ASEAN - Trung Quốc
2.2.1. Thương mại hàng hoá và dịch vụ đầu tư
Các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc về hiệp định thương mại, dịch vụ, cắt giảm và loại bỏ thuế quan cũng như các vấn đề khác như quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan các biện pháp tự vệ trên cơ sở nguyên tắc của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT), vấn đề trợ cấp, chống bán phá giá và sở hữu trí tuệ.., đã bắt đầu vào năm 2003 và kết thúc vào đầu năm 2005.
Ngày 16 - 17/6/2003 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 36 diễn ra tại Phnôm Pênh - thủ đô Campuchia, chủ đề Hội nghị này là “Hướng tới
cộng đồng kinh tế ASEAN - hợp tác lẫn nhau, hướng ra thế giới”. Hội nghị đã ra
tuyên bố chung về nhất thể hóa kinh tế hợp tác chính trị và an ninh khu vực, quan hệ đối ngoại của ASEAN cùng các vấn đề trong nước và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Đến phiên họp lần thứ 8 Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc được tổ chức từ ngày 26 đến 28 tháng 6 năm 2003 tại Jkarta - Inđônêxia. Trước đó, phiên họp của nhóm đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc cũng đã từng thảo luận để phối hợp quan điểm chung của ASEAN trước khi đàm phán với Trung Quốc. Phiên họp lần này chủ yếu tập trung đàm phán nội dung tự do hóa thương mại hàng hóa nhằm thiết lập Khu vực thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc trong khuôn khổ Hiệp định khung. Các bên cũng thảo luận về một số chương trình hợp tác kinh tế khác giữa ASEAN - Trung Quốc, nội dung cũng như kết quả cuộc họp như sau:
- Thảo luận về chương trình thu hoạch sớm: hai bên đã thảo luận vấn đề
sửa đổi Hiệp định khung để bổ sung thêm các danh mục các mặt hàng thực hiện Chương trình thu hoạch sớm (EHP) theo thỏa thuận song phương của từng nước ASEAN với Trung Quốc được đưa vào phụ lục kèm theo Hiệp định. Trong quá trình thống nhất việc sửa đổi Hiệp định khung, các thành viên Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc đã trao đổi ý kiến về việc ký kết giữa Thái Lan và Trung Quốc về thỏa thuận thuế quan xuống 0% từ ngày 1 tháng 10 năm 2003 đối với khoảng 200 mặt hàng rau quả cũng như thỏa thuận song phương giữa Malaysia và Trung Quốc về một số mặt hàng nông sản trong danh mục hàng nhạy cảm của Malaysia trong CEPT/AFTA. Vấn đề này sẽ còn được trao đổi tại các phiên họp tiếp theo.
Ngoài ra hai bên còn thảo luận lịch trình cắt giảm thuế quan trong Chương trình thu hoạch sớm, hai bên đã quy định các nước phải xây dựng lịch trình cắt giảm thuế quan cho từng mặt hàng và thông báo cho Ban Thư ký ASEAN để tổng hợp thành bản hướng dẫn trao đổi ưu đãi để các doanh nghiệp tiện tra cứu. Cuộc họp đã thống nhất các nước cần hoàn thành lịch trình cắt giảm thuế quan của mình gửi cho Ban Thư ký ASEAN trước ngày 15 tháng 8 năm 2004 để tổng hợp và Báo cáo Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc vào tháng 10 năm 2004.
- Về đàm phám thương mại hàng hóa: phiên họp cũng đã giành nhiều thời gian thảo luận; về mô hình cắt giảm thuế quan (ACPT) của các nước ASEAN - 6 (gồm Inđônêxia, Malaysia, Philippin, Xingapo, Thái Lan, Brunây) và Trung Quốc. Riêng mô hình cắt giảm thuế quan của Campuchia, Lào, Myanma và Việt Nam tạm thời chưa bàn đến vì nhiều yếu tố sẽ dựa trên cơ sở mô hình cắt giảm thuế quan của ASEAN - 6 với Trung Quốc có tính đến sự đối xử đặc biệt và khác biệt. Đối với các mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm thông thường, thời điểm cắt giảm hai bên cũng đã thống nhất được thời điểm cắt giảm bắt đầu từ năm 2005 và kết thúc năm 2010, hai bên cũng đã thống nhất mức thuế suất là 0%, một số mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm thông thường có thể duy trì mức thuế suất là 5% năm 2010 và tiếp tục giảm xuống 0% năm 2012. Còn đối với danh mục các mặt hàng nhạy cảm mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc (MEN) có thể được duy trì đến năm 2010 và sẽ giảm xuống một mức nhất định từ 10 đến 20%. Để phù hợp với tiêu chuẩn liên kết khu vực, số lượng của các mặt hàng thuộc danh mục hàng nhạy cảm cũng sẽ bị giới hạn ở một mức trần được các bên thảo luận thống nhất trên cơ sở đồng thuận hai bên. Các vấn đề cụ thể trong mô hình như tốc độ cắt giảm, tiêu thức xác định mức giới hạn số mặt hàng thuộc danh mục các mặt hàng nhạy cảm sẽ được hai bên tiếp tục thảo luận trong các phiên họp sau.
Về quy tắc xuất xứ giữa ASEAN và Trung Quốc đã nhóm họp song song với phiên họp lần thứ 8 Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc (TNC - 8) để xây dựng quy tắc xuất xứ hàng hóa cho ACFTA, sẽ được áp dụng cho cả Chương trình thu hoạch sớm, vì vậy hai bên yêu cầu quy tắc này cần phải xong trước tháng 12/2003 để kịp áp dụng cho Chương trình thu hoạch sớm. Hiện bản dự thảo quy tắc xuất xứ được soạn thảo có sự tổng hợp ý kiến đề xuất của các nước thành viên ASEAN và Trung Quốc, hai bên nhất trí sẽ tiếp tục tham vấn với cơ quan hữu quan trong nước về bản dự thảo quy tắc xuất xứ để tiếp tục thảo luận tại cuộc họp sắp tới.
- Đàm phán về thương mại dịch vụ: tại phiên họp này lần đầu tiên nhóm
công tác về đàm phán dịch vụ đã nhóm họp để khởi động việc đàm phán về tự do hóa thương mại dịch vụ. Tuy các bên mới chủ yếu tìm hiểu lẫn nhau và tập trung bàn kế hoạch đàm phán nhưng cũng đạt được sự nhất trí về một số điểm sau:
Nhóm công tác về dịch vụ sẽ đàm phán xây dựng một hiệp định về dịch vụ, bao gồm các điều khoản quy định các mục tiêu và nguyên tắc chính, quy tắc điều chỉnh tự do hóa thương mại dịch vụ đối xử quốc gia, tiếp cận thị trường… và cách thức đàm phán cụ thể cho từng gói cam kết. Đồng thời phiên họp cũng đã xây dựng một chương trình làm việc cụ thể cho quá trình đàm phán về tự do hóa dịch vụ, là một phần trong báo cáo tiến độ về đàm phán xây dựng ACFTA của Ủy ban đàm phán trình Hội nghị cấp cao ASEAN - Trung Quốc sắp tới.
Đây cũng là hội nghị đầu tiên đàm phán về đầu tư được khởi động với việc nhóm công tác về đầu tư nhóm họp phiên thứ nhất, chủ yếu mang tính tìm hiểu lẫn nhau. Tuy vậy các bên cũng đã đạt được sự nhất trí về Hiệp định khung về Khu vực đầu tư ASEAN (AIA) sẽ được dùng làm cơ sở cho đàm phán về đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc. Tại cuộc họp lần tới các bên thảo luận, trao đổi nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau về chế độ đầu tư của mỗi nước và cũng sẽ thảo luận các nguyên tắc của Hiệp định đầu tư giữa ASEAN và Trung Quốc.
Ngoài ra, phiên họp cũng đã thảo luận thống nhất việc từng nước sẽ chỉ định các cơ quan đầu mối đóng vai trò trung tâm xúc tiến thương mại và tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư. Chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đầu mối này sẽ do Ban Thư ký của ASEAN soạn thảo. Các nước sẽ thông báo về cơ quan đầu mối của mình tại cuộc họp Ủy ban đàm phán thương mại ASEAN - Trung Quốc (TNC) lần tới và cung cấp các địa chỉ về các trang mạng về thương mại và đầu tư để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tra cứu thông tin về chính sách và cơ hội thương mại và đầu tư. Cũng tại phiên họp, các bên đã điểm qua các chương trình hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Trung Quốc và khuyến nghị các nhóm công tác trong ASEAN cần khẩn trương triển khai. Việt Nam đưa ra các
đề xuất về các hoạt động hợp tác kinh tế cụ thể trong các lĩnh vực như công nghiệp, thủy hải sản, ngân hàng, du lịch phát triển nguồn nhân lực và doanh nghiệp vừa và nhỏ để đề nghị Ủy ban đàm phán thương mại xem xét và giao cho các nhóm công tác nghiên cứu thực hiện các vấn đề nêu trên, phiên họp nhất trí các bên sẽ tham vấn các cơ quan hữu quan trong nước và sẽ quyết định vào các cuộc họp tới.
Đây là cuộc họp đầu tiên hai bên thảo luận các vấn đề liên quan tới chương trình hợp tác về thương mại, hàng hóa trong khuôn khổ ACFTA, là tiền đề quan trọng cho các vấn đề để hai bên thảo luận thống nhất đi đến ký kết Hiệp định thương mại hàng hóa, thương mại đầu tư và thỏa thuận Chương trình thu hoạch sớm sau này.
Tháng 10/2003 Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc diễn ra tại Bali - Inđônêxia. Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tới dự và có bài phát biểu với tiêu đề “Đi sâu hợp tác toàn diện, thúc đẩy hòa bình phồn
vinh”.
Cùng ngày, Thủ tướng Ôn Gia Bảo cùng các nhà lãnh đạo 10 nước ASEAN đã ký kết “Hiệp ước hữu nghị và hợp tác Đông Nam Á”, đánh dấu Trung Quốc chính thức tham gia vào hiệp ước này. Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các nhà lãnh đạo các nước ASEAN cũng đã ký “Tuyên bố chung các nhà lãnh đạo nước
Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các nước ASEAN”, "Tuyên bố xây dựng quan hệ đối tác chiến lược hòa bình và phồn vinh”. Những động thái chính trị này đã
tạo điều kiện mở rộng hợp tác kinh tế hơn nữa, đánh dấu quan hệ ASEAN - Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển toàn diện, nhờ đó hợp tác thương mại song phương có đầy đủ các điều kiện để phát triển.
Tháng 11 năm 2004, để thúc đẩy hơn nữa quan hệ mậu dịch giữa ASEAN và Trung Quốc, Trung Quốc đã đề xuất sáng kiến tổ chức Hội chợ ASEAN - Trung Quốc hàng năm. Mục đích của hội chợ là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ASEAN - Trung Quốc có cơ hội giao lưu, quảng bá sản phẩm của mình
qua đó tìm kiếm đối tác hợp tác trong khu vực. Hội chợ ASEAN - Trung Quốc năm 2004 diễn ra tại Nam Ninh - Trung Quốc, với sự tham gia của các doanh nghiệp từ 31 nước và vùng lãnh thổ. Ngoài các doanh nghiệp từ ASEAN còn có 380 doanh nghiệp từ các nước châu Phi, trong đó riêng Uganđa có 100 doanh nghiệp. Trong thời gian 4 ngày hội chợ có 120 dự án hợp tác đã được ký kết. Riêng Trung Quốc đã ký với các nước ASEAN 34 hợp đồng với tổng trị giá là 781 triệu đô la Mỹ [7].
Ngày 29/11/2004 Hội nghị không chính thức các nhà lãnh đạo ASEAN - Trung Quốc lần thứ 8 (10+1) tổ chức tại thủ đô Viêng Chăn - Lào. Trong thời gian diễn ra Hội nghị, Trung Quốc và các nước ASEAN đã ký “Hiệp định
thương mại hàng hóa”, quyết định giảm thuế đồng loạt đối với các mặt hàng nằm
ngoài danh mục hàng hoá thuộc Chương trình thu hoạch sớm. Đây là cơ sở để tiến tới thiết lập Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc về thương mại hàng hóa vào năm 2010 với ASEAN - 6 và Trung Quốc, và năm 2015 đối với các nước thành viên mới.
Hiệp định có hiệu lực từ ngày 1/7/2005. Đây là một bước tiến quan trọng thắt chặt mối quan hệ hợp tác kinh tế ASEAN, Trung Quốc và bước đầu hiện thực hóa mục tiêu của các nhà lãnh đạo nêu tại Hiệp định khung về hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc đã ký kết vào tháng 11 năm 2002. Hiệp định này mở đường cho hai bên tiếp tục thảo luận đi đến thống nhất nhiều nội dung hợp tác quan trọng khác về thương mại, dịch vụ, mở ra cho hai bên cơ hội và thách thức mới.
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc quy định chi tiết các nguyên tắc quản lý xuất nhập khẩu của các thành viên, căn cứ theo chuẩn mực chung của Tổ chức thương mại thế giới (WTO).
Nội dung cơ bản của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc là các lộ trình cắt giảm thuế quan của ASEAN và Trung Quốc và các nguyên tắc ưu đãi thuế quan. Hiệp định gồm có 23 điều, quy định về lịch trình
cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan của các bên, những sửa đổi vào nội dung hiệp định, các nguyên tắc tuân thủ các quy định WTO hai bên phải thực hiện; mô hình cắt giảm và loại bỏ thuế quan đối với các dòng thuế trong danh mục nhạy cảm, các quy tắc xuất xứ áp dụng cho Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc; Các mặt hàng trong chương trình cắt giảm hoặc xoá bỏ thuế trừ các mặt hàng thuộc "Chương trình thu hoạch sớm" được xếp vào danh mục hàng thông thường và hàng nhạy cảm.
2.2.1.1. Đối với các dòng thuế trong Danh mục thông thường
Các danh mục hàng thông thường của mỗi bên do chính bên đó liệt kê. Đối với ASEAN - 6 và Trung Quốc, thời điểm cắt giảm bắt đầu từ năm 2005 kết thúc năm 2010 với mức thuế suất đối với phần lớn các mặt hàng là 0%. Một số mặt hàng thuộc danh mục cắt giảm thông thường có thể duy trì mức thuế suất là 5% vào năm 2010 và tiếp tục giảm xuống 0% vào năm 2012, nhưng số lượng các mặt hàng này được giới hạn ở một mức trần nhất định. Với 4 nước thành viên ASEAN mới, khoảng thời gian từ 1/1/2005 đến 2015 với mức thuế suất khởi điểm cao hơn và lịch trình cắt giảm khác biệt.
Mô hình cắt giảm và loại bỏ thuế quan như sau:
Bảng 2.1: Mô hình cắt giảm và loại bỏ thuế quan đối với ASEAN cũ - Trung Quốc
X = Thuế suất MFN áp dụng
Thuế suất ưu đãi trong ACFTA (không muộn hơn 1 tháng 1)
2005* 2007 2009 2010 X > 20% 20 12 5 0 15% < X < 20% 15 8 5 0 10% < X < 15% 10 8 5 0 5% < X < 10% 5 5 0 0 X < 5% Giữ nguyên 0 0
* Ngày bắt đầu thực hiện là 1/7/2005
Nguồn: Hiệp định Thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung hợp toàn diện ASEAN - Trung Quốc
Bảng 2.2: Mô hình cắt giảm và loại bỏ thuế quan đối với Campuchia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, Myanma, Việt Nam - Trung Quốc
X=Thuế suất MFN áp dụng
Thuế suất ưu đãi trong ACFTA (không muộn hơn 1 tháng 1) 2005 * 2006 2007 2008 2009 2011 2013 2015 X > 60% 60 50 40 30 25 15 10 0 45% < X < 60% 40 35 35 30 25 15 10 0 35% < X < 45% 35 30 30 25 20 15 5 0 30% < X < 35% 30 25 25 20 17 10 5 0 25% < X < 30% 25 20 20 15 15 10 5 0 20% < X < 25% 20 20 15 15 15 10 0-5 0 15% < X < 20% 15 15 10 10 10 5 0-5 0 10% < X < 15% 10 10 10 10 8 5 0-5 0 7% < X < 10% 7** 7** 7** 7** 7** 5 0-5 0 5% < X < 7% 5 5 5 5 5 5 0-5 0 X < 5% Giữ nguyên 0
* Ngày bắt đầu thực hiện là 1/7/2005
** Myanma được phép duy trì thuế suất ACFTA không lớn hơn 7,5% đến năm 2010.
Nguồn: Hiệp định Thương mại hàng hoá thuộc Hiệp định khung hợp toàn diện ASEAN - Trung Quốc
2.2.1.2. Đối với các dòng thuế trong Danh mục nhạy cảm.
Các mặt hàng nằm trong danh mục hàng nhạy cảm của mỗi bên cũng do chính bên đó liệt kê. Các mặt hàng thuộc danh mục hàng nhạy cảm sẽ được khống chế mức trần về số lượng. Các mức thuế cụ thể với thời hạn nhất định được các bên thống nhất không ngăn cản việc đẩy nhanh cắt giảm hoặc xóa bỏ thuế quan của bất cứ bên nào nếu bên đó muốn. Với các nước ASEAN - 6 và Trung Quốc, mức thuế suất ưu đãi tối huệ quốc (MFN) đối với các mặt hàng thuộc danh mục hàng nhạy cảm có thể duy trì đến năm 2010 và sẽ giảm xuống