7. Cấu trúc luận văn
2.2.1. Các nhóm kĩ năng Làm văn nghị luận cần rèn luyện cho
2.2.1. Các nhóm kĩ năng Làm văn nghị luận cần rèn luyện cho học sinh THPT THPT
2.2.1.1. Kĩ năng phân tích đề và lập dàn ý bài văn nghị luận
Phân tích đề, lập dàn ý cho bài văn là những kĩ năng quan trọng mà HS cần rèn luyện để có thể làm tốt bất cứ bài văn nào. Thực chất, kĩ năng này thường được tiến hành rèn luyện trong khi HS làm bài thực hành (viết hoặc nói). Tuy nhiên, nhiều HS phổ thông tỏ ra khá lúng túng khi vận dụng kĩ năng này vào giải quyết các đề văn cụ thể. Trong chương trình Ngữ văn THPT, kĩ năng phân tích đề và lập dàn ý cho bài văn nghị luận được tách thành một bài học riêng.
Để rèn luyện kĩ năng này, HS khi phân tích đề cần xác định: Nội dung trọng tâm, các thao tác lập luận cần vận dụng, phạm vi tư liệu. HS sẽ nhận ra điều này bằng việc đọc kĩ đề bài, xác định những từ ngữ quan trọng trong đề để nhận ra vấn đề cần nghị luận. Chẳng hạn, với đề văn: Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II) (Ngữ văn 11, chương trình chuẩn, tập 1), HS cần xác định những vấn đề sau:
- Trọng tâm cần triển khai: tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình.
- Các thao tác lập luận: phân tích, bình luận
- Phạm vi tư liệu: bài thơ Tự tình (bài II) của Hồ Xuân Hương
Sau khi tìm hiểu đề, HS cần tiến hành tìm ý và lập dàn ý cho bài văn. Cách thông dụng nhất để tìm ý cho bài văn nghị luận là đặt ra và trả lời những câu hỏi (là gì? tại sao? như thế nào? có ý nghĩa gì?,...), từ đó hình thành hệ thống ý tưởng làm sáng rõ vấn đề trọng tâm. Phạm vi tìm ý phụ thuộc vào yêu cầu của mỗi đề văn nghị luận. Khi đã có ý thì HS dễ dàng lập dàn ý. Dàn ý không chỉ là sự thể hiện nội dung logic vận động của bản
thân đối tượng mà còn thể hiện cả cái logic riêng trong việc trình bày của người viết. Khi có dàn ý, HS sẽ viết bài văn hiệu quả hơn. Có thể cụ thể hóa các bước nói trên như sau:
Đề ra: Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình (bài II). 1. Phân tích đề
a. Vấn đề cần nghị luận: Tâm sự của Hồ Xuân Hương trong bài Tự tình. b. Thao tác chính: Phân tích.
c. Phạm vi tư liệu: bài Tự tình (bài II). 2. Tìm ý
- Tâm trạng buồn tủi, chua chát, xót xa
- Tâm trạng phẫn uất, phản kháng trước duyên phận
- Nghệ thuật sử dụng tiếng Việt tài tình của Hồ Xuân Hương. 3. Lập dàn ý
- Mở bài:
+ Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm
+ Nêu vấn đề cần nghị luận: Bài thơ Tự tình đã thể hiện rõ tâm sự thầm kín của Hồ Xuân Hương.
- Thân bài:
+ Tâm trạng buồn tủi, chua chát, xót xa
· Nỗi cô đơn, bẽ bàng (hai câu đề: không gian mênh mang, âm thanh
trồng canh dồn)
· Cảm giác về sự lỡ làng (hai câu thực)
+ Thái độ phẫn uất, phản kháng trước duyên phận
· Hình ảnh nổi loạn của thiên nhiên cũng chính là thái độ của con
người (hai câu luận)
+ Tâm trạng chán ngán và buồn tủi (hai câu kết)
+ Nghệ thuật sử dụng tiếng Việt tài tình của Hồ Xuân Hương: sử dụng từ láy (văng vẳng, con con,...), động từ mạnh, bổ ngữ, định ngữ độc đáo (xiên ngang, đâm toạc), biện pháp đảo ngữ, tăng tiến,...
- Kết bài:
+ Khẳng định khát vọng sống, khát vọng hạnh phúc và tài năng độc đáo của "bà chúa thơ Nôm".
2.2.1.2. Kĩ năng vận dụng (riêng lẻ và kết hợp) các thao tác lập luận cơ bản
Làm văn là một môn học thực hành. Do vậy, những tri thức lí thuyết cung cấp cho HS phải được củng cố, khắc sâu bằng các hoạt động thực hành, luyện tập. Trong chương trình SGK Ngữ văn, sau một bài lí thuyết về thao tác lập luận là một bài luyện tập vận dụng thao tác ấy cho HS. Việc bố trí bài học như vậy đều hướng tới mục tiêu giúp HS rèn luyện kĩ năng. Với hệ thống bài tập luyện tập, HS không chỉ biết nhận diện mà còn biết lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp với từng đối tượng và kiểu bài. Với những bài nghị luận văn học, thao tác sử dụng nhiều nhất là phân tích, so sánh và bình luận. Còn với kiểu bài nghị luận xã hội, chủ yếu sử dụng thao tác bác bỏ và bình luận.
Bên cạnh kĩ năng vận dụng riêng lẻ từng thao tác lập luận, SGK còn hướng đến rèn luyện cho HS kĩ năng vận dụng kết hợp các thao tác lập luận. Kĩ năng vận dụng kết hợp các thao tác lập luận của HS được thể hiện ở chỗ: khi tiếp cận với mẫu được yêu cầu, các em sẽ nhận biết được trong mẫu đó sử dụng những thao tác lập luận nào, các thao tác lập luận đó được kết hợp với nhau như thế nào để làm sáng tỏ vấn đề. Mặt khác, đứng trước yêu cầu của một đề văn, một đối tượng nghị luận, HS phải biết lựa chọn những thao tác lập luận và kết hợp các thao tác ấy nhịp nhàng để bài văn nghị luận có tính logic, thuyết phục cao với người đọc (người nghe).
2.2.1.3. Kĩ năng tóm tắt văn bản nghị luận
Tóm tắt văn bản là một kĩ năng khá quen thuộc đối với HS phổ thông. Tuy nhiên, đối với văn bản nghị luận - kiểu văn bản có tính biện luận logic, chặt chẽ - thì cách tóm tắt như thế nào cho ngắn gọn mà vẫn đầy đủ luận điểm, luận cứ là một việc làm không hề đơn giản đối với HS. Cho
nên, trong quá trình làm văn nghị luận, GV cần rèn luyện cho HS kĩ năng tóm tắt văn bản này để sử dụng vào những mục đích khác nhau. SGK Ngữ văn 11 cũng chú trọng rèn luyện cho HS kĩ năng này thông qua bài Luyện tập tóm tắt văn bản nghị luận. Kĩ năng này thể hiện ở chỗ: khi bắt gặp một văn bản nghị luận cần tóm tắt, HS sẽ xác định được mục đích, yêu cầu của việc tóm tắt, sử dụng các bước tóm tắt văn bản đó và dùng lời văn của mình để viết thành một văn bản hoàn chỉnh.
2.2.1.4. Kĩ năng mở bài, kết bài trong văn nghị luận
Mở bài, kết bài là những khâu vô cùng quan trọng trong quá trình làm văn nói chung và văn nghị luận nói riêng. Kĩ năng viết mở bài và kết bài trong văn nghị luận, HS đã được tìm hiểu và rèn luyện trong chương trình Ngữ văn THCS và thường xuyên được củng cố lại trong quá trình viết các bài văn. SGK Ngữ văn 12 nhấn mạnh kĩ năng này nhằm giúp HS có ý thức một cách tự giác hơn về chức năng của mở bài, kết bài; các kiểu mở bài, kết bài thông dụng và đặc biệt là tránh những lỗi thường mắc phải khi viết các phần này. Muốn viết tốt phần mở bài HS phải hiểu rằng mở bài không phải là nêu tóm tắt toàn bộ nội dung sẽ trình bày trong văn bản mà điều quan trọng nhất là phải thông báo được một cách ngắn gọn và chính xác về vấn đề nghị luận, gợi hứng thú cho người đọc về vấn đề sẽ trình bày trong phần tiếp theo. Có nhiều kiểu mở bài như: mở bài trực tiếp, mở bài gián tiếp, mở bài bằng cách kể một câu chuyện,... Người viết cần sử dụng linh hoạt, phù hợp với đối tượng cần nghị luận. Bên cạnh mở bài, kĩ năng viết kết bài cũng rất đáng được lưu tâm. Nhiều HS hiện nay không biết cách viết kết bài như thế nào cho đúng, cho hay. Vì thế, rèn luyện kĩ năng kết bài là rất cần thiết. Kết bài chính là thông báo về sự kết thúc của việc trình bày vấn đề, nêu đánh giá khái quát của người viết về những khía cạnh nổi bật nhất của vấn đề; gợi liên tưởng rộng hơn, sâu sắc hơn.
Hiểu được những yêu cầu của mở bài và kết bài, HS sẽ dễ dàng hơn trong việc rèn luyện hai kĩ năng quan trọng này.
2.2.1.5. Kĩ năng phát hiện và chữa lỗi lập luận
Văn nghị luận là loại văn trình bày ý kiến, quan điểm của cá nhân về một vấn đề nào đó. Trong văn nghị luận, lập luận đóng vai trò rất quan trọng. Lập luận được quan niệm là cách thức trình bày vấn đề sao cho thuyết phục và luôn đảm bảo sự nhất quán trong suốt quá trình trình bày. Những yếu tố quan trọng của lập luận là luận điểm, luận cứ, luận chứng. Vì vậy, có thể xem "Lập luận chính là sự xâu chuỗi các luận chứng, luận cứ sao cho hợp lí nhất, có tính thuyết phục người đọc nhất, giúp cho người đọc nhận ra luận điểm, tin ở luận điểm và hành động theo hướng mà luận điểm đưa ra" [1, 234]. Thông qua lập luận, người đọc (người nghe) có thể đánh giá được khả năng tư duy, lí luận của người viết (người nói). Hiện nay, khi viết văn nghị luận, có một tỉ lệ lớn HS phổ thông không biết cách lập luận sao cho thuyết phục và hấp dẫn, thậm chí không ít HS thường xuyên mắc lỗi lập luận. Chính vì thế, rèn luyện kĩ năng phát hiện và chữa lỗi lập luận là giúp HS có khả năng nhận ra và sửa chữa các lỗi lập luận trong bài văn nghị luận; đồng thời, rèn luyện cho các em khả năng tạo các đoạn văn có lập luận chặt chẽ, sắc sảo.
2.2.1.6. Kĩ năng Làm văn nói
Trong chương trình Ngữ văn THPT, bên cạnh các bài làm văn viết, HS còn được rèn luyện kĩ năng Làm văn nói. Kĩ năng Làm văn nói thể hiện khả năng trình bày lưu loát, gãy gọn, thuyết phục và cuốn hút một vấn đề nào đó trước một tập thể. Chính vì thế, Làm văn nói không chỉ đòi hỏi HS phải biết dự kiến nội dung trình bày phù hợp mà còn yêu cầu về ngữ điệu, thái độ, cứ chỉ,... trong khi trình bày. Chương trình Ngữ văn 12 dành hai bài Phát biểu theo chủ đề và Phát biểu tự do để giúp HS rèn luyện kĩ năng Làm văn nói. Kĩ năng này được hiểu là khả năng lựa chọn vấn đề, dự kiến nội dung và đề cương phát biểu; có cách phát biểu, trình bày sao cho thu hút, hấp dẫn với người nghe.
Cách chúng ta 250 năm, trong tác phẩm Émile hay là về giáo dục, Jean - Jacques Rousseau đã chỉ ra rằng "Vấn đề không phải là dạy các môn khoa học, mà là đem lại cho người học hứng thú để yêu khoa học và đem lại phương pháp để yêu những môn đó, khi những hứng thú này phát triển hơn lên. Chắc chắn đó là nguyên lí tốt của bất kì nền giáo dục tốt nào" [42, 87]. Như vậy, chất lượng của việc dạy học sẽ phụ thuộc rất nhiều vào phương pháp tổ chức của GV. Trong phần này, chúng tôi sẽ trình bày những hình thức giúp việc luyện tập hình thành kĩ năng Làm văn của HS trở nên có hiệu quả hơn.
2.2.2.1. Xây dựng hệ thống bài tập có tính tích cực khi rèn luyện kĩ năng lập luận và vận dụng thao tác lập luận
Làm văn là một môn học mang tính thực hành cao. Thực hành Làm văn là những giờ dùng để luyện tập hình thành kĩ năng kĩ xảo sản sinh văn bản cho HS. Nếu không dành thời gian thực hành xứng đáng thì không thể hình thành các kĩ năng cần thiết cho HS. Chính vì vậy, những giờ luyện tập thực hành trong Làm văn có tầm đặc biệt quan trọng. Thực hành vừa củng cố, khẳng định lí thuyết vừa rèn luyện kĩ năng cũ, xây dựng kĩ năng mới và hình thành kĩ xảo. Như vậy, thực hành không chỉ có tác dụng xây dựng kĩ năng, kĩ xảo mà còn có ý nghĩa khẳng định lí thuyết, soi sáng những vấn đề đặt ra trong lí thuyết.
Làm văn là phần thực hành tổng hợp của quá trình học Ngữ văn, do vậy, chúng ta không thể bỏ qua việc luyện tập thông qua hệ thống bài tập cho HS. Theo quan niệm của chúng tôi, một hệ thống bài tập tích cực là tập hợp những kiểu, dạng bài tập giúp HS đi từ tái hiện, củng cố kiến thức lí thuyết đến khả năng thực hành sáng tạo từ những gì đã được học. Nói cách khác, hệ thống bài tập ấy phải đa dạng, kích thích tư duy sáng tạo của người học.
a1. Dạng 1: Xác định luận điểm, luận cứ, phương pháp lập luận trong một đoạn văn, bài văn
GV có thể cho HS xác định hệ thống luận điểm, luận cứ, phương pháp lập luận trong nhiều đoạn văn, bài văn khác nhau. Chẳng hạn, chúng tôi đưa ra một số bài tập cụ thể như sau:
1. Xác định luận điểm, luận cứ trong bài Tựa "Trích diễm thi tập" của Hoàng Đức Lương (Ngữ văn 10, tập 2).
2. Chỉ ra hệ thống luận điểm trong tác phẩm Đại cáo bình Ngô của Nguyễn Trãi.
3. Chỉ ra luận điểm, luận cứ và phương pháp lập luận trong đoạn văn sau: Nét đặc sắc của bút pháp hùng biện Nguyễn Trãi còn có thể tìm hiểu ở nhiều phương diện rất tinh vi. Chẳng hạn, việc dùng nhiều biện pháp tu từ, kết hợp giữa ngôn ngữ chính luận và ngôn ngữ hình ảnh để tăng thêm tính truyền cảm, hấp dẫn, sinh động và cụ thể của lời văn, ý văn. Chẳng hạn, tính logic chặt chẽ làm cho lập luận, phân tích, chứng minh cố kết thành một khối thống nhất có sức mạnh thuyết phục không sao cưỡng lại được. Chẳng hạn, việc viện dẫn kinh điển Nho gia hoặc những lí lẽ kinh nghiệm phổ biến làm nguyên lí xuất phát, làm chỗ dựa, làm minh chứng cho lập luận của mình đã tăng thêm tính uyên bác, tính hàm súc, tinh mật, điển nhã, hiệu quả chiến đấu chinh phục của bài văn. Chẳng hạn, sự kết hợp tài tình giữa phương thức chính luận, phương thức tự sự và có khi cả phương thức trữ tình, tạo thành sự hài hòa tuyệt diệu, làm cho bài văn vẫn có cái dõng dạc hùng hồn mà lại thiết tha, nóng bỏng như chính những tác phẩm đầy cảm hứng sáng tạo vậy.
(Bùi Duy Tân)
4. Hãy xác định các luận điểm, luận cứ, cách lập luận trong đoạn trích sau:
Viết về tác dụng của một làn dân ca, một nét dân nhạc, Nguyễn Trãi có những phát hiện như sau:
Ngư ca tam xướng, yên hồ khoát, Mục địch nhất thanh, thiên nguyệt cao,
(Thơ chữ Hán: Chu trung ngẫu thành, bài 2) Ông chài hát lên ba lần thì mặt hồ phủ khói lại rộng thêm ra; chú chăn trâu thổi lên một tiếng sáo thì mặt trăng trong bầu trời được đẩy cao hơn. Hồ rộng thêm vì làn dân ca tỏa ra trên mặt nước, lan dần ra, man mác, vô biên. Trăng vọt lên cao vì tiếng sáo vút thẳng trong bầu trời, không biết dừng lại ở đâu. Tả lời hát, tả tiếng sáo, đồng thời tả cảm giác của người ta khi nghe ca, nghe nhạc, ý tứ thật là hàm súc sâu xa. Không gian rộng thêm ra, cao thêm lên mà chính cũng là tâm hồn con người mở rộng ra, lớn thêm lên. Văn nghệ có thể và phải nâng con người lên một tầm vóc cao đẹp hơn là thế.
(Đinh Gia Khánh)
a2. Dạng 2: Từ một số câu văn cho sẵn viết thành một đoạn văn có luận điểm, luận cứ hợp lí, theo một phương pháp lập luận được yêu cầu
Chúng tôi đưa ra một số bài tập cụ thể như sau:
1. Cho các câu văn gợi ý sau, hãy viết thành một đoạn văn theo phương pháp quy nạp:
- Ca dao than thân thường là lời của người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.
- Trong kho tàng ca dao Việt Nam, có rất nhiều bài mở đầu bằng mô típ "Thân em".
2. Từ các câu văn gợi ý sau em hãy viết thành một đoạn văn theo phương pháp nêu phản đề:
- Chủ nghĩa nhân đạo trong văn học trung đại rất phong phú và đa dạng. - Khi các nhà văn viết về những thế lực tàn bạo chà đạp con người thì đó có cũng chính là một biểu hiện của lòng nhân đạo.