Những vấn đề đặt ra trong dạy học Làm văn nghị luậ nở

Một phần của tài liệu Dạy làm văn nghị luận ở trường trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa vai trò người học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 47 - 51)

7. Cấu trúc luận văn

1.4. Những vấn đề đặt ra trong dạy học Làm văn nghị luậ nở

trường THPT hiện nay

1.4.1. Thực trạng dạy - học Làm văn nghị luận ở nhà trường THPT hiện nay

Văn nghị luận là một bộ phận vô cùng quan trọng trong chương trình Làm văn THPT. Tuy nhiên, trong những năm học vừa qua, chất lượng dạy - học làm văn nghị luận ở nhà trường phổ thông còn rất nhiều vấn đề tồn tại cần khắc phục. Những bài thi đại học môn Văn điểm thấp, hành văn ngô nghê, cười ra nước mắt là chuyện được nói nhiều trên báo chí và diễn đàn, hội nghị dạy học về Làm văn. Điều đó cho thấy rằng, thực trạng dạy - học Làm văn nghị luận ở nhà trường THPT hiện nay chưa tương xứng với vai trò của nó. Từ thực tế giảng dạy tại trường phổ thông, chúng tôi nhận thấy một số vấn đề nổi cộm trong việc dạy - học Làm văn nghị luận hiện nay.

1.4.1.1. Sự thờ ơ của người học đối với Làm văn nghị luận nói riêng và phân môn Làm văn nói chung

Thực trạng dễ thấy nhất ở nhà trường phổ thông hiện nay là HS rất thờ ơ, kém mặn mà, thậm chí là quay lưng lại với các môn học thuộc khoa học Xã hội và Nhân văn, trong đó có Ngữ văn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng này như: tính thực dụng trong học tập, cách dạy của GV và cách học của HS, "đầu ra" khó khăn của sinh viên ngành văn,... Trong nội bộ môn Ngữ văn thì Làm văn là phân môn mà HS ít hứng thú nhất mặc dù Làm văn là nơi thể hiện những kiến thức của HS trên hai phương diện đọc văn và tiếng Việt. Qua thực tế giảng dạy và khảo sát hứng thú học tập của HS (phiếu điều tra, phụ lục 2) ở ba trường THPT tại Quỳnh Lưu, chúng tôi thu được kết quả như sau:

- Có đến 776/973 HS (chiếm tỉ lệ 79,8%) trả lời không hứng thú với giờ Làm văn.

- Có 459/973 HS (chiếm tỉ lệ 47,2%) cho rằng giờ cách giảng dạy của GV trong giờ Làm văn khô khan, chưa thu hút và khó hiểu.

Qua kết quả trên, chúng tôi nhận thấy rằng, thực trạng dạy - học Làm văn hiện nay bắt nguồn từ hai phía: GV và HS. Cần phải hướng đến việc tích cực hóa, đưa HS chủ động hơn trong việc tiếp cận những tri thức và kĩ năng của Làm văn nghị luận mới mong cải thiện chất lượng dạy - học phân môn này trong nhà trường.

1.4.1.2. Sự thiếu hụt, thiếu đồng bộ trong quan niệm và phương pháp, kĩ năng giảng dạy ở giáo viên

Chúng ta cần phải thừa nhận một thực tế trong ngành phương pháp giảng dạy hiện nay chính là sự thiếu hụt những tài liệu nền tảng về phương pháp dạy học bộ môn. Những giáo trình về phương pháp hoặc là đã được biên soạn từ rất lâu, hoặc là hầu như thiếu tính liên hệ với chương trình Ngữ văn hiện nay. Chính vì vậy, một bộ phận GV phổ thông tỏ ra thiếu hụt những tri thức về phương pháp và kĩ năng giảng dạy. Bên cạnh đó, chương trình và SGK Ngữ văn hiện hành có nhiều điểm mới và khó. Trong khi đó, các sách hướng dẫn giảng dạy chưa bổ sung thật sự kịp thời những nội dung mới cho GV. Do vậy, dù SGK và chương trình Ngữ văn đã được xây dựng theo tinh thần đổi mới nhưng cách giảng dạy của GV, đặc biệt là trong phân môn Làm văn chưa được đổi mới đồng bộ. Một bộ phận lớn GV phổ thông vẫn xem nhẹ việc giảng dạy các tri thức và kĩ năng của phân môn Làm văn.

Đối với phân môn này, GV thường chỉ dạy lí thuyết rồi ra đề cho HS tập làm theo, viết lại những điều đã học mà ít khi nêu yêu cầu khám phá, phát hiện những cái mới trên cơ sở những cái đã biết. Điều này tạo ra cho HS một lối Làm văn thiên về học thuộc, sao chép, thiếu sức sáng tạo. Nhiều GV vẫn dạy Làm văn theo đề sẵn và văn mẫu của bộ đề. Điều này thể hiện nổi bật nhất trong các hoạt động ôn luyện chuẩn bị cho các kì thi. Làm văn nghị luận văn học thì theo những cách làm sáo mòn, những đề văn quen

thuộc. Công việc chấm bài của GV phần nhiều qua loa, chỉ cốt cho điểm là chính. GV coi nhẹ khâu chữa bài, trong khi chữa bài sẽ giúp HS nhận rõ những ưu, khuyết điểm của bài viết để khắc phục những khuyết điểm ở những bài viết tiếp theo.

Tinh thần giáo dục hiện đại đề cao người GV với tư cách là người thiết kế, hướng dẫn HS chiếm lĩnh tri thức. Muốn đạt được mục tiêu đó, đòi hỏi người GV cần phải thay đổi phương pháp giảng dạy phù hợp hơn.

1.4.1.3. Sự thiếu hụt các tri thức nền tảng và kĩ năng xã hội của người học

Trong chương trình Làm văn nghị luận THPT hiện nay, bộ phận nghị luận xã hội chiếm một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, từ thực tế giảng dạy, chúng tôi nhận thấy đại đa số HS phổ thông thiếu hụt những tri thức nền tảng và kĩ năng xã hội. Trước các vấn đề nghị luận được đặt ra, các em thường tỏ ra lúng túng trong cách triển khai lập luận, trình bày quan điểm cá nhân trước một vấn đề của đời sống, đạo lí. Các em ít khi biết thuyết phục người đọc (người nghe) bằng chính kiến của mình, chưa biết lật đi lật lại vấn đề cho kín kẽ mà chủ yếu chỉ nêu ra những ý kiến hời hợt, thậm chí sao chép từ các bài văn mẫu. Thực trạng HS tỏ ra thiếu nhạy cảm, cập nhật đối với những vấn đề xã hội là hiện tượng khá phổ biến.

Chúng ta biết rằng, để viết được một bài văn nghị luận đúng và hay, HS cần vận dụng tổng hợp các tri thức kĩ năng của môn Ngữ văn và các tri thức văn hóa - xã hội khác. Một hiện tượng đời sống, một tư tưởng đạo lí đều là tổng thành của nhiều tri thức văn hóa, vì thế, muốn phân tích đúng, thấu đáo, người viết phải có một vốn hiểu biết sâu rộng. Hơn nữa, một bài văn nghị luận cần phải diễn đạt những điều mình hiểu cho người khác cùng suy nghĩ nên rất cần có năng lực sử dụng tiếng Việt, nói và viết tiếng Việt cho trong sáng. Yêu cầu tưởng chừng như đơn giản trên nhưng rất nhiều HS không thực hiện được.

1.4.1.4. Sự yếu kém, thụ động trong tiếp thu và vận dụng tri thức vào thực tiễn của học sinh phổ thông

So với hai phân môn Văn học và Tiếng Việt, Làm văn là một môn học thực hành. Trong cuộc sống, việc thực hành ở bất cứ lĩnh vực nào cũng đều có những khó khăn. Muốn thực hành được thì trước hết người học phải có những tri thức, kĩ năng nền tảng tốt để có thể vận dụng, ứng dụng vào giải quyết những đề văn cụ thể. Ở phân môn Làm văn, có một điều đặc biệt là cần thông qua thực hành mà dạy lí thuyết, từ thực hành mà khẳng định lí thuyết, mỗi kiến thức lí thuyết phải được minh họa sinh động bằng một mẫu thực hành. Tuy nhiên, hiện nay, HS phổ thông rất thụ động trong việc vận dụng những tri thức vào thực hành. Ví dụ: Trong chương trình Làm văn nghị luận lớp 11, HS được học bài Phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận. Đây là một bài học cung cấp những tri thức, kĩ năng quan trọng là phân tích đề và lập dàn ý - hai thao tác tư duy giúp HS tránh tình trạng sai đề, thiếu ý, phân phối thời gian không hợp lí,... Song trên thực tế, rất ít HS tiến hành lập dàn ý trước khi làm bài. Nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là các em không xác định được hệ thống luận điểm, luận cứ cho bài viết. Hầu hết các em chỉ viết văn tùy hứng, nghĩ gì viết nấy nên chất lượng bài văn không cao. Cũng trong chương trình Ngữ văn lớp 11, HS được học bốn thao tác lập luận quan trọng của văn nghị luận: phân tích, bình luận, so sánh, bác bỏ. Thế nhưng, các em hầu như chưa có ý thức vận dụng các thao tác lập luận này vào bài viết của mình. Từ hai ví dụ trên cho thấy, HS phổ thông hiện nay thường không có ý thức vận dụng những tri thức lí thuyết đã học để giải quyêt những bài văn cụ thể. Hoặc nếu có thì lại vận dụng một cách khiên cưỡng, thiếu đồng bộ, chưa thành kĩ năng, kĩ xảo. Do vậy, dẫn đến một hiện tượng khá phổ biến ở phân môn Làm văn là đáng lẽ ra lí thuyết và thực hành phải gắn bó mật thiết với nhau thì thực tế dạy học hiện nay hoàn toàn ngược lại.

Một trong những mục đích của dạy học Làm văn nghị luận là HS biết cách thể hiện những suy nghĩ, tình cảm, thái độ của mình trước một hiện tượng đời sống, một tư tưởng đạo lí, một tác phẩm văn học,... Nghĩa là bài văn phải là kết quả của những suy nghĩ cá nhân nên rất cần tính độc đáo, sáng tạo, không máy móc. Thế nhưng, phần lớn HS phổ thông hiện nay chưa làm được điều đó.

Tính chất thụ động trong việc học Làm văn của HS phổ thông còn thể hiện ở việc học thiếu hứng thú, học đối phó. Với cách học đó, dĩ nhiên sẽ không phát huy được những suy nghĩ sáng tạo của người học. Kết quả của việc học thụ động là học tập thiếu đam mê, cảm hứng nên việc học tập thường ít có kết quả.

Cũng cần phải thấy rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thụ động và thiếu hứng thú trong học Làm văn của HS phổ thông là từ phía chương trình và SGK hiện nay. Một số bài trong SGK được biên soạn chưa thật sự khoa học và hợp lí. Các ngữ liệu đưa ra nhiều khi khó hiểu, chưa phù hợp với tầm tiếp nhận của HS. Thậm chí, một số bài học trong SGK còn hạn chế sự chủ động, tích cực của HS. Chẳng hạn, ở chương trình lớp 12, ở các bài lí thuyết về kiểu bài nghị luận, người biên soạn đưa ra một hệ thống gợi ý quá cụ thể nên HS hầu như không hứng thú với bài học. Theo quan niệm của chúng tôi, để tích cực hóa hoạt động nhận thức của HS, bên cạnh việc đổi mới phương pháp của GV thì chương trình và SGK cũng cần có những sửa đổi, bổ sung cho hợp lí hơn.

1.4.2. Những yêu cầu bức thiết đặt ra đối với dạy học Làm văn nghị luận ở nhà trường THPT hiện nay

Một phần của tài liệu Dạy làm văn nghị luận ở trường trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa vai trò người học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 47 - 51)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w