B. PHẦN NỘI DUNG
2.1. nghĩa và giá trị của học thuyết hình thái kinh tế xã hội
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận hình thái kinh tế - xã hội của chủ nghĩa Mác giúp cho chúng ta thấy rõ được vai trò của nó đối với chủ nghĩa duy vật lịch sử nói riêng và chủ nghĩa Mác nói chung trong việc nhận thức và cải tạo thế giới hiện thực. Chính vì vậy, sự ra đời của học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội là một cuộc cách mạng trong toàn bộ quan niệm về lịch sử xã hội.
Là sự biểu hiện tập trung của chủ nghĩa duy vật về lịch sử, lý luận hình thái kinh tế - xã hội nghiên cứu lịch sử xã hội trên cơ sở xem xét cả lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất, cả cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, tức là toàn bộ yếu tố cấu thành bộ mặt xã hội. Do đó nó cắt nghĩa xã hội được sáng tỏ hơn, toàn diện hơn, chỉ ra cả bản chất và quá trình phát triển của xã hội. Cùng với việc chỉ rõ cơ cấu của hình thái kinh tế - xã hội cũng như vạch ra mối quan hệ biện chứng giữa các yếu tố cấu thành hình thái kinh tế - xã hội làm hình thành nên những qui luật phổ biến chi phối sự vận động và phát triển của hình thái kinh tế - xã hội đó là quy luật về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất,…Các nhà kinh điển đã giúp cho chúng ta thấy động lực của lịch sử không phải do một lực lượng thần bí nào mà chính do hoạt động thực tiễn của con người dưới tác động của các quy luật khách quan. Từ đó có thể khẳng định đây là lần đầu tiên trong lịch sử triết học học thuyết hình thái kinh tế - xã hội vạch ra nguồn gốc, động lực bên trong của sự phát triển xã hội, vạch ra những nguyên nhân và cơ sở của sự xuất hiện, biến đổi các hiện tượng xã hội là chúng nằm ngay trong hoạt động thực tiễn vật chất của con người. Đây chính là cơ sở khoa học chống lại những quan điểm duy tâm về lịch sử, quan điểm coi xã hội là sự kết hợp có tính chất máy móc của nhiều cá nhân, giai đình hay coi quan điểm sự vận động, phát triển của xã hội là do ý chí của
những nhà cầm quyền chi phối, coi kỹ thuật là điểm chung quy định tính chất chế độ xã hội và tiêu chuẩn khách quan để phân biệt các hình thái kinh tế - xã hội.
Một ý nghĩa to lớn có giá trị bền vững của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở lý luận cho đường lối cách mạng của Đảng cộng sản, soi sáng con đường cách mạng của giai cấp vô sản và quần chúng nhân dân lao động trong việc cải tạo xã hội cũ và xây dựng thành công xã hội mới đó là xã hội chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa đồng thời nó còn trang bị cho chúng ta phương pháp khoa học để nghiên cứu sự phát triển xã hội qua các chế độ xã hội khác nhau, hiểu rõ cơ cấu chung của hình thái kinh tế - xã hội và những quy luật phổ biến tác động chi phối sự vận động phát triển của xã hội trên cơ sở đó nhằm cải biến xã hội theo tình hình và hoàn cảnh của nước mình. Có thể nói, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là cơ sở phương pháp luận của các khoa học khác, là hòn đá tảng cho mọi nghiên cứu về xã hội và do đó nó là một trong những nền tảng lý luận của chủ nghĩa xã hội khoa học.
Đây là lần đầu tiên những tiêu chuẩn chuẩn mực thực sự duy vật, khoa học cho việc phận kỳ lịch sử được bàn đến giúp cho con người hiểu được logic khách quan của quá trình tiến hóa của xã hội. Đồng thời học thuyết vạch ra sự thống nhất của lịch sử trong cái muôn màu muôn vẻ của các sự kiện ở các nước khác nhau trong các thời kỳ khác nhau. Chính vì thế, nó đã đem lại cho khoa học xã hội sợi dây dẫn đường để phát hiện ra những mối liên hệ nhân quả, để giải thích chứ không chỉ mô tả các sự kiện lịch sử. Nó là cơ sở khoa học rất đa dạng bởi bất cứ một hiện tượng xã hội nào từ hiện tượng kinh tế đến hiện tượng tinh thần đều có thể hiểu đúng khi gắn với một hình thái kinh tế - xã hội nhất định.
Khi nghiên cứu hình thái kinh tế - xã hội ta thấy rằng một trong những giá trị bền vững không thể bác bỏ được của học thuyết hình thái kinh tế - xã hội chính là ở tính khoa học khách quan và tính cách mạng chân chính của nó. Khi phân tích quy luật vận động của một hình thái kinh tế - xã hội, Mác đã vạch ra những mâu thuẫn bên trong và chính sự vận động của mâu thuẫn này cuối cùng dẫn tới sự chuyển hóa từ một hình thái kinh tế này sang một hình thái kinh tế
khác, từ một trật tự quan hệ xã hội này sang một trật tự quan hệ xã hội khác cao hơn. Mác viết: “Trong quan niệm tích cực về khái niệm đang tồn tại, phép biện chứng đồng thời cũng bao hàm cả quan niệm về sự phủ định cái hiện đang tồn tại đó, về sự diệt vong tất yếu của nó; vì mỗi hình thái đã hình thành đều được phép biện chứng xét trong sự vận động, tức là xét cả mặt nhất thời của hình thái đó; vì phép biện chứng…về thực chất thì nó có tính phê phán và cách mạng” [11; 35,36]. Tính khoa học và tính cách mạng thống nhất chặt chẽ với nhau, nó giải thích rõ những quy luật đặc thù chi phối sự phát sinh, tồn tại, phát triển và diệt vong của một xã hội nhất định và sự thay thế bằng một xã hội khác cao hơn.
Cho đến nay, học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội vẫn là quan niệm duy nhất khoa học và cách mạng để nghiên cứu, phân tích lịch sử và nhận thức các vấn đề xã hội. Bởi vì học thuyết đó không chỉ đòi hỏi phải phân tích sự phát triển của xã hội như một quá trình tổng hợp các nhân tố mà còn phân tích sự vận động của xã hội trong quá trình phát triển liên tục theo quy luật khách quan.
Tóm lại, học thuyết hình thái kinh tế - xã hội là một phát kiến vĩ đại của Mác. Nó không chỉ có giái trị to lớn về mặt lý luận và thực tiễn mà nó còn mang tính khoa học sâu sắc và tính cách mạng triệt để. Chính vì vậy, mà học thuyết Mác về hình thái kinh tế - xã hội cho đến nay vẫn là phương pháp duy nhất khoa học và cách mạng để phân tích lịch sử và nhận thức đúng đắn các vấn đề xã hội, là cơ sở phương pháp luận của sự phân tích khoa học về xã hội, là hòn đá tảng của khoa học xã hội.