Trước bối cảnh kinh tế quốc tế và trong nước như trình bày ở trên, việc đổi mới quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN nói chung và đối với công ty mẹ - công ty con nói riêng có những thuận lợi và khó khăn sau đây:
3.1.2.1. Thuận lợi
(i) Đổi mới quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN nói chung và đối với TĐKT, TCTNN nói riêng là một nội dung quan trọng trong quá trình tái cấu trúc khu vực DNNN. Trong khi đó, tái cấu trúc DNNN lại là một trong những mục tiêu, chiến lược quan trọng và đã được soi sáng bằng Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, đặc biệt đã có sự thống nhất trong nhận thức ở mọi cấp về đổi mới, sắp xếp và tái cấu trúc DNNN theo kết luận của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba (khoá XI).
(ii) Các định hướng đổi mới quản lý của chủ sở hữu nhà nước đã được đề cập và định hướng rõ ràng trong các nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng hay Hội nghị Ban chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội hay quyết định của Thủ tướng Chính phủ, cụ thể:
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đã đề ra các yêu cầu trong quá trình tái cấu trúc DNNN, đặc biệt là các TĐKT, TCTNN là “phải quán triệt thực hiện nghiêm túc các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. Tập trung phát triển doanh nghiệp nhà nước trong những ngành, lĩnh vực quan trọng có ý nghĩa then chốt của nền kinh tế quốc dân, chủ yếu thuộc các chuyên ngành kinh tế, kỹ thuật liên quan đến kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, dịch vụ công, ổn định kinh tế vĩ mô. Hoàn thiện thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước, thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với vốn và tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp, bảo đảm công khai, minh bạch về tài chính….” [33].
- Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục nhấn mạnh vai trò của kinh tế nhà nước “Kinh tế nhà nước giữa vai trò chủ đạo, là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước định hướng và điều tiết nền kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô” và đề ra nhiệm vụ “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty. Sớm hoàn thiện thể chế quản lý hoạt động của các tập đoàn, các tổng công ty nhà nước. Đẩy mạnh cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước; xây dựng một số tập đoàn kinh tế mạnh, đa sở hữu, trong đó sở hữu nhà nước giữ vai trò chi phối. Phân định rõ quyền sở hữu của Nhà nước và quyền kinh doanh của doanh nghiệp, hoàn thiện cơ chế quản lý vốn nhà nước trong các doanh nghiệp” [32].
- Đảng đã có nhiều chủ trương, định hướng liên quan đến đổi mới chủ thể thực hiện chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước, như chủ trương “Thu hẹp và tiến tới không còn chức năng đại diện chủ sở hữu của các bộ, ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đối với DNNN” (tại Đại hội Đảng toàn quốc Khoá X) hay “Tách bạch vai trò của Nhà nước với tư cách là bộ máy công quyền quản lý toàn bộ nền – kinh tế xã hội với vai trò chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước” (tại Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khoá X); “Cần xác định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm quản lý toàn diện doanh nghiệp nhà nước, bao gồm cả vốn, tài sản và nhân sự, cả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có phần vốn nhà nước; xác định rõ quyền và nghĩa vụ của tổ chức và cá nhân quản lý vốn nhà nước trong kinh doanh” (tại Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương khoá X); “Nghiên cứu hình thành các tổ chức quản lý đầu tư, kinh doanh có hiệu qua các nguồn vốn, tài sản của Nhà nước; khắc phục tình trạng bộ máy quản lý hành chính tham gia trực tiếp vào các hoạt động kinh doanh thông qua mệnh lệnh hành chính” (tại Đại hội Đảng toàn quốc khóa XI); hoặc “Sớm xác định cơ quan nhà nước đóng vai trò chủ sở hữu doanh nghiệp, khắc phục tình trạng không rõ ràng hiện nay” (tại Kết luận số 02-KL/TW ngày 16/03/2011 của Bộ Chính trị).
Ngoài ra, các Nghị quyết và Luật do Quốc hội ban hành có liên quan đến đổi mới chủ thể thực hiện quản lý của chủ sở hữu nhà nước như Nghị quyết số 42/2009/QH12 ngày 27/11/2009 của Quốc hội về nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách pháp luật quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đã yêu cầu Chính phủ: “Thực hiện triệt để hơn việc tách chức năng thực hiện các quyền chủ sở hữu với chức năng quản lý hành chính nhà nước; tách bạch rõ ràng thực hiện quyền chủ sở hữu và quyền chủ động kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong kinh doanh của doanh nghiệp. Hoàn thiện cơ chế phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước theo nguyên tắc có một đầu mối chịu trách nhiệm chính, thực hiện nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp tình hình quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước và phân tích, đánh giá hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nhà nước, kể cả các tập đoàn, tổng công ty đặc biệt”; Luật Doanh nghiệp 2005 cũng đã quy định công ty TNHH một thành viên chỉ có “một tổ chức hoặc cá nhân làm chủ sở hữu” làm cơ sở xác định tổ chức thực hiện quyền, nghĩa vụ chủ sở hữu nhà nước khi chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH một thành viên.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có quyết định liên quan đến đổi mới chủ thể quản lý, đó là Quyết định 1715/QĐ-TTg ngày 26/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới quản lý nhà nước đối với các doanh nghiê ̣p theo hướng không phân biê ̣t hình thức sở hữu và điều chỉnh quản lý , hoạt động, nâng cao hiệu quả DNNN khi thực hiện cam kết gia nhập WTO. Theo đó, xác định định hướng “hình thành tổ chức chuyên trách thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty mẹ của tập đoàn kinh tế nhà nước, các tổng công ty nhà nước quy mô lớn quan trọng, kể cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước”, nhằm xác định một chủ thể duy nhất chịu trách nhiệm toàn diện thực hiện chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước, khắc phục tình trạng vừa chồng chéo, vừa buông lỏng, phân tán quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước nhưng lại khó quy được trách nhiệm.
3.1.2.2. Những khó khăn, thách thức
(i) Số lượng công ty mẹ - công ty con trong khu vực DNNN còn khá lớn (đặc biệt số lượng công ty con), được phân bố ở phạm vi rộng, ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đa dạng về loại hình và địa bàn, đòi hỏi phải có sự tổ chức, sắp xếp lại.
(ii) Đổi mới quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN nói chung và công ty mẹ - công ty con nói riêng gặp nhiều khó khăn do thiếu nhiều điều kiện, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, các nhà quản lý chuyên nghiệp, đủ trình độ chuyên môn thực hiện chức năng quản lý của chủ sở hữu nhà nước.
(iii) Mặc dù việc đổi mới quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN đã được triển khai từ lâu nhưng chậm thay đổi, đặc biệt về mô hình thực hiện quản lý hay xác định chủ thể quản lý. Thực tế, việc có được nhận thức đầy đủ và thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, thiết chế xã hội không phải là điều dễ dàng.