Các nghiên cứu về đánh giá và khai thác nguồn gen cây vừng

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của mật độ, mức phân đạm bón đến tăng trưởng, năng suất giống vừng đen hương sơn, vừng vàng diễn châu và dòng vừng NV10 trên đất cát pha huyện nghi lộc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ nông lâm ngư (Trang 29 - 33)

Ở Việt Nam, vừng là một loại cây trồng đã được trồng từ lâu đời và hiện nay phân bố chủ yếu ở vùng Bắc Trung bộ và vùng Đông Nam bộ. Trong năm 2009, thực hiện đề án Nhân lại và mô tả đánh giá cây có dầu thuộc Bộ môn Nhân giống và đánh giá nguồn gen thuộc Trung tâm tài nguyên di truyền thực vật Việt Nam. Trong tổng số hàng ngàn mẫu giống cây có dầu, có 107 nguồn gen vừng được thu thập từ những vùng khác nhau trong cả nước, trong đó có khoảng 60 mẫu giống thu thập ở vùng Bắc Trung bộ (Viện TNDT Thực vật).

Hiện nay, công tác thu thập nguồn gen cây có dầu nói chung và cây vừng nói riêng được thực hiện bởi Trung tâm tài nguyên di truyền thực vật và Trung tâm nghiên cứu cây có dầu. Kết quả thu thập, đánh giá và chọn lọc các giống vừng hiện

nay đã đưa ra được những giống có triển vọng phục vụ cho nhu cầu sản xuất như giống vừng V6, V36...[2].

Trong chương trình Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây lạc, vừng, đậu tương & xây dựng mô hình cơ giới hóa để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm được sự hỗ trợ của Bộ Công thương. Kết quả hàng năm nguồn gen cây vừng ở nước ta được tăng lên về lượng và đã có một số giống vừng triển vọng được đưa vào khảo nghiệm trên diện rộng năm 2004.

Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2005. Dự án cấp nhà nước “Hoàn thiện qui trình kỹ thuật sản xuất giống vừng mới V6 đạt năng suất cao, chất lượng tốt” (Mã số: KC.06.DA.13NN) do Bộ Khoa học & Công nghệ đăt hàng. Kết quả của đề án đã xây dựng hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật sản xuất giống vừng V6 năng suất cao, đã sản xuất được 700 tấn giống V6 cung cấp cho các tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long [9].

Trong chương trình khai thác và phát triển nguồn gen cây có dầu do TS. Võ Văn Long thực hiện năm. Kết quả đề án đã thu thập được 10 giống cây có dầu có nguồn gen quý hiếm, trong đó có 1 giống vừng. Đã khai thác, sản xuất giống với quy mô thử nghiệm 0,82 ha vừng. Bước đầu đánh giá hiệu quả kinh tế: thu nhập do khai thác các giống cây có dầu mới này tăng thêm 5,2 triệu đồng (giống vừng đen V36) so với thu nhập do trồng các giống thông thường khác [1].

Trong công tác nghiên cứu cơ bản, ở Việt Nam mới chỉ tập trung nghiên cứu mô tả một số đặc điểm hình thái và kỹ thuật phòng trừ một số loài sâu hại vừng (Trần Văn Lài và cs., 1993). Những nghiên cứu về sự di truyền, phản ứng của cây vừng với các điều kiện canh tác khác nhau chưa được quan tâm đúng múc. Đặc biệt là những nghiên cứu về khả năng chống chịu của cây vừng đối với điều kiện hạn hán, úng, sâu và bệnh hại [3].

Nghiên cứu về cây vừng ở Việt Nam được chú ý ở mức cao hơn khi Tập đoàn Kodoya của Nhật Bản có những hợp đồng thu mua sản phẩm vừng của Việt Nam (dẫn theo Hoàng Văn Sơn và cs., 2004). Sau đó, Nguyễn Vy và cs. (1994 - 1995) ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu cây có dầu, Viện Thổ nhưỡng Nông hoá và Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An đã thực hiện một chương trình hợp tác để khảo nghiệm, đánh giá 4 giống địa phương và 27 giống nhập nội (17 giống Nhật, 3 giống Myanma, 1 giống Uganda, 1 giống Tanzania, 1 giống Maroc). Đến

năm 1996, tổng số tập đoàn thu thập của Việt Nam đã đạt 40 mẫu. Kết quả đã chọn ra được 2 giống là giống vừng trắng V6 và giống vừng đen V36 đáp ứng được năng suất và chất lượng và được khuyến cáo trồng trên diện rộng tại Nghệ An (dẫn theo Hoàng Văn Sơn và cs., 2004) [5].

Bên cạnh việc khảo nghiệm, đánh giá một số đặc điểm hình thái của các giống vừng. Phan Bùi Tân và cs. (1996) đã có những nghiên cứu chọn lọc các dạng phân ly theo hướng năng suất cao và đã chọn được giống V6_CL có năng suất cao hơn giống gốc V6. Đây được xem là một trong những công trình duy nhất ở Nghệ An nói riêng và Việt Nam nói chung thành công trong việc khai thác nguồn gen cây vừng từ tập đoàn thu thập [6].

1.2.2. Nghiên cứu chọn tạo giống vừng

Ở Việt Nam, trong lĩnh vực điều tra chọn giống, vào năm 1995, đứng trước một thực tiễn là giống vừng V6 có hiện tượng phân ly mạnh khi được gieo trồng trên vùng đất cát ven biển Nghệ An, Phan Bùi Tân và cộng sự đã tiến hành một chương trình chọn lọc các kiểu hình biến dị có năng suất cao, đã chọn và nhân được một dòng có năng suất cao hơn giống vừng V6, đặt tên là giống V6 - CL. Đây có lẽ là công trình điều tra tuyển chọn giống cây vừng duy nhất trên địa bàn Nghệ An từ trước tới nay được công bố.

Nghiên cứu về cây vừng ở Việt Nam và nhất là ở Nghệ An được chú ý hơn khi tập đoàn Kodoya của Nhật Bản đã có những hợp đồng thu mua vừng của Việt Nam, mở ra một thị trường mới cho cây vừng Việt Nam nói chung và cây vừng của tỉnh Nghệ An nói riêng. Trong 2 năm 1994 và 1995, Nguyễn Vy và các cộng sự ở Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu dầu thực vật, Viện Thổ nhưỡng - Nông hoá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã tiến hành 4 vụ khảo nghiệm các giống địa phương của Việt Nam cùng với một số giống nhập nội và đi đến kết luận các giống địa phương vừa có năng suất thấp vừa không đáp ứng được những tiêu chuẩn về chất lượng để xuất khẩu. Trong quá trình khảo nghiệm một số giống nhập nội, bước đầu các nhà khoa học đã chọn được một số giống có năng suất cao, chất lượng tốt đáp ứng được những yêu cầu xuất khẩu trong đó có giống vừng V6 (hạt màu trắng) và giống vừng V36 (hạt màu đen) có nguồn gốc từ Nhật Bản được xem là giống có nhiều triển vọng. Giá trị kinh tế của vừng V6 và một số cây trồng khác khi canh tác trên các loại đất như đất cát ven biển, đất bạc màu, đất

bạc màu cổ, đất phù sa đã được so sánh và các tác giả đã đi đến kết luận trên những vừng đất bạc màu hoặc đất cát ven biển thì vừng là loại cây trồng cho giá trị kinh tế cao nhất [10].

1..2.3. Nghiên cứu về phân bón và kỹ thuật thâm canh cho cây vừng

Trần Văn Lài và cộng sự (1993) đã mô tả đã mô tả một số đặc điểm hình thái của 5 giống vừng, các yếu tố thời tiết ảnh hưởng đến cây vừng và các biện pháp kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh cho cây vừng [3].

Hoàng Văn Sơn và cộng sự (2004) đã nghiên cứu một số đặc điểm nông học của một số giống vừng ở Nghệ An và thu được kết quả là: các đặc điểm về chiều cao thân, đường kính thân, số hạt trên quả và trọng lượng 1000 hạt là những yếu tố quan trọng quyết định đến năng suất vừng; độ ổn định của các chỉ số về đặc tính nông học của các giống vừng không chỉ phụ thuộc vào giống mà còn phụ thuộc vào chế độ phân bón [5].

Từ 2003 - 2005, Nguyễn Hữu Hơn đã nghiên cứu đề tài "Khảo nghiệm các biện pháp kỹ thuật sản xuất vừng V6 vụ hè thu an toàn và hiệu quả kinh tế cao" và thu được kết quả là: Giải pháp kỹ thuật "cày bừa ngay sau khi thu hoạch lạc xuân, lên luống rộng 1,2 m, cao 15 cm và gieo vừng ngay" vừng phát triển tốt hơn các giải pháp khác; Bón phân NPK Việt Nhật loại 16:16:8 đã có hiệu quả cao hơn so với bón phân đơn và NPK loại 5:10:3; Phương pháp bón phân: Nền "bón lót 70% + 30% bón thúc lần 1 khi vừng 4 - 5 lá" là phương pháp tốt nhất [2].

Về sự hợp tác quốc tế trong nghiên cứu cây vừng, từ năm 1997 đến năm 2000, trung tâm Khuyến nông - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An đã phối hợp với viện nghiên cứu Lân và Kali Canada (Potash & Phosphate Institute of Canada) tiến hành nghiên cứu dự án mang tên “Balanced fertilization for maximum economic yield in sesame - based cropping systems on marine sandy soils in Nghe An provice”. Kết quả nghiên cứu của dự án cho thấy với tỉ lệ bón N - P2O5 - K2O là 195 - 165 - 180 kg/ha kết hợp với phân chuồng sẽ cho sản lượng cao nhất và chất lượng hạt vừng tăng đáng kể. Cũng theo kết quả nghiên cứu của công trình này thì nếu cây vừng được luân canh với cây lạc và ngô thì sẽ cho hiệu quả kinh tế cao và cải thiện đáng kể hàm lượng chất hữu cơ trong đất(dẫn theo Hoàng Văn Sơn và cs., 2004) [5]. Hiện tại, ở Việt Nam chưa có nhiều các công trình nghiên cứu đầy đủ về các biện pháp kỹ thuật nhằm thâm canh, tăng năng suất cây vừng. Các nghiên cứu về phân bón hóa học chỉ tập trung vào phân tổng hợp NPK. Chưa có công trình nào

nghiên cứu riêng rẽ về ảnh hưởng của các nguyên tố N, P, K đối với sự sinh trưởng, phát triển, năng suất và các yếu tố cấu thành năng suất cây vừng.

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng của mật độ, mức phân đạm bón đến tăng trưởng, năng suất giống vừng đen hương sơn, vừng vàng diễn châu và dòng vừng NV10 trên đất cát pha huyện nghi lộc, tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ nông lâm ngư (Trang 29 - 33)