Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người trong xã hội. Để thực hiện chức năng giao tiếp, trong mỗi ngôn ngữ tồn tại những quy tắc cấu tạo câu đặc trưng của ngôn ngữ đó. Trong quá trình sử dụng để giao tiếp đạt hiệu quả, mỗi cá nhân của cộng đồng ngôn ngữ phải tuân thủ các quy tắc đó, nếu không hoạt động giao tiếp sẽ bị gián đoạn. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên đối với đặt câu là đặt câu theo đúng quy tắc tiếng Việt. Phần lớn các câu trong tiếng Việt đòi hỏi phải đầy đủ hai thành phần nòng cốt là chủ ngữ và vị ngữ. Tuy thế, tuỳ những hoàn cảnh sử dụng cụ thể, người ta có thể dung câu một thành phần hoặc câu hai thành phần bị tỉnh lược.
Yêu cầu đầy đủ về thành phần câu có thể coi là yêu cầu chung không chỉ đối với tiếng Việt mà đối với mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt là ngôn ngữ thuộc loại hình đơn lập có đặc điểm quan trọng là từ không biến hình. Do đó, điều quan trọng cần chú ý khi đặt câu tiếng Việt là trật tự câu, vị trí của từ trong câu quy định chức năng của từ đó trong câu. Khi thay đổi vị trí thì đồng thời cũng thay đổi chức năng ngữ nghĩa của từ đó và từ đó làm thay đổi ý nghĩa của câu.
Câu là đơn vị cấu tạo thành văn bản, việc tạo câu chịu sự chi phối của tất cả các nhân tố ảnh hưởng đến nội dung và hình thức của văn bản. Câu đặt ra nhằm phục vụ cho mục đích giao tiếp của văn bản, phải phù hợp với quan hệ giữa các nhân vật giao tiếp, phải phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp.
Khi đi vảo văn bản, câu phải thoả mãn những yêu cầu của từng loại văn bản cụ thể. Có những kiểu câu chỉ phù hợp với loại văn bản này nhưng không phù hợp với loại văn bản khác. Chẳng hạn trong văn bản nghệ thuật, câu đặc biệt rất thích hợp vì nó có tính biểu cảm, tính hình tượng cao.
Câu trong văn bản nghệ thuật phải thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp thẩm mĩ, nội dung, ý nghĩa mà tác giả muốn giử gắm. Điều đó có nghĩa là khi đi vào tác phẩm nghệ thuật, câu phải phản ánh chân thực đời sống qua lăng kính lý tưởng của người viết, phản ánh được sự phong phú, đa dạng về tinh thần con người, phải được thể hiện dưới một hình thức toàn diện, hài hoà giữa nội dung và hình thức.
Đối với tác phẩm nghệ thuật, các yếu tố ngôn ngữ trong tác phẩm phải gắn bó qua lại với nhau để cùng thực hiện một nhiệm vụ chung, phải phù hợp, giải thích và hỗ trợ cho nhau để đạt tới một hiệu quả diễn đạt chung. Mỗi văn bản nghệ thuật là một cấu trúc trong đó các thành tố nội dung, tư tưởng, tình cảm và các thành tố ngôn ngữ diến đạt chúng vừa phụ thuộc lẫn nhau, vừa phụ thuộc vào hệ thống nói chung. Sự lựa chọn và tổ hợp các thành tố này bị quy định các chức năng thẩm mĩ của ngôn ngữ nghệ thuật mà cụ thể hơn là ý định thẩm mỹ của tác phẩm.
Câu trong văn bản nghệ thuật phải thể hiện được tính hình tượng nghệ thuật, trong câu xuất hiện những từ có khả năng chuyển nghĩa, có sự biến đổi nội dung khái niệm của chúng, từ nghĩa đen chuyển sang nghĩa bóng, từ sự vật sang nghĩa hình tượng.
Tóm lại, khi đi vào văn bản nghệ thuật, câu có những đặc điểm nổi bật là phải đạt tính thẩm mỹ, tính hình tượng cao, câu không đảm nhận được vai trò khi diễn đạt cái cần biểu đạt thì không phải là một văn bản nghệ thuật.
Có nhiều hướng tiếp cận câu trong văn bản nghệ thuật. Có người đi sâu nghiên cứu cấu trúc ngữ pháp. Có người nghiên cứu câu theo hướng dụng học. Từ góc độ tu từ học, phong cách học lại có thể nghiên cúu câu dưới góc độ cấu tạo và tu từ cú pháp từ hiệu quả nghệ thuật của câu. Với đề tài này, chúng tôi chọn hướng tiếp cận thứ ba.