Kỹ thuật ghép xương

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị mất răng hàm trên từng phần bằng kỹ thuật implant có ghép xương (Trang 38 - 39)

Một trong những điều kiện quan trọng nhất nhằm đạt được và duy trì thành công của sự tích hợp xương là phải có đầy đủ thể tích xương lành mạnh tại vị trí nhận implant. Điều này không chỉ đơn thuần là xương có đủ chiều cao cho phép việc đặt implant một cách thích hợp mà còn đòi hỏi mào xương phải đủ bề rộng và khoảng cách gần - xa. Các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ rõ là những implant đặt ở những vị trí mà có sự thiếu hụt của vách xương mặt ngoài thì có một tỷ lệ lớn xảy ra những biến chứng về mô mềm và những nguy hiểm tiềm tàng về sự tồn tại lâu dài của implant, những implant có chiều dài ngắn hơn 10mm có tỉ lệ thất bại cao hơn cũng được nhiều báo cáo phân tích kĩ liên quan đến yếu tố sinh cơ học. Để ngăn ngừa sự gia tăng tỷ lệ những biến chứng và thất bại của việc đặt implant, những nghiên cứu này đã thừa nhận là đối với một vùng nhận implant mà có sự hiện diện của tình trạng thiếu hụt thể tích xương thì cần cân nhắc giữa một sự chống chỉ định có tính chất tại chỗ do thiếu xương với việc có thêm một phẫu thuật thích hợp để tái tạo xương nhằm cho phép việc đặt implant đạt kết quả tốt hơn [33][34][35]. Những kỹ thuật được đề xuất bao gồm việc làm tăng chiều cao xương bằng ghép xương tự thân lấy từ mào chậu trong những trường hợp tiêu xương quá nhiều, kỹ thuật nâng xoang, thực hiện những mảnh ghép tự thân nhằm làm tăng thể tích xương ở mặt bên, kỹ thuật chẻ xương… gọi chung là tạo hình mở rộng xương ổ răng, trong đó kỹ thuật tái sinh xương có hướng dẫn và nâng xoang ghép xương được ứng dụng rộng rãi khi cấy ghép implant .

Một phần của tài liệu Nghiên cứu điều trị mất răng hàm trên từng phần bằng kỹ thuật implant có ghép xương (Trang 38 - 39)