Các nhóm tri thức lí thuyết Làm văn nghị luận học sinh cần nắm

Một phần của tài liệu Dạy làm văn nghị luận ở trường trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa vai trò người học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 55 - 93)

7. Cấu trúc luận văn

2.1.1. Các nhóm tri thức lí thuyết Làm văn nghị luận học sinh cần nắm

nắm trong chương trình THPT

Như bất kì một môn học nào trong nhà trường phổ thông, Làm văn cũng có những giờ lí thuyết. Song, lí thuyết của Làm văn không phải là lí thuyết lí luận (lí thuyết hàn lâm) mà cơ bản là lí thuyết thực hành. Nói cách khác, nếu như các môn học cung cấp lí thuyết theo kiểu đầu vào thì tri thức Làm văn là tri thức lí thuyết được cung cấp cho HS theo kiểu đầu ra. Nghĩa là, mục đích của giờ học Làm văn không chỉ dừng lại ở việc HS nắm được tri thức lí thuyết mà quan trọng hơn là các em biết cách vận dụng lí thuyết đã học vào các hoạt động thực hành, đặc biệt là tạo lập văn bản. Như vậy, lí thuyết Làm văn là lí thuyết có tính chất đặc thù: lí thuyết công cụ, lí thuyết kĩ năng, có tác dụng hướng dẫn và chỉ đạo hoạt động thực hành. "Ở Làm văn, thực hành nằm ngay trong lí thuyết. Chỉ có thực hành mới tạo ra được những kĩ năng Làm văn, mới giúp cho việc hiểu sâu lí thuyết và chỉ có thực hành mới tạo ra được những năng lực cần thiết cho HS" [1, 201 - 202]. Có thể thấy, việc dạy các nội dung lí thuyết không nằm ngoài mục đích cuối cùng của dạy Làm văn: giúp HS rèn kĩ năng xây dựng các loại văn bản đạt yêu cầu, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh giao tiếp. Lí thuyết tuy không

phải là mục đích cuối cùng của Làm văn nhưng lại là cơ sở để rèn luyện kĩ năng Làm văn của HS.

Chương trình Làm văn nghị luận THPT, với mục đích hoàn thiện hiểu biết, kĩ năng về kiểu bài này cho HS, nên nhóm tri thức lí thuyết trong chương trình khá phong phú. Một mặt, vừa nâng cao những tri thức HS đã học ở THCS; mặt khác, vừa cung cấp những tri thức mới cho các em. Cụ thể những nội dung lí thuyết như sau:

2.1.1.1. Lí thuyết về phân tích đề, lập dàn ý bài văn nghị luận

Không chỉ riêng với văn nghị luận mà để làm tốt bất cứ bài văn nào, HS cũng cần tiến hành hai bước vô cùng quan trọng là phân tích đề và lập dàn ý. Bởi lẽ, phân tích đề là khâu giúp HS xác định đúng yêu cầu của đề văn, nhận rõ vấn đề cần nghị luận để tránh lạc đề, xa đề. Còn lập dàn ý sẽ giúp người viết không bỏ sót ý của bài, biết cách sắp xếp các ý tìm được theo một kết cấu hợp lí, từ đó, huy động những kĩ năng diễn đạt để viết một bài văn hay, trôi chảy và đúng yêu cầu. Một dàn ý tốt sẽ giúp HS viết bài dễ dàng, nhanh và hay hơn.

Vì phân tích đề là công việc trước tiên trong quá trình làm một bài văn nghị luận nên GV cần hướng dẫn HS đọc kĩ đề bài, chú ý những từ ngữ then chốt để xác định các yêu cầu nội dung trọng tâm, các thao tác lập luận chính và phạm vi tư liệu cần sử dụng cho bài viết.

Khi cung cấp lí thuyết về lập dàn ý cho HS, GV cần chú trọng khái niệm lập dàn ý, quy trình lập dàn ý bài văn nghị luận. Lập dàn ý được hiểu là sắp xếp các ý theo trật tự logic để giúp người viết không bỏ sót những ý quan trọng, đồng thời loại bỏ những ý không cần thiết. Để thiết lập dàn ý cho một bài văn cần thực hiện các bước: xác lập luận điểm, luận cứ; sắp xếp các luận điểm, luận cứ theo một trình tự chặt chẽ, logic theo bố cục ba phần (mở bài, thân bài, kết bài). Đây chính là những vấn đề lí thuyết về phân tích đề và lập dàn ý mà GV cần tổ chức cho HS chiếm lĩnh để vận dụng vào việc giải quyết những đề văn cụ thể. Trong quá trình dạy, GV nên

lưu ý chú trọng vào nội dung trọng tâm của bài học là các khái niệm, cách thức phân tích đề và lập dàn ý cho bài văn nghị luận.

2.1.1.2. Lí thuyết về các thao tác lập luận cơ bản

Lí thuyết về các thao tác lập luận cơ bản là nội dung trọng tâm của chương trình Làm văn nghị luận lớp 11 THPT. Làm văn lớp 11 (chương trình chuẩn) giới thiệu bốn thao tác lập luận mới có nội dung đa dạng, phong phú, khó và phức tạp hơn các thao tác mà HS học ở chương trình THCS: Lập luận so sánh, lập luận phân tích, lập luận bác bỏ và lập luận bình luận. Đây là những thao tác hết sức quan trọng trong việc viết một bài văn nghị luận. Vận dụng các thao tác này sẽ tạo nên chất lượng của bài viết. Các tri thức về thao tác lập luận được phân bố trong các đơn vị bài học Làm văn 11, cả học kì 1 và học kì 2. Khi dạy lí thuyết về các thao tác lập luận, GV cần chú ý những nội dung sau:

a. Thao tác lập luận phân tích

Phân tích là thao tác tư duy được vận dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống. Để nhận thức thế giới khách quan, con người cần phân tích, đi sâu tìm hiểu, khám phá và nhận biết bản chất của các sự vật, hiện tượng. Vì thế, phân tích là thao tác tư duy nói chung chứ không phải của riêng bất cứ lĩnh vực nào. Bản chất của nghị luận là nhận thức các vấn đề đặt ra trong đời sống xã hội và văn học. Do vậy, thao tác phân tích là thao tác vô cùng quan trọng trong văn nghị luận.

Thao tác lập luận phân tích được hiểu là một thao tác của tư duy nhằm chia tách sự vật, hiện tượng thành nhiều yếu tố nhỏ để đi sâu xem xét một cách kĩ lưỡng nội dung và mối quan hệ bên trong của sự vật, hiện tượng. Mục đích của thao tác lập luận này là làm rõ đặc điểm về nội dung, hình thức, cấu trúc và các mối quan hệ bên trong, bên ngoài của đối tượng.

Thao tác lập luận phân tích có đối tượng và phạm vi rộng lớn, từ một hiện tượng văn học (tác giả, tác phẩm) đến các vấn đề thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội như: tình cảm, đạo lí,... Khi phân tích, phải

chia tách đối tượng thành các yếu tố, các phương diện khác nhau theo những tiêu chí và quan hệ nhất định (quan hệ giữa các yếu tố tạo nên đối tượng, quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đối tượng với các đối tượng có liên quan, quan hệ giữa người phân tích với đối tượng phân tích,...) để nhận thức đối tượng sâu sắc, biện chứng hơn.

Khi phân tích cần đi sâu vào từng yếu tố, từng khía cạnh, song cần đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ giữa chúng trong một chỉnh thể toàn vẹn, thống nhất. Chính vì thế, phân tích bao giờ cũng phải gắn liền với tổng hợp và khái quát để đảm bảo nhận thức đúng đắn đối tượng. Cũng bởi vậy nên phân tích phải đi đến nhận định, đánh giá toàn bộ đối tượng và không bao giờ được tách biệt khỏi các thao tác khác như giải thích, chứng minh,...

b. Thao tác lập luận so sánh

Thao tác lập luận so sánh cũng là một thao tác tư duy thường được sử dụng trong quá trình viết văn nghị luận nói chung. So sánh là thao tác đối chiếu một đối tượng với các đối tượng khác để tìm ra những điểm khác nhau cũng như điểm tương đồng giữa chúng, trên cơ sở đó nhận thức sâu sắc và làm nổi bật đối tượng cần nghị luận. Như vậy, mục đích của so sánh là làm sáng tỏ đối tượng đang nghiên cứu trong tương quan với đối tượng khác. So sánh đúng làm cho bài văn nghị luận sáng rõ, cụ thể, sinh động và có sức thuyết phục.

Nói đến so sánh với tư cách là một thao tác lập luận cần phân biệt với các biện pháp so sánh tu từ. Cả hai cách so sánh này đều có mục đích nhận thức nhưng so sánh tu từ thiên về diễn đạt, tạo tính hình tượng, sinh động cho lời văn mà ít có giá trị về lập luận.

Khi so sánh, phải đặt các đối tượng vào cùng một bình diện, tiêu chí để đánh giá, thấy được sự giống nhau (so sánh tương đồng) và khác nhau (so sánh tương phản) giữa chúng. Đồng thời, phải nêu rõ quan điểm, ý kiến, lập trường của người nói, người viết.

c. Thao tác lập luận bác bỏ

Xét về bản chất, nghị luận là tranh luận và đối thoại. Trước một vấn đề nào đó, có thể có nhiều ý kiến, quan niệm khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Chính vì thế, thao tác lập luận bác bỏ là một thao tác tư duy rất cần thiết khi làm văn nghị luận. Thao tác lập luận bác bỏ là thao tác dùng lí lẽ và dẫn chứng để gạt bỏ những quan điểm, ý kiến sai lệch hoặc thiếu chính xác. Từ đó, nêu lên ý kiến của mình để thuyết phục người đọc (người nghe). Để bác bỏ một ý kiến sai lầm, có thể sử dụng nhiều cách khác nhau: bác bỏ luận điểm, bác bỏ luận cứ và bác bỏ phương pháp lập luận (cách luận chứng) hoặc kết hợp linh hoạt cả ba cách trên. Bác bỏ luận điểm cần vạch ra cái sai của luận điểm đó bằng các tư liệu thực tế hoặc phép suy luận. Bác bỏ luận cứ là vạch ra tính chất sai lầm, giả tạo trong lí lẽ và dẫn chứng được sử dụng. Bác bỏ lập luận vạch ra sự mâu thuẫn, không nhất quán, phi logic trong lập luận của đối phương.

Khi bác bỏ cần có thái độ đúng mực, khách quan, bác bỏ phải thấu tình đạt lí, tránh chung chung, phủ nhận tất cả.

d. Thao tác lập luận bình luận

Bình luận vốn là một nhu cầu và hoạt động hàng ngày của con người. Chính vì thế, thao tác lập luận bình luận là thao tác tư duy nhằm đề xuất và thuyết phục người đọc (người nghe) tán đồng với nhận xét, đánh giá, bàn luận của mình về một hiện tượng, vấn đề trong đời sống hoặc văn học. Thao tác bình luận thường được thực hiện theo các bước:

- Nêu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận một cách rõ ràng, trung thực, khách quan

- Đánh giá hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận: Đề xuất, chứng tỏ được ý kiến, nhận định, đánh giá của mình là xác đáng.

- Bàn luận về hiện tượng (vấn đề) cần bình luận: Có những lời bàn sâu rộng về vấn đề.

Bình luận thường mang tính chất chủ quan nên dễ rơi vào cực đoan. Vì vậy, muốn bình luận tốt phải tôn trọng sự thật, có tư tưởng tiến bộ. Bên cạnh đó, cũng cần vận dụng các thao tác khác như phân tích, bác bỏ, chứng minh, so sánh,... để bình luận có sức thuyết phục cao.

* Một điều lưu ý khi dạy lí thuyết về các thao tác lập luận là GV cần đặc biệt chú trọng cho HS cách thức sử dụng các thao tác để các em lựa chọn thao tác phù hợp cho từng đối tượng và cách vận dụng trong quá trình làm văn nghị luận.

2.1.1.3. Lí thuyết về các kiểu bài nghị luận

Lí thuyết về các kiểu bài nghị luận là nội dung trọng tâm của chương trình Làm văn lớp 12. Các kiểu bài nghị luận được phân loại chủ yếu dựa vào đối tượng nghị luận. Đối tượng nghị luận tập trung vào các vấn đề văn học, đời sống xã hội, đạo đức,... Khi dạy các tri thức kiểu bài nghị luận cần lưu ý một số vấn đề sau:

Kiểu bài Đối tượng Yêu cầu Tác dụng

Nghị luận về một tư tưởng, đạo lí - Một ý kiến, quan niệm về tư tưởng, đạo lí

- Bài làm thường có các nội dung:

+ Giới thiệu tư tưởng, đạo lí cần bàn luận.

+ Phân tích, đánh giá, chứng minh tính chất đúng đắn; đồng thời bác bỏ những biểu hiện sai lệch liên quan đến vấn đề.

+ Rút ra bài học nhận thức, hành động.

- Khi làm bài, cần nêu và phân tích dẫn chứng trong lịch sử, đời sống HS có điều kiện bộc lộ quan điểm, tự rèn luyện nâng cao phẩm chất, tư tưởng của mình.

Nghị luận về một hiện tượng đời sống Các hiện tượng đáng được suy nghĩ, nghiền ngẫm trong cuộc sống hàng ngày, đặc biệt là các hiện tượng có liên quan trực tiếp đến thanh niên, HS. - Bài làm thường có các nội dung:

+ Giới thiệu hiện tượng đời sống cần bàn luận. + Phân tích, lí giải các mặt tích cực, hạn chế.

+ Đề xuất bài học.

- Người viết cần nêu và phân tích các hiện tượng đời sống có liên quan tới vấn đề để làm sáng tỏquan điểm của mình.

HS có ý thức quan tâm, có thái độ và nhận thức đúng đắn trước các hiện tượng đời sống. Nghị luận về một bài thơ, đoạn thơ - Một bài thơ - Một đoạn thơ - Hình tượng thơ

- Các nội dung cần thiết: + Giới thiệu khái quát bài thơ, đoạn thơ.

+ Phân tích những đặc sắc nghệ thuật, nội dung của bài thơ, đoạn thơ.

+ Đánh giá chung về bài thơ, đoạn thơ.

- HS phải dựa vào yêu cầu cụ thể để phân tích, tránh tham lam, ôm đồm.

- Cần bám vào đặc trưng thể loại để phân tích và cảm nhận. HS thể hiện những hiểu biết sâu sắc, những cảm nhận mới mẻ về bài thơ. Nghị luận về một ý kiến bàn Ý kiến bàn về văn học (Văn học sử, lí luận

- Các nội dung cần đạt được: + Nêu và giải thích ý kiến + Phân tích, đánh giá các

HS bày tỏ suy nghĩ, đánh giá riêng của bản

về văn học văn học, tác giả, tác phẩm văn học,...) mặt đúng đắn, hạn chế của ý kiến đó. + Rút ra bài học về văn học, cuộc sống.

- Những đánh giá phải sâu sắc, mới mẻ, có giá trị. thân về những vấn đề của đời sống văn học. Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi - Giá trị nội dung, nghệ thuật của một tác phẩm, đoạn trích văn xuôi. - Một phương diện, khía cạnh về nội dung, nghệ thuật của tác phẩm. - So sánh một hính tượng, một phương diện nào đó của một số tác phẩm, một số đoạn trích.

- HS cần bám vào yêu cầu đề ra để phân tích, tránh lan man, xa đề.

- Bám sát đặc trưng thể loại (cốt truyện, nhân vật, tình huống truyện,...) để làm rõ giá trị tác phẩm. - Nếu so sánh các phương diện của một số tác phẩm, cần làm sáng tỏ những nét tương đồng và khác biệt. HS bộc lộ những hiểu biết, ý kiến riêng của mình về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi.

2.1.1.4. Lí thuyết về lập luận, diễn đạt trong văn nghị luận

Văn nghị luận là dạng văn thuyết phục người đọc, người nghe bằng lập luận, dẫn chứng và lí lẽ. Chính vì vậy, lí thuyết về lập luận và diễn đạt là vô cùng quan trọng đối với HS.

Về vấn đề lập luận trong văn nghị luận cần lưu ý các đơn vị kiến thức sau:

- Khái niệm về lập luận trong bài văn nghị luận: Lập luận là đưa ra các lí lẽ, bằng chứng nhằm dẫn dắt người đọc (người nghe) đến một kết luận nào đó mà người viết (người nói) muốn đạt tới.

- Các yêu cầu xây dựng lập luận trong văn nghị luận: Để xây dựng lập luận cần xác định luận điểm chính xác, luận cứ thuyết phục, vận dụng các phương pháp lập luận hợp lí.

Về vấn đề diễn đạt trong văn nghị luận cần lưu ý trên các phương diện: - Cách dùng từ ngữ: Lựa chọn từ ngữ chính xác, phù hợp với vấn đề cần nghị luận, tránh dùng từ lạc phong cách hoặc những từ sáo rỗng, cầu kì. Kết hợp sử dụng các phép tu từ từ vựng và một số từ ngữ mang tính biểu cảm, gợi hình tượng để bộc lộ cảm xúc phù hợp.

- Cách sử dụng kết hợp các kiểu câu: Kết hợp một số kiểu câu trong đoạn, trong bài để tạo giọng điệu linh hoạt, biểu hiện cảm xúc. Sử dụng các phép tu từ cú pháp để tạo nhịp điệu, nhấn mạnh thái độ của người viết.

- Giọng điệu cơ bản của lời văn nghị luận là trang trọng, nghiêm túc nhưng ở mỗi phần trong bài có thể thay đổi sao cho phù hợp với nội dung

Một phần của tài liệu Dạy làm văn nghị luận ở trường trung học phổ thông theo hướng tích cực hóa vai trò người học luận văn thạc sỹ ngữ văn (Trang 55 - 93)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(158 trang)
w