6. Bố cục của đề tài
2.2.2.2. Các ngành thủ công nghiệp
Các ngành nghề thủ công truyền thống của Nghệ An tiếp tục được củng cố và mở rộng, phát triển. Tuy nhiên, do cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ nên nhiều làng nghề và các ngành nghề thủ công phải sơ tán hoặc chuyển sang sản xuất trong điều kiện chiến tranh.
Nghề làm muối rất phát triển. Mặc dù địch tăng cường đánh phá nhiều và rất ác liệt nhưng sản lượng muối vẫn tăng. Sản lượng muối tăng một phần do nắng to, một phần do những nỗ lực của diêm dân. Ở Quỳnh Lưu các cơ sở sản xuất muối liên tục vượt mức kế hoạch Nhà nước 16,4%. Đồng muối Quỳnh Thuận thường xuyên bị đánh phá ác liệt, nhưng năm 1967 vẫn tăng lên 9.000 tấn tăng hơn năm 1966 là 1.000 tấn. Nhiều hợp tác xã làm nghề muối xuất hiện tiêu biểu như Tân Thịnh - Diễn Châu. Mỗi năm ngành sản xuất muối mang lại sản lượng 34.000 tấn. Do bị ứ đọng không chuyển ra Bắc được nên tỉnh đã đưa lên các huyện miền núi, lập kho dự trữ phòng khi chiến tranh kéo dài. Số muối này sau khi chiến tranh phá hoại của Mỹ kết thúc tỉnh đã trợ cấp cho đồng bào các huyện miền núi.
Nghề trồng bông dệt vải phát triển hầu khắp các huyện trong tỉnh. Trước năm 1965, Quỳnh Lưu chỉ có 2 cơ sở dệt vải thì đến năm 1967 đã có 60 cơ sở cung cấp 681.000m3 vải cho nhân dân. Nghề làm nón cải tiến kỹ thuật cho năng suất cao, năm 1967 làm được 5.000 chiếc/năm [3; 223]. Ở Quỳnh Lưu năm 1966, mới có 1 cơ sở sản xuất chiếu thì đến năm 1967 đã có 8 cơ sở sản xuất được 12.200 đôi chiếu và 8 cơ sở sản xuất gạch ngói [3; 223]. Nhân dân các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Xuân... đã khai phá các bãi phù sa trồng cói và xây dựng các cơ sở chế biến cói.
Các ngành thủ công nghiệp sản xuất dụng cụ phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho nhân dân cũng được chú ý phát triển. Hợp tác xã cơ khí Trường Sơn sản xuất kéo sắt, bản lề, đinh phục vụ sản xuất cơ bản, hợp tác xã nông cụ 12/9 (Hưng Nguyên) sản xuất nông cụ phục vụ nhân dân gặt mùa vụ. Số lượng cuốc, vên, liềm… đều tăng lên.
Nghề mộc khá phát triển, ngoài nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp đóng tàu các xưởng mộc cũng được mở rộng và duy trì sản xuất. Trong vùng không có nguyên liệu các xưởng mộc và hợp tác xã đã vận động công nhân đi
thu mua nguyên liệu. Hợp tác xã mộc Vạn Hạnh đã tổ chức cho công nhân đi hàng chục cây số thu mua nguyên liệu vận chuyển gỗ về sản xuất. Cuối tháng 12/1968, hợp tác xã đã hoàn thành kế hoạch Nhà nước năm 1968. Ngoài ra, hợp tác xã còn cung cấp cho nhân dân 300 khung xe Kiến An, 50 bánh xe trâu...[11; số 759].
Các ngành nghề thủ công truyền thống như gốm, đường, thuộc da cũng được chú trọng phát triển. Nghề tơ tằm phát triển ở Diễn Thịnh (Diễn Châu), Thanh Văn (Thanh Chương), Nam Hoành (Nam Đàn), Hưng Long, Hưng Xá (Hưng Nguyên)… Nghề thuộc da từ Cửu Tiền trở vào và phát triển hầu hết địa phận Hưng Thịnh vẫn duy trì sản xuất để có da phục vụ cho nhu cầu quốc phòng…