Tài liệu ghi âm là loại hình tài liệu có nội dung rất phong phú và đa dạng, phản ánh các mặt đời sống chính trị, văn hoá, tinh thần bằng hình tượng âm thanh một cách sinh động.
Qua khảo sát thực tế và theo báo cáo số liệu thông kê năm 2006 hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III đang bảo quản gần 5.000 cuốn băng tương đương 3.000 giờ băng, trên 2.000 băng cassette về các kỳ họp của Quốc hội, 115 đĩa ghi âm. Nguồn thu chủ yếu là Văn phòng Quốc hội, Bộ Văn hoá thông tin, Đài Tiếng nói Việt Nam…
Thành phần chủ yếu của tài liệu ghi âm là những băng ghi âm sự kiện, bao gồm những loại băng sau:
- Băng ghi âm từ tính; - Băng ghi âm cassette; - Đĩa ghi âm;
- Đĩa CD.
Khối tài liệu ghi âm có nội dung nói về những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, những chương trình liên hoan ca múa nhạc toàn quốc. Tài liệu ghi âm được chia thành 02 khối: Tài liệu ghi âm sự kiện và tài liệu ghi âm nghệ thuật.
* Khối tài liệu ghi âm sự kiện bao gồm các nhóm tài liệu sau: - Tài liệu ghi âm tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Đây là băng ghi âm các bài phát biểu của Hồ Chủ tịch tại các sự kiện trọng đại của đất nước như: Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945, đọc lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1945 và đọc lời chúc mừng năm mới từ năm 1955-1969; bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh với
Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam do bác sỹ Phùng Văn Cung dẫn đầu ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. Ngoài ra, có nhiều tài liệu ghi âm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh như trong các kỳ họp Quốc hội, Đại hội Đảng…Đặc biệt khối tài liệu ghi âm tiếng nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những bài nói với nhân dân nước ngoài bằng những ngôn ngữ khác nhau tiếng Anh, Pháp, Nga.
Có thể nói, nhóm tài liệu này tuy không nhiều, về mặt nội dung còn chưa đầy đủ nhưng cũng đã phản ảnh những hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đây cũng là nguồn tư liệu giúp cho những nhà nghiên cứu khi tìm hiểu một phần về thân thế sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
- Tài liệu ghi âm các kỳ Đại hội Đảng gồm: Các loại băng ghi âm về Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 năm 1960 và lần thứ 4 năm 1976, các bài báo cáo, tham luận tại Đại hội, những lời chào mừng của đại biểu các Đảng dân chủ và Đảng Xã hội, cùng với lời chào mừng của các Đảng Cộng sản các nước tới tham dự Đại hội Đảng ta. Đây là những băng gốc do Trung tâm Kỹ thuật âm thanh Hà Nội ghi âm.
- Tài liệu ghi âm về hoạt động của Quốc hội: Nhóm tài liệu này chiếm số lượng lớn trong khối băng ghi âm sự kiện hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III. Các băng ghi âm đã ghi lại đầy đủ hoạt động của Quốc hội từ khoá VI đến khoá X.
Qua những băng ghi âm này người sử dụng có thể nghiên cứu đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và cuộc đấu tranh thống nhất đất nước của dân tộc ta trong năm 60 – 80 của thế kỷ 20 và chiến lược công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước trong những năm gần đây. Nghiên cứu những băng ghi âm này người sử dụng có thể nắm được một cách đầy đủ, toàn diện tình hình kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh chính trị của đất nước qua từng năm, tình hình xây dựng và ban hành các luật và đạo luật của đất nước. Trong nhóm tài liệu ghi âm về hoạt động của Quốc hội còn có tài liệu về hội nghị toàn quốc Hội đồng nhân dân lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4 vào các năm 1990 – 1992.
Ngoài các nhóm chính trên đây trong khối băng ghi âm sự kiện còn có những băng ghi âm về các sự kiện quan trọng khác như lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Tôn Đức Thắng, hoạt động của nhân dân Thủ đô mừng miền Nam giải phóng năm 1975…
* Khối tài liệu thứ 2 trong tài liệu ghi âm đó là khối tài liệu ghi âm nghệ thuật. Đây là băng ghi lại các chương trình liên hoan ca múa nhạc toàn quốc do Cục Nghệ thuật Sân khấu giao nộp và chương trình biểu diễn của một số ca sĩ nổi tiếng trong nước như các ca sĩ nổi tiếng như: Thanh Hoa, Thu Hiền, Kiều Hưng, Lê Dung,…
Có thể nói, so với bề dày lịch sử của dân tộc ta thì tài liệu ghi âm hiện đang bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III còn quá ít, nhưng dù
sao về mặt giá trị nó cũng phản ánh những sự kiện trọng đại của đất nước, đời sống văn hoá tinh thần của nhân dân ta ở cuối thế kỷ XX.