Về kinh tế

Một phần của tài liệu Sự hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN trung quốc (Trang 82 - 88)

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc một khi được hình thành nhất định sẽ phát sinh ảnh hưởng đến sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc, thậm chí của toàn thế giới. Về kinh tế, ACFTA sẽ đưa lại những cơ hội tốt đẹp cho sự hợp tác kinh tế thương mại giữa hai bên

- ACFTA sẽ mở ra một thị trường thương mại nhiều tiềm năng đối với sự

phát triển kinh tế ASEAN và Trung Quốc

ACFTA sẽ góp phần làm thay đổi bức tranh toàn cảnh các hoạt động kinh doanh và công nghiệp của một khu vực rộng lớn với diện tích 13 triệu km², dân số lớn nhất (khoảng 1,8 tỷ dân), quy mô kinh tế gần 2.000 tỷ USD, tổng kim ngạch thương mại gần 1.300 tỷ USD [9;tr. 50]. Đây là khu vực thương mại lớn nhất thế giới về mặt dân số và lớn thứ 3 thế giới về khối lượng giao dịch, sau Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Các chuyên gia cho rằng chỉ qua vài năm nữa các thành viên trong liên minh mới này sẽ cải thiện một cách đáng kể các chỉ số của mình. Cần nhớ rằng đây là lần đầu tiên có hình thức cố kết có thành phần thuần tuý gồm những quốc gia đang phát triển, trong đó hàng loạt nước có tiềm năng khổng lồ. Quan hệ thương mại ASEAN - Trung Quốc đã tăng mạnh trong thập kỷ qua. Theo số liệu thống kê

năm 1991, ASEAN mới chỉ chiếm 5,8% nhưng đến năm 2000 đã vươn lên chiếm 8,3% tổng kinh ngạch buôn bán với Trung Quốc và trở thành bàn hàng thứ 5 của nước này (sau Nhật Bản, Mỹ, EU và Hồng Công), còn Trung Quốc từ chỗ chiếm 2,3% năm 1991 cũng đã tăng lên đạt 5% vào năm 2000 và trở thành bàn hàng thứ sáu của ASEAN. Năm 2001, mặc dù tình hình mậu dịch thế giới có xu thế giảm, nhưng kim ngạch mậu dịch song phương ASEAN - Trung Quốc vẫn đạt 41,614 tỷ USD [33; tr. 35 - 39]

Việc ký kết “Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung

Quốc” (11/2002) trong đó có quyết định thành lập Khu vực mậu dịch tự do

ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) vào năm 2010, tạo ra một bước phát triển mới về chất trong quan hệ hợp tác ASEAN - Trung Quốc và hứa hẹn đem lại những lợi ích thiết thực cơ bản cho các thành viên tham gia. Khu vực mậu dịch tự do này sẽ làm cho hợp tác kinh tế song phương mật thiết hơn, có lợi cho cả hai bên, thực hiện hỗ trợ phát huy lợi thế của nhau, mở rông quy mô thương mại và hợp tác kinh tế, là cơ sở cho mỗi bên có điều kiện thuận lợi hơn, có vị thế cao hơn trong quan hệ với các nước trong khu vực và thế giới. Thực tế thời gian qua cho thấy, hiệu quả mà ACFTA đem lại là tích cực đối với cả Trung Quốc và ASEAN. Sau khi Khu mậu dịch tự do thành lập tỷ lệ GDP của các nước thành viên không ngừng tăng lên, Trung Quốc tăng 0,27%, Xingapo tăng 1,05%, Malaixia tăng 1,17%, Inđônêxia tăng 1,12 %, Philipin tăng 0,32%, Thái Lan tăng 0,41%, Việt Nam tăng 2,15%. Từ kết quả trên cho thấy, ACFTA có tác dụng thúc đẩy rõ rệt đối với tăng trưởng GDP của các nước thành viên [42;tr. 24].

Việc thành lập ACFTA không những sẽ mở rộng thị trường và thúc đẩy thương mại song phương - một khu vực kinh tế với khoảng 1,8 tỷ người tiêu dùng, tổng GDP khoảng 2000 tỷ USD và tổng kim ngạch ngoại thương là 1,230 tỷ USD. Một tính toán cho rằng khu mậu dịch tự do sẽ làm xuất nhập khẩu thương mại của Trung Quốc và các nước ASEAN đều tăng đáng kể, xuất khẩu của Trung Quốc tăng 1,92%, nhập khẩu tăng 2,97%, mức tăng trong xuất nhập

khẩu thương mại của Trung Quốc và ASEAN đều tăng đáng kể, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng 1,92%, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,97%; Xingapo kim ngạch xuất khẩu tăng 2,81%, kim ngạch nhập khẩu tăng 3,15; Malaixia kim ngạch xuất khẩu tăng 1,57%, kim ngạch nhập khẩu tăng 3,84%, Philippin kim ngạch xuất khẩu tăng 1,77%, kim ngạch nhập khẩu tăng 2,43%, Việt Nam kim ngạch xuất khẩu tăng 4,21%, nhập khẩu tăng 5,90%, Mức tăng trong xuất nhập khẩu thương mại của các nước ASEAN và Trung Quốc là khác nhau tuỳ theo cơ cấu và trình độ phát triển kinh tế của các nước [75,Tr. 83].

Điểm cốt yếu của Hiệp đinh thương mại hàng hóa là không quy đinh giới hạn về số lượng và loại bỏ các rào cản phi thuế quan. Nhờ đó làm giảm chi phí trong giao dịch thương mại, hơn nữa nó sẽ làm tăng giao dịch thương mại giữa ASEAN và Trung Quốc, nâng cao hiệu quả kinh tế của các nước, khi mà chi phí nhập khẩu giảm trong khu vực tự do giữa các nước, chuyên môn hóa sản xuất theo đó mà hình thành và do đó làm tăng thu nhập thêm cho cả các nước ASEAN và Trung Quốc.

Theo Phó Tổng Thư ký ASEAN Sundram Pushpanathan, Trung Quốc đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại lớn thứ ba của ASEAN, sau Nhật Bản và châu Âu. Ông dự báo trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành đối tác số một của khu vực này. Trong khi đó, nhà kinh tế hàng đầu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Jayant Menon, cho rằng Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Trung Quốc và ASEAN sẽ là "bàn đạp" để cộng đồng châu Á vốn đa dạng, hội nhập hơn nữa và có thể dẫn tới một hiệp ước thương mại đa phương quy mô lớn hơn trên toàn khu vực. Theo giới chuyên gia, ACFTA sẽ giúp hai bên bớt phụ thuộc vào thị trường bên ngoài. Cho đến nay, Trung Quốc và ASEAN đều là những nền kinh tế hướng ngoại. Một khối lượng lớn các sản phẩm của Trung Quốc và ASEAN xuất sang Mỹ và châu Âu. Việc thành lập khu vực tự do thương mại sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa hai bên.

Mặc dù giữa ASEAN và Trung Quốc có sự tương đồng trong kết cấu ngành, đều lấy nòng cốt là phát triển hàng hóa tập trung nhiều lao động, song hai bên vẫn có sự bổ sung lẫn nhau về kết cấu nguồn tài nguyên, ngành nghề và các loại hàng hóa công, nông nghiệp. Về cơ cấu hàng hoá xuất khẩu của Trung Quốc thế mạnh là hàng hoá thành phẩm, các ngành luyện kim, dày da, dệt may, chế biến thực phẩm. Còn các nước ASEAN chủ yếu là xuất khẩu hàng sơ chế, nguồn tài nguyên lâm sản, khoáng sản và cây trồng nhiệt đới như: dầu cọ, cao su, hồ tiêu, coca,… hiện nay hàng cơ điện chiếm 24% hàng xuất khẩu của Trung Quốc, trong khi đó đa số các nước ASEAN lại có nhu cầu lớn về nhập khẩu các loaị hàng này, nên đây là sự bổ sung rất hiệu quả cho nhau trong hợp tác và phát triển giữa ASEAN và Trung Quốc, góp phần mở rộng thị trường trao đổi mậu dịch hai bên.

Về hàng hóa sơ cấp, Trung Quốc và ASEAN đều có tính cạnh tranh và bổ sung cho nhau mạnh mẽ. Do các nước Đông Nam Á ở khu vực nhiệt đới gió mùa nên các loại hàng hóa tự nhiên như cao su, gỗ, đường, dầu, cọ, đậu xanh các loại dầu thơm có ưu thế và đó lại là những mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Trung Quốc từ thị trường này, trong đó cao su tự nhiên, gỗ luôn là những mặt hàng nhập khẩu quan trọng của Trung Quốc. Trong khi đó ASEAN lại nhập khẩu từ Trung Quốc một lượng lớn dầu, kim loại, khoáng sản phi kim, bông, quả khô, trà. Đây chính là nhân tố thúc đẩy mở rộng trao đổi thương mại của Trung Quốc đối với các nước ASEAN .

Về hàng hóa tập trung nhiều sức lao động, giữa Trung Quốc và ASEAN cũng có cả tính cạnh tranh và bổ sung lẫn nhau. Hàng hóa tập trung nhiều lao động, đặc biệt là hàng dệt may, dày dép là thế mạnh của cả Trung Quốc và các nước ASEAN, do đó trong quan hệ thương mại song phương có sự cạnh tranh gay gắt. Song bản thân các loại hàng hoá cũng mang đặc trưng riêng của mỗi bên, vì vậy, có sự bổ sung về thương mại hai bên.

Về thành phẩm công nghiệp, các nước ASEAN có ưu thế về sản phẩm điện tử công nghiệp, trong khi Trung Quốc còn ở vào thế yếu, nhưng sản phẩm đồ điện gia dụng Trung Quốc lại chiếm ưu thế. Hơn nữa việc giảm, dỡ bỏ hàng rào thuế và phi thuế quan đối với hàng hoá 2 bên đã làm giảm đáng kể chi phí xuất nhập khẩu, giá thành sản phẩm hạ, càng khuyến khích tăng cường trao đổi thương mại giữa hai bên. Theo thống kê năm 2001, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Trung Quốc với ASEAN đã đạt 54,77% tỷ USD, tăng 31,6% so với năm trước. Theo dự tính của Tổng Thư ký ASEAN đến năm 2010, tổng kim ngạch mậu dịch trong Khu vực mậu dịch tự do EU, Bắc Mỹ, khi hoàn thành xây dựng Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, xuất nhập khẩu vào ASEAN sẽ tăng 55,1%; của ASEAN vào Trung Quốc sẽ tăng 48% [1].

Nhờ đó, thương mại song phương không ngừng tăng lên, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2003 kim ngạch thương mại đã vượt năm 2002, đạt 62,6% tỷ USD tăng 44,1%[47; tr. 6]

- ACFTA còn mở ra thị trường vốn và công nghệ quan trọng đối với sự phát triển kinh tế hai bên.

Việc thành lập ACFTA có vai trò rất quan trọng trong việc mở rộng thu hút vốn và công nghệ nước ngoài, kể cả từ ASEAN vào Trung Quốc. Về kỹ thuật công nghệ, tuy lạc hậu so với một số nước ASEAN về trình độ hiện đại hoá trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ sản xuất nhưng Trung Quốc cũng có một số công nghệ, ngành kỹ thuật mũi nhọn như hàng không vũ trụ và nguyên tử có thể xuất khẩu hoặc làm dịch vụ cho các nước ASEAN. Mặt khác, Trung Quốc hiện đang có một đội ngũ lớn cán bộ chuyên môn, kỹ thuật có tay nghề cao, được đào tạo cơ bản nhưng lương thu nhập còn thấp. Trong khi đó một số nước ASEAN lại thiếu lực lượng nhân viên kỹ thuật tay nghề cao nên có thể bổ sung cho nhau. Cả Trung Quốc và ASEAN đều là những thị trường có tiềm năng lớn lại ở gần nhau nên việc bổ sung hỗ trợ, thẩm thấu vào nhau giữa hai nền kinh tế rất thuận lợi, đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh của mỗi nước.

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được thiết lập cũng tạo khả năng cho các công ty xuyên quốc gia lớn của Trung Quốc, ASEAN đầu tư qua lại lẫn nhau. Tuy đầu tư trực tiếp của ASEAN vào Trung Quốc không phải là nguồn đầu tư chủ yếu, nhưng đầu tư trực tiếp trên thực tế của 5 nước ASEAN vào Trung Quốc tăng khá nhanh từ 2,4% năm 1992 lên 9,2% năm 1998. Tính đến năm 2001, ASEAN đã có 17,972 dự án đầu tư vào Trung Quốc với tổng đầu tư theo ký kết là 53,468 tỷ USD chiếm 7,2% tổng kim ngạch đầu tư nước ngoài. Còn Trung Quốc, tuy kim ngạch đầu tư trực tiếp vào ASEAN còn rất ít, nhưng đã tăng nhanh với tốc độ trung bình hàng năm trên 60%. Các doanh nghiệp xe máy, xe đạp, các sản phẩm đồ điện và hàng công nghiệp nhẹ của Trung Quốc đã ồ ạt tiến vào Việt Nam [9; Tr. 58]

Trong khuôn khổ của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc, doanh nghiệp các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn và chuyên môn hóa ngày càng sâu sắc hơn, từ đó làm tăng khả năng sản xuất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

- ACFTA thành lập sẽ tăng thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài

Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc được xây dựng sẽ góp phần cải thiện môi trường đầu tư, làm hấp dẫn các nhà đầu tư bên ngoài khu vực. Ngoài ra đầu tư lẫn nhau trong nội bộ Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ được tăng cường.

- Việc kết hợp hai thị trường ASEAN và Trung Quốc sẽ tạo nên một thị trường lớn và thống nhất.

Với một thị trường tiêu thụ rộng lớn (1,8 tỷ dân) sẽ giúp các nhà sản xuất mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời có lợi cho việc hoàn thành hệ thống phân công hợp tác sản xuất đạt hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

ACFTA thành lập còn tạo thuận lợi cho việc điều chỉnh cơ cấu ngành nghề giữa hai bên.

ACFTA giúp cho mỗi bên tận dụng được lợi thế so sánh để phát triển, hình thành nên hệ thống phân công ngành nghề lấy ưu thế cạnh tranh làm đặc trưng, hơn nữa còn giúp cho các bên thành viên có thể điều chỉnh toàn diện cơ cấu ngành nghề của mình một cách sâu sắc hơn.

Đặc biệt, sau khi đàm phán kinh kế Khu mậu dịch ASEAN - Trung Quốc được triển khai, Chương trình thu hoạch sớm được khởi động... sẽ là động lực mới cho hợp tác kinh tế mậu dịch của ASEAN - Trung Quốc. Đúng như báo cáo nghiên cứu phối hợp của Tổ chuyên gia hợp tác kinh tế mậu dịch ASEAN - Trung Quốc đã chỉ ra, sự tăng trưởng nhanh chóng của mậu dịch giữa ASEAN -Trung Quốc có lợi cho sức sống mạnh mẽ của kinh tế song phương.

Tóm lại, hợp tác kinh tế toàn diện ASEAN - Trung Quốc được thực hiện chính là một bước thực hiện khu vực hoá và tham gia vào quá trình toàn cầu hoá hai bên, trong qúa trình này nền kinh tế của các nước ASEAN và Trung Quốc sẽ có sự thâm nhập, bổ sung, hỗ trợ nhau cùng phát triển, các mối lo ngại, nghi kỵ lẫn nhau sẽ giảm đi thay vào đó là sự hiểu biết hữu nghị, cùng hợp tác đấu tranh để tiến tới lợi ích chung. Điều này giúp cho ASEAN và Trung Quốc có thể tăng cường được an ninh kinh tế, tránh những rủi ro như cuộc Khủng hoảng tài chính ở Đông Nam Á năm 1997, giảm bớt những khó khăn về năng lượng, lương thực cho các bên. Như vậy, có thể thấy rằng Khu mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho sự phát triển kinh tế cả hai bên.

Một phần của tài liệu Sự hình thành khu vực mậu dịch tự do ASEAN trung quốc (Trang 82 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(169 trang)
w