a. Công tác đào tạo
3.3.3. Ảnh hưởng của các chương trình, chính sách đến quản lý, bảo tồn
trong khu vực nghiên cứu
Một số chính sách quan trọng ảnh hưởng đến sự thay đổi kinh tế xã hội và tự nhiên được triển khai trên địa bàn của tỉnh Hòa Bình nói chung và khu vực dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình nói riêng như: Chương trình 135 (dành cho các xã đặc biệt khó khăn), Chương trình định canh định cư, và Chương trình trồng rừng 327 (nay là 661) của chính phủ Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số chương trình do các tổ chức quốc tế tài trợ như JVC (Tổ chức tình nguyện Quốc tế Nhật Bản), Helvetas, FFI (tổ chức bảo tồn động thực vật quốc tế), FPSC (tổ chức xúc tiến văn hóa Tây Ban Nha). Các dự án do quốc tế tài trợ có nhiệm vụ khá giống nhau là hỗ trợ phát triển sinh kế, góp phần cải thiện, xóa đói giảm nghèo ổn định đời sống cho cộng đồng dân cư và bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên. Dưới đây là một số dự án, chương trình nghiên cứu được thực hiện tại các xã thuộc dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình (Bảng 3.26).
Bảng 3.26. Các dự án thực hiện tại khu vực nghiên cứu Dự án/ Tổ chức thực hiện Xã 135 Định canh định cư 327 661 JVC FPSC FFI Giảm nghèo các tỉnh phía bắc Helvetas Ngọc Sơn- Ngổ Luông PanNature + FFI Nam Sơn X X X X X X X X Bắc Sơn X X X X X Ngổ Luông X X X X X X Tự do X X X X X Ngọc Lâu X X X X X Ngọc Sơn X X X X X Tân Mỹ X X X X X X Pù Bin X X X Noong Luông X X X Vạn Mai X X X X X
Từ sau năm 1975, Nhà nước thực hiện chủ trương định canh định cư và xây dựng vùng kinh tế mới. Giai đoạn đầu tiên là tập hợp những người đang canh tác nương rẫy vào những bản làng mới hoặc kết hợp với những bản làng có sẵn. Sau đó, họ sẽ được cấp đất để canh tác và một số công cụ, phương tiện, đôi khi
bằng cách khai hoang đất mới hoặc tận dụng những nơi có thể canh tác được và xây dựng một hệ thống tưới tiêu phục vụ sản xuất. Cuối cùng, thì họ cũng làm được các căn nhà, đất đai được khai hoang và sử dụng cho nông nghiệp.
Trong giai đoạn đầu thực hiện các chương trình dự án các hộ gia đình hằng năm được cung cấp, hỗ trợ lương thực, khi đó các dự án chương trình hoạt động một cách tích cực đặc biệt là chương trình định canh định cư, chương trình 135 với mục đích hỗ trợ phát triển cho những xã đặc biệt khó khăn. Đời sống vật chất và tinh thần nhân dân được nâng lên đáng kể, tình hình chính trị - xã hội ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Nhiều công trình giao thông, thuỷ lợi, trường học, cấp nước sạch, điện sinh hoạt, trạm y tế được đầu tư và đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển, chuyển dịch kinh tế theo hướng hàng hoá, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện nay, về cơ bản, các huyện không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 25%, bình quân lương thực đầu người đạt trên 300 kg/người/năm. Đồng bào đã từng bước bỏ được tập quán du canh, du cư, phát rừng làm rẫy chuyển sang định canh, định cư, mở rộng diện tích trồng rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Từ một huyện miền núi nghèo, thiếu lương thực, sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đến nay, dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình đã tạo được bước đột phá trong việc áp dụng các tiến bộ KH – KT vào sản xuất, đa dạng hoá các loại cây trồng, nâng cao năng suất sản lượng nông nghiệp, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích cao, hiệu quả sản xuất tăng cao, sản xuất hàng hoá, chế biến nông, lâm sản; công tác bảo vệ và phát triển rừng được người dân thực hiện tốt, giữ được diện tích rừng đặc dụng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc bằng việc trồng rừng và nâng cao độ che phủ rừng [76].
Những kết quả từ việc thực hiện các chương trình, dự án ở tỉnh Hoà Bình thời gian qua cho thấy, mặc dù có những biến động về kinh tế chung và tác động của giá vật tư, nhân công cao nhưng tiến độ thực hiện các công trình dự án vẫn đảm bảo kế hoạch đề ra. Những cố gắng đó cùng với sự nỗ lực vươn lên của người dân đã góp phần vào sự ổn định và phát triển đi lên ở vùng nông thôn miền núi tỉnh Hoà Bình.
3.3.4. Mối quan hệ giữa chủ rừng với các bên liên quan trong công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH
Quản lý diện tích rừng trong khu vực bao gồm ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông và hạt Kiểm lâm Mai Châu và chịu sự quản lý trực tiếp của Chi cục Kiểm lâm Hòa Bình. Tuy nhiên, quá trình bảo tồn có rất nhiều sự tham gia và tác động của các bên liên quan những liên quan này đến từ người dân và chính quyền địa phương. Việc xây dựng mối quan hệ, hợp tác tốt giữa Ban quản lý KBT, hạt Kiểm lâm với các bên liên quan sẽ đóng vai trò quyết định trong việc thành công của công tác bảo tồn. Bảng phân tích mối quan hệ giữa chủ rừng và các bên liên quan dưới đây (Bảng 3.27) nhằm xác định mức độ ảnh hưởng và tầm quan trọng trong công tác quản lý bảo tồn ĐDSH tại dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình.
Bảng 3.27. Phân tích mối quan hệ giữa chủ rừng và các bên liên quan
TT Tên đơn vị, tổ chức Chức năng và nhiệm vụ Tầm quan
trọng
1 Chi cục Kiểm lâm HòaBình
- Quản lý điều hành các hoạt động của KBT và Hạt kiểm lâm
- Phê duyệt kế hoạch và cung cấp vốn cho các hoạt động thường xuyên của khu vực
Rất quan trọng
2
Các cấp chính quyền huyện, xã tại khu vực nghiên cứu
Thực hiện các hoạt động quản lý bảo tồn trên địa bàn
Rất quan trọng 3 Cộng đồng dân cư địaphương Tham gia quản lý bảo vệ tài nguyên cùng vớiBQL KBT, hạt kiểm lâm Rất quantrọng 4 Hạt kiểm lâm và BQLrừng đặc dụng lân cận Phối hợp quản lý các diện tích rừng giáp ranh,xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động sinh kế Quan trọng
5 Các ban ngành đoànthể trên địa bàn huyện
Phối hợp trong các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân trong quản lý
tài nguyên Quan trọng
6 Trường đại học, Việnnghiên cứu Phối hợp thực hiện các nghiên cứu, đề xuấtcác công nghệ phù hợp để tổ chức bảo tồn phát triển về bảo tồn ĐDSH trong khu vực
Rất quan trọng 7 Các tổ chức phi chínhphủ Triển khai các chương trình nghiên cứu, cácdự án đầu tư Quan trọng
Tìm hiểu sâu hơn về các mối quan hệ đã được liệt kê ở bảng tổng hợp 3.27 cho thấy:
- Quan hệ với Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hòa Bình: Chi cục Kiểm lâm tỉnh là đơn vị quản lý nhà nước ở cấp tỉnh có vai trò quan trọng trong việc giám sát các chương trình bảo tồn, phê duyệt, cấp phát kinh phí hoạt động và điều chỉnh nhân sự cho hoạt động của chủ rừng. Tuy nhiên, nguồn ngân sách của Chi cục cấp hàng năm chỉ dừng lại ở mức độ duy trì sự tồn tại của bộ máy quản lý trong khu
vực. Chưa có những đầu tư cho các chương trình bảo tồn, phát triển vùng đệm, sinh kế nông thôn, nghiên cứu khoa học... Ở những lĩnh vực này sự ủng hộ của Chi cục chỉ dừng lại ở mức độ chủ trương hoặc ý tưởng.
- Quan hệ với cấp chính quyền huyện, xã: Sự phối hợp của chính quyền cấp huyện, xã với Ban quản lý Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông và hạt kiểm lâm Mai Châu đã đạt được những hiệu quả nhất định. Các mục tiêu hoạt động nhằm bảo tồn đa phần có mối quan hệ ảnh hưởng đến các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm cũng như lâu dài của địa phương như: Quy hoạch sử dụng đất và giao đất, tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng, hỗ trợ vốn thông qua các chương trình, dự án góp phần phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, trong mối quan hệ này vấn đề phân quyền và trách nhiệm của từng cấp đối với công tác bảo vệ rừng được quy định tại quyết định số 245/1998/QĐ-TTg ngày 21-12-1998 của Thủ tướng Chính phủ “về thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước của các cấp về rừng và đất lâm nghiệp” chưa được thực hiện một cách nghiêm túc và có hiệu quả. Trên thực tế, UBND và cán bộ phụ trách về lâm nghiệp đặc biệt yếu về chuyên môn, họ hầu như không có khả năng để thực hiện về quyền và trách nhiệm của mình. Có những xã chính quyền chưa thực sự vào cuộc, mọi hoạt động quản lý tài nguyên rừng đều phó mặc cho Kiểm lâm.
- Quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương: Sự tham gia bảo vệ rừng của cộng đồng địa phương là đáng ghi nhận, trên thực tế đời sống của các cộng đồng dân cư khu vực dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình đều được hưởng lợi trực tiếp từ rừng bao gồm: Gỗ, củi, măng, rau quả, mật ong, nấm hương, ốc đá,... và các nguồn thu từ việc nhận khoán quản lý bảo vệ rừng của dự án 661. Ông Bùi Văn Chuyền (xã Nam Sơn) nói "giá như Khu BTTN Ngọc Sơn - Ngổ Luông
được thành lập sớm hơn thì rừng ở đây còn xanh tươi hơn nhiều". Tuy nhiên, do cuộc sống người dân trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, đói nghèo vẫn đang là thách thức quá lớn trong cuộc sống. Chính vì thế, trong quá trình bảo tồn ở đây đã nảy sinh ra khá nhiều xung đột giữa BQL và người dân địa phương.
- Quan hệ với hạt Kiểm lâm và BQL rừng đặc dụng giáp ranh: Địa bàn giáp ranh là những khu vực đi lại xa xôi, lực lượng Kiểm lâm còn mỏng, công cụ và phương tiện tác nghiệp còn nghèo nàn, thô sơ. Trong thời gian qua việc bảo vệ rừng giáp ranh đã được đơn vị phối hợp triển khai theo kế hoạch được xây dựng hàng năm; thường xuyên kết hợp tuần tra những khu vực rừng giáp ranh, liên hệ mật thiết phát hiện kịp thời, phối hợp quản lý các diện tích rừng giáp ranh và giải quyết có hiệu quả các vụ việc xẩy ra trên địa bàn. Đồng thời xúc tiến, đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền và phát triển sinh kế cho người dân trong khu vực.
- Quan hệ với các ban ngành đoàn thể trên địa bàn: Hàng năm Ban quản lý khu BTTN, hạt Kiểm lâm cũng đã cùng phối hợp với các cơ quan ban ngành đoàn thể trên địa bàn (huyện đoàn, hội phụ nữ, trường học...) thực hiện các chương trình tuyên truyền, nâng cao nhận thức về BTTN như: Cuộc thi tìm hiểu về rừng xanh, giao lưu văn hoá văn nghệ có lồng ghép đến bảo vệ rừng, thi tìm hiểu nghị định 139 của chính phủ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng tại địa phương. Tuy vậy, mối quan hệ này trên thực tế cũng chỉ mới dừng lại ở mức độ phong trào, hạn chế về tư duy và chiều sâu.
- Quan hệ với các viện nghiên cứu, các trường học: Trong thời gian qua, chủ rừng đặc biệt là KBT cũng đã có các mối quan hệ mật thiết với các Viện nghiên cứu (Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Khoa học Lâm nghiệp, Viện Điều tra Quy hoạch rừng, Viện khoáng sản địa chất, Viện dân tộc học) và
các Trường Đại học (Trường Đại học Lâm nghiệp, Đại học Quốc gia Hà Nội) trong điều tra, đánh giá tài nguyên rừng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyên môn trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, những mối quan hệ này vẫn chỉ là tiềm năng và chưa được phát huy tối đa mà nguyên nhân là do thiếu kinh phí.
- Quan hệ với các tổ chức phi chính phủ: Đã phối hợp với các tổ chức Phi Chính phủ như: Link, JVC, FFI, FPSC, PanNature, ... để triển khai các dự án, chương trình nghiên cứu khoa học, các khoá đào tạo hội nghị, hội thảo về công tác bảo tồn, thiết lập mối quan hệ hợp tác, chia sẻ và trao đổi kinh nghiệm với chủ rừng đặc biệt là Khu BTTN Ngọc Sơn – Ngổ Luông.
3.3.5. Phân tích ma trận SWOT đối với công tác quản lý, bảo tồn ĐDSH tại khu vực nghiên cứu
Để có một bức tranh tổng thể về những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức tại khu vực dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình chúng tôi đã tiến hành phân tích bản ma trận SWOT dưới đây:
Điểm mạnh (Strenghts) Điểm yếu (Weaknesses)
- Được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và các ban ngành có liên quan.
- Là nơi còn sót lại ở Việt Nam với hệ sinh thái rừng trên núi đá vôi có tính ĐDSH cao.
- Trong khu vực còn có nhiều cảnh quan hang động đẹp, thuận tiện cho các hoạt động tham quan, du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học.
- Giao thông đi lại còn khó khăn, các xã có hệ thống lưới điện còn kém. Hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển.
- Trình độ dân trí còn thấp, hiểu biết về bảo tồn còn quá ít.
- Phát triển kinh tế còn phụ thuộc quá nhiều vào điều kiện và cả nguồn tài nguyên thiên nhiên, tập quán canh tác còn lạc hậu và thiếu đất canh tác.
- Thiếu thông tin về khoa học kỹ thuật cũng như khoa học quản lý.
- Thiếu nhân lực trong công tác quản lý bảo vệ rừng.
Cơ hội (Opportunities) Thách thức (Threats)
- Mong muốn được thành lập, mở rộng Khu bảo tồn và muốn được kết hợp với KBT khác trong tương lai để cùng bảo vệ và xây dựng phát triển rừng.
- Có tiềm năng lớn thu hút khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch sinh thái và nghiên cứu khoa học vì vị trí của khu vực không xa với thủ đô Hà Nội.
- Thu hút các dự án trong và ngoài nước hoạt động bảo tồn ĐDSH
- Nguồn lực hạn chế, phương pháp tiếp cận bảo tồn của cán bộ bảo tồn vẫn còn áp đặt, mang nặng tính hành chính.
- Đói nghèo đối với cộng đồng người dân trong vùng dẫn đến việc khai thác lâm sản trái phép cho mục tiêu sinh kế.
- Cơ sở hạ tầng và dịch vụ cộng đồng chưa phát triển.
Nhìn vào bảng ma trận có thể thấy rằng: Điểm thuận lợi là tập trung chủ yếu vào cảnh quan và tính đa dạng sinh học vốn có, cùng với sự ủng hộ của chính quyền các cấp. Điểm không thuận lợi tập trung vào hệ thống cơ sở hạ tầng yếu kém, nhận thức của người dân và lực lượng thực hiện công tác bảo tồn còn hạn chế. Cơ hội chủ yếu là phát huy tiềm năng vốn có của khu vực, thu hút được một số chương trình dự án, còn một số thách thức lớn đó là nguồn lực quản lý, bảo tồn và sự đói nghèo của cộng đồng trong khu vực.