức không gian thời gian. Cảm giác học tiên nghiệm có nhiệm vụ làm sáng tỏ các nguyên tắc tiên nghiệm của cảm tính thông qua hai hình thức tiên nghiệm là không gian và thời gian. Kant viết:"Nhờ cảm tính bên ngoài (thuộc tính của linh hồn) chúng ta hình dung về các đối tượng như những cái ở bên ngoài chúng ta, và hơn nữa luôn nằm trong không gian. Cảm tính bên trong, mà nhờ nó linh hồn trực quan chính mình hay trạng thái bên trong của mình thực ra không đem đến trực quan chính linh hồn như khách thể, nhưng đó là một hình thức nhất định mà ở đó lẽ cố nhiên có thể diễn ra trực quan trạng thái bên trong của nó, vì thế mà tất cả những gì thuộc về tính quy định bên trong, được thể hiện trong các quan hệ thời gian. Chúng ta không thể trực quan thời gian bên ngoài chúng ta, tương tự như vậy không thể trực quan không gian bên trong chúng ta”

(Sđd, tr.129). Kant gọi không gian là hình ảnh thuần túy của tất cả các đại lượng, còn thời gian – hình ảnh thuần túy của tất cả các đối tượng cảm tính.

Kant cho rằng trực quan cảm tính trong toán học xét bản chất của nó không phải là trực quan kinh nghiệm, mà là trực quan thuần túy tiên nghiệm (a priori), và rằng có hai hình thức tiên nghiệm của cảm tính, làm cơ sở cho trực giác toán học. “Không gian và thời gian,- Kant nhấn mạnh,- đó là những trực quan mà toán học thuần túy xem như cơ sở của tất cả nhận thức và phán đoán, mang ý nghĩa tất yếu. Thật vậy, toán học cần phải chỉ ra các khái niệm của mình trước tiên trong trực quan, còn toán học thuần túy – trong trực quan thuần túy…bởi lẽ chỉ trong thực quan thuần túy chất liệu của phán đoán tổng hợp tiên nghiệm mới được đem đến” (Kant, t.1, tr. 98 – 99).

Tại sao Kant dành cho trực quan một vai trò quan trọng như vậy trong toán học? Một trong hnững nguyên nhân của thái độ này là ở chỗ Kant dựa vào học thuyết về khái niệm do logíc học truyền thống xây dựng và phát triển. Euclide (thế kỷ III TCN) trong “Các nguyên lý” của mình cũng kế thừa tinh thần này. Tuy nhiên định nghĩa các khái niệm toán học theo truyền thống Aristote đã dần dần tỏ ra không thích hợp đối với toán học, khiến cho Euclide nghiêng về trực quan cảm tính. Chú ý đến kinh nghiệm này của Euclide, Kant cho rằng để nhận thức được các phán đoán tổng hợp trong hình học, ta nên bớt đi phần phân tích khái niệm của hình này hay hình kia. Cần vượt ra khỏi giới hạn của khái niệm, hướng đến các tính chất không chứa đựng trong nó, nhưng cuối cùng thuộc về nó. Tính chất này cũng được thể hiện trong trực quan cảm tính. Lý luận về sự thiết kế các khái niệm hình học trên thực tế là sự xác nhận cho nghệ thuật chứng minh, được sử dụng trong “Các nguyên lý” của Euclide. Tuy nhiên quan niệm về tính chất tiên nghiệm các hình ảnh được trực quan không cho phép bàn xem những đặc tính gì của các hình ảnh đó là tất yếu, những đặc tính gì là ngẫu nhiên. Do đó Kant buộc phải tìm kiếm tiêu chuẩn phân biệt những phán đoán tất yếu với những phán đoán ngẫu nhiên trong khi nghiên cứu nguồn gốc của những phán đoán đó, nghĩa là thiết kế khái niệm.

Số học, theo Kant, giống như hình học, thiết kế nên các khái niệm của mình, đảm bảo tính tổng hợp của nó. Có khá nhiều sự tranh luận và phê phán xung quanh phán đoán tổng hợp “7+5=12” do Kant trưng dẫn ra. Theo cách hiểu của Leibniz thì đây là phán đoán phân tích, song khi giải thích nó, Kant xem xét các hằng số không như tổng số đơn giản của các khái niệm nhất định, liên kết với nhau bằng các thao tác toán học cộng, nhân…mà như hệ thống các khách thể được thiết kế, được đem đến trong trực quan. Trong ví dụ đã chọn, Kant đề cập đến việc xác lập trong trực quan một khách thể gọi là “7”, sau đó đến khách thể gọi là “5”, rồi thiết kế tổng của chúng là “12”. Chỉ khi ấy

những khách thể này mới được xác lập trong trực quan, mới có thể nói đến việc thiết kế các khái niệm tương ứng. Tóm lại, Kant xem các công thức số học không như các quan hệ, mà như các thao tác thiết kế. Đối với Kant việc cộng hai số a, b là quá trình tạo nên con số thứ ba của a+b, chứ không phải là a+b=c tồn tại giữa ba con số a, b, c ấy.

Toán học là khoa học tổng hợp chừng nào mà tất cả những khái niệm cơ bản và phái sinh của nó chưa được xác định một cách nghiêm ngặt, nghĩa là chừng nào mà hình thức tiên đề chưa được gán cho nó. Khi điều kiện này được thực hiện, toán học mang tính chất phân tích, như đang hiện diện trong các học thuyết tiên đề trừu tượng hiện đại. Do đó mà Kant tỏ ra đúng khi xác nhận tính chất tổng hợp của toán học thời mình. Ông chỉ sai lầm ở chỗ, trong khi toán học, tính chất tiên nghiệm đã bảo lưu niềm tin giáo điều vào tính phổ biến và tính tất yếu tuyệt đối của các luận điểm của nó. Dẫu sao thì Kant cũng là người mở đường cho cách hiểu mới về chức năng của toán học lý thuyết, và sự tạm chia tách yếu tố tiên nghiệm ra khỏi môi trường tác động của kinh nghiệm để làm nổi bật bản thể luận của nó là điều cần thiết. Sau này Hegel cũng đã “tạm chia tách” tư duy ra khỏi chủ thể, biến thành đối tượng được khách thể hóa để phân tích năng lực và sự vận động của chính tư duy. Đối với Kant năng lực thiết kế khái niệm liên quan đến toán học, và hơn nữa có mối quan hệ trực tiếp với khoa học nói chung, bởi lẽ “trong bất kỳ học thuyết riêng biệt nào về tự nhiên cũng có thể tìm ra các khoa học theo nghĩa riêng có chỉ trong chừng mực ở nó có sự hiện diện của toán học” (Kant, t.6, tr. 58). Do chỗ các nguyên tắc tiên nghiệm mà trên đó các phần thực nghiệm của khoa học xác lập nên khoa học “thuần túy”, nên khả năng nhận thức các sự vật khả nghiệm của các vật thể tự nhiên bắt nguồn từ điều kiện tiên nghiệm của cảm tính – từ không gian và thời gian. Ý nghĩa khách quan của toán học, giá trị nhận thức của nó là ở chỗ các luận điểm toán học được vận dụng vào các hiện tượng kinh nghiệm, các đối tượng kinh nghiệm, bởi lẽ chính kinh nghiệm được đem đến cho chủ thể thông qua các hình thức tiên nghiệm của cảm tính.

Như vậy không gian và thời gian là hai khái niệm dùng để chỉ hình thức tổ chức tri thức ở giai đoạn cảm tính, làm cho nhận thức cảm tính của con người được tổng hợp lại ở nấc thang đầu tiên trong quá trình nhận thức lý luận hết sức phức tạp, trong đó không gian tổng hợp những cảm giác bên ngoài, còn thời gian – những cảm giác bên trong. Con người, theo Kant, nhìn thế giới qua đôi kính không gian đặc biệt và cảm nhận dòng chuyển biến của thế giới ấy qua trực quan độ lâu của thời gian.

Một số nhận định về không gian: 1) không gian không phải là một khái niệm kinh nghiệm, được rút ra từ kinh nghiệm bên ngoài. Biểu tượng về không gian không thể là sự vay mượn từ những quan hệ của các hiện tượng bên ngoài thông qua kinh nghiệm. Ngược lại bản thân kinh nghiệm ấy chỉ có thể có được trước hết nhờ biểu tượng về không gian. Nói đến sự vật, bao giờ ta cũng thiết định sự vật ấy trong không gian, chứ không ở đâu khác. Do đó quan niệm về không gian đi trước quan niệm về sự vật, đi trước các dữ kiện kinh nghiệm. Không gian là điều kiện tiên quyết để ta quan niệm về sự vật trong thế giới (tính tiên nghiệm của không gian). 2) Không gian là một biểu tượng tiên nghiệm tất yếu, làm cơ sở cho tất cả những trực quan bên ngoài. Cần phải xem không gian như điều kiện của tính khả năng của các hiện tượng, chứ không phải như tính quy định lệ thuộc vào chúng. Tính tất yếu của không gian có nghĩa là ta có thể tưởng tượng về hư vô, theo nghĩa không có gì, nhưng không thể tưởng tượng “không có không gian”. Chúng ta xác định sự vật bao giờ cũng theo các chiều không gian, như vậy, không gian là điều kiện tiên quyết để chúng ta nhận biết sự vật.3) Không gian không phải là một khái niệm về quan hệ của các sự vật, mà là một sự trực quan thuần túy. Thật vậy, chúng ta có thể hình dung

trực quan chỉ một không gian duy nhất, còn nếu nói về nhiều không gian, thì nên hiểu như sự phân biệt các phần của một và cùng một không gian (tính duy nhất của trực quan thuần túy về không gian). 4) Không gian được hình dung như một đại lượng có tính dữ liệu vô tận. Tính vô cùng tận của không gian biểu hiện ở chỗ, không gian bao chứa vạn vật trong vũ trụ, cảm tính của chúng ta không thể nhận biết được không gian trong tính toàn vẹn của nó. Tính dữ liệu của không gian biểu hiện ở chỗ, không gian như một hình thức tiên nghiệm có sẵn trong ý thức con người, chứ không phải do kinh nghiệm đem lại. Biểu tượng đầu tiên về không gian là trực quan thuần túy, chứ không phải là khái niệm. Do chỗ sự vật nhất thiết phải được xác định trong tương quan không gian (bác bỏ “không gian rỗng” của Newton), chẳng hạn như điểm, đường thẳng, mặt phẳng, khối… nên không gian, với tính cách là hình thức tiên nghiệm của trực quan cảm tính bên ngoài, về những sự vật ở bên ngoài ta, đã giải đáp cho ta câu hỏi về khả năng của hình học. Chính khoa học này giúp chúng ta xác định tương quan sự vật bằng những tính quy định không gian. Không gian – hình thức trực quan hướng ra ngoài.

Từ những điều vừa nêu Kant rút ra hai kết luận: thứ nhất, không gian hoàn toàn không phải là thuộc tính của bất kỳ vật tự nó nào, cũng như không thể hiện chúng trong quan hệ giữa chúng với nhau, nói khác đi, không gian không phải là tính xác định của sự vật; thứ hai, không gian không là cái gì khác ngoài hình thức của tất cả các hiện tượng của cảm tính bên ngoài, hay là điều kiện chủ quan của cảm tính, nhờ đó mà trực quan bên ngoài của chúng ta có thể có được.

Không gian, tóm lại, có hai tính chất cơ bản là tính hiện thực kinh nghiệm và tính siêu thực tiên nghiệm. Tính hiện thực kinh nghiệm của không gian biểu hiện ở chỗ, mỗi khi tri giác về sự vật, chúng ta luôn thiết định sự vật nằm trong không gian, vì mọi vật đều có quảng tính và vị trí của chúng. Nói cách khác, trong mọi sự vật chúng ta luôn nhìn thấy tính hiện thực của không gian. Tính siêu thực tiên nghiệm biểu hiện ở chỗ, không gian là một cái khuôn rỗng có sẵn trong ý thức con người, là điều kiện chủ quan cho mọi kinh nghiệm của con người có thể có.

Về khái niệm thời gian, Kant cũng đưa ra một số nhận định tương tự: 1) Thời gian không phải là một khái niệm do kinh nghiệm đem lại. Nếu không có biểu tượng tiên nghiệm về thời gian, thì chúng ta không thể tri giác được tính đồng thời hay tính liên tục trước sau. Nhờ có thời gian như điều kiện tiên quyết, con người mới hình dung được các sự kiện diễn ra cùng lúc hay khác nhau theo dòng thời gian, cảm nhận độ lâu của sự kiện. Thời gian chính là tấm vải, trên đó dệt nên những chuyển biến mà ta cảm nhận nơi sự vật. 2) Thời gian là biểu tượng tất yếu, làm cơ sở cho mọi trực quan, là điều kiện cho mọi hiện tượng. Tính hiện thực của hiện tượng được xác định theo thời gian. Hiện tượng có thể không còn, nhưng thời gian không thể không có. Người ta có thể nghĩ không có sự kiện nào, nhưng thật ngớ ngẩn nếu nghĩ rằng không tồn tại thời gian. 3) Thời gian chỉ có

một chiều, do đó khi so sánh cách hiểu về không gian và thời gian, ta có thể nói: "Những thời gian khác nhau không đồng thời nhau, nhưng những không gian khác nhau có thể đồng thời nhau”. 4) Thời gian không phải là một khái niệm biện luận, hay khái niệm

Một phần của tài liệu TRIẾT HỌC KANT (Trang 27 - 32)