7. Kết cấu của luận văn
1.3. Vai trò của pháp luật và ý thức pháp luật đối với thanh niên
Cùng với quá trình hình thành và phát triển của Nhà nước, pháp luật luôn luôn là cánh tay đắc lực giúp Nhà nước quản lý, giữ gìn trật tự, giải quyết các xung đột trong xã hội, là phương tiện để cải biến xã hội, củng cố quyền lực và thể chế chính trị của Nhà nước. Nền kinh tế - xã hội ngày càng phát triển mạnh mẽ trong những điều kiện hết sức thuận lợi của cơ chế hội nhập và phát triển, kéo theo đó, các hoạt động xã hội của con người ngày một đa dạng và phức tạp, đòi hỏi việc thiết lập trật tự xã hội một cách có tổ chức, kỷ cương là một việc làm cấp bách.
Thanh niên, vốn được xem là nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, là đối tượng cần được chú trọng nhất trong việc thiết lập trật tự xã hội, bởi lẽ đây là lớp người có sức khỏe, có tri thức, có sự năng động và khao khát cống hiến cho xã hội nhưng lại là đối tượng nhạy cảm với những biến đổi của môi trường xã hội, tâm sinh lý và kinh nghiệm cuộc sống còn non nớt dẫn tới những vi phạm pháp luật làm ảnh hưởng trật tự, kỷ cương xã hội. Vì vậy, vai trò của pháp luật và ý nghĩa của việc nâng cao YTPL cho đối tượng này hết sức quan trọng và cần thiết. Vai trò của pháp luật đối với đời sống của thanh niên được thể hiện bằng các quy phạm, quy tắc pháp luật trên các văn bản ban hành của cơ quan Nhà nước cũng như những quy tắc, quy định chung trong quá trình tham gia hoạt động xã hội được cộng đồng chấp thuận. Pháp luật là hình thức biểu hiện tập trung nhất đường lối của Đảng và đưa đường lối chính sách của Đảng vào đời sống thanh niên một cách nhanh chóng, chính xác và mang lại hiệu quả cao.
Mặt khác, trong đời sống của thanh niên, pháp luật còn là công cụ hữu hiệu để giáo dục con người mới năng động, sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có ý thức sống có trách nhiệm của người công dân, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, có ý chí vươn lên góp phần vào mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Cùng với sự phát triển YTPL của thanh niên, pháp luật còn là cơ sở vững chắc để bảo vệ quyền công dân, quyền con người, bảo vệ lợi ích hợp pháp và công lý cho thanh niên trên tất cả các mặt kinh tế - chính trị - văn hóa của đời sống xã hội, đồng thời đòi hỏi mỗi công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với Nhà nước và xã hội. Các hành động xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của thanh niên đều bị xử lý nghiêm minh. Pháp luật còn tác động tới nhận thức pháp luật của thanh niên bằng nhiều cách thức khác nhau, cảm biến YTPL của thanh niên một cách đúng đắn từ đó tác động tích cực tới hoạt động thực tiễn của thanh niên nhằm thiết lập một một trật tự có lợi cho các quan hệ xã hội, mang lại cuộc sống hạnh phúc, yên bình cho nhân dân. Bên cạnh đó, pháp luật và YTPL còn tác động tới ý thức đạo đức để xây dựng hình thành các chuẩn mực pháp luật, từ đó, pháp luật mới dễ dàng đi vào cuộc sống, dễ được thực hiện, nội dung của pháp luật phải chứa đựng cả nội dung tinh thần của đạo đức. Bởi lẽ, một người thanh niên có đạo đức tốt thì cũng là người có ý thức thực hiện pháp luật tốt và ngược lại, người không có đạo đức tốt thì dễ vi phạm pháp luật. Pháp luật và ý thức pháp luật còn góp phần ngăn chặn những quan niệm đạo đức không lành mạnh, đồng thời tác động để hình thành những tư tưởng, quan niệm đạo đức tiến bộ trong xã hội. YTPL thông qua các chức năng của mình, tác động lên nhận thức và hoạt động thực tiễn của thanh niên, trở thành động lực thúc đẩy thanh niên tự giác điều chỉnh hành vi của mình một cách chủ động và hợp pháp, đồng thời còn giúp cho thanh niên điều chỉnh hoạt động thực hiện pháp luật, áp dụng pháp luật và đấu tranh chống vi phạm pháp luật một cách đúng đắn.
Như vậy, với vai trò năng động sáng tạo, pháp luật và YTPL luôn phát triển đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của sự phát triển xã hội, đáp ứng nhu cầu nhận thức và thực hiện pháp luật của thanh niên. Cùng với sự phát triển của Nhà nước và xã hội, vai trò,
tác dụng của pháp luật ngày càng được củng cố, mở rộng và nâng cao, những giá trị xã hội của pháp luật được thừa nhận và phát huy trong cộng đồng nói chung và thanh niên nói riêng.
Kết luận chương 1
Thanh niên là lực lượng kế thừa và tiếp bước các thế hệ cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Là một lực lượng xã hội to lớn, là nguồn lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Ở thanh niên hội tụ đầy đủ những điều kiện cần và đủ để xứng đáng với vai trò là thế hệ công dân mới, là bộ mặt tương lai của nước nhà: đó là tuổi trẻ, lòng nhiệt huyết, sự thông minh, ham học hỏi và khao khát cống hiến tài năng của mình cho đất nước, cho xã hội. Do đó, vị thế của thanh
niên ngày càng được nâng cao, nhất là trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế hiện nay.
YTPL là một hiện tượng tinh thần – xã hội hết sức phong phú và phức tạp. Sự ra đời và phát triển của nó luôn luôn gắn với quy luật khách quan, chịu sự tác động thống nhất bởi các điều kiện khách quan và nhân tố chủ quan trong một hoàn cảnh kinh tế, chính trị, xã hội nhất định.
Với vai trò là chủ thể nhận thức, nhân tố chủ quan có khả năng tác động vào quy luật khách quan để thúc đẩy YTPL phát triển nhanh hơn trong điều kiện khách quan cho phép. Con người nói chung và tầng lớp thanh niên nói riêng là một phần của nhân tố chủ quan đó cho nên vai trò của thanh niên trong việc hình thành nên YTPL rất quan trọng, đồng thời chính các nhân tố khách quan lại tác động ngược lại vào quá trình hình thành YTPL của thanh niên, hướng YTPL của thanh niên phù hợp với điều kiện khách quan. Đứng trước một thế giới rộng mở của cánh cửa hội nhập quốc tế, thanh niên Việt Nam ngày càng tiếp thu và định hình cho mình một nhận thức mới mẻ, một tính cách và lối sống năng động, hiện đại để hòa nhập với bạn bè thế giới tuy nhiên họ vẫn biết cách chọc lọc, biết cách “hòa nhập mà không hòa tan” trước ảnh hưởng mạnh mẽ của các làn sóng văn hóa bên ngoài, đồng thời cũng biết sàng lọc và phát huy những giá trị mà lịch sử và cha ông để lại.
Trong giai đoạn hiện nay, với mục đích hướng đến một đất nước văn minh, hiện đại, một nền kinh tế - xã hội phát triển và với vai trò quan trọng của tầng lớp thanh niên thì việc định hướng, bồi dưỡng tư duy trong đó có YTPL là một điều hết sức cần thiết, vì chỉ khi có một tư duy tiến bộ, một nhận thức lành mạnh văn minh thì mới làm cho các hoạt động thực tiễn mang lại hiệu quả, đời sống xã hội được nâng cao.
Chương 2
THỰC TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP BỒI DƯỠNG Ý THỨC PHÁP LUẬT CHO THANH NIÊN
Ở THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG HIỆN NAY