Đặc điểm, tình hình công tác giáo dục

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 11, thành phố hồ chí minh (Trang 32 - 34)

8. Cấu trúc luận văn

2.1.2.Đặc điểm, tình hình công tác giáo dục

a. Thuận lợi:

Lãnh đạo các cấp ủy Đảng, UBND quận, phường đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời giúp cho các hoạt động của ngành giáo dục được tiến hành thuận lợi, hiệu quả.

Sự năng động, nhiệt tình của CBQL các trường. Đội ngũ GV ổn định, có lòng yêu nghề, mến trẻ, tinh thần trách nhiệm, có ý thức học tập rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học đã góp phần nâng cao chất lượng hiệu quả của giáo dục quận nhà.

Sự hỗ trợ tích cực, có hiệu quả của các ban ngành, đoàn thể, của Hội Cha mẹ học sinh.

Trong những năm qua, Phòng GD&ĐT tham mưu với UBND quận 11 đầu tư xây dựng, sửa chữa CSVC, mua sắm trang thiết bị phục vụ cho công tác dạy - học. Hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới trường lớp giai đoạn 2006 - 2010 và được UBND quận 11 phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới trường học đến năm 2020.

Tiếp tục thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy, các trường THCS đã và đang xây dựng “trường học thân thiện - học sinh tích cực” nhằm bồi dưỡng tình cảm hứng thú, tinh thần chủ động, thái độ tích cực trong học tập của HS, tăng cường dạy học cá thể, thực hiện có hiệu quả đổi mới kiểm tra - đánh giá, kéo giảm tỷ lệ HS nghỉ bỏ học theo hướng tích cực.

Công tác tư vấn và phân luồng HS sau tốt nghiệp THCS được lãnh đạo Phòng GD&ĐT quan tâm chỉ đạo ngay từ đầu mỗi năm học.

Hoạt động của trường dạy 2 buổi/ ngày đã trở thành nề nếp, phục vụ cho mục tiêu giáo dục toàn diện, tạo niềm tin ở đại bộ phận phụ huynh. Ngoài các môn học theo quy định của Bộ GD&ĐT, các trường THCS cũng đầu tư cho các lớp tăng cường tiếng Anh, tiếng Trung; đã thực hiện tốt việc dạy các môn tự chọn đúng theo chỉ đạo với hình thức phù hợp cho từng khối lớp.

CSVC, trang thiết bị ĐDDH, thực hành thí nghiệm, SGK, sách tham khảo,… được quan tâm đầu tư, có nhiều cải thiện, đáp ứng yêu cầu đổi mới của giáo dục hiện hành.

b. Khó khăn:

Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, giáo dục quận 11 còn gặp không ít khó khăn trong khi thực hiện nhiệm vụ, cụ thể:

Đội ngũ GV, CSVC - KT giữa các trường trong địa bàn quận chưa đồng đều, số trường có điều kiện CSVC, phòng học, trang thiết bị theo chuẩn “Chuẩn quốc gia” chưa nhiều, dẫn đến chất lượng giảng dạy giữa các trường chưa đồng đều, và việc tổ chức các hoạt động giáo dục ở mỗi trường còn gặp nhiều khó khăn. Mạng lưới trường lớp ổn định. Tuy nhiên trong địa bàn quận, còn một vài trường có số lớp đông (hơn 40 lớp), các trường còn lại quy mô vừa và nhỏ. Ở các trường quy mô nhỏ, đa số HS thuộc diện khó khăn hoặc tạm trú. Mặc dù quận đã đầu tư xây mới và cải tạo mở rộng mạng lưới trường lớp nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp so với nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu tỷ lệ HS học 2 buổi/ ngày.

Tỷ lệ HS bỏ học tuy hàng năm đều giảm, đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng nhìn chung tỷ lệ vẫn còn cao so với mặt bằng chung của thành phố.

Công tác phổ cập bậc trung học đã được công nhận hoàn thành vào năm 2008, nhưng tỷ lệ ở một số phường vẫn còn thấp, chưa thật bền vững.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý thiết bị dạy học ở các trường trung học cơ sở trên địa bàn quận 11, thành phố hồ chí minh (Trang 32 - 34)