Vật chất và tinh thần luôn gắn liền với nhau. Nếu những kiến trúc là phần "xác" thì ở đây văn hoá chính là phần "hồn" của khu phố Cổ. Thời gian tác động tới một tốc độ rất ghê gớm và nếu chúng ta không lưu tâm đề phòng thì chẳng mấy chốc sẽ chẳng còn lại gì. Bảo tồn phố Cổ cũng đồng nghĩa với bảo tồn một đời sống, một không khí văn hoá truyền thống, và cũng có nghĩa là tạo lên một không gian văn hoá xã hội đặc trưng của đo thị Thăng Long - Hà Nội truyền thống.
Trong khoảng một thế kỷ trở lại đây, khu phố cổ Hà Nội chính đã làm một tổng thể hỗn hợp của các loại hình văn hoá Đông - Tây, hiện đại và truyền thống, phong kiến nửa thực dân, giữa tư bản và chủ nghĩa xã hội. Sự giao lưu văn hoá như vậy đối với một đô thị là một hiện tượng bình thường và tất yếu trong xã hội văn minh. Chúng ta không thể giữ mãi một lập trường bảo thủ, hoài cổ.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong khi chấp nhận những xu thế văn hoá đương đại, hoà nhập vào dòng chảy của văn hoá toàn cầu, khu phố cổ Hà Nội phải vẫn không đánh mất đi bản sắc văn hoá độc đáo của mình, tạo nên được một "sự hồn dung nhuần nhuyễn những yếu tố nội sinh và ngoại sinh, cổ truyền và hiện đại".
Có thể nói rằng, điều cốt lõi nhất trong việc bảo tồn, tu tạo khu phố cổ Hà Nội không thể để chủ yếu giữ lại cái phần xác của nó, mà là làm sống dậy phần hồn, bảo tồn một không gian văn hoá xã hội đô thị truyền thống xưa.
Để làm được vấn đề không giản đơn này, trước hết chúng ta phải:
- Giữ nguyên tất cả các tên phố gắn liền với một số di tích địa hình xưa như: Cửa Đông, Đường Thành, Cầu Gỗ,... gắn với những phố phường thủ công truyền thống và buôn bán xưa như Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Quạt, Hàng Thiếc,...
- Sử dụng "Phần lõi bên trong của các cơ sở truyền thống để bảo tồn những ngành nghề xưa - mà sản phẩm của nó có thể phục vụ cho cuộc sống hôm nay (như đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ khách du lịch, một tấm lụa, một chiếc nón, một đồng bạc,...) - tạo nên nét văn hoá kinh doanh sầm uất của chốn Kẻ Chợ xưa. Đồng thời, các cơ sở này cũng có thể trở thành nơi thăm quan cho khách du lịch, giống như ở Thái Lan.
- Kết hợp với những di tích lịch sử vốn có (giống trường hợp chùa Cầu Đông ở phố Hàng Đường) tạo thành một không gian cây xanh kết hợp với việc bảo tồn di tích kiến trúc, đồng thời cũng tạo cho người dân có một điểm "thư giãn" trong cuộc sống chen chúc chật hẹp ngày thường.
- Tạo "không gian giao tiếp" với một số công trình dịch vụ sinh hoạt cộng đồng văn hoá, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng. Đồng thời nâng cấp tinh thần văn hoá, truyền bá cho mọi người về nền văn hoá đậm đà bản sắc của dân tộc ta.
- Khôi phục lại những lễ hội, trò chơi dân gian truyền thống, và nếp sinh hoạt cộng đồng độc đáo của dân cư phố Cổ.
- Chọn một không gian thích hợp để thành lập những bảo tàng về các nghề thủ công truyền thống trong kiến trúc cổ, thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm và liên hoan du lịch giới thiệu cho du khách về những đặc sắc của văn hoá phố Cổ.
- Thành lập thêm nhiều khu phố ẩm thực với những phong cách đặc sắc riêng cải tạo phố Hàng Buồm thành khu phố đi bộ, ẩm thực theo dự án để giới thiệu về loại hình văn hoá hấp dẫn này, giúp cho khách thăm quan thêm hiểu, yêu mến và lui tới với nghệ thuật này.
- Sắp xếp lại quy hoạch các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội sao cho phù hợp với mục đích bảo tồn các giá trị văn hoá nơi đây, thể hiện đúng với tinh thần của mục tiêu "Phát triển du lịch là sự nghiệp của toàn dân" của Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch - Võ Thị Thắng.
- Tổ chức và tăng cường các hoạt động marketing hiệu quả hơn nữa về Hà Nội, trong đó các khu phố Cổ nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm du lịch.
- Giữ gìn một môi trường "xanh, sạch, đẹp" hoà nhập với kiến trúc, cảnh quan phố Cổ, tạo sức sống trường tồn của một dân tộc Việt Nam đầy bản lĩnh và sắc thái văn hoá.