tranh lạnh kết thúc đến trước khi ký kết Hiệp định khung về hợp tác toàn diện ASEAN - Trung Quốc
Cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997 đã làm cho các nước châu Á rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng, sản xuất giảm sút, nhiều doanh nghiệp bị phá sản. Trong lúc Mỹ và phương Tây thờ ơ thì Trung Quốc đã giúp đỡ các nước này bằng cách không nâng giá đồng Nhân dân tệ, ngoài ra còn viện trợ cho một số nước Đông Nam Á (Trung Quốc viện trợ cho Thái Lan hơn 1 tỷ USD) để khôi phục lại kinh tế, từ đó xóa dần sự nghi ngờ của các nước ASEAN về “mối đe dọa của Trung Quốc”. Trên cơ sở đó, quan hệ giữa Trung Quốc và ASEAN đã có những tiến triển mang tính đột phá, trong những năm đầu thế kỷ 21, quan hệ ASEAN - Trung Quốc phát triển nhanh chóng toàn diện, đi sâu hợp tác trong lĩnh vực kinh tế đã thúc đẩy niềm tin chính trị, tăng cường sự hợp tác. Có học giả cho rằng, từ sau khủng hoảng tài chính tiền tệ châu Á năm 1997 đến những năm đầu thế kỷ 21, quan hệ ASEAN - Trung Quốc có những bước cải thiện, phát triển toàn diện hơn và đi vào thực chất [20; tr. 3 - 10].
Quan hệ thời kỳ này lấy kinh tế làm trọng điểm để thúc đẩy tăng cường niềm tin chính trị, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác. Có thể nói, quan hệ ASEAN - Trung Quốc sau chiến tranh lạnh đã bước vào giai đoạn phát triển hoàn toàn mới. Với phương châm tăng cường hợp tác cùng có lợi, ASEAN muốn trở thành đối tác quan trọng và xâm nhập sâu vào thị trường 1,3 tỷ dân của Trung Quốc, còn Trung Quốc muốn mở rộng ảnh hưởng của mình ở khu vực Đông Nam Á. Do vậy, hai bên tiếp tục đẩy mạnh và phát huy những tiềm năng sẵn có. Năm 2004, ASEAN và Trung Quốc thành lập Ủy ban khoa học kỹ thuật. Năm 2005, hai bên ký Điều lệ Ủy ban liên hợp kinh tế ASEAN - Trung Quốc. Hội nghị lần thứ nhất của Ủy ban hợp tác hỗn hợp ASEAN - Trung Quốc (2/1997) đã đưa ra được những kế hoạch cụ thể để phát triển quan hệ kinh tế hai bên, ASEAN - Trung Quốc thỏa thuận tập trung và mở rộng sự hợp tác trong các lĩnh
vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, du lịch và các hoạt động khác. Hai bên cũng tiến hành thảo luận các vấn đề trao đổi chuyên gia giữa ASEAN và Trung Quốc, hội thảo về hợp tác kinh tế, thương mại ASEAN - Trung Quốc, đẩy nhanh việc thiết lập chính thức Hội đồng kinh doanh ASEAN - Trung Quốc.
Những kết quả đạt được rất đáng khích lệ, nhất là về mậu dịch giữa các bên, năm 1993 xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc là 4,5 nghìn USD, đến năm 1997 giá trị xuất khẩu của ASEAN sang Trung Quốc là 9,1 tỷ USD, tăng gấp đôi so với năm 1993 (hơn 4,5 tỷ USD), giá trị nhập khẩu năm 1993 là 4,3 tỷ USD, đến năm 1997 đạt gần 14 tỷ USD, tăng 8,7 tỷ USD [75;tr. 29]. Như vậy, trong khi mậu dịch song phương của ASEAN với các nước lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU giảm mạnh cuối thập kỷ 90 của thế kỷ 20 thì quan hệ kinh tế thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc tăng từ 3,35 tỷ USD năm 1986 lên 45,56 tỷ USD năm 1998. Mậu dịch song phương giai đoạn 1993 - 1998 giữa ASEAN và Mỹ tăng 54%, với EU tăng 28%, Nhật Bản tăng 2,7%, trong khi đó với Trung Quốc tăng 137% [16;tr. 29 - 34].
Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ Đông Nam Á, kinh tế các nước ASEAN dần hồi phục. Quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN - Trung Quốc càng phát triển mạnh mẽ. Buôn bán hai chiều giữa ASEAN - Trung Quốc trong giai đoạn này cán cân thương mại nghiêng về các nước ASEAN, năm 2000, ASEAN xuất sang Trung Quốc một khối lượng hàng hoá hơn 35,03 tỷ USD, trong khi đó giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc chỉ hơn 26,48 tỷ USD. Chỉ riêng năm 2002 ASEAN mới nhập siêu từ Trung Quốc, năm 2004 kim ngạch thương mại hai chiều vượt ngưỡng 100 tỷ USD, ASEAN vượt lên trở thành đối tác thương mại thứ 4 của Trung Quốc. Đến năm 2005, kim ngạch thương mại hai chiều giữa ASEAN - Trung Quốc đạt 130,37 tỷ USD, chiếm 10,6% tổng kinh ngạch thương mại của ASEAN, tăng 23,1% so với năm 2004 và tăng 16 lần so với năm 1991. Trong đó Trung Quốc nhập khẩu đạt 75 tỷ USD tăng 19,1%, xuất khẩu đạt 55,37 tỷ USD, tăng 29,1%. Ba quý đầu của năm 2006, kim ngạch
thương mại hai chiều đạt 116.33 tỷ USD [48,tr. 1 - 9]. Hiện nay ASEAN và Trung Quốc là đối tác thương mại lớn của nhau. ASEAN là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và là nguồn nhập khẩu lớn thứ 3 của Trung Quốc.
Về du lịch, cũng không ngừng tăng lên. Năm 2000, tổng số du khách của năm nước Malaysia, Singapo, philippin, Thái Lan, Inđônêxia đến Trung Quốc là 1,225 triệu lượt khách, năm 2001đạt 1,814 triệu lượt khách. Tỷ trọng trong số khách du lịch nhập cảnh Trung Quốc cũng tăng từ 1,77% của năm 1998 lên đến 2,93% của năm 2001 [60; tr. 18 - 28].
Nhìn chung, mậu dịch song phương giữa ASEAN và Trung Quốc ngày càng mở rộng, Trung Quốc vẫn luôn trong tình trạng nhập siêu, quy mô nhập siêu liên tục mở rộng, tính chất là một thị trường tiêu thụ ngày càng rõ rệt. Với chiến lược "vươn ra bên ngoài", sẽ gia tăng mức đầu tư với ASEAN, không gian hợp tác và phát triển song phương ASEAN - Trung Quốc vẫn còn khá rộng và nhiều tiềm năng.