9. CẤU TRÚC CỦA LUẬN ÁN
1.2. MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN NGHIÊN CỨU THÁI ĐỘ KỲ THỊ CỦA
ĐỒNG DÂN CƯ ĐỐI VỚI NGƯỜI NHIỄM HIV/AIDS
1.2.1. Những vấn đề lý luận cơ bản về thái độ
1.2.1.1. Khái niệm thái độ
Có thể nói “thái độ” là một hiện tượng tâm lý tương đối phức tạp. Từ năm 1935, Allport, G.W, trong tác phẩm “A Handbook of Social Psychology”, đã tổng kết được 17
định nghĩa khác nhau về thái độ. Với những cách tiếp cận khác nhau, các nhà nghiên cứu lại đưa ra những định nghĩa khác nhau về thái độ và đến nay việc xác định khái niệm này vẫn chưa có sự thống nhất hoàn toàn.
Hiebsch, H. và Vorwerg, M. trong cuốn “Nhập môn tâm lý học xã hội Mác xít” đề cập đến điểm xuất phát chung khi nghiên cứu thái độ. Đó là chức năng của thái độ trong hoạt động hợp tác, hay nói cụ thể hơn, khi nghiên cứu thái độ không chỉ chú ý đến mặt cá nhân mà còn phải chú ý đến cả khía cạnh xã hội. Theo hai giáo sư, “Thái độ là sự sẵn sàng phản ứng, bị qui định và có tính chất bắt buộc nào đó, nảy sinh trong những nhóm nhất định và trong những tình huống cụ thể. Về mức độ cũng như nội dung, sự sẵn sàng này phụ thuộc không những vào khách thể hữu quan mà trước hết - là một hiện tượng tâm lý xã hội – là một khuynh hướng của cá nhân phụ thuộc vào chuẩn mực của nhóm” [96, tr.127].
Miasixev nghiên cứu thái độ trên cơ sở các quan hệ xã hội. Ông cho rằng: “Thái độ, dưới dạng chung nhất, là hệ thống trọn vẹn các mối liên hệ cá nhân, có chọn lọc, có ý thức của nhân cách với các khía cạnh khác nhau của hiện thực khách quan. Hệ thống này xuất phát từ toàn bộ lịch sử phát triển của con người, nó thể hiện kinh nghiệm cá
nhân và qui định hành động và các thể nghiệm của cá nhân từ bên trong” [dẫn theo 41].
Trong học thuyết “Tâm thế’, Uznatze, D.N. đã nhìn nhận thái độ như một bộ phận cấu thành có tính toàn vẹn của ý thức cá nhân và thừa nhận thái độ mang trong mình ý thức tự giác, tính năng động của một hiện tượng tâm lý thuộc cấp độ ý thức - điều khiển, điều chỉnh hành vi con người. Ông quan niệm tâm thế là: “sự mô phỏng trọn vẹn của chủ thể, sự sẵn sàng tri giác các sự kiện và sự xác định hoàn thiện về hướng
của hành vi” [dẫn theo 22, tr.267].
Allport, G.W đã rút ra kết luận: thái độ không phải là hành vi mà là sự chuẩn bị cho hành vi, là khuynh hướng phản ứng theo một cách nào đó đối với khách thể của thái độ (attitude object). Thuật ngữ “khách thể của thái độ” ở đây bao gồm các đồ vật, người, ý kiến, hoặc tình huống, cả số ít và số nhiều. Xem xét thái độ như trạng thái tâm lý và sự có mặt của thái độ chuẩn bị cho cá nhân đi đến một hành động nào đó, Allport, G.W đã đưa ra định nghĩa về thái độ như sau: “Thái độ là trạng thái sẵn sàng về mặt tinh thần và thần kinh được tổ chức thông qua kinh nghiệm, điều chỉnh hoặc ảnh hưởng năng động đến các phản ứng của cá nhân với tất cả các khách thể và tình huống mà nó có
mối quan hệ” [76, tr.810]. Định nghĩa này được nhiều nhà nghiên cứu thừa nhận. Mặc
dù, chưa đề cập đến yếu tố môi trường xã hội cũng như chưa đề cập đến “tính có ý thức” của thái độ nhưng định nghĩa này đã góp phần quan trọng trong việc giải thích bản chất, nguồn gốc cũng như vai trò của thái độ.
Sau này, Newcomb, T.M, nhà tâm lý học người Mỹ cho rằng: “Thái độ là thiên
hướng hành động nhận thức, tư duy, cảm nhận của chủ thể với khách thể liên quan”
[dẫn theo 30, tr.319]. Fillmore, H. (1965) cũng quan niệm thái độ là sự sẵn sàng phản ứng và định nghĩa: “Thái độ là sự sẵn sàng phản ứng tích cực hay tiêu cực với đối tượng hay các ký hiệu (biểu tượng) trong môi trường... thái độ là sự định hướng của cá nhân
đến các khía cạnh khác nhau của môi trường, và là cấu trúc có tính động cơ” [90].
Nhiều nhà tâm lý học xã hội ở Mỹ và các nước phương Tây lại đưa ra định nghĩa “thái độ” như một cách xác định giá trị của khách thể thái độ. Khi bàn về lịch sử của khái niệm “thái độ” (attitude), chúng ta không thể không nhắc tới hai nhà tâm lý học người Mỹ Thomas, W.I. và Znaniecki, F. (1918), theo hai ông: “Thái độ là định hướng chủ quan của cá nhân như là thành viên cộng đồng đối với giá trị này hay giá trị khác, làm cho cá nhân có phương pháp hành động này hay hành động khác được xã hội chấp
nhận” [dẫn theo 22, tr.279]. Với quan niệm về thái độ như vậy, các tác giả đã đồng nhất
thái độ với định hướng giá trị. Thái độ ở đây bao gồm phản ứng tích cực hay tiêu cực đối với một điều gì đó. Con người thường không có sự đánh giá trung lập về thế giới xung quanh mình, rất hiếm khi chúng ta nghe thấy một ai đó nói rằng “Tình cảm của tôi đối với con cá, con rắn, bạn bè và bánh sôcôla là như nhau”. David Myers, G. định nghĩa
“Thái độ là phản ứng mang tính chất đánh giá thiện chí hay không thiện chí về một điều
gì đó, hay một người nào đó, được thể hiện trong niềm tin, cảm xúc hoặc hành vi có chủ định” [dẫn theo 77 tr.238].
Knud S.Larsen và Lê Văn Hảo (2010) cũng đưa ra định nghĩa thái độ tương tự:
“Thái độ là một phản ứng mang tính chất đánh giá tích cực hay tiêu cực đối với một đối
tượng nào đó (người, sự vật, hiện tượng, ý tưởng…), thể hiện qua suy nghĩ, xúc cảm hay
hành vi dự định” [36].
Trong từ điển Tâm lý học do Nguyễn Khắc Viện chủ biên có đưa ra định nghĩa về thái độ như sau: “Thái độ là những phản ứng tức thì, tiếp nhận dễ dàng hay khó khăn, đồng tình hay chống đối như đã có sẵn những cơ cấu tâm lý tạo ra định hướng cho việc
ứng phó” [68, tr.356].
Theo Từ điển Tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên thì thái độ được hiểu là “Một thiên hướng tương đối ổn định để phản ứng theo một cách thức cụ thể đối với một khách thể có liên quan. Thái độ là một sản phẩm phức tạp của các quá trình học tập, lĩnh hội, trải nghiệm, cảm xúc bao gồm cả những hứng thú, ác cảm, thành kiến, mê tín, quan
điểm khoa học và tôn giáo cũng như chính trị” [12, tr.790]. Thái độ trong định nghĩa này
trọng đến khía cạnh xã hội của thái độ khi cho rằng, thái độ là một sản phẩm của quá trình học tập, lĩnh hội, trải nghiệm.
Xem xét và phân tích các khái niệm về thái độ của các tác giả đi trước, chúng tôi đồng ý với quan điểm cho rằng, nghiên cứu thái độ phải xem xét thái độ trong mối liên hệ giữa cá nhân với xã hội và phải dựa trên các thành phần cơ bản của thái độ gồm có: nhận thức, xúc cảm – tình cảm và hành vi. Thái đô ̣ bao giờ cũng được xem xét gắn với mô ̣t đối tượng hoă ̣c mô ̣t loa ̣t các đối tượng cu ̣ thể. Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng khái niệm thái độ như sau: Thái độ là sự sẵn sàng phản ứng của chủ thể (cá nhân hoặc nhóm) đối với sự vật hiện tượng và được bộc lộ thông qua các sắc thái khác nhau của nhận thức, xúc cảm và hành vi.
Thái độ có các đặc điểm như sau:
- Thái độ là cơ cấu tâm lý qui định trạng thái sẵn sàng phản ứng. Thái độ có tính bền vững tương đối, có thể thay đổi khi có những tác động thích hợp. Trong tâm lý học, thái độ đóng vai trò hàng đầu trong việc ra quyết định. Nhờ trạng thái sẵn sàng của thái độ mà con người có thể đưa ra quyết định một cách nhanh chóng.
- Thái độ được hình thành trên cơ sở kinh nghiệm của chủ thể với đối tượng, trên thực tế bất cứ điều gì cũng có thể trở thành đối tượng của thái độ. Thái độ phản ánh các sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan một cách có chọn lọc, đồng thời là hình thức tác động trở lại của con người đối với hiện thực khách quan.
- Thái độ có tính phân cực, bất kỳ một thái độ với đối tượng nào cũng được biểu hiện bằng các khuynh hướng đồng tình hay phản đối, tích cực hay tiêu cực.
- Thái độ có các mức độ biểu hiện khác nhau, cùng một khuynh hướng thái độ nhưng mức độ biểu hiện có thể là không giống nhau.
Như vậy, trong những tình huống, hoàn cảnh, điều kiện cụ thể thì thái độ tồn tại như một trạng thái tâm thế chủ quan, chi phối sự quyết định phản ứng của cá nhân đối với đối tượng được biểu hiện ở nhận thức, xúc cảm và hành vi của cá nhân hoặc nhóm.
1.2.1.2. Biểu hiện của thái độ
Với định nghĩa thái độ như đã nêu ở trên, chúng tôi xem xét thái độ theo ba cấu thành biểu hiện của thái độ là nhận thức, xúc cảm và hành vi, cụ thể như sau:
- Nhận thức: thể hiện qua các quan niệm, đánh giá, niềm tin của cá nhân về đối
tượng của thái độ. Quá trình nhận thức đối tượng cũng chính là quá trình cá nhân tìm tòi, khám phá đối tượng để từ đó cá nhân có một thái độ nhất định với đối tượng. Chính vì lẽ đó, nhận thức là một thành phần không thể thiếu của thái độ, nhận thức là điều kiện để hình thành nên xúc cảm và hành vi của chủ thể thái độ.
- Xúc cảm: bao gồm các xúc cảm của cá nhân đối với đối tượng. Nó thể hiện ở sự rung động, quan tâm, chú ý, hứng thú, say mê, sợ hãi, yêu hay ghét, vui hay buồn, bình tĩnh hay giận dữ,… của cá nhân trước đối tượng nhất định. Trong các thành phần cấu trúc của thái độ, xúc cảm là thành phần vô cùng quan trọng, kích thích chủ thể hành động và đánh giá hành động của mình. Xúc cảm tích cực có thể hình thành nên một thái độ tích cực và ngược lại.
- Hành vi: hành vi là hành động hay sự thể hiện hành động ứng xử của cá nhân
với đối tượng. Hành vi chính là hình thức thể hiện ra bên ngoài, có thể quan sát được của thái độ, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hành vi và thái độ lại không thống nhất, mâu thuẫn với nhau. Mối quan hệ giữa thái độ và hành vi là mối quan hệ giữa cái tiềm ẩn và cái biểu hiện
1.2.2. Những vấn đề lý luận cơ bản về thái độ kỳ thị
1.2.2.1. Khái niệm thái độ kỳ thị
Xuất phát điểm cho định nghĩa khái niệm kỳ thị là nghiên cứu của Erving Goffman (1963) về sự kỳ thị liên quan đến bệnh tâm thần, sự dị dạng của cơ thể và những gì được xem là các hành vi lệch chuẩn. Goffman mô tả kỳ thị như là “một thuộc tính hết sức cá nhân” và dẫn tới việc loại bỏ một người hoặc một nhóm người ra khỏi cộng đồng và những người bình thường, coi họ là một người hoặc một nhóm người vô dụng và “phế phẩm” [dẫn theo 104]. Tiếp tục mở rộng các kết quả nghiên cứu của Goffman, Link và Phelan (2001) mô tả kỳ thị như là một quá trình gồm có 3 bước riêng biệt: (1) Phân loại những người “phế phẩm” ra khỏi những người “bình thường” bằng cách phân biệt và gán nhãn; (2) Liên hệ những sự khác biệt đó với những thuộc tính xấu; (3) Tách “chúng ta” ra khỏi “chúng nó”. Parker và Aggleton (2003) cho rằng, những người bị kỳ thị thường chấp nhận các chuẩn mực và giá trị (phản ánh các mối quan hệ về quyền lực và kiểm soát) mà gán cho họ những sự khác biệt xấu. Kết quả là các cá nhân hoặc các nhóm bị kỳ thị có thể thừa nhận rằng họ “xứng đáng” bị đối xử một cách tồi tệ và bất công, khiến cho việc chống lại sự kỳ thị và phân biệt đối xử thậm chí còn khó hơn nữa. Tự kỳ thị được biểu hiện theo nhiều cách, bao gồm cả tự thù ghét bản thân, tự cô lập và xấu hổ [107, tr.13–24].
Knud S. Larsen và Lê Văn Hảo (2010) cho rằng: “kỳ thị bắt nguồn từ một giả định thường gặp là lấy sắc tộc của mình làm trung tâm, theo đó các nhóm nội (mà mình
là thành viên) được cho là tốt hơn các nhóm ngoại” [36, tr.260].
Trong tài liệu Hướng dẫn công tác thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm xóa bỏ KT và PBĐX liên quan đến HIV/AIDS của Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương (2007)
có đưa ra khái niệm kỳ thị như sau: “Kỳ thị là quá trình hình thành thái độ không chấp nhận và áp đặt cái nhìn tiêu cực đối với một cá nhân/nhóm trên cơ sở sự khác biệt về một phẩm chất hay đặc điểm nào đó của cá nhân hay nhóm đó. Kỳ thị làm mất thể diện của cá nhân trong mắt những người khác. Có nghĩa là do một phẩm chất hay đặc điểm
nào đó của mình, một người sẽ bị những người xung quanh nhìn với thái độ tiêu cực”[2].
Theo Quĩ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), kỳ thị là thái độ coi thường, làm mất thể diện hay không tôn trọng một cá nhân hoặc một nhóm người nào đó vì cho là những
người này có những khác biệt với các chuẩn mực thông thường của xã hội[dẫn theo 2].
Theo nguồn dữ liệu mở Wikipedia, thì kỳ thị là những thái độ, phản ứng tiêu cực, không chấp nhận của xã hội đối với tính cách hoặc niềm tin của một người hay nhóm người vì bị cho là đi ngược lại những quan điểm, đạo đức truyền thống được đề cao trong nền văn hóa chiếm ưu thế. Kỳ thị trong xã hội thường dẫn đến phân biệt đối xử - có nghĩa là những ai tỏ ra khác biệt với những lối ứng xử chính thống sẽ bị “tẩy chay”. Một số ví dụ về sự kỳ thị xã hội bao gồm các TĐKT đối với người khuyết tật hoặc tâm thần và các rối loạn khác, con không giá thú, người đồng tính hoặc người không quốc tịch, không tôn giáo hay không thuộc dân tộc chính thống.
Trong từ điển tâm lý học do Vũ Dũng chủ biên (2008), kỳ thị được xem như
“những khác biệt giữa nhóm mình với nhóm khác. Nhiều khi quá trình này mang sắc
thái đánh giá – sắc thái vốn có của tri giác liên nhóm. Trong những điều kiện nhất định, sự khác biệt giữa các nhóm có thể được nhấn mạnh và được cường điệu hóa một cách cố ý. Kết quả phổ biến nhất của kỳ thị giữa các nhóm là khuynh hướng xác lập những khác biệt được đánh giá là tích cực cho nhóm của mình (ái mộ bên trong), mặc dù cũng có khuynh hướng ngược lại – thiết lập những khác biệt được đánh giá là tích cực cho nhóm khác. Khuynh hướng thứ nhất thường dẫn đến sự căng thẳng và lòng thù địch trong quan hệ liên nhóm. Khuynh hướng thứ hai – làm yếu mối liên hệ bên trong nhóm
và làm giảm các giá trị của nhóm, làm giảm tính ổn định và sự liên kết của nhóm” [12].
Xem xét các định nghĩa về kỳ thị của các tác giả đi trước, chúng tôi nhận thấy khái niệm kỳ thị được hiểu theo nghĩa chung là sự phân biệt giữa sự vật, hiện tượng này với sự vật hiện tượng khác, nhưng “sự phân biệt” ở đây thường mang nghĩa tiêu cực, nhất là khi nói về sự phân biệt giới tính, phân biệt người khuyết tật, phân biệt giai cấp, hoặc phân biệt chủng tộc. Sự kỳ thị có từ hai phía, kỳ thị từ bên ngoài chủ thể và kỳ thị từ chính bên trong chủ thể mà Parker và Aggleton (2003) gọi là sự tự kỳ thị.
Kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có, từ quan điểm của tâm lý học, chúng tôi cho rằng: Thái độ kỳ thị là sự sẵn sàng phản ứng của chủ thể đối với sự vật, hiện tượng theo khuynh hướng không chấp nhận về một hay nhiều đặc điểm khác biệt của sự
vật, hiện tượng được bộc lộ qua nhận thức có tính áp đặt với những xúc cảm tiêu cực