Hiệu quả xã hội phong cách nhà báo Lê Thị Liên Hoan

Một phần của tài liệu Nội dung phản ánh, hiệu quả xã hội và đặc trưng phong cách nhà báo lê thị liên hoan (Trang 64 - 68)

- Thủ pháp ẩn dụ

3.2.Hiệu quả xã hội phong cách nhà báo Lê Thị Liên Hoan

Trong thời đại thông tin ngày càng đa dạng phong phú hiện nay, sự nhạy bén của người viết trong việc lựa chọn đề tài cho mình đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nếu không toàn bộ tác phẩm dù mang đầy tính nghệ thuật cũng trở thành không phù hợp và có nghĩa là không được công nhận. Đồng thời người đọc cũng có những thay đổi về nhận thức, Caren Xtorơ đánh giá: “Người đọc thời nay giàu kinh nghiệm mới, nhiều nguyện vọng, xúc động, liên tưởng nên nhạy cảm hơn, khó tính hơn. Bất cứ cái gì bằng phẳng nhàm mòn hoặc dối trá đều làm họ bất bình, đó là điều tự nhiên” [7, 214]. Chính vì thế, người viết phải có nhận thức đúng đắn biểu hiện ở thái độ, quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề đó để xác định đúng đối tượng, tạo ra được những hiệu quả xã hội tích cực.

Nhà báo Lê Thị Liên Hoan với những tiểu phẩm báo chí dưới hình thức phỏng vấn phiếm chủ đã tạo nên một hiện tượng trong làng báo gây ít nhiều xôn xao. Trước hết cách dẫn chuyện có duyên, thông minh tạo được tiếng cười đầy sâu cay bởi một gương mặt đầy cá tính không chỉ ở lĩnh vực điện ảnh mà còn ở lĩnh vực báo chí. Không chỉ thế, gương mặt này cũng xuất hiện đều đặn trong nhiều bài phỏng vấn, với tư cách người được phỏng vấn, dần dần trở nên quen thuộc với công chúng với tư cách một đạo diễn và một người làm báo, một hiện tượng viết tiểu phẩm đầy ấn tượng.

Thể loại tiểu phẩm có ý thức khai thác những cái không bình thường để lột tả bản chất của đối tượng, tạo ra một cái nhìn mới mẻ khác lạ về đối tượng, sự việc khác lạ khi được soi tỏ dưới cái nhìn của nhà báo, đồng thời đi sâu sát vào thực tiễn của sự kiện để vạch trần, để khơi nó ra. Lỗ Tấn đã nói

người viết tiểu phẩm không thể đứng ngoài hàng rào xem cháy, mà tự mình phải tham gia vào xã hội, “đốt cả mình trong đó”. Ông cho rằng bút chiến cũng như đánh nhau bằng vũ khí, bằng đấm đá, không ngại tìm chỗ hở, chỗ trống của địch để ra đòn chí mạng và đánh nhau một môn hò hét thúc trống là

phép đánh của Tam Quốc diễn nghĩa, còn như chửi một câu “đ.mẹ” rồi đường hoàng quay đi mà cho mình là thắng thì thật ngây thơ. Lê Thị Liên Hoan đã

“đốt cả mình trong đó”, tham gia vào công cuộc cải cách xã hội bằng cuộc chiến cầm bút với những vấn đề tiêu cực của xã hội, điểm mặt chỉ tên những ung nhọt xã hội, dám chỉ thẳng “đánh” thật.

Tất nhiên muốn đánh vào hiện thực cần phải có một cái nhìn, mà phải là cái nhìn sắc nét, có khả năng nhìn ra “yêu ma đội lốt thiên thần”, để soi rọi giúp công chúng, để cùng công chúng vạch ra những sâu bọ ẩn sau những tầng lá đẹp đẽ trong xã hội. Điều quan trọng nhất chính là chỉ ra những cái sai, nhưng ở tầm cao và thiết thực hơn cả chính là chỉ ra cái sai để sửa, mà tìm ra phương hướng giải quyết. Cho nên không chỉ mò tới nơi “tối” mà còn phải tìm tới nơi “sáng” dù chỉ thắp lên qua một đêm trong căn phòng tối đen thì bản thân nó cũng có sức tỏa sáng để tìm thấy lối ra. Tức là việc chỉ ra vấn đề đã là khó nhưng quan trọng hơn cả Lê Thị Liên Hoan luôn phanh phui, tìm ra các gốc rễ của sự việc để tìm được phương hướng giải quyết thích hợp.

Tuy nhiên không phải bằng cách viết khô cứng, thẳng thừng mà với đặc trưng của thể loại tiểu phẩm cùng hình thức phỏng vấn phiếm chủ, Lê Thị Liên Hoan đã khéo léo đưa ra cách tiếp cận vấn đề, làm “mềm” thông tin để công chúng dễ tiêu hóa hơn qua cách thứ dùng ngôn ngữ và các phương pháp nghệ thuật đầy cá tính của mình.

Xét về mặt tâm lý người tiếp nhận, cách thể hiện tác phẩm của Lê

Thị Liên Hoan giúp ta nhìn nhận những mặt xấu của bản thân và xã hội một cách nhẹ nhàng nhưng đầy thâm thúy và sâu cay, tiếp thụ sự phê bình

kích, công khai và quá thô đôi khi lại tạo hiệu ứng ngược, bởi con người có tâm lý phản xạ ngay lập tức với những cái thô thiển, nanh ác và đập vào mặt người khác. Kiểu đưa thông tin giúp công chúng tiếp nhận thông tin theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” bằng những biện pháp nghệ thuật tạo nên sự liên tưởng, sẽ khiến việc cải tạo ý thức xã hội diễn ra một cách có trình tự hơn sẽ tạo ra những hiệu quả đáng kể. Nhưng tư tưởng sâu sắc, ý nhị nhưng không kém phần gay gắt, ấn tượng sẽ khiến nhiều người đọc không khỏi giật mình khi nhận thấy lời nhắc nhở mình một cách nhẹ nhàng trong đó, hoặc những người đọc bị “đánh trúng tim đen” thì cũng dần dần “tỉnh ngộ” bởi cách đánh đòn vào những tiêu cực rất ý nghĩa vẫn rất nhẹ nhàng, không thô tục, ra những chiêu cực thâm hậu mang tính chất khuyên răn và dù khiến công chúng hả hê vì được nói hộ tiếng nói của mình, còn những người có bị đánh thì ắt hẳn trong lòng không khỏi thán phục bởi “viết đúng quá”.

Trọng tâm tiến công của nhà báo Lê Thị Liên Hoan chính là cái xấu, cái tiêu cực, mâu thuẫn nghịch lý của các lĩnh vực trong cuộc sống. Nó đánh vào những thói hư tật xấu của con người bằng vũ khi châm biếm đả kích sâu cay, bóc mẽ những cái rởm đời, những thứ tiêu cực của xã hội hiện đại, khiến cho những kẻ làm những việc không tốt phải cay đắng, hay xấu hổ, ngậm đắng nuốt cay.

Như nhà báo Hữu Thọ đã từng nói “Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người” (Đề từ sách Người hay cãi – cuốn sách tiểu phẩm đầu tiên của Hữu Thọ xuất bản năm 1991). Viết báo không phải là để hài lòng tất cả công chúng, mà cái đích đến của báo chí là làm trong sạch xã hội qua việc chỉ ra những cái xấu cái tiêu cực. Quan trọng là qua những bài báo của mình, Lê Thị Liên Hoan đã đóng góp vào phần công phá những thứ xấu xa, tiêu cực của xã hội bằng chất giọng đầy cá tính, rất chua cay mà thấm đượm chân lý, thể hiện cái tâm của một cây viết có tầm để “đâm mấy thằng

gian bút chẳng tà”, nhằm làm xã hội trong sạch hơn, vắng bóng đi những ung nhọt xấu xa trong xã hội.

Đồng thời, những bài báo vạch trần cái xấu, cái tiêu cực một cách thâm thúy, đầy ý nghĩa đã tạo nên được làn sóng phản hồi của công chúng. Đó là sự quan tâm, đồng tình với những bài báo của Lê Thị Liên Hoan. Trước hết công chúng bị thu hút bởi cách viết cá tính, cái nhìn đầy thông minh của nhà báo Lê Thị Liên Hoan, sau đó đồng tình với cách nhìn nhận phân tích vấn đề đầy thâm thúy sâu sắc, truy căn nguyên tận gốc vấn đề với những lý giải đầy lô gic, đầy thuyết phục. Bên cạnh đó, cần nhấn mạnh rằng hiệu quả xã hội trong những tác phẩm của Lê Thị Liên Hoan là tính phản biện xã hội và tính công dân cao, đưa ra vấn đề được nhìn dưới nhiều khía cạnh, nhiều diễn giải qua cách dùng hình thức phỏng vấn phiếm chủ, những cuộc trò chuyện tạo cho một không khí rất khách quan, thoải mái (mặc dù thực chất tất cả đều là cách nhìn mang tính chủ quan của tác giả), khán giả như được cuốn vào dòng hỏi đáp liên tục, thú vị và nhận ra được những tầng nghĩa sâu sắc bên trong.

Tuy nhiên, hiệu quả xã hội của nhà báo còn môt số hạn chế nhất định. Có thể thấy một điều rằng, có những tác phẩm đề cập đến vấn đề chưa thực sự bám sát vào thời sự, sự kiện xã hôi, chỉ rõ những bất cập tiêu cực về kinh tế, chính trị hay xã hội, mà đi vào mảng văn hóa, văn nghệ hoặc khía cạnh thói hư tật xấu, ở góc độ con người nhiều hơn. Dường như Lê Thị Liên Hoan có phần quá ưu ái, thiên về mảng đời sống văn hóa nghệ thuật với sân khấu, với diễn viên nhiều hơn, mà bỏ qua những đề tài thời sự đang nổi cộm, đang gây nóng cho xã hội.

Một số nội dung trong tác phẩm của Lê Thị Liên Hoan chưa mang tính sát sao với thực tế, chưa thực sự động chạm đến những vấn đề thiết thực sát sườn của xã hội nhiều. Bởi Lê Thị liên Hoan mải mê theo những khám phá bất ngờ, những khám phá thú vị ở ngõ ngách của cuộc sống, của con người một cách vun vặt quá chăng? Như những bài phỏng vấn cảnh sát hình sự về

giám đốc tình báo về những câu chuyện chiến lược tình báo đặc biệt hay công tác tuyển mộ tình báo viên. Không phủ nhận rằng những cuộc phỏng vấn đó rất hay, làm thỏa trí tò mò của công chúng về công việc của một cảnh sát, của những tình báo viên được nhìn dưới góc độ vừa hài hước vừa thú vị và đầy hấp dẫn. Nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó, dừng lại ở việc mô tả những điều thú vị bí ẩn cùng kiến thức về ngành nghề tình báo hay cảnh sát điều tra vốn là những ngành nguy hiểm và hấp dẫn công chúng. Những tác phẩm đó chưa tạo được hiệu quả xã hội cao, có lẽ chưa chạm được đến cái đích cần đến đó là phản biện xã hội qua việc chỉ ra những cái tiêu cực, và giải pháp cho xã hội. Giá như Lê Thị Liên Hoan có thể chọn ra những đề tài bức xúc liên quan đến đời sống người dân để thay vào để mà khai thác tìm ra những khía cạnh chưa hay trong cuộc sống xã hội.

Ở phong cách nhà báo Lê Thị Liên hoan, chúng ta thường xuyên gặp những tiểu phẩm báo chí rất thú vị khiến chúng ta cất giữ nụ cười đến ngày mai, vì sự thâm thúy của một vài tiểu phẩm đủ để mang nụ cười đến rất lâu sau khi đọc. Nhưng cũng có lúc không may chúng ta sẽ vấp phải một số (chỉ một số mà thôi) các tiểu phẩm màu mè, đỏng đảnh, vặt vãnh, phô trương sự lém lỉnh, chanh chua khiến chúng ta chỉ dừng lại ở chỗ cười, hay thỏa mãn sự tò mò và mãi mãi sẽ quên chúng nhanh, xem để rửa mắt và thỏa mãn sự thèm giật gân hay có phần “tám vặt” mà thôi. Và những tác phẩm đó sẽ “cuốn theo chiều gió” và trôi vào quên lãng một cách nhanh chóng.

Một phần của tài liệu Nội dung phản ánh, hiệu quả xã hội và đặc trưng phong cách nhà báo lê thị liên hoan (Trang 64 - 68)