Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác quảng trị (việt nam) savanakhẹt (lào) từ năm 1986 đến 2008 (Trang 79 - 86)

B. Nội dung

2.2.2Quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Bên cạnh quan hệ hợp tác văn hóa- xã hội, thì quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa hai tỉnh Quảng Trị- Savanakhẹt là điều rất quan trọng, cấp thiết đối với các cấp lãnh đạo hai tỉnh nói riêng và Việt Nam- Lào nói chung. Bước vào những năm cuối của thập kỷ 80, trước những yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội sau thời kỳ đổi mới đất nước, hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo đã từng bước được đề cao và chuyển biến dần về mục tiêu, phương hướng và nhiệm vụ hợp tác.

Năm 1986, hai nước Việt Nam- Lào đã thống nhất không giữ lưu học sinh Lào sang Việt Nam đào tạo bậc phổ thông, hạn chế và tiến tới không đào tạo trung học chuyên nghiệp, tăng dần bậc cao đẳng, đại học. Đây thực sự là một thử thách lớn trong quá trình hợp tác phát triển giáo dục, đào tạo giữa Quảng Trị- Savanakhẹt. Bởi vì Quảng Trị cũng như Savanakhẹt là hai tỉnh có điều kiện kinh tế- xã hội còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí yếu kém, để khắc phục, lôi cuốn phổ cập là điều rất khó, mà hai tỉnh trong thời gian qua đã phải phối hợp với nhau để đào tạo chất lượng cho cán bộ cũng như học sinh. Hơn nữa, đối với Quảng Trị, vẫn chưa có trường đại học, mà chỉ có trường cao đẳng, trong khi đó thì yêu cầu về đào tạo nguồn nhân lực để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế- xã hội lại rất lớn. Chính điều này mà dưới sự chỉ đạo kịp thời của các cấp lãnh đạo và chính quyền hai tỉnh trước chủ trương đổi mới, các hình thức đào tạo lưu học sinh giúp Lào của hai nước Việt Nam- Lào đưa ra vào năm 1986, mà quá trình hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo giữa Quảng Trị- Savanakhẹt phát triển và ngày càng đẩy mạnh.

Để đáp ứng yêu cầu của tỉnh bạn, Quảng Trị đã đào tạo một số sinh viên cho Savanakhẹt ở trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị và giữa hai bên đã thống nhất cùng hợp tác giúp đỡ nhau về bồi dưỡng, đào tạo nghiệp vụ cho các cán bộ và học sinh ở bậc trung cấp các ngành chính trị, y tế, tài chính kế toán. Cho dù số lượng hàng năm chưa phải là cao, nhưng điều đó không làm

ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo cũng như mối quan hệ truyền thống đoàn kết lâu dài của hai nước Việt Nam- Lào nói chung và nhân dân hai tỉnh Quảng Trị- Savanakhẹt nói riêng.

Trong năm học 1999-2000, hợp tác giáo dục giữa hai tỉnh mới bắt đầu tiếp nhận lưu học sinh sang học tại Quảng Trị, Quảng Trị đã tiếp nhận 2 học sinh của Savanakhẹt sang học trung cấp quản lý, hai học sinh sang học tại Quảng Trị đã được kiểm tra về chất lượng. Trong những năm vừa qua số học sinh sang học ở trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị có tăng lên, năm học 2005-2006 Quảng Trị đã tiếp nhận 4 học sinh toán tin, 1 học sinh văn học và tiếng việt, năm học 2007-2008, số học sinh tăng lên 15 người, trong đó đào tạo các ngành như toán- tin, âm nhạc, mỹ thuật, ngoại ngữ [5;17].

Bên cạnh đào tạo nguồn học sinh cho Savanakhẹt, thì việc đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cũng được tỉnh Quảng Trị đẩy mạnh. Tháng 10/1989, hai Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị- Savanakhẹt đã có chuyến thăm làm việc và ký kết hợp tác trong giáo dục- đào tạo, trong chuyến thăm này hai tỉnh đã đánh giá cao khả năng đào tạo nguồn nhân lực cho hai tỉnh để nâng cao hiệu quả trong giáo dục. Đến tháng 7/1995, Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị đã cử đoàn giáo viên giỏi gồm 5 người, trong đó có 3 giáo viên dạy toán cấp 3 và 2 giáo viên dạy toán cấp 2, chia thành hai đợt sang bồi dưỡng giáo viên giỏi cho Sở giáo dục Savanakhẹt. Sau đó Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị cử 2 giáo viên kỹ thuật có trình độ chuyên môn sang giúp bạn trong một số hoạt động hướng nghiệp, dạy nghề. Các cán bộ của Sở giáo dục- đào tạo được cử sang giúp bạn từ trước đến nay đều được phía bạn đánh giá tốt, phát huy khả năng của mình trong giảng dạy, xây dựng và giữ gìn được khối đoàn kết với nhân dân trên đất bạn, thực hiện đúng quy định của nhà nước đề ra đối với từng công dân khi tham gia đi công tác.

Về chế độ chính sách ưu đãi cho cán bộ, hàng tháng Sở giáo dục- đào tạo Savanakhẹt trả cho mỗi cán bộ giáo viên từ 300.000 đến 350.000 kíp. Nhưng do nhu cầu về đời sống sinh hoạt, bắt đầu từ năm học 2004-2005 trở lại đây, số tiền hàng tháng Savanakhẹt trả cho cán bộ giáo viên tăng lên từ 350.000 lên đến 550.000 kíp. Bên cạnh đó, Savanakhẹt còn phối hợp với Ban Việt kiều tại Savanakhẹt cấp nơi ăn chốn ở cho các cán bộ giáo viên và tạo mọi điều kiện cho các cán bộ giáo viên có thời gian về thăm gia đình vào các dịp nghỉ hè, nghỉ tết hay những ngày lễ khác. Đến nay, mối quan hệ hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai tỉnh tiến triển tốt.

Bên cạnh đào tạo nguồn nhân lực cho Savanakhẹt có trình độ chuyên môn ra, từ những năm 90 trở lại đây Quảng Trị hàng năm đã trích một phần kinh phí để hỗ trợ giúp Savanakhẹt, đưa một số cán bộ công nhân viên có tay nghề sang Quảng Trị học tập nâng cao trình độ, nghiệp vụ, bồi dưỡng chuyên môn với thời gian đào tạo từ 3 đến 12 tháng. Quảng Trị triển khai chương trình đào tạo trung cấp lý luận chính trị và quản lý nhà nước cho 30 cán bộ của Savanakhẹt, 2 lớp bồi dưỡng kiến thức xây dựng cơ sở cho 80 cán bộ Savanakhẹt và một lớp huấn luyện công tác quản lý biên giới cho 15 cán bộ tỉnh Savanakhẹt [2;7]. Nhìn chung trong thời gian học tập, đào tạo không dài nhưng số cán bộ tham gia đào tạo cũng phần nào nắm được chất lượng hiệu quả để khi trở về công tác tay nghề được nâng lên rất nhiều, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội của địa phương mình. Chúng ta tin tưởng rằng, trong những năm tiếp theo việc đưa cán bộ giáo viên Quảng Trị sang Savanakhẹt hay việc cán bộ Savanakhẹt sang Quảng Trị học tập kinh nghiệm, đào tạo tay nghề sẽ được sự ủng hộ đồng tình hơn nữa giữa hai bên. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục, đào tạo Quảng Trị- Savanakhẹt, nhằm góp phần củng cố và giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị

lâu bền của hai nhà nước Việt Nam- Lào nói chung và giữa hai tỉnh Quảng Trị- Savanakhẹt nói riêng.

Ngoài công tác đào tạo nguồn nhân lực cho Savanakhẹt, các hoạt động trao đổi kinh nghiệm quản lý giáo dục, đổi mới phương pháp dạy học ở các cấp học từ mầm non đến phổ thông trung học giữa Quảng Trị- Savanakhẹt ngày càng đẩy mạnh và phát triển không ngừng. Các cuộc gặp gỡ hội đàm giữa Ban lãnh đạo Sở giáo dục- đào tạo hai bên diễn ra hàng năm là điều kiện quan trọng để Quảng Trị- Savanakhẹt hợp tác phát triển lâu dài. Năm học 2007-2008 vừa qua, đoàn cán bộ giáo dục Savanakhẹt sang thăm lại Quảng Trị, làm việc với Ban lãnh đạo Sở giáo dục Quảng Trị, trong chuyến thăm này, đoàn cán bộ Savanakhẹt đã ghé thăm một số trường học của Quảng Trị, cán bộ Sở giáo dục- đào tạo Savanakhẹt đánh giá cao công tác quản lý và đào tạo của Quảng Trị sau thời kỳ đổi mới, nhất là những năm đầu thập kỷ XX trở lại đây. Ngoài chuyến thăm này, cán bộ Savanakhẹt còn đề nghị với Quảng Trị thường xuyên tham gia gặp gỡ hợp tác lẫn nhau nhiều hơn nữa để có kinh nghiệm xây dựng và phát triển hệ thống cơ sở vật chất, nhất là kinh nghiệm phát triển các loại hình trường vừa học vừa làm, trường năng khiếu hay trường nội trú, góp phần thúc đẩy chất lượng giáo dục, đào tạo bậc phổ thông trung học của hai tỉnh cao hơn ngang tầm với mặt bằng chung của Việt Nam- Lào.

Có thể nói, hợp tác thành công nhất trong lĩnh vực giáo duc, đào tạo giữa hai tỉnh Quảng Tri- Savanakhẹt là việc phối hợp đào tạo, bồi dưỡng giáo viên. Năm 2007, trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị và trường cao đẳng sư phạm Savanakhẹt đã hợp tác về trao đổi giáo viên, liên kết trong đào tạo tiếng Việt tại Savanakhẹt và tiếng Lào tại Quảng Trị. Đồng thời, còn liên kết đào tạo về công nghệ thông tin trên tinh thần hữu nghị đoàn kết, kết quả cho thấy năm 2008, trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị đã cử 7 giáo viên sang dạy

tiếng Việt cho trường cao đẳng sư phạm Savanakhẹt và trường cao đẳng sư phạm Savanakhẹt đã cử 5 giáo viên sang dạy tiếng Lào cho trường cao đẳng sư phạm Quảng Trị. Mặt khác, Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị cũng đã tiếp nhận 3 công chức Ban đối ngoại tỉnh Savanakhẹt sang học tiếng Việt, đào tạo công nghệ thông tin cho 4 giáo viên Savanakhẹt tại Quảng Trị, đồng thời trong năm học 2008, đào tạo 7 học viên, trong đó có 4 giáo viên và 3 sinh viên sang học chương trình cao đẳng sư phạm âm nhạc, mỹ thuật và 30 cán bộ của Savanakhẹt cử sang học lý luận chính trị tại Quảng Trị [9;77].

Bên cạnh hợp tác nguồn nhân lực cho Savanakhẹt, Quảng Trị còn hợp tác giúp đỡ về cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Savanakhẹt. Năm 2000, Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị đã tiến hành xây dựng giúp tỉnh bạn 1 trường tiểu học gồm một dãy nhà cấp 4 với 4 phòng học trị giá trên 1 tỷ đồng, năm học 2003-2004, Quảng Trị tiếp tục sang giúp Savanakhẹt sửa chửa, nâng cấp 2 trường tiểu học ở Mường Noòng và Sêpôn, với số tiền lên đến 1,5 tỷ đồng [6;15]. Nằm trong chương trình hợp tác giữa Bộ giáo dục- đào tạo Việt Nam và Bộ giáo dục- đào tạo Lào về việc cung cấp chương trình sách giáo khoa ở các cấp cho Lào làm tài liệu để thuận lợi trong công tác giảng dạy và học tập của giáo viên và học sinh. Từ 1986 đến 2008, Quảng Trị đã giúp đỡ về trang thiết bị cũng như sách giáo khoa cho Savanakhẹt rất nhiều như: chuyển giao các đầu sách tham khảo, sách giáo khoa có giá trị, còn mua một số trang thiết bị phục vụ cho dạy và học: quần áo, giày dép, sách vở, bàn ghế, bút, đồ dùng, vật dùng khác [3;42]. Ngoài ra, Quảng Trị còn trích một phần ngân sách để hỗ trợ cho các huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới để mua trang thiết bị dụng cụ để phục vụ cho việc dạy và học của giáo viên cũng như học sinh. Sự giúp đỡ này tuy nhỏ bé nhưng đã góp một phần quan trọng trong mối quan hệ hợp tác giữa hai tỉnh nhằm tạo điều kiện cho con em các dân tộc ở Savanakhẹt

có điều kiện được học tập, góp phần cải thiện đời sống văn hóa cho nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới.

Thực hiện nghị quyết của tỉnh Quảng Trị về việc dạy và học tập cho con em Việt kiều của Quảng Trị tại Savanakhẹt, năm 2002 Sở giáo dục- đào tạo Quảng Trị theo yêu cầu của Sở giáo dục- đào tạo Savanakhẹt, Quảng Trị cử 6 giáo viên sang dạy tiếng Việt cho con em Việt kiều đang sinh sống ở đây. Sau mỗi năm các giáo viên giảng dạy ở đây được Tổng lãnh sứ quán và hội Việt kiều tại Savanakhẹt đánh giá cao kết quả giảng dạy của giáo viên. Chính điều này đã thắt chặt thêm quan hệ hữu nghị lâu dài giữa hai tỉnh Quảng Trị- Savanakhẹt nói riêng và Việt Nam- Lào nói chung.

Có thể nói, từ năm 1986 cho đến nay, mặc dù nền kinh tế Quảng Trị- Savanakhẹt nói riêng và Việt Nam- Lào nói chung đang còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phần kinh phí cho cán bộ và học sinh học tập vẫn còn hạn hẹp, nhưng Quảng Trị đã sẵn sàng tạo mọi điều kiện giúp đỡ bạn một cách tốt nhất và hiệu quả nhất trong việc đào tạo học sinh và cán bộ, đồng thời thực hiện tốt nội dung các văn bản, hiệp định ký kết về kinh tế, văn hóa, an ninh quốc phòng và giáo dục giữa hai tỉnh.

Mặc dù, hai bên có nhiều cố gắng, quan tâm tạo mọi điều kiện cho công tác giáo dục, nhưng nhìn chung quan hệ hợp tác trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo của hai tỉnh trong giai đoạn 1986-2008 vẫn còn mang nặng tính thụ động, cho nên trong lĩnh vực này cũng còn không ít những tồn tại đó là:

Chất lượng và hiệu quả đào tạo học sinh chưa cao, giữa hai tỉnh chưa thực sự coi trọng chất lượng, khả năng vận dụng giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sinh hoạt đời thường của lưu học sinh Savanakhẹt đào tạo tại Quảng Trị còn hạn chế. Về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ còn nhiều bất cập, hai bên chưa có kế hoạch hợp tác lâu dài, nên Quảng Trị gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng chương trình, nội dung bồi dưỡng lý luận phù hợp

với từng loại đối tượng khác nhau, dẫn đến hiệu quả chất lượng chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chính sách cho đối tượng học viên đào tạo thời gian ngắn hạn chưa hợp lý, làm cho các học viên vẫn chưa yên tâm trong thời gian học tập. Để nâng cao chất lượng trong giáo dục, đào tạo, yêu cầu các cấp lãnh đạo cũng như Sở giáo dục- đào tạo hai tỉnh cần chú trọng, quan tâm hơn nữa trong công tác quản lý cũng như trong công tác dạy và học.

Như vây, trước những yêu cầu thực tế giữa hai tỉnh Quảng Trị- Savanakhẹt nói riêng và Việt Nam- Lào nói chung, hai bên đã không ngừng quyết tâm đào tạo cán bộ, học sinh cho tỉnh bạn. Trong suốt thời gian dài, những kết quả mà hai bên giành cho nhau trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo tuy còn hạn chế, chưa đáp ứng được sự đòi hỏi của hai bên, nhưng dù sao những kết quả đem lại bước đầu đã góp một phần thiết thực cho quá trình phát triển kinh tế, văn hóa- xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng cho hai tỉnh. Đồng thời, đã tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác, tình hữu nghị đoàn kết lâu dài của hai dân tộc.

Một phần của tài liệu Quan hệ hợp tác quảng trị (việt nam) savanakhẹt (lào) từ năm 1986 đến 2008 (Trang 79 - 86)