Thương mạ i Tài chính

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an từ năm 1965 đến năm 1973 (Trang 46 - 54)

6. Bố cục của đề tài

2.2.3. Thương mạ i Tài chính

Ngay từ đầu của cuộc chiến tranh phá hoại, để tránh bị tổn thất Nghệ An đã nhanh chóng triệt để sơ tán các đô thị và chợ búa. Các chợ nhỏ được phát triển khắp nơi để thay thế cho các chợ lớn. Mạng lưới chợ nông thôn rất phát triển. Ở vùng đồng bằng như Nam Đàn, Quỳnh Lưu… sự trao đổi buôn án diễn ra khá đồng đều và thường xuyên. Người dân miền biển mang đồ hải sản (cá, tôm, mực…) để đổi lấy vải, chăn màn… phục vụ cuộc sống hàng ngày. Các loại chợ đã có từ thời kháng chiến chống Pháp, nay được củng cố và mở rộng như chợ Giắt (Quỳnh Lưu), chợ Phủ Diễn, chợ Si (Diễn Châu)…

Ở miền núi, hệ thống chợ của đồng bào các dân tộc ít người cũng khá phát triển. Hàng hoá của đồng bào khá đa dạng bao gồm gỗ, tre, nứa, lá… Người miền xuôi mang những vật phẩm của họ như cá khô, mắm, muối…để trao đổi. Sự trao đổi này diễn ra ở mức độ thấp nhưng cũng góp phần cải thiện đời sống nhân dân, làm phong phú thêm các mặt hàng phục vụ đời sống nhân dân.

Trong hoạt động thương mại, một số chợ lớn nổi tiếng như chợ Vinh, chợ Rạng, chợ Rộ (Thanh Chương), chợ Si (Diễn Châu), chợ Giắt (Quỳnh Lưu)… giữ một vai trò rất quan trọng trong buôn bán và trao đổi hàng hoá.

Do nhu cầu trao đổi ngày càng lớn nên thương cảng Bến Thuỷ đã trở thành trung tâm xuất nhập khẩu của cả miền Trung. Ngoài thương cảng Bến Thuỷ thời kỳ này tỉnh còn có một số thương cảng khác như Phú Nghĩa, Thanh Sơn (Quỳnh Lưu)… Trong những năm 1965-1968, hàng thông qua cảng Bến Thuỷ chủ yếu là hàng nhập khẩu với các mặt hàng chiến lược như lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Sản lượng lương thực năm 1966, nhập 20.000 tấn, năm 1967 là 53.000 tấn, và năm 1968 là 34.690 tấn [31].

Năm 1968, việc trao đổi buôn với các tỉnh bạn vẫn được duy trì. Mặc dù, trong điều kiện địch đánh phá hết sức ác liệt nhưng mậu dịch buôn bán với Thanh Hoá, Hà Tĩnh… vẫn tăng nhanh. Mỗi năm hàng ngàn tấn các loại hàng hoá, thiết bị máy móc… được đưa ra bán ở các tỉnh lân cận.

Các Ngân hàng trong tỉnh vẫn được củng cố và phát triển. Các ngân hàng đã đầu tư vốn vào các ngành sản xuất nông nghiệp, thuỷ sản... Cho các hợp tác xã vận tải vay tiền để đóng mới tàu bè phục vụ sản xuất…

2.2.4. Giao thông vận tải

Mục tiêu đánh phá của đế quốc Mỹ trong chiến tranh phá hoại là đầu

mối giao thông, các cơ sở công nghiệp, quốc phòng… Ngày 31/3/1965, chúng đánh phá một số thuyền bè dọc sông Lam [28; 85]. Chưa dừng lại ở đó, Mỹ tiếp tục đánh bom bắn phá vào nhà máy điện, nhà ga, sở dầu… ở thành phố Vinh và các huyện như Yên Thành, Thanh Chương, Nghĩa Đàn. Trong năm 1965, địch đánh 1.291 lần vào các điểm nút giao thông vận tải vào 22 cầu trên quốc lộ, 15 cầu trên các tỉnh lộ… Có mục tiêu chúng đánh phá tới 46 lần. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong năm 1965 có đến 16.120 lần chiếc máy bay Mỹ đến đánh các mục tiêu ở Nghệ An, oanh tạc 2.602, ném

trên 22.061 quả bom có trọng lượng từ 100-500kg, 4.632 quả bom bi, bắn 1000 quả tên lửa và gần một vạn phát đạn rốc-ket [22; 67-68].

Bắt đầu từ tháng 4/1965, thành phố Vinh thực hiện chủ trương của Tỉnh uỷ bắt đầu sơ tán. Ban chỉ đạo sơ tán của Tỉnh được thành lập. Cuối tháng 5/1965, hầu hết các cơ quan hành chính, xí nghiệp, nhà máy… đã di tản ra khỏi thành phố. Kết quả là cả tỉnh đã vận chuyển được 4.700 tấn hàng quân sự, hơn 7 vạn tấn hàng hoá máy móc, phương tiện, 5.012 hộ dân ra khỏi thành phố [22; 68]. Công tác vận tải trở thành nhiệm vụ trọng tâm đột xuất của toàn Đảng các cấp chính quyền và toàn dân. Tinh thần yêu nước chống ngoại xâm đã được thổi bùng lên trong toàn thể nhân dân Nghệ An nói chung và ngành giao thông vận tải nói riêng.

Mặc dù lực lượng vận tải khi bước vào cuộc chiến đấu mới còn mỏng, nhưng với tinh thần quyết chiến quyết thắng giặc Mỹ xâm lược của nhân dân trong tỉnh, ngành giao thông vận tải đã hoà mình vào cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Do đế quốc Mỹ tăng cường đánh phá hết sức ác liệt nên ngành giao thông vận tải gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng và chính quyền nhân dân Nghệ An đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách nêu cao tinh thần “toàn dân đánh giặc, toàn dân làm giao thông vận tải”.

Giao thông vận tải thời kỳ này có một số hoạt động tiêu biểu như nạo vét kênh nhà Lê - Vinh - Thanh Hoá và thành lập Công ty vận tải thuỷ sản Nghệ An và xây dựng các công trình giao thông. Cuối tháng 9/1965, tỉnh thành lập đội dân công 9000 người nạo vét kênh nhà Lê - Vinh - Thanh Hoá để canô 45CV, phà lan 20 tấn có thể đi qua. Sau 3 tháng đã nạo vét được 140.000 m3 đất, bùn, phá 230 m3 đá [22; 75] công trình đã hoàn thành. Nhiều phương tiện giao thông vận tải được đóng mới như thuyền nan, thuyền gỗ… Trong 6 tháng đầu năm 1965, toàn tỉnh đã đóng mới được 5.430 tấn

thuyền (2.690 tấn thuyền đánh cá và 2.740 tấn thuyền vận tải). Trong số này, cung ứng 60% cho các tỉnh phia Bắc [22; 76]. Tuy nhiên, số lượng này không thể thay thế cho số bị địch đánh phá (bom địch phá huỷ 97 thuyền với tổng trọng tải 1.004 tấn).

Đồng thời với việc củng cố các hợp tác xã vận tải sông biển, ngày 26/10/1965 Uỷ ban hành chính tỉnh ra quyết định thành lập Công ty vận tải đường biển (sau này hợp lại là công ty sông biển Nghệ An).

Phong trào làm đường giao thông nông thôn cũng được đẩy mạnh. Mạng lưới giao thông nông thôn rộng khắp. Huyện Thanh Chương trong một thời gian ngắn đã làm được 10 km đường lớn ở hữu ngạn sông Lam, Quế Phong huy động nhân dân trong 10 ngày làm được 40 km… Năm 1965, toàn tỉnh làm thêm 2.933 km, khôi phục 2.777 km đường liên thôn, liên xã [22; 77]. Trong đó làm mới được 184 km đường, cải thiện mặt đường 88 km, làm 72 km đường tránh, 1.404 m đường hầm…[22; 77-78].

Trong bom đạn ác liệt của Mỹ và hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” (1966), Tỉnh uỷ đã phát động chiến dịch giao thông vận tải “Quyết Thắng”. Qua hai đợt chiến dịch này thu được kết qủa to lớn. Chỉ riêng trong đợt 1 của chiến dịch toàn tỉnh đã chuyển vào chiến trường 12.700 tấn hàng hoá đạt 70,4% kế hoạch cả năm [22; 87]. Đợt 2 của chiến dịch cũng thu được những kết quả cao, riêng quý IV của năm 1967, Nghệ An đã chuyển vào chiến trường chiến trường miền Nam gần 1 vạn tấn hàng.

Bước sang năm 1966, quân và dân Nghệ An gặp rất nhiều khó khăn và thử thách. Số lần đánh bom phá hoại của địch tăng 3-4 lần năm 1965. Trong đó địch có 1.538 lần máy bay địch đánh vào 250 vị trí giao thông vận tải, 96 cầu cống bị phá huỷ, 50 km đường các loại bị hư hỏng nặng, 2.450 tấn phương tiện vận tải bị bắn cháy, bắn chìm, 60 công nhân, 23 đội viên TNXP

hi sinh, 86 người bị thương. Nhưng “lửa thử vàng gian nan thử sức”, Đảng bộ và nhân dân Nghệ An đã lao động hết mình chịu đựng gian khổ và miền Nam ruột thịt. Toàn tỉnh đã góp 6 triệu ngày công phục vụ chiến đấu và làm giao thông vận tải. Kết quả là 146 km đường 15 từ Thanh Hoá vào Hà Tĩnh đã hoàn thành, nhiều đường nhánh đường ngang… được xây dựng. Ở nông thôn đã làm mới được 700 km đường liên thôn, liên xã. Năm 1966, cả tỉnh có 45.000 công cụ vận chuyển như thuyền nan, thuyền thúng, xe thồ, xe cải tiến… được đóng mới. Nhiều nơi nhân dân còn kết hợp thuỷ lợi với giao thông như ở Yên Sơn (Đô Lương), Lục Dạ (Con Cuông).

Sau tết Đinh Mùi (1967) và cả năm 1968, địch tăng cường đánh phá miền Bắc bằng không quân và hải quân. Số lần đánh phá, số bom đạn chúng ném xuống Nghệ An trong năm 1967 tăng gấp 3 lần năm 1966. Năm 1968, tổng số bom đạn Mỹ ném xuống Nghệ An bằng 2 lần tổng số bom đạn 3 năm trước cộng lại. Đế quốc Mỹ càng tăng cường leo thang, đánh phá điên cuồng thì chúng ta càng quyết tâm đánh bại chúng. Năm 1968, Bộ Chính trị đã ra quyết định lịch sử “chuyển cuộc chiến tranh cách mạng miền Nam của ta sang một thời kỳ mới, thời kỳ giành thắng lợi quyết định”.

Do máy bay Mỹ đánh phá hết sức ác liệt nên phương tiện vận tải vẫn tăng lên, song không thể bù đắp được số thiệt hại do bom đạn Mỹ gây ra, nhất là vận tải đường thuỷ. Lực lượng vận tải trong năm tăng được 2.864 tấn thuyền nhưng bị thiệt hại là 3.325 tấn. Cuối năm chỉ còn 9.025 tấn nhưng chỉ huy động được 7.572 tấn hụt so với đầu năm là 458 tấn [22; 96 ]. Tuy nhiên, nhờ sự chỉ đạo của Đảng bộ và các biện pháp kịp thời nên tổng số hàng hoá vận chuyển đạt 759.456 tấn và 36.182 triệu tấn/km2 (thấp hơn năm 1966 về tổng số nhưng tăng hơn về tấn/km2).

Phong trào làm đường giao thông nông thôn và phương tiện giao thông vận tải phát triển rõ rệt. Toàn tỉnh có 340 tổ vận tải chuyên nghiệp,

1890 tổ bán chuyên nghiệp và 50 hợp tác xã. Các huyện Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu có đội xe trâu, Quế Phong có đội xe ngựa thồ. Ở Con Cuông 10/12 xã có đường ô tô. Ở Quỳnh Lưu trong một đợt cuối năm 1968, đã có 12.000 người tham gia đóng góp 726.000 ngày công, đào đắp 824.000 m3 đất làm 72 km đường liên thôn, liên huyện, 85 chiếc cầu dài 620 m…[22; 109]. Trong những năm địch đánh phá trên mặt trận giao thông vận tải bộ đội, công nhân đã sửa chữa 150 km đường, khôi phục 412 km đào đắp 1.323.571 m3 đất đá, làm mới và sử chữa 318 chiếc cầu gỗ dài 3.113 m, làm thêm 45 bến phà mới, 2037 cầu phao…[22; 113].

Những thắng lợi giành được trong năm 1968, đã biểu lộ tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa Đảng và quần chúng, sự nhất trí ngày càng cao trong Đảng “phong trào tỉnh ta trong khí thế đi lên rõ rệt”.

Nhìn chung, kinh tế Nghệ An trong giai đoạn 1965-1968 có bước phát triển hơn giai đoạn trước. Trong nông nghiệp cơ sở vật chất kỹ thuật, công trình thủy lợi, giống mới... được tăng cường; nhiều ngành nghề mới trong công nghiệp và thủ công nghiệp được xây dựng và phát triển; nhiều tuyến đường liên hương liên xã được xây dựng phục vụ nhân dân... Tuy nhiên, do xây dựng kinh tế trong điều kiện chiến tranh và phải chiến đấu chống lại chiến tranh phá hoại của Mỹ nên nền kinh tế Nghệ An giai đọan này chủ yếu nhằm vào hai nhiệm vụ chính. Đó là góp phần ổn định đời sống nhân dân, phục vụ nhu cầu chiến đấu tại chỗ và chi viện ngày càng lớn cho chiến trường miền Nam, từng bước làm thay đổi tương quan lực lượng có lợi cho cách mạng miền Nam.

CHƯƠNG 3:

KINH TẾ NGHỆ AN TRONG GIAI ĐOẠN 1969-1973 3.1. Tình hình, nhiệm vụ và chủ trương của Đảng

Ngay sau khi đế quốc Mỹ buộc phải ngừng mọi hoạt động ném bom bắn phá miền Bắc Việt Nam, quân và dân Nghệ An đã nhanh chóng chuyển mọi sinh hoạt sản xuất từ thời chiến sang thời bình. Trước tình hình mới, Tỉnh ủy Nghệ An đã nhanh chóng chỉ đạo các cấp, các ngành và toàn dân tranh thủ thời cơ nhanh chóng khắc phục hậu quả chiến tranh, khôi phục và phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân. Đặc biệt ngày 16/1/1969, Chính phủ ra chỉ thị số 09/CP về công tác phòng không không quân. Bản chỉ thị nhấn mạnh : “Đế quốc Mỹ tuy buộc phải ngừng ném bom bắn phá miền Bắc nhưng chúng vẫn còn nhiều âm mưu nham hiểm để bám lấy miền Nam Việt Nam. Chúng ta cần cảnh giác đề phòng trường hợp không thực hiện được âm mưu của chúng và bị thua đau ở miền Nam, đế quốc Mỹ còn có thể liều lĩnh trở lại đánh phá miền Bắc…” Cũng theo bản chỉ thị đó, Chính phủ yêu cầu các địa phương “phải thật sự đề phòng tích cực chuẩn bị để chủ động đối phó và làm cho địch thất bại nặng nề khi chúng quay lại đánh phá miền Bắc” [14].

Đầu năm 1969, Tỉnh uỷ phổ biến quán triệt trong toàn Đảng bộ và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Các chỉ thị nêu rõ “Năm 1969 có một vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta. Tình hình năm 1969, phải tính toán đến 3 khả năng : hoà bình lập lại hay chiến tranh tái diễn, hoặc chiến tranh cục bộ được mở rộng. Dẫu tình huống nào tái diễn, diễn biến như thế nào thì với bản chất ngoan cố, hiếu chiến, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai còn tìm mọi hoạt động gián điệp và chiến tranh tâm lí tăng lên ở mức độ ráo riết hơn năm 1968 rất nhiều” [13].

Từ ngày 3 đến 11/2/1969, Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Đảng bộ đã đề ra nghị quyết toàn diện hơn và xác định rõ nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân, các lực lượng vũ trang Nghệ An năm 1969 như sau : “Tiếp tục giương cao ngọn cờ cách mạng tiến công nâng cao tư tưởng ngoan cường dũng cảm tinh thần làm chủ tập thể vượt mọi khó khăn gian khổ, hết sức tranh thủ mọi thuận lợi của tình hình mới làm hết sức mình tranh thủ chi viện cho cách mạng Miền Nam và cách mạng Lào, đồng thời tăng cường tiềm lực kinh tế quốc phòng, nâng cao cảnh giác sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và thủ đoạn mới của địch” [13].

Ngày 21/7/1969, quân và dân Nghệ An vinh dự đón nhận thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tất cả tấm lòng sâu nặng với quê hương. Người căn dặn “Nghệ An là một tỉnh rộng lớn có tài nguyên phong phú, có nhân dân cần cù lao động và rất cách mạng. Rất mong đồng bào và đồng chí tỉnh nhà ra sức phấn đấu làm cho Nghệ An nhanh chóng trở thành một trong những tỉnh khá nhất ở miền Bắc” [4; 117]. Đó cũng là lời tâm huyết cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với quê hương ruột thịt của mình. Vào hồi 9h47’ ngày 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từ trần, bỏ lại cho dân tộc ta một nỗi tiếc thương vô hạn, để lại cho nhân dân miền Nam nỗi đau không thể nguôi ngooai. Đó là một tổn thất to lớn đối với quân và dân Nghệ An, và sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

Thực hiện những lời dạy của Người, nhân dân Nghệ An đã ra sức khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh. Phong trào “đền ơn Bác” đã nhanh chóng lan rộng trong quân và dân Nghệ An. Từ đây, nền kinh tế Nghệ An có bước phát triển mới, nhân dân Nghệ An ra sức khôi phục kinh tế (1969-1972) và chi viện cho chiến trường miền Nam ngày càng nhiều của cải, nhân lực, vũ khí góp phần cùng nhân dân miền Nam làm nên những chiến công vẻ vang trong lịch sử dân tộc.

Một phần của tài liệu Kinh tế nghệ an từ năm 1965 đến năm 1973 (Trang 46 - 54)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(92 trang)
w