Tính theo thời điểm hiện nay, trên địa bàn quận Hoàn Kiếm có 40 di tích cách mạng kháng chiến trong tổng số 169 di tích, chiếm 23,6%. Trong số 40 di tích đó, có 5 di tích đã được công nhận xếp hạng, 24 di tích đã được gắn biển lưu niệm và khu Phố Cổ là nơi chiếm nhiều nhất di tích cách mạng.
- Nhà số 48 phố Hàng Ngang: khi cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chủ Tịch từ Việt Bắc trở về Hà Nội đã ở ngôi nhà này từ ngày 25/8/1945 để viết Bản Tuyên ngôn độc lập lịch sử ngày 2/9/1945 khai sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.
- Nhà số 15 phố Hàng Nón: ngày 28/7/1929, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã triệu tập Đại hội Đại biểu công nhân Bắc Kỳ tại ngôi nhà này để thành lập Tổng Công Hội, xuất bản hai tờ báo bí mật là báo "Lao động" và "Công hội đỏ" nhằm động viên phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam. Nơi đây còn là điểm liên lạc của Ban thường vụ Trung ương với các Xứ uỷ Trung và Nam kỳ. Ngôi nhà này là một ngôi nhà cổ được xây dựng từ cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
- Nhà số 16 phố Cầu Gỗ: trong thời gian khởi thảo bản luận cương chính trị, đồng chí Trần Phú thường đến ngôi nhà này trao đổi với đồng chí Nguyễn Thế Rục về nội dung của tài liệu quan trọng này.
- Nhà số 26 Đồng Xuân (Hàng Gạo cũ): cơ sở phát hành sách báo Cộng sản của Đảng trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ Đông Dương (1936- 1939).
- Nhà số 42 phố Hàng Thiếc: đây là nơi ở và làm việc của đồng chí Đỗ Ngọc Du, một trong những người thành lập nhóm Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), đồng chí là bí thư thành uỷ đầu tiên của Hà Nội đến tháng 4/1930.
- Nhà số 79 phố Nguyễn Hữu Huân: cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Đông Dương giai đoạn 1936-1945. Đồng chí Trường Chinh đã đến đây ở và tiếp tục hoạt động. Nơi đây chính là trạm liên lạc của các chiến sỹ cộng sản vừa thoát khỏi nhà tù đế quốc.
- Nhà số 72 phố Hàng Bạc (rạp Tố Như): ngày nay gọi là rạp Chuông Vàng ở 74 Hàng Bạc. Ngày 7/1/1947, Trung đoàn Thủ đô và đội Quyết tử quan đã ra đời tại đây. Ngày 14/1/1947, tại rạp hát này, đội Quyết tử quân với
chiếc khăn đỏ quàng vai, đã làm lễ tuyên thệ hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ Thủ đô.
- Chợ Đồng Xuân: nơi đây đã diễn ra trận đánh 14/2/1947, với những chiến công oanh liệt của các chiến sỹ Trung đoàn Thủ đô gây hoảng sợ cho quân đội Pháp khu vực nội thành.
- Nhà số 86 phố Hàng Bạc: Trụ sở chỉ huy của Trung đoàn Thủ đô trong thời kỳ đầu chống thực dân Pháp với 60 ngày đêm chiến đấu quyết liệt.
- Nhà số 20 Ngõ Trạm (trường Tư thục Thăng Long): Một trong những trung tâm vận động thành lập mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Hà Nội, nơi tuyên truyền vận động giác ngộ tư tưởng cách mạng cho học sinh.
- Nhà 78-80-82 phố Hàng Điếu: nơi diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt của quân dân Thủ đô chống thực dân Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến. Ngôi nhà này xây dựng đầu thế kỷ XX.
- Nhà số 37 phố Cầu Gỗ: cơ sở hoạt động cách mạng của Đảng ta trong những năm 1929-1930, 1936-1939, 1945-1954. Ngôi nhà này xây dựng năm 1915.
- Nhà số 5 phố Hàng Lược: Trụ sở báo Đời nay, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động trong thời kỳ 1936-1939. Số báo đầu tiên ra ngày 11/12/1938.
- Nhà số 4 Hàng Rươi: Trụ sở cơ quan liên lạc của thường vụ Trung ương Đảng năm 1929-1930. Nơi đây, đồng chí Trần Phú đã làm việc để viết luận cương chính trị đầu tiên của Đảng.
- Nhà số 9 phố Hàng Giấy: Trụ sở cơ quan liên lạc của Trung ương Đảng thời kỳ 1936-1939. Các đồng chí Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt đã thường xuyên làm việc tại đây.
- Nhà số 35 phố Hàng Vải: trụ sở báo "Tiến lên" ra đời ngày 20/8/1937, là tiếng nói của Đảng Cộng sản Đông Dương vạch mặt kẻ thù, tuyên truyền
đường lối cách mạng của Đảng, kêu gọi đoàn kết xung quanh Mặt trận dân chủ Đông Dương.
- Nhà số 57 ngõ Phất Lộc: trụ sở tổ chức ái hữu thợ dệt, nơi hoạt động công khai của Đảng những năm 1937-1938.
- Nhà số 54 phố Hàng Cót: Trụ sở hội ái hữu tiểu thương. Nơi đây những người buôn bán đã thành lập hội ái hữu của mình để hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng thời kỳ 1936-1939.
- Ngã tư phố Hàng Thiếc: ngày 7/2/1947, một tổ chức thuộc Trung đoàn Thủ đô anh dũng đánh lui 1 tiểu đoàn lính Pháp, tiêu diệt 100 tên.
- Nhà số 27 Ngõ Trạm: Trụ sở báo "Thời Thế" cơ quan ngôn luận của Đảng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tập hợp quần chúng đấu tranh cách mạng.
- Nhà số 28 phố Nguyễn Văn Tố: Trụ sở báo "Le Tra-vail" là báo chính trị, kinh tế bằng tiếng Pháp, cơ quan tuyên truyền và tập hợp lực lượng của Đảng thời kỳ năm 1936-1937.
- Nhà số 6A Đường Thành: Trụ sở báo "Bạn Dân", bằng Tiếng Việt do Đảng chủ trương, đoàn Thiên niên dân chủ xuất bản, phát hành tuyên truyền chủ nghĩa Mác-Lênin.
- Nhà số 11 phố Nguyễn Quang Bích: Trụ sở báo "Thế giới", cơ quan tuyên truyền của đoàn Thanh niên dân chủ dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương.
- Nhà số 12 phố Hàng Da: Trụ sở chi nhánh Đông Dương đại hội Bắc kỳ, nơi họp của các Đảng viên cộng sản để tuyên truyền tổ chức lãnh đạo quần chúng hưởng ứng phong trào Đông Dương đại hội.
- Nhà tù Hoả Lò: Nơi thực dân Pháp đã giam giữ và tra tấn dã man hàng ngàn chiến sỹ cách mạng. Tại phòng giam số 12-13 khu xà lim 1, các đồng chí: Hoàng Văn Thụ, Trần Đăng Ninh và nhiều đồng chí cách mạng yêu nước
khác bị giam giữ. Nhà tù Hoả Lò mãi mãi là nơi ghi dấu tội ác tày trời của thực dân Pháp, biểu dương ý chí cách mạng bất khuất kiên cường, sự chiến đấu hy sinh cao cả và niềm tin son sắt vào sự tất thắng của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam.
Hệ thống di tích cách mạng kháng chiến nêu trên đã chứng kiến, đồng thời là những bằng chứng vật chất phản ánh những sự kiện lịch sử quan trọng, từ thời những năm thành lập Đảng: nơi phôi sinh ra bản Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng, nơi tổ chức cách mạng đầu tiên ra đời, nơi ra đời của những tờ báo đầu tiên của Đảng, nơi Đảng ta chỉ đạo việc vận dụng những hình thức đấu tranh cách mạng trong suốt thời kỳ dài lịch sử cách mạng dân tộc, phù hợp với tình hình của từng thời điểm. Những hình thức đấu tranh công khai và bán công khai, hợp pháp và nửa hợp pháp đã được xuất phát ở những nơi đây. Những di tích cách mạng đó có ý nghĩa lớn về mặt chính trị, ghi nhận những hoạt động của những đồng chi lãnh đạo của Đảng trong những giai đoạn quan trọng nhất của lịch sử dân tộc. Nhà tù Hoả Lò là một bằng chứng rõ nét tố cáo tội ác dã man của thực dân Pháp, đồng thời phản ánh tinh thần trung kiên của các chiến sỹ cách mạng, niềm tin tất thắng vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu.
Di tích cách mạng khu Phố Cổ không chỉ chiếm tỷ lệ cao về số lượng, mà dung lượng của những di tích này cũng hết sức lớn lao. Những tượng "Cảm tử cho tổ quốc quyết sinh", nhà tù Hoả Lò, di tích 90 Thợ Nhuộm, 48 Hàng Ngay,... là những "địa chỉ đỏ" góp phần quan trọng làm nên một thiên hùng ca vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Thời gian đã lui vào lịch sử, nhưng những di tích đó vẫn chói đỏ, vẫn rực rỡ những đoá hồng, luôn nhắc nhở và khích lệ người Hà Nội nói riêng và người Việt Nam nói chung, trong công cuộc xây dựng Thủ Đô Hà Nội - Thành phố vì Hoà Bình, văn minh hiện đại.