Những vấn đề đặt ra của việc giáo dục thẩm mỹ trong xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hiện nay

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mỹ trong việc xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên huyện hồng ngự tỉnh đồng tháp giai đoạn hiện nay (Trang 47 - 52)

lối sống văn hóa cho thanh niên huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hiện nay

Giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên được coi là một loại hình giáo dục tương ứng với các loại hình giáo dục khác. Giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên cần quan tâm tới khả năng làm bật dậy những năng khiếu, tài năng ở tầng lớp thanh niên. Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW (khóa VIII) đã khẳng định: “Cổ vũ cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ giữa con người với con người, giữa con người với xã hội, với thiên nhiên; phê phán những thói hư tật xấu, lên án cái ác, cái thấp hèn” [4, tr.61].

Mục tiêu của giáo dục thẩm mỹ để xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên trên địa bàn huyện Hồng Ngự hiện nay là hướng tới xây dựng, phát triển lối sống vừa tiên tiến, vừa đậm đà bản sắc dân tộc; lối sống đó phải là sự kết tinh từ những giá trị văn hóa và giá trị thẩm mỹ truyền thống của dân tộc với những giá trị mới, những tinh hoa văn hóa của nhân loại và thời đại; lối sống đó phải có đủ năm đức tính cơ bản mà Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương (khóa VIII) đề ra, nhằm hình thành nhân cách phát triển toàn diện ở tầng lớp thanh niên nơi đây.

Việc đầu tư, trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động giáo dục thẩm mỹ để xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên còn nhiều thiếu thốn, nghèo nàn, lạc hậu, chưa đáp ứng được nhu cầu tinh thần ngày càng đa dạng, phong phú và đòi hỏi ngày càng cao của thanh niên.

Ở huyện Hồng Ngự thời gian qua, đang có sự mâu thuẫn giữa một bên là nhu cầu sống, nhu cầu hưởng thụ và hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng cao và đa dạng của thanh niên với một bên là điều kiện kinh tế -

xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu. Công tác quản lý Nhà nước về các hoạt động giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên trên địa bàn huyện chưa thật sự được quan tâm. Sự kết hợp, liên kết chặt chẽ giữa địa phương với các ban ngành, các trường, các tổ chức Đoàn, tổ chức Hội còn lỏng lẻo, nhiều khi mang tính chất thời vụ, tự phát và thiếu kế hoạch.

Xu hướng hưởng thụ lệch lạc, thụ động và chạy theo thị hiếu nhất thời đang có chiều hướng gia tăng. Hiện tượng nói tục, chửi thề trong tầng lớp thanh niên nơi đây còn khá phổ biến, nhất là thanh niên nông thôn. Thực trạng đó cho thấy những khó khăn và thuận lợi của thanh niên trong tiếp xúc, tiếp thu những giá trị văn hóa, nghệ thuật cả truyền thống lẫn hiện đại. Để giảm bớt những khó khăn, tạo môi trường văn hóa cho thanh niên, rất cần thiết có những hình thức, phương hướng và giải pháp giáo dục phù hợp với thanh niên hiện nay.

Những tiêu cực của kinh tế thị trường, của việc giao lưu khu vực và quốc tế đang làm cho các giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ của địa phương và của vùng như: lối sống tình nghĩa “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”, “tối lửa tắt đèn có nhau”, “đồng cam cộng khổ”… đang bị xâm hại bởi lối sống thực dụng, thờ ơ, vị kỷ, vô cảm, chạy theo lối sống thực dụng, tiêu dùng, hưởng lạc, ích kỷ... đang lây lan, làm băng hoại nhiều thuần phong mỹ tục của gia đình, quê hương và dân tộc. Đúng như Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW (khóa VIII) đã nhận định: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hóa dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng, cá nhân vị kỷ… đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc. Không ít trường hợp vì đồng tiền và danh vị mà chà đạp lên tình nghĩa gia đình, quan hệ thầy trò, đồng chí, đồng nghiệp” [4, tr.46].

Trong sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và giao lưu văn hóa thế giới hiện nay, chúng ta

phải xây dựng lối sống văn hóa mới phù hợp với sự phát triển của xã hội công nghiệp và hội nhập quốc tế, nhưng vẫn giữ gìn và phát huy được các giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ lối sống là biểu hiện sinh động của một nền văn hóa, sự phát triển và hoàn thiện nhân cách, lối sống rất cần sự hỗ trợ của nhiều hoạt động giáo dục như: giáo dục đạo đức, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục văn hóa, nghệ thuật, giáo dục các giá trị tốt đẹp của truyền thống và đạo lý dân tộc.

Làm sao để giáo dục thẩm mỹ thật sự có hiệu quả góp phần hình thành lối sống văn hóa cho thanh niên trên địa bàn huyện Hồng Ngự đạt kết quả cao? Đây là một câu hỏi lớn với nhiều vấn đề đặt ra cần được quan tâm và giải quyết kịp thời.

Xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên, học sinh chỉ có thể được thực hiện có hiệu quả nếu các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và nhà trường quan tâm đầy đủ và có những biện pháp hữu hiệu để tiến hành thường xuyên, có hệ thống tất cả các mặt giáo dục: đức dục, trí dục, mỹ dục và giáo dục lao động. Không thể phủ nhận những cố gắng của địa phương và nhà trường trong việc thực hiện quan điểm giáo dục của Đảng trong giai đoạn hiện nay, nhưng đồng thời cũng phải thừa nhận rằng, chất lượng giáo dục toàn diện cho thế hệ trẻ nói chung, thanh niên nói riêng chưa có nhiều thay đổi đáng kể. Vấn đề đặt ra là phải mau chóng khắc phục thiếu sót đó. Mọi yếu kém, thiếu sót trong công tác giáo dục thẩm mỹ cho thanh niên, học sinh phổ thông cũng như trong hoạt động giáo dục nói chung, đều có những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Chúng ta cần nhận thức rõ những nguyên nhân đó và tìm cách khắc phục chúng, nhất là những nguyên nhân chủ quan của những người làm công tác giáo dục.

Các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, gia đình và nhà trường trên địa bàn huyện Hồng Ngự phải làm gì và làm như thế nào để góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, đảm bảo cho thanh niên, dù cho trong tương lai có phát triển như thế nào đi nữa vẫn giữ được những giá trị gốc của vùng miền, của dân tộc, làm sâu đậm hơn nữa lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, đức tính cần cù lao động sáng tạo, đoàn kết thương yêu giúp đỡ nhau trong thế hệ trẻ, để từ đó hình thành trong thanh niên, học sinh nhân cách phát triển hài hòa và toàn diện cũng là vấn đề được đặt ra đòi hỏi phải được quan tâm và giải quyết.

Những yêu cầu có tính khách quan trên đây, đã và đang đặt ra cho chúng ta một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên trên địa bàn huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp là phải bảo vệ và phát huy những giá trị thẩm mỹ tích cực của địa phương, vùng miền, ngăn chặn sự du nhập xô bồ các phản giá trị thẩm mỹ từ bên ngoài. Giữ được những giá trị gốc của địa phương, vùng miền, của dân tộc, làm sâu đậm hơn nữa lòng yêu nước, ý chí tự lực tự cường, đức tính cần cù sáng tạo, tinh thần cố kết cộng đồng, thương người, tình nghĩa, vị tha và giàu lòng nhân ái trong thế hệ trẻ, đặc biệt là tầng lớp thanh niên nơi đây.

Tiểu kết chương 1

Giáo dục thẩm mỹ là một quá trình xã hội hóa cá nhân về mặt thẩm mỹ nhằm phát triển con người toàn diện. Bản chất của giáo dục thẩm mỹ là hình thành một chủ thể thẩm mỹ nâng cao năng lực thụ cảm và sáng tạo ở con người, phát triển một cách hài hòa các hoạt động cá nhân và xã hội của con người.

Lối sống là tổng hòa những dạng hoạt động sống ổn định của cộng đồng và các cá nhân được vận hành theo những chuẩn mực giá trị xã hội nhất định

trong sự thống nhất với các điều kiện của một hình thái kinh tế - xã hội cụ thể. Lối sống văn hóa là lối sống cao đẹp, gắn với sự tiến bộ, phù hợp với những giá trị văn hóa của cộng đồng, đáp ứng được đòi hỏi của sự phát triển xã hội, biểu hiện trong ứng xử với tự nhiên, với xã hội và với bản thân mình.

Lối sống văn hóa thanh niên là lối sống đẹp của lứa tuổi thanh niên. Nó biểu hiện trong lẽ sống đẹp, nếp sống đẹp, đó là lối sống có ước mơ và khát vọng dồi dào, có khả năng sáng tạo to lớn, có tinh thần dám nghĩ, dám làm.

Giáo dục thẩm mỹ có khả năng làm cho thanh niên phát triển toàn diện cả trí, đức, thể, mỹ, cả trí tuệ lẫn tâm hồn, tình cảm, cả khả năng nhận thức, đánh giá và sáng tạo cái đẹp.

Ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp hiện nay, giáo dục thẩm mỹ trong việc xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên gắn bó với hệ thống giáo dục. Giáo dục thẩm mỹ trên địa bàn huyện Hồng Ngự, đặc biệt là trong các trường học, được lãnh đạo địa phương và Ban giám hiệu các trường quan tâm sâu sắc, có định hướng rõ ràng và bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, giáo dục thẩm mỹ trong việc xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên nơi đây vẫn còn nhiều bất cập, sự liên kết giữa các cấp, các ngành trên địa bàn còn thiếu chặt chẽ, cơ sở vật chất kỹ thuật trong giáo dục thẩm mỹ còn lạc hậu, các phương thức giáo dục thẩm mỹ còn nghèo nàn, nội dung giáo dục còn đơn điệu,... đã và đang đặt ra cho các cấp lãnh đạo, các nhà trường, các đoàn thể và tổ chức xã hội một nhiệm vụ quan trọng trong xây dựng lối sống văn hóa cho thanh niên huyện Hồng Ngự là phải bảo vệ và phát huy những giá trị thẩm mỹ tích cực của địa phương, vùng miền, ngăn chặn sự du nhập xô bồ các phản giá trị thẩm mỹ từ bên ngoài.

Chương 2

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục thẩm mỹ trong việc xây dựng lối sống văn hoá cho thanh niên huyện hồng ngự tỉnh đồng tháp giai đoạn hiện nay (Trang 47 - 52)