Phương pháp luận

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quản lý đa dạng sinh học tại dải núi đá vôi phía tây nam tỉnh hòa bình (Trang 40 - 43)

a. Dân số

2.3.1. Phương pháp luận

Nghiên cứu được thực hiện dựa trên: (1)- Lý luận về tiếp cận hệ thống, (2)- Quan điểm bảo tồn- phát triển, (3)- Tiếp cận hệ sinh thái, (4)- Tiếp cận có sự tham gia.

(1)- Tiếp cận hệ thống:Hệ thống được hiểu là một cấu trúc hoàn chỉnh nó bao gồm nhiều bộ phận chức năng liên kết với nhau một cách tổ chức và trật tự, tồn tại và vận động theo những quy luật thống nhất. Một hệ thống luôn bao gồm

những hệ thống nhỏ hơn hay còn gọi là hệ thống phụ. Sự tác động của người dân địa phương đến tài nguyên rừng là hoạt động trong hệ thống kinh tế xã hội và tác động tới hệ thống tự nhiên. Cách tiếp cận hệ thống cho thấy cần phải lồng ghép các giải pháp quản lý và bảo tồn vào các chương trình quy hoạch phát triển kinh tế xã hội địa phương với mục tiêu phát triển bền vững [20], [22].

(2)- Quan điểm bảo tồn – phát triển: Quan điểm bảo tồn và phát triển tạo ra sự liên kết việc bảo tồn tài nguyên và đáp ứng những nhu cầu phát triển địa phương, bao gồm 3 thành phần chính (cách tiếp cận sau):

- Thứ nhất là nếu nhu cầu phát triển tại địa phương đó có thể được đáp ứng bởi các nguồn thay thế khác thì ảnh hưởng của nó lên tài nguyên sẽ được giảm bớt và tài nguyên được bảo tồn: “Cách tiếp cận các giải pháp thay thế sinh kế”.

- Thứ hai là nếu cộng đồng rất khó khăn về mặt kinh tế, không thể nào quan tâm đến việc bảo tồn vì những nhu cầu thiết yếu của cộng đồng vẫn còn chưa được đáp ứng thì trước hết cần phải nỗ lực cải thiện nền kinh tế - xã hội của họ đủ tốt để họ có thể quan tâm hơn đến việc bảo tồn tài nguyên: “Cách tiếp cận phát triển kinh tế”.

- Thứ ba là cộng đồng địa phương đó cũng đồng ý với việc bảo tồn TNTN nếu như họ có thể được tham gia một cách tích cực vào việc quy hoạch và quản lý tài nguyên và được chia sẻ lợi nhuận từ tài nguyên đó. Theo cách này, tài nguyên có thể được bảo tồn bên cạnh đó một số nhu cầu cơ bản của người dân địa phương cũng được đáp ứng thông qua việc sử dụng và khai thác tài nguyên một cách hợp lí và bền vững: “Cách tiếp cận tham gia quy hoạch”.

Trong nghiên cứu này, cả 3 cách tiếp cận trên được vận dụng một cách linh hoạt để đề xuất các giải pháp quản lý và bảo tồn ĐDSH tại dải núi đá vôi phía Tây Nam tỉnh Hòa Bình.

(3)- Tiếp cận hệ sinh thái: Hệ sinh thái được cấu tạo bởi quần xã sinh vật và các yếu tố môi trường. Quá trình diễn biến của HST chính là quá trình biến đổi các yếu tố cấu thành. Hệ sinh thái càng đa dạng thành phần bao nhiêu thì càng ổn định và bền vững bấy nhiêu. Một trong yếu tố quan trọng cấu thành nên HST rừng là thảm thực vật, nó thể hiện tính đặc trưng, ngoại mạo của mỗi HST và có tính nhạy cảm cao. Nghiên cứu về tính đa dạng các bậc Taxon của thực vật rừng để nói lên mức độ phong phú và tính đặc trưng của các kiểu rừng trong HST. Đó cũng là cơ sở giúp việc định hướng, lựa chọn những giải pháp phù hợp và có hiệu quả phục vụ cho công tác bảo tồn. Vì vậy, việc nghiên cứu thực vật trên các tuyến điều tra là hết sức cần thiết, để từ đó đánh giá đa dạng về thành phần loài thực vật cũng như các kiểu rừng trong khu vực nghiên cứu [7], [9], [11].

(4)- Tiếp cận có sự tham gia:Sự tham gia được định nghĩa như là một quá trình, thông qua đó các chủ thể cùng tác động và chia sẻ những sáng kiến phát triển và cùng quyết định. Điều quan trọng là người dân địa phương tham gia vào việc tư vấn cho hoạt động điều tra khảo sát, có khả năng trao đổi các triển vọng của họ về tài nguyên rừng với các nhà nghiên cứu, các cơ quan quản lý và ngược lại, các cơ quan này có thể hiểu và đáp ứng các triển vọng được nêu ra. Điều này được thể hiện thông qua việc thiết kế các bảng hỏi, nội dung phỏng vấn trực tiếp và họp nhóm nhằm thu được các thông tin thực tiễn, nguồn kiến thức bản địa một cách cụ thể và nhanh chóng nhất [11], [17].

Trong nghiên cứu này, phương pháp tiếp cận có sự tham gia được áp dụng, trong đó người dân địa phương tham gia ở 3 mức độ, tức là tham gia qua hình thức tư vấn, cung cấp thông tin. Các phương pháp đánh giá nông thôn (PRA) và phương pháp đánh giá nông thôn có sự tham gia (PRA) sẽ được sử dụng để thu thập thông tin cho nghiên cứu. Các phương pháp này giúp thu thập được các thông tin và phân tích của chính người dân địa phương, nên thông tin có thể được sử dụng cho nhiều nhu cầu của địa phương như sự ủng hộ về quyền sử dụng tài nguyên rừng, các giải pháp quản lí và bảo tồn.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu quản lý đa dạng sinh học tại dải núi đá vôi phía tây nam tỉnh hòa bình (Trang 40 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(155 trang)
w