Tranh chấp liên quan đến người lập di chúc

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc tại tòa án nhân dân thành phố vinh, thực trạng và giải pháp luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 27 - 30)

7. Bố cục của đề tài

1.3.1.Tranh chấp liên quan đến người lập di chúc

Trong thực tiễn hiện nay cho thấy tranh chấp về thừa kế theo di chúc diễn ra ngày càng đa dạng và phức tạp. Và một trong những tranh chấp đó liên quan đến người lập di chúc. Cụ thể là: năng lực hành vi của người lập di chúc; người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn; quyền định đoạt của người lập di chúc.

Khi các chủ thể trong quan hệ thừa kế nhận thấy di chúc do người chết để lại có sự bất ổn hoặc có sự sai phạm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp chua họ, dẫn đến tranh chấp xảy ra, các chủ thể đó yêu cầu tòa án giải quyết tranh chấp. Để giải quyết tranh chấp đó, cơ quan xét xử Tòa án phải dựa trên những quy định cụ thể của pháp luật về thừa kế theo di chúc.

Tranh chấp liên quan đến năng lực hành vi của người lập di chúc

Theo quy định của pháp luật tại điều 647 BLDS năm 2005, người có thể lập di chúc là:

"- Người đã thành niên có quyền lập di chúc, trừ trường hợp người đó bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức được và làm chủ được hành vi của mình.

- Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể lập di chúc, nếu được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý".

Pháp luật nước ta công nhận người từ đủ 18 tuổi trở lên là người thành niên. Vì vậy, không phân biệt nam, nữ, tôn giáo, thành phần,… Người từ đủ 18 tuổi đều có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình cho người thừa kế. Người lập di chúc phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự (quy định tại Điều 22, 23 BLDS năm 2005).

Tuy nhiên, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi (người có năng lực hành vi một phần) có thể lập di chúc nhưng với điều kiện “lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý”. Sự đồng ý ở đây là sự đồng ý cho họ lập di chúc. Còn về phần nội dung di chúc, họ được toàn quyền quyết định. Tuy nhiên đa số những người này có số lượng tài sản rất ít, do số năm lao động không nhiều, còn phụ thuộc vào cha mẹ hoặc số tài sản có được là do cha mẹ để lại...Do

vậy, di chúc của những người thuộc nhóm độ tuổi này sẽ có nhiều vấn đề cần quan tâm: tính hợp pháp của di chúc, di sản để lại có thuộc sở hữu hợp pháp của cá nhân hay không, dẫn đến nhiều tranh chấp có thể xảy ra.

Nhưng thực tế cho thấy không phải bất cứ lúc nào khi người lập di chúc đáp ứng điều kiện về năng lực hành vi thì di chúc của họ sẽ hợp pháp, mà di chúc đó không được trái đạo đức xã hội, không trái pháp luật, đồng thời người lập di chúc phải tự nguyện, minh mẫn, không bị lừa dối, bị cưỡng ép.

Người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn

Theo khoản 1 Điều 652 BLDS 2005: “Người lập di chúc tự nguyện, minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa hay cưỡng ép”. Tự nguyện của người lập di chúc là sự thống nhất giữa ý chí và bày tỏ ý chí của họ. Mặt khác, chúng ta thấy rằng sự thống nhất đó là sự thống nhất về mong muốn chủ quan, mong muốn của người lập di chúc với hình thức thể hiện ra bên ngoài sự mong muốn đó. Vì vậy, việc phá vỡ sự thống nhất làm mất đi tính tự nguyện của việc lập di chúc. Sự phá vỡ đó là do người lập di chúc bị cưỡng ép hoặc di chúc của họ lập trên cơ sở bị lừa dối.

Cưỡng ép có thể là sự cưỡng ép về thể chất (đánh đập, giam giữ...) hoặc cưỡng ép về tinh thần (đe dọa tính mạng của người thân trong gia đình người lập di chúc...). Người lập di chúc còn có thể bị lừa dối bằng những thủ đoạn như: Làm tài liệu giả để cho người đó tin rằng một người đã chết hoặc mất tích nên không lập di chúc để lại di sản cho người đó mà để lại tài sản cho người làm tài liệu giả...

Đây là trường hợp diễn ra nhiều trong thực tế, vì muốn người lập di chúc để lại tài sản cho mình mà những người khác có những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm có được di sản của người thừa kế. Và khi những người khác phát hiện và chứng minh được di chúc đó không hợp pháp do trái pháp luật thì tất yếu sẽ có sự xung đột và tranh chấp giữa các chủ thể liên quan.

Để bảo vệ quyền định đoạt của người lập di chúc, và hạn chế các tranh chấp liên quan đến quyền định đoạt của người lập di chúc, BLDS năm 2005 đã quy định chi tiết về quyền của người lập di chúc.

Tôn trọng và bảo vệ quyền năng của một cá nhân đối với tài sản của họ, BLDS 2005 của nhà nước ta đã ghi nhận quyền của người lập di chúc tại các điều luật sau đây:

Điều 631: Quyền thừa kế của cá nhân

“Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Theo quy định của pháp luật, khi xét về thừa kế theo di chúc thì cá nhân có quyền lập di chúc và hưởng di sản thừa kế theo ý chí của người lập di chúc. Như vậy, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, nhà nước không có quyền để lại di sản thừa kế. Về đối tượng thừa kế theo di chúc thì ngoài cá nhân, còn có tổ chức, nhà nước.

Quyền của người lập di chúc được quy định tại Điều 648, 662, 664 BLDS 2005.

Quyền của người lập di chúc sẽ được chúng tôi phân tích cụ thể ở phần nội dung của di chúc. Nói rõ hơn về các tranh chấp về nội dung của di chúc. Tóm lại, các tranh chấp liên quan đến người lập di chúc phải chịu sự quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này.

Một phần của tài liệu Giải quyết tranh chấp thừa kế theo di chúc tại tòa án nhân dân thành phố vinh, thực trạng và giải pháp luận văn tốt nghiệp đại học (Trang 27 - 30)