8. Cấu trúc luận văn
1.5. Cơ sở pháp lý của đề tài
1.5.1. Quan điểm của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ và phát triển đội ngũ CBQLGD.
Đảng, nhà nước ta luôn khẳng định tầm quan trọng của đội ngũ QLGD. Đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi toàn ngành giáo dục đang triển khai và thực hiện đổi mới trương trình, sách giáo khoa thì vai trò và trách nhiệm của cán bộ QLGD các cấp lại càng quan trọng hơn bao giờ hết. Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII), Hội nghị lần thứ 6 BCH TW Đảng (khoá IX) đã nêu một trong 5 giải pháp cần tập trung làm tốt “Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục vững mạnh toàn diện cả về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và tư tưởng theo hướng chuẩn hoá, hiện đại hoá” [16,114].
Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 BCH TW Đảng (khoá IX) cũng khẳng định:
“Tập trung chỉ đạo để nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục và đào tạo mà giải pháp then chốt là đổi mới và nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong giáo dục và đào tạo” [16,200]
Đại hội XI đề ra quan điểm: “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục và đào tạo, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, coi trọng giáo dục đạo đức, lối sống, năng lực sáng tạo, kỹ năng thực hành, khả năng lập nghiệp. Đổi mới cơ chế tài chính giáo dục... Đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp dạy và học”.
1.5.2. Yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông.
Thực trạng của giáo dục và đào tạo còn không ít hạn chế, bất cập. “Chất lượng giáo dục và đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, nhất là đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao vẫn còn hạn chế; chưa chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của xã hội. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa tăng số lượng, quy mô với nâng cao chất lượng, giữa dạy chữ và dạy người. Chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học lạc hậu, đổi mới chậm; cơ cấu giáo dục không hợp lý giữa các lĩnh vực, ngành nghề đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện giảm sút, chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo còn bất cập. Xu hướng thương mại hóa và sa sút đạo đức trong giáo dục khắc phục còn chậm, hiệu quả thấp, đang trở thành nỗi bức xúc của xã hội”. Nghị quyết Đại hội XI tiếp tục xác định: “Giáo dục và đào tạo có sứ mệnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần quan trọng phát triển đất nước, xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam. Phát triển giáo dục và đào tạo cùng với phát triển khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu; đầu tư cho giáo dục và đào tạo là đầu tư cho phát triển”.
1.5.3. Định hướng phát triển GD của tỉnh Bắc Ninh và huyện Quế Võ.
Đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục - Đào tạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Chăm lo, phát triển giáo dục Mầm non. Củng cố vững chắc kết quả giáo dục phổ cập Tiểu học và Trung học cơ sở, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản phổ cập giáo dục bậc trung học đã được điều chỉnh tại Hội nghị Ban chấp hành tỉnh uỷ giữa nhiệm kỳ 10/2008. Mở rộng mạng lưới trường, lớp một cách khoa học, phù hợp với thực tế địa phương, đảm bảo khả năng tiếp nhận học sinh vào các
cấp học, bậc học, đáp ứng việc phân luồng học sinh và nhu cầu học tập của người dân.
Phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công nghiệp hoá - hiện đại hoá. Không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là nâng cao nhân trí, mở rộng đào tạo và nâng cao kỹ năng nghề nghiệp của người lao động.
Nâng cao chất lượng và hiệu quả Giáo dục - Đào tạo góp phần xây dựng Bắc Ninh trở thành tỉnh phát triển khá trong cả nước, đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại là một trong những tỉnh dẫn đầu trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ.