Phương pháp duy trì và phát triển lễ hội truyền thống Nhật Bản:

Một phần của tài liệu Lễ hội obon nhật bản báo cáo nghiên cứu khoa học (Trang 43 - 48)

Nhật Bản, có thể nói là một trong những nước đầu tiên quan tâm đến vấn đề bảo vệ các di sản văn hóa truyền thống ở châu Á cũng như trên thế giới. Công việc này ở Nhật đã được bắt đầu từ thế kỷ XIX, ngay sau cuộc Duy Tân Minh Trị. Sau 1864, làn sóng học hỏi Tây phương, hủy Phật lật Thích vô cùng thịnh hành, những di sản văn hóa, đặc biệt là những chùa chiền Phật giáo ở Nhật bị uy hiếp nghiêm trọng. Tháng 5 năm 1871 (năm Minh Trị thứ 4), Thái Chính Cung chấp nhận kiến nghị của Đại học (tiền thân của Bộ Giáo dục Nhật Bản ngày nay), ban hành “Phương sách bảo vệ cổ vật” nhằm bảo vệ những tác phẩm mỹ thuật và thủ công mỹ nghệ Nhật Bản. Đây là văn kiện đầu tiên mang tính Nhà nước liên quan đến bảo vệ di sản văn hóa truyền thống của Chính phủ Nhật Bản. Bên cạnh đó, bắt đầu từ thời điểm này, công tác chuẩn bị cho luật bảo vệ di sản cũng đã chính thức được đưa vào nghị trình của Chính phủ Nhật.

Năm 1888, Nhật Bản thành lập Cục Điều tra và Bảo vệ Bảo vật Quốc gia lâm thời. Năm 1897, trên cơ sở cuộc điều tra cả nước, Nhật Bản ban hành “Luật bảo vệ di tích chùa chiền cổ”. Năm 1919, ban hành “Luật bảo vệ di tích lịch sử và danh thắng thiên nhiên”. Năm 1929, bắt đầu thực thi “Luật bảo tồn bảo vật quốc gia”. Đây là bộ luật

bảo vệ di sản có vai trò rất quan trọng ở Nhật. Năm 1933, “Luật bảo vệ các tác phẩm mỹ thuật quan trọng” được ban bố. Đến 1950, khi hậu quả của cuộc chiến tranh thế giới thứ II vẫn còn nặng nề và nền kinh tế Nhật chưa đạt đến tốc độ phát triển chóng mặt như giai đoạn sau đó, Nhật Bản đã ban hành “Luật bảo vệ tài sản văn hóa”. Đây được xem là bộ luật hoàn thiện nhất cho đến thời điểm đó vì đã tập hợp tất cả những quy định pháp luật liên quan đến di sản văn hóa đã được ban hành.

“Luật bảo vệ tài sản văn hóa” của Nhật đã quy định một cách cụ thể, minh xác từ thể chế hành chính trong sự hợp tác giữa Trung ương và địa phương cho đến trách nhiệm của mỗi công dân, những cá nhân sở hữu các di sản văn hóa, chính quyền địa phương và Trung ương đối với lĩnh vực bảo vệ di sản văn hóa truyền thống. Đây cũng là bộ luật đầu tiên sử dụng khái niệm “văn hóa phi vật chất”, đưa một số hoạt động văn hóa và phong tục tập quán đặc sắc của địa phương vào phạm vi bảo vệ. Việc đưa khái niệm “văn hóa phi vật chất” vào một bộ luật mang tính Nhà nước tại thời điểm năm 1950 là một tiến bộ đáng kể. Vì rằng Nhật Bản đã chú ý đến vấn đề mà các quốc gia khác chưa hề chú ý đến: Vấn đề bảo vệ những di sản văn hóa “vô hình”. Điều này đã phát huy một ảnh hưởng quan trọng đến những chế định pháp luật về bảo vệ di sản văn hóa của thế giới sau đó cũng như quan niệm của mọi người trong vấn đề này. Cho đến nay bộ luật này vẫn được áp dụng sau nhiều lần sửa chữa và hoàn thiện. Điều này cho thấy một tầm nhìn rất xa và toàn diện của quốc gia này đối với vấn đề bảo vệ di sản văn hóa truyền thống.

Trong công việc bảo vệ văn hóa truyền thống, Nhật Bản rất coi trọng những người đặc hữu các giá trị văn hóa truyền thống. Trong “Luật bảo vệ tài sản văn hóa” của Nhật, Chính phủ dành cho nghệ nhân biểu diễn cũng như nghệ nhân thủ công mỹ nghệ trong dân gian một địa vị rất cao. Họ gọi những nghệ nhân có khả năng truyền giữ và kế thừa một hạng mục văn hóa truyền thống nào đó là: “Quốc bảo trong dân gian”. Những nghệ nhân dân gian này không chỉ được Chính phủ ưu đãi trong các chế độ thuế mà còn được giúp đỡ trong việc tiêu thụ tác phẩm hoặc trình diễn. Dưới sự bảo trợ của Chính phủ, tác phẩm của những nghệ nhân này có giá trị lưu giữ và sinh lợi nhuận nên việc mua các tác phẩm của họ giống như mua một món đồ cổ, có giá trị kinh tế và văn hóa rất cao.

Những giá trị văn hóa truyền thống tồn tại trong nhân dân và chỉ có thể được bảo vệ, gìn giữ bởi nhân dân. Chính phủ dẫu có đầu tư bao nhiêu tiền của cũng sẽ bất lực nếu như không chú ý đến việc bồi dưỡng ý thức cũng như huy động nhân dân tham gia trong công việc này. Người Nhật đã làm việc này một cách hiệu quả.

Bên cạnh những chính sách hỗ trợ, mỗi năm, Chính phủ Nhật còn trợ cấp một khoản tiền rất lớn cho các nghệ nhân thuộc danh sách “Quốc bảo dân gian” này. Theo thống kê của Bộ Văn hóa Nhật, đến nay trong lĩnh vực văn nghệ và kỹ nghệ, Nhật Bản có 114 “Quốc bảo dân gian”. Và trong số 10% tổng số tiền dự toán hằng năm của Bộ Văn hóa chi cho các hoạt động bảo vệ di sản văn hóa vật thể và phi vật thể (khoảng 10 tỉ Yên) thì Nhật Bản dùng 2 triệu Yên dành để trợ cấp cho các nghệ nhân này. Ngoài ra, luật pháp Nhật cũng quy định rõ, nếu như những “người đặc hữu” các di sản văn hóa phi vật thể mà giữ bí mật, không truyền cho người khác, thì dù kỹ thuật cao bao nhiêu cũng không được đưa vào danh sách “Quốc bảo dân gian” hoặc “Những người đặc hữu các di sản văn hóa phi vật thể”.

Điểm đặc trưng của chính sách này của Nhật Bản chính là đặt lên hàng đầu yếu tố con người trong công việc giữ gìn và kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống. Người ta thường nói đến mệnh đề “truyền lửa hơn là giữ lửa”, thế nhưng, để truyền được lửa, sự hô hào theo lối phong trào là vô nghĩa. Muốn giữ lửa, trước hết con người phải là trung tâm. Thực tế đã chứng minh rất rõ, những biện pháp được Chính phủ Nhật thực thi đã tác động một cách tích cực thúc đẩy việc bồi dưỡng thế hệ kế thừa những giá trị văn hóa truyền thống.

Không chỉ riêng ở Nhật, ở các quốc gia phát triển, câu chuyện bảo tồn di sản văn hóa truyền thống luôn được coi là trách nhiệm và ý thức của toàn dân. Ở một quốc gia mà đất đai, tài sản được tư hữu hóa như ở Nhật, để huy động toàn dân tham gia bảo vệ di sản văn hóa, vấn đề đầu tiên mà Chính phủ Nhật chú ý là vấn đề công hữu hóa toàn bộ các di tích lịch sử và văn hóa. Tuy nhiên, thực tế thì ở Nhật rất nhiều các di sản văn hóa đều thuộc sở hữu của tư nhân. Vì thế, ở Nhật vai trò chủ yếu của Chính phủ đối với các di sản văn hóa là làm sao để các di sản văn hóa này tránh được sự phá hoại của các nhân tố tự nhiên như địa chấn,… Việc duy trì, tu bổ, thậm chí kinh doanh đối với các khu di sản văn hóa của Nhật đa phần đều do chính quyền địa phương hoặc cá nhân sở hữu di sản văn hóa đó trực tiếp quản lý và thực hiện. Điều này sẽ đặt những di sản

văn hóa này trước nguy cơ xuống cấp khi kinh phí tu bổ cho những di sản này lên quá cao. Tuy nhiên, hiện trạng cũng lại đòi hỏi chính những người chủ quản trực tiếp của chúng phải huy động toàn bộ nội lực của mình để duy trì di sản văn hóa. Đồng thời Nhà nước sẽ hỗ trợ các đơn vị chủ quản di sản này thông qua các quỹ “chấn hưng văn hóa nghệ thuật”, do cả Chính phủ và nhân dân cùng đầu tư xây dựng và đóng góp. Việc Chính phủ “giao quyền” theo cách đó, là một biện pháp hữu hiệu để huy động sức lực của nhân dân tham gia vào công việc gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Điều quan trọng là, người Nhật ý thức được rằng biện pháp huy động sức dân đó chỉ có hiệu quả trên một nền tảng ý thức về giữ gìn di sản văn hóa truyền thống cao. Chính phủ Nhật luôn coi người dân là chủ thể của mọi hoạt động bảo vệ di sản văn hóa và người dân Nhật từ rất lâu cũng đã xây dựng sự trân trọng đối với văn hóa truyền thống. Những du khách đến Nhật, rất thường thấy những tấm biển “Di sản văn hóa A”, “Di sản văn hóa B”, thậm chí, ngay cả một khu kiến trúc nhỏ chẳng thuận mắt chút nào đối với người nước ngoài cũng treo biển: “Di sản văn hóa quan trọng”. Những không gian khu di tích và kiến trúc như vậy không chỉ được bảo tồn rất hoàn hảo, sạch sẽ mà còn luôn có kèm theo cả một khu tư liệu lịch sử liên quan để người dân và du khách có thể đọc và tìm hiểu. Cách làm đó cho thấy một ý thức rất cao của người dân Nhật trong công việc gìn giữ những giá trị di sản văn hóa truyền thống của mình.

Đối với tài sản văn hóa truyền thống, Nhật Bản không chỉ dừng lại ở việc “bảo vệ, giữ gìn”. Chính phủ Nhật Bản rất coi việc phát huy tác dụng thực tế của các tài sản văn hóa, đặc biệt là trong nhận thức và giáo dục. Việc bảo tồn di sản văn hóa không thể chỉ đóng khung trong phạm vi bảo tàng, những giá trị văn hóa truyền thống sẽ chết nếu nó không được làm sống lại trong đời sống cộng đồng của cư dân của quốc gia dân tộc đó. Chính vì thế, Chính phủ Nhật đã tìm mọi biện pháp để giúp nhiều người hiểu rõ hơn về tính lịch sử cũng như giá trị văn hóa của những di sản văn hóa truyền thống. Khi càng nhiều người biết về giá trị của văn hóa truyền thống, thì cũng là lúc chức năng của các di sản này đã bị biến đổi về căn bản. Có lẽ không phải ngẫu nhiên, người Nhật gọi các di sản văn hóa truyền thống là “tài sản văn hóa” và những nghệ nhân dân gian đều được gọi là những “Quốc bảo dân gian”.

Công tác gìn giữ và phát huy di sản văn hóa truyền thống với những quan niệm và các làm mới ở Nhật có thể nói đã có sự ảnh hưởng khá sâu rộng trên phạm vi thế giới. Việc cho ra đời “Luật bảo vệ tài sản văn hóa” vào năm 1950 và đưa ra khái niệm văn hóa phi vật thể trong thế đối ứng với văn hóa vật thể, việc xây dựng khái niệm và thể chế đối với “tài sản văn hóa”, “Quốc bảo dân gian”,… đã có ảnh hưởng lớn đến tổ chức UNESCO của Liên Hợp Quốc và không ít các quốc gia phát triển khác trên thế giới. Sau Nhật Bản, lần lượt các quốc gia Hàn Quốc (1964), Thái Lan (1985), Philipines (1994), Pháp (1994),… đều xây dựng các thể chế chính thức dành cho các “Quốc bảo dân gian”. Từ 1996, Tổ chức UNESCO bắt đầu tổ chức các “Lớp bồi dưỡng quốc tế về thể chế gìn giữ những quốc bảo dân gian”. Có thể nói kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc giữ gìn và phát huy những di sản văn hóa truyền thống là những bài học vô cùng thiết thực đối với đất nước chúng ta.

Ở Nhật Bản, từ cấp xã (khu phố) đến quận, huyện, hầu hết đều có những tổ chức “Bảo tồn văn hóa địa phương”, “Hội nghiên cứu về múa truyền thống”, tự nguyện là cơ sở để hình thành những ngày lễ hội cho nên chúng ta không lạ gì khi thấy trang trí khắp phố, xe hoa với những truyền thuyết dân gian địa phương. Hàng đoàn người nam nữ thi nhau đua tài sắc qua những chiếc áo Yukata độc đáo, nhảy múa thật nhịp nhàng và đẹp mắt nối đuôi nhau suốt một quãng đường dài trong ngày lễ Nebuta ở thành phố Aomori; hay hàng vạn thanh niên mặc quần chẽn đầu bịt khăn, vạm vỡ nhảy theo điệu Awa trong lễ múa Awa – Odori ở Tokushima; hàng nghìn trai tráng mình trần trong làng vác kiệu nặng 2 -5 tấn chạy khắp phố phường trong lễ hội Fukugawa Hachiman ở Tokyo; cả nước vui nhộn với những tiếng hò giã gạo, múa ngắm trăng, quây quần bên chân lễ đài nhảy nhịp nhàng một cách tươi vui trong lễ hội Obon. Những loại hình sinh hoạt bảo tồn văn hóa này được nghiên cứu và tổ chức khá kỹ lưỡng, xem lễ hội là một hoạt động “về nguồn”, là lúc để gặp gỡ lại bản làng thôn xóm sau những ngày làm ăn xa quê, nơi thể hiện sức mạnh đoàn kết của cộng đồng làng xã (mà ngày nay là khu phố), sự gắn bó của nhân dân qua hành động cùng ca múa, nhảy, rước kiệu (đền thờ).

Tốc độ công nghiệp hóa và đô thị hóa ở Nhật Bản khá nhanh kể từ khi Nhật Bản bước vào giai đoạn phát triển “thần kỳ” trong những năm đầu thập niên 60, số người rời làng quê ra thành thị ngày càng đông đảo thì văn hóa lễ hội đã được xây dựng ngay trên vùng đất mới. Cộng đồng dân thành thị vẫn tìm cách lập ra các hội đồng hương, tổ

chức gìn giữ văn hóa bằng các loại hình sinh hoạt lễ hội ngay tại đây, mà nhà trường, hội bảo tồn văn hóa của từng khu phố là điểm tụ.

Văn hóa Âu Mĩ thâm nhập vào xã hội Nhật Bản mạnh mẽ tạo ra lối sống mới trong giao lưu, ảnh hưởng vào đời sống và tinh thần của người Nhật Bản khá đậm nét, nhất là với lớp trẻ, nhưng họ vẫn luôn mang trong mình ý thức gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc hết sức sâu sắc, niềm tự hào về văn hóa lễ hội mà con người Nhật Bản đã vun đắp suốt mấy trăm năm qua. Những giá trị tinh thần ấy đã giúp cho dân tộc Nhật Bản luôn đồng nhất và có phần bào ngoại hay khép kín trong tư duy.

Lễ hội của Nhật Bản là một nét đẹp tập thể rất đồng điệu trong bộ đồng phục của lễ hội ấy, thể hiện tính nhất nguyên trong văn hóa phương Đông. Nếu trước đây, lễ hội Nhật Bản là nhân tố để gắn bó cộng đồng thì ngày nay chính là động lực đem lại sức sống và thu nhập cho khu phố. Đây chính là một phương thức kích cầu hiệu quả bên cạnh việc gìn giữ tài sản và truyền thống văn hóa. Mặt khác, hình thái lễ hội của họ không phải là một hoạt động văn hóa “hoài cổ” hay mang tính chất “tạp lục” kết hợp hoặc chắp vá, mà là kết quả của những công trình nghiên cứu về dân tộc học khá nghiêm túc, tạo ra từng sắc thái riêng của văn hóa địa phương, thể hiện một trình độ dân trí cao, có ý thức cùng hun đúc và làm giàu cho nền văn hóa mang bản sắc rất riêng của người Nhật.

Một phần của tài liệu Lễ hội obon nhật bản báo cáo nghiên cứu khoa học (Trang 43 - 48)