Trước hết phải nói lại rằng khu "36 phố phường" là thành phần khu thị dân trong tổng thể kinh thành Thăng Long, được hình thành theo quan điểm của thuyết phong thủy. Thăng Long là một đô thị sông nước; sông Nhị Hà viền quanh từ Bắc sang Đông; phía tây, nam có hồ lớn: Tây Hồ, Bảy Mẫu, có sông Tô Lịch, Kim Ngưu chảy quanh.
Khu "36 phố phường" nằm ở phía Đông thành Thăng Long, xưa là phường Giang Khẩu; nơi có nhiệm vụ trấn phía Đông kinh thành với đền Bạch Mã, xưa đặt ở phố Hàng Buồm sau chuyển lên địa điểm chợ Đồng Xuân ngày nay. Khu chợ Đông Bạch Mã này gắn kết với sông Nhị Hà là nơi "trên
bến, dưới thuyền", buôn bán sầm uất là một thương cảng cổ - xuất phát từ lịch sử văn hóa truyền thống đó, kết hợp với thực tại hiện hữu về di sản nhà cửa ở nơi đây, các nhà nghiên cứu đã đề xuất khu vực mà giới hạn ở phía Bắc là phố Hàng Chiếu, phía Đông là đường Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, phía Nam là phố Hàng Bạc, phía Tây là Hàng Đường, Hàng Ngang, là khu vực bảo tồn số một; phần còn lại được gọi là khu hai.
Cả hai khu vực 1 và 2 của khu phố cổ Hà Nội hiện nay, mặc dầu đã được cải tạo nhiều từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, song đến nay vẫn còn phản ánh được một cấu trúc đô thị Á Đông với đường phố, ngõ nhỏ hẹp, nhiều đoạn đường gãy khúc hoặc uốn cong từ thời xa xưa để lại (nhất là ở khu vực 1). Hai bên phố là các loại nhà đa phong cách, các nhà chia lô nhỏ bé, chiều cao 2-3 tầng phù hợp với không gian đường phố. Nhà lợp ngói, mái ngói lô xô cao thấp khác nhau; cùng các hoạ tiết trang trí mặt tiền nói lên sự giao lưu, công sinh văn hóa giữa văn hóa Việt với văn hóa Hoa, Pháp và có cả văn hóa Ấn Độ trong quá trình hình thành, phát triển khu dân cư, buôn bán, thủ công nghiệp phố cổ.
Có lẻ bất cứ ai trong khách du lịch, khi đặt chân vào những dãy phố này đều có thể thốt lên, thán phục về một tổng thể kiến trúc đẹp đẽ, độc đáo với khối không gian nhỏ bé, các hình thức kiến trúc mặt đứng các tuyến phố, các ngôi nhà đặc biệt với lớp mái ngói "lô xô" cùng các hoạ tiết trang trí truyền thống của Việt Nam tạo nên một tổng thể cản quan kiến trúc của một đô thị cổ tiêu biểu với kiến trúc truyền thống của người Việt đồng bằng Bắc Bộ, là cái nôi văn hóa của người Việt. Đây cũng là đặc trưng cho một di sản đô thị cổ Châu Á.
Giá trị di sản của tổng thể kiến trúc đó là ý tưởng khởi nguyên cho việc xây dựng hình thành Thăng Long cùng với Hoàng Thành, khu Phố Cổ đã giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành cơ cấu đô thị đặc thù của kinh đô Thăng Long xưa và thủ đô Hà Nội ngày nay.
Tổng thể khu Phố Cổ Hà Nội là một khu phố thị dân gian, là trung tâm sinh hoạt cộng đồng của thủ đô Hà Nội. Đặc điểm dân gian thể hiện trong các tổ chức xây dựng phường, phố và công trình kiến trúc, trong đó có sự hoà trộn đồng thời của những yếu tố, chức năng kinh tế, văn hóa, xã hội và tín ngưỡng tạo nên những giá trị riêng biệt, độc đáo của cấu trúc hình thái không gian đô thị sống động. Đó là một dạng cấu trúc đô thị truyền thống Việt Nam điển hình.
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, khu Phố Cổ Hà Nội luôn có một sức sống riêng để tồn tại, thích nghi và phát triển vừa bảo lưu được những nét riêng độc đáo. Đó là mạng lưới đường phố, ngõ nhỏ có hình thái tự nhiên, cách chia nhỏ mặt đứng kiến trúc đường phố tạo nên vẻ đẹp hài hòa của không gian kiến trúc với những đặc tính động, luôn thay đổi khá bất ngờ gây cho con người một cảm giác vừa sôi động vừa như náo nhiệt của trung tâm thương mại khổng lồ, vừa như sa vào không gian tĩnh lặng cổ kính được thể hiện qua những đầu đao, mái ngói ... được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.